Gần một thập kỷ... mơ “Kiều”

Biên đạo múa Tuyết Minh như reo vui qua điện thoại: Ballet “Kiều” 10 ngày trước buổi công diễn đầu tiên (20-6) tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh “cháy vé”, hai đêm diễn 23 và 24-7 đã được Hội Hữu nghị Việt-Mỹ đặt diễn; buổi biểu diễn tối 14-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng đang dần tới những chiếc vé cuối cùng. Vậy là giấc mơ “Kiều” của Tuyết Minh đã trở thành hiện thực! “Với giới nghệ thuật, “Kiều” như một đỉnh núi. Khán giả càng nằm lòng và trông chờ câu chuyện, áp lực khi làm “Kiều” càng lớn. Nhưng tôi thích áp lực đó. Chúng tôi đang ở thời điểm chín muồi để thỏa sức sáng tạo”, biên đạo múa Tuyết Minh nói.

Tuyết Minh được biết đến với khá nhiều những tác phẩm nghệ thuật múa từ những năm 2003, 2004 với ballet “Carmen”, “Don Quixote”… Nhưng như lời của nghệ sĩ, khi làm nhiều những vở diễn cổ điển của nước ngoài, chị càng có mong muốn được đưa những câu chuyện lịch sử, văn hóa của Việt Nam, sáng tạo các vở diễn mang bản sắc Việt trên nền nghệ thuật múa ballet phương Tây.

leftcenterrightdel
Hình ảnh trong vở ballet Kiều. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Ballet “Kiều” là kỳ vọng mà cả Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đều mong muốn được dàn dựng và công diễn. Hơn 10 năm trước, từng có dự án ballet “Kiều” được ấp ủ thực hiện, nhưng khi ra mắt, vì nhiều lý do nên tác phẩm được dựng ở hình thức thanh xướng kịch. Cho đến khi Tuyết Minh thực hiện vở múa đương đại “Con tạo xoay”, được giới chuyên môn đánh giá cao và sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, từ vở diễn, Tuyết Minh tiếp cận được với tư tưởng của Phật giáo, đã thay đổi nhân sinh quan của chị trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó Tuyết Minh quyết tâm lý giải “Truyện Kiều” bằng ngôn ngữ ballet.

Năm 2017, Tuyết Minh hoàn thành kịch bản, năm 2018 nhận được đặt hàng sáng tác của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và trong năm 2019 ê-kíp nghệ sĩ đã âm thầm tập hợp và tiến hành chu đáo mọi công tác tổ chức thực hiện để chuẩn bị cho sự ra đời của ballet “Kiều” trên sân khấu.

Để chuyển thể một tác phẩm văn học nằm lòng của người Việt sang múa ballet là điều rất khó. Thách thức với ê-kíp là làm sao mang đến những hình ảnh mới, cảm xúc mới cho một câu chuyện cách đây đã 252 năm. Không tham lam đưa hết 15 năm lưu lạc của Kiều lên sân khấu, biên đạo Tuyết Minh và Phúc Hùng chọn cô đọng tác phẩm qua 15 cảnh, 3 hồi, thông qua ngôn ngữ hình thể để mang đến một cảm nhận khác về tư tưởng “Đạo và Đời” của “Truyện Kiều”. Đó là sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung và cũng là tiếng lòng của chính Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.

Đông - Tây hòa quyện trong ballet “made in Việt Nam”

Với 15 lớp cảnh, điểm đặc biệt thu hút của ballet “Kiều” được ê-kíp sáng tạo kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologame (kỹ thuật trình chiếu 3D), khi cảnh múa ballet dưới nước ghi hình hai nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền thể hiện, kết hợp kỹ thuật nền tảng của

ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo và vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải linh hồn cho toàn bộ vở Kiều. Âm nhạc được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc… Nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng, còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển. Trang phục được Hoàng Tùng và Khánh Diệp biến tấu từ áo tứ thân, áo the của người Việt… tôn lên đường nét cơ thể cho vũ công ballet.

Yếu tố then chốt và cũng là thế mạnh tiên quyết để ê-kíp sáng tạo rất yên tâm khi dựng ballet “Kiều”, đó là một dàn diễn viên hùng hậu, đang ở phong độ cao về kỹ thuật, kỹ xảo và dạn dày kinh nghiệm sân khấu của đoàn múa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh. Vai Thúy Kiều do nghệ sĩ Trần Hoàng Yến đảm trách, vai Kim Trọng do nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận, vai Từ Hải do nghệ sĩ Hồ Phi Điệp đảm nhiệm; trong đó, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng thể hiện hai vai khác biệt là người kể chuyện-Nguyễn Du và Tú Bà... Đây đều là những nghệ sĩ có chuyên môn nghề vững vàng.

