QĐND - Âm nhạc dân tộc Chăm là một di sản văn hóa đặc sắc ở Nam Trung Bộ nước ta. Trong những năm gần đây, ngành văn hóa các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã sưu tầm được hàng chục làn điệu dân ca, dân nhạc Chăm; tiến hành ghi âm, ghi hình nhiều lễ hội có sinh hoạt âm nhạc như lễ hội Katê,  lễ hội Rija; xuất bản các ấn phẩm về đề tài dân ca dân nhạc và nhạc khí truyền thống Chăm. Một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên đã đoạt các giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về đề tài lễ hội và các nhạc khí truyền thống Chăm…

Một điệu múa Chăm trong lễ hội Ka-tê ở Ninh Thuận. Ảnh: Văn Hiến

Tuy vậy, công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm ở đây vẫn còn có những hạn chế nhất định. Sinh hoạt âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm hiện nay vẫn còn lưu giữ được là nhờ các nghệ nhân. Nhưng số nghệ nhân kỳ cựu đang thưa thớt dần, họ lần lượt ra đi trong khi chúng ta chưa kịp sưu tầm được hết vốn liếng quý báu còn tiềm ẩn trong mỗi người. Chẳng hạn nhà nghiên cứu văn hóa Chăm là Thiên Sanh Cảnh khi qua đời thì những tư liệu ông sưu tầm được cũng bị thất lạc nhiều. Hoặc như nghệ nhân Quảng Đại Cường, người đã từng truyền dạy lại nhiều làn điệu dân ca cho lớp trẻ cũng đã mất. Gần đây là nghệ nhân Thạch Tìm, nghệ nhân đầu đàn về trống Ginăng đã tạ thế...

Bên cạnh đó việc tiến hành nghiên cứu sưu tầm chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn riêng lẻ ở từng cá nhân và có tính tự phát. Hơn nữa việc lưu giữ, bảo quản kết quả nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức nên dần dần bị thất lạc và hư hỏng nhiều. Hiện nay chỉ có Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa Thông tin và một vài cá nhân còn lưu giữ được một số bài dân ca, dân nhạc Chăm, song số bài được ký âm lại quá ít so với thực tế.

Xã hội Chăm đang có những thay đổi cơ bản hòa theo tiến trình phát triển của đất nước. Nền tảng của những sinh hoạt nghi lễ và lễ hội truyền thống đang bị chi phối bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Không gian xưa cũng ít nhiều bị đô thị hóa, tạo cho người dân tại các làng Chăm tư tưởng hướng ngoại theo cơn lốc thị trường. Đặc biệt, sự phá vỡ không gian cổ truyền đang làm mất dần những phương thức ứng xử truyền thống của người Chăm với môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lo ngại về việc người Chăm sẽ dần dần đánh mất bản sắc độc đáo của riêng mình, là điều có thật.

Vì thế, các địa phương có người Chăm sinh sống nên có hướng tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các cán bộ hoạt động chuyên môn, tiến hành công việc nghiên cứu, hợp tác tích cực để hoạch định chương trình bảo tồn và phát huy chung mang tính tổng thể. Chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu VHNT nên đầu tư thích đáng và khuyến khích việc sưu tầm - nghiên cứu vốn âm nhạc dân gian Chăm, thực hiện việc ghi âm và ký âm các bài bản âm nhạc của các lễ hội và sắp xếp theo một hệ thống hoàn chỉnh để phổ biến rộng rãi đồng thời cũng nên dành thời lượng để giới thiệu những bài ca, khúc nhạc Chăm trên làn sóng Đài phát thanh, Truyền hình Trung ương và địa phương. Đồng thời, nên tổ chức những cuộc liên hoan, hội diễn về âm nhạc truyền thống Chăm dành cho các tỉnh có người Chăm sinh sống và tổ chức các hội thảo khoa học về âm nhạc Chăm trong các dịp lễ hội. Đây cũng là dịp tạo điều kiện để các địa phương có thể sưu tầm, biểu diễn vốn quý dân ca, dân nhạc của vùng đất mình sống và từ đó bảo lưu tốt hơn âm nhạc truyền thống dân tộc Chăm.

Việc đưa các hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian Chăm nói chung và âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm nói riêng trở về không gian xưa cũ của tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam) trong những năm gần đây đã được sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa trong cả nước. Tuy nhiên, việc giới thiệu trích đoạn (các lễ thức) trong một số nghi lễ, lễ hội Chăm trên sân khấu có sự tham gia của dàn nhạc truyền thống Chăm, đã gây phản cảm cho người xem, vì như thế là tách sinh hoạt âm nhạc nghi lễ ra khỏi khung cảnh thật của nghi lễ, phá vỡ tính nguyên hợp và tính thiêng liêng cố hữu của nó từ xưa tới nay. Thiết nghĩ, nếu muốn phát huy giá trị của âm nhạc nghi lễ Chăm, thì có lẽ một trong những việc cần làm là sau khi ghi âm, ghi hình các sinh hoạt âm nhạc trong nghi lễ, chúng ta nên giới thiệu hoặc phát hành băng đĩa rộng rãi trong công chúng thay vì biểu diễn trên sân khấu. Đó là những việc làm cần thiết bởi vì âm nhạc nghi lễ Chăm Nam Trung Bộ chỉ có thể tồn tại và phát triển trong một chỉnh thể nguyên hợp của văn hóa dân gian Chăm cũng như trong một môi trường sinh hoạt nghi lễ sinh động và độc đáo.

VĂN BÍCH