QĐND - Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thành lập đến nay đã tròn 10 năm. Tính đến đầu tháng 12-2014, VLCC đã ký ủy thác đại diện cho 984 tác giả (văn xuôi và thơ) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thông qua hoạt động cấp phép, thu tiền sử dụng tác phẩm và xử lý các vi phạm về quyền tác giả…

Cuộc tọa đàm về quyền tác giả văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuối tháng 12-2014.

Tuy nhiên, nằm trong tình trạng chung của vấn nạn vi phạm bản quyền ở hầu hết các lĩnh vực hiện nay, việc bảo vệ quyền tác giả văn học hiện tại cũng vô cùng gian nan, bất cập. Xin đơn cử một vụ việc “nóng” về vi phạm bản quyền đang được dư luận quan tâm theo dõi: Sau khi các nhà văn và dư luận xã hội lên tiếng về việc lâu nay, Nhà xuất  bản (NXB) Giáo dục “vô tư” tuyển chọn tác phẩm của các nhà văn để in sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo (để bán cho học sinh) mà chưa hề trả cho các tác giả một đồng nhuận bút nào, từ đầu tháng 4-2014, VLCC và NXB Giáo dục đã có nhiều buổi làm việc với sự tham gia của một số cơ quan chức năng. Nhưng đến nay, hai bên chưa đi đến thống nhất về cách tính mức nhuận bút của các tác phẩm văn học được NXB Giáo dục sử dụng. Cứ theo như cách tính của NXB Giáo dục, thì một tác phẩm (văn hoặc thơ) được in trong sách giáo khoa phổ thông và được sử dụng trong 10 năm gần đây, thì mức nhuận bút mỗi bài nhân với số tiết học trong 10 năm cộng lại, cao nhất cũng chỉ dăm trăm ngàn đồng, bình quân khoảng 300.000 đồng mỗi bài. Tất nhiên VLCC không đồng ý với cách tính này và cho rằng tính như vậy là xúc phạm các nhà văn (!).

Nhà nghiên cứu Cao Đắc Điềm dẫn chứng một tác phẩm của Ngô Tất Tố vi phạm bản quyền xuất bản, biên tập tùy tiện và nhiều sai sót kỹ thuật. Ảnh: Lộc Hà

Hiện tượng tác phẩm của các nhà văn (thường là đã mất) bị một số doanh nghiệp văn hóa liên kết với một số NXB để tái bản tùy tiện đã là một sự vi phạm cần được xử lý theo pháp luật. Tai hại hơn nữa là những tác phẩm ấy còn bị cắt xén, thêm bớt tùy tiện và đầy rẫy các lỗi chính tả, ngữ pháp, học thuật. “Tiêu biểu” nhất là mới đây, cuốn “Hoàng Lê nhất thống chí” nổi tiếng của Ngô Gia Văn Phái, do GS Kiều Thu Hoạch dịch và phổ biến lâu nay, vừa bị một NXB lớn tự ý tái bản mà không xin phép dịch giả; tệ hại hơn lại còn in tên tác giả thành “Ngô Gia Văn Thái” (?). Một trường hợp tương tự nữa: Cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân nổi tiếng trên văn đàn hơn nửa thế kỷ qua, cũng vừa bị một NXB tự ý tái bản và in tên tác giả thành… “Hoài Trân” ngay trên bìa sách (!).

Một số vụ việc nghiêm trọng vừa qua đã bị phạt tiền, thậm chí tạm thời đình chỉ hoạt động của NXB. Nhưng những vụ vi phạm “thông thường” thì vẫn đầy rẫy và gây bất bình từ nhiều phía. Chẳng hạn như việc “tái bản” bộ sách Việc làng và Lều chõng của cố nhà văn Ngô Tất Tố trong năm 2014 vừa qua, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam không hề xin phép những người có quyền lợi hợp pháp đối với hai tác phẩm này, thế mà lại in ngay trên bìa sách là: “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ" và cảnh báo: "Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của nhà xuất bản là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của NXB và tác giả". Và theo nhà nghiên cứu Cao Đắc Điềm, chỉ riêng việc đầy rẫy những lỗi chính tả, ngữ pháp trong hai ấn phẩm vừa “tái bản” trên đây, NXB Hội Nhà văn là đơn vị liên kết đã đáng bị phạt thật nặng.

Tại cuộc hội thảo về quyền tác giả văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuối tháng 12-2014 vừa qua, Giáo sư Phong Lê dẫn chứng ngay chính trường hợp của mình: Nhiều bài nghiên cứu, tiểu luận của ông được chọn in trong một số tuyển tập về tác giả, nhân có kỷ niệm chẵn năm sinh hoặc năm mất, hoặc các tuyển cho giáo khoa, hoặc sách tham khảo dùng ở nhà trường… nhưng ông chỉ được biết qua thông tin bởi các bạn thân hoặc học trò, mà không hề có lời yêu cầu của người làm sách và nơi in. Sau khi sách được phát hành khá lâu, ông vẫn không hề nhận được sách biếu và nhuận bút. Những “sơ suất” ấy ông có thể cho qua, nhưng ông bất bình nhất là sự in ấn cẩu thả, làm sai lạc nguyên bản, bạn đọc đọc vào sẽ nghĩ sai, hoặc nghĩ xấu về mình, cho mình là người viết văn cẩu thả…

Để hạn chế tiến tới ngăn chặn tình trạng “đạo văn” một cách trắng trợn và biên tập, in ấn cẩu thả, gây tổn hại quyền lợi vật chất và tinh thần của các tác giả văn học, nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại “số hóa” hiện nay, những người có quyền lợi hợp pháp đối với tác phẩm khoa học và các nhà quản lý cần đẩy mạnh "số hóa" các tác phẩm văn học nhằm bảo tồn lâu dài "nguyên gốc" một cách khoa học, có hệ thống toàn bộ các tác phẩm kinh điển của những tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học của nước nhà. Đây sẽ là khâu đột phá, góp phần rất tích cực lập lại trật tự mới trong hoạt động xuất bản, từng bước đưa hoạt động quản lý, khai thác di sản văn chương của dân tộc vào nề nếp. Cùng với biện pháp kỹ thuật trên đây, cơ quan chức năng cần “mạnh tay” với những vi phạm như những động thái gần đây của Bộ Thông tin-Truyền thông đang được dư luận hết sức đồng tình, để dần dần có được một nền xuất bản, báo chí lành mạnh, góp vào việc chấn hưng giáo dục và trong sạch hóa đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.

HỒ ĐẢN