Nhiều chuyên gia từng e dè, “Truyện Kiều” là kiệt tác quá đồ sộ về thi ca, ngôn từ, nhưng kịch nói, múa rối… đã đưa “Truyện Kiều” lên sân khấu nên Tuyết Minh tự tin ballet “Kiều” sẽ không làm khán giả thất vọng. Các hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, sư Giác Duyên… hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du với hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục để mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại. “Đối với biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, tức là không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn. Bài toán chúng tôi đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể hội nhập tốt hai nền văn hóa Đông-Tây qua vở diễn mà vẫn bảo đảm sự mượt mà, không khiên cưỡng. Vì thế diễn viên trước hết phải thể hiện kỹ thuật, kỹ xảo đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet, và kế đó phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần, bản sắc văn hóa của người Việt và mang những thứ ấy truyền tải đến khán giả”, Tuyết Minh chia sẻ thêm.

NSND Ứng Duy Thịnh, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, nhận xét: Ê-kíp thực hiện vở múa ballet “Kiều” đã làm nên vở diễn mang bản sắc Việt, là sáng tạo của người Việt dựa trên những quy chuẩn của loại hình nghệ thuật ballet danh tiếng trên thế giới. Ballet “Kiều” ra đời vì những người thực hiện có chung tình yêu với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam, thậm chí là yêu cách nghĩ, cách cảm mộc mạc của người Việt nên “Kiều” phiên bản múa ballet giản dị, mộc mạc nhưng chất chứa nhiều xúc cảm. Các yếu tố vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hình ảnh sân khấu, đặc biệt cách xử lý về thủ pháp lớp lang khá hợp lý, tạo được hiệu quả cảm xúc về vẻ đẹp của Kiều-vẻ đẹp không thể hiện ở nội dung câu chuyện mà qua cảm nhận nội tâm của từng nhân vật, mang cảm giác âm hưởng đương đại, phù hợp tâm lý thưởng thức của khán giả.

Nghệ sĩ Tuyết Minh cho rằng: “Để làm cho khán giả yêu nghệ thuật, trước tiên họ phải hiểu, vì vậy phong cách sáng tác của tôi và ê-kíp đồng sáng tạo khi làm vở diễn là làm sao thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị, dễ cảm nhất”. Khi làm “Kiều”, các nghệ sĩ bắt được cái tứ của Đại thi hào Nguyễn Du, đó là sự trở về, trở về với “Chân Tâm” trong mỗi chúng ta. Thuận theo tự nhiên là con đường tìm đến hạnh phúc giản đơn trong hành trình trăm năm một cõi đi về mà không phải ai cũng sớm may mắn tìm được. Chính sự giản dị, mộc mạc ấy là nét riêng của ballet Việt Nam so với ballet kinh điển của thế giới. Nghệ sĩ Tuyết Minh tin rằng, ở ballet “Kiều”, khán giả sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ những đường nét cơ thể, phong cách múa, trang phục mang đậm văn hóa Kinh Bắc, thanh âm của lẩy Kiều, ca trù, hát xẩm được phối khí với dàn nhạc giao hưởng, song tấu giữa cello và đàn nhị… đến cách tư duy và chiều sâu tâm hồn văn hóa Á Đông. Hơn hết, với nhiều bản dịch “Truyện Kiều” đang được phát hành trên thế giới sẽ góp phần làm cầu nối giới thiệu ballet “Kiều” của Việt Nam đến được với thế giới, làm lan tỏa sức sống tác phẩm nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung.

Ballet “Kiều” mở màn bằng hình ảnh giàu ngụ ý: Con thuyền chênh vênh trên sông trong một đêm mưa bão. Chi tiết ở cuối truyện-Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường và gặp linh hồn kỹ nữ Đạm Tiên, được đưa lên đầu tác phẩm. Bằng cách đó, câu chuyện về nàng Kiều dần mở ra với giọng ngâm thơ ai oán: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao...”.
Nàng Kiều-NSƯT Trần Hoàng Yến cho biết: “Tôi và các nghệ sĩ tham gia đều có sự phấn khích, niềm vui khi được tham gia vở diễn. Diễn viên múa chúng tôi, nhất là diễn viên múa ballet rất hiếm cơ hội để có những vở diễn mang tính nghệ thuật cao như vậy. Vào vai Kiều diễn xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn là một thử thách lớn, nhưng được thử thách mình như vậy cũng rất thú vị. Tôi hy vọng qua các buổi diễn sẽ nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả về một vở ballet đậm sắc màu văn hóa của người Việt.

LÊ THÚY HÀ