QĐND - Tuồng và chèo là những thể loại kịch hát tiêu biểu, đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuồng cổ và chèo cổ thường khai thác các đề tài lịch sử, huyền sử, dã sử… Nội dung các vở tuồng và chèo cổ thường sử dụng nhiều điển tích, điển cố, truyện nôm khuyết danh, cổ tích dân gian… Nhiều chục năm gần đây, việc đưa các đề tài hiện đại vào tuồng và chèo đã gặt hái những thành công đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít những ý kiến trái chiều; chung quy bởi hoặc là quá câu nệ cái bất biến, hoặc là đề cao thái quá cái khả biến của nghệ thuật truyền thống.

Từ nhiều năm nay, các đợt hội diễn sân khấu toàn quốc, chúng ta thấy bên cạnh nhiều cái được về cách tân cái bất biến của nghệ thuật truyền thống và bổ sung những giá trị khả biến trong nghệ thuật tuồng, chèo thì thực trạng khủng hoảng vẫn diễn ra ở hai khâu: Kịch bản văn học về đề tài hiện đại và sự thờ ơ của người xem, nhất là ở sân khấu tuồng. Để góp phần tháo gỡ những lực cản trên đường sáng tạo, chúng tôi mạnh dạn đề xuất hai ý tưởng cách tân:

Tuồng hiện đại chỉ nên thể nghiệm

Thế mạnh của tuồng là đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại (kể cả lịch sử nước ngoài). Tuồng là nghệ thuật bác học, với chiều rộng tri thức, điển tích, điển cố... Người viết tuồng không chỉ thuộc Bắc sử, Quốc sử, có năng khiếu thơ, phú, từ… mà còn cần trí tuệ và cảm xúc, lý trí và tình cảm. Đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại là sở trường của tuồng, là đắc dụng của kịch bản tuồng. Đó là cái bất biến của tuồng truyền thống. Ở đây, người xem chứng kiến những vấn đề kinh bang tế thế của thời đại, những vấn đề đạo đức, nhân tình thế thái được sự hỗ trợ của “sức đẩy hình thức” như nhạc tuồng, tiếng trống chầu, bộ múa tuồng (nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế…); cách nói tuồng như: Nói lối, hường, tán… Cách hát thì có hát nam như: Nam xuân, nam bình... Để diễn tả cảnh chia ly, kịch bản có hát nam thương, nam ai; hát tẩu mã thường dành cho những cảnh hoành tráng, tiết tấu nhanh, văn chương trau chuốt, điển cố mẫu mực v.v.. Xem các vở tuồng hiện đại trong mấy thập niên gần đây, tôi thấy kịch bản tuồng còn khô khan, chất văn chương còn yếu, đề tài sa vào đời sống sinh hoạt, cách diễn xuất đơn điệu, đài từ khó nghe vì lạm dụng cách phát âm ngôn ngữ địa phương. Chính vì vậy, ta không nên đổ lỗi cho sự thờ ơ của lớp khán giả trẻ.

Một cảnh trong vở chèo “Đêm trắng” của Nhà hát Chèo Quân đội.

Công bằng mà nói, trong quá trình cách tân tuồng, các nhà hát tuồng ở Trung ương và một số địa phương đã có những vở tuồng “đứng được” trong lòng khán giả chính là nhờ kịch bản hay. Những vở diễn: Tiếng gọi non sông, Hồ Quý Ly, Thanh gươm bát bội, Tình mẹ, Hoàng hôn đen v.v.. là những ví dụ, nhưng chưa nhiều. Chưa nhiều và chưa hay không phải hoàn toàn là do lỗi của người viết kịch bản, mà chính là do quan niệm chưa chuẩn xác về thể loại nghệ thuật này, khi lựa chọn đề tài hiện đại, như: Đề tài sinh hoạt, đề tài chiến đấu, đề tài đạo đức thuần túy trong gia đình v.v.. Ở đó khó tìm được “chất tuồng” để kết dính giữa nội dung và hình thức, đề tài và bố cục, ngôn ngữ và kỹ xảo. Ngày trước người ta gọi các tác giả tuồng là “thầy tuồng”, bởi lẽ họ là những nhà nho uyên thâm, giàu tri thức Hán-Nôm, sành tiếng Việt, tinh thông lịch sử dân tộc, vận dụng khéo léo các mảng, miếng trong xây dựng bố cục, chương hồi… của một pho tuồng.

Ngoài ra, tuồng có tính hướng ngoại-đây là cái khả biến-nên người xưa mới sáng tạo ra những vở tuồng đồ, tuồng hài. Tính nhân dân, tính nhân văn, bài học đạo lý làm người, tiếng cười chế giễu bọn tham quan, ô lại… được thi pháp của những “thầy tuồng” yêu nước, thương dân-vốn là những nhà nho được đào tạo tại các thiết chế nghệ thuật nghiêm túc ở kinh thành Huế như: Thanh Bình Thự, Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường… sáng tạo nên. Tại các dinh thự của các quan đại thần thường diễn tuồng đồ, tuồng hài cho dân chúng vào xem. Tính nhân văn, tính đại chúng của tuồng đồ, tuồng hài cũng có thể coi là điểm tựa, sức gợi mở cho tuồng hiện đại đi vào các đề tài chính luận. Tuy nhiên, vận dụng không khéo các quy tắc của tuồng truyền thống vào tuồng đồ, tuồng hài là cả một chặng đường nhọc nhằn, nếu non tay rất dễ biến vở tuồng đồ thành vở hài kịch tầm thường.

Phát huy cái khả biến của chèo

Chèo là thể loại nghệ thuật tổng hợp. Chèo có đủ ưu thế, điều kiện để thể hiện đề tài hiện đại, đương đại. Chèo bắt nguồn từ sân khấu sân đình, không gian bốn bề để trống, người diễn vốn là người xem bước ra sân khấu; còn người xem nhiều lúc là người đồng diễn với diễn viên. Đạo cụ của chèo thường sơ sài, sân diễn với người xem đồng thanh hát điệp khúc nhắc lại đoạn cuối câu hát của diễn viên. Có khi rời khỏi chiếu chèo, người xem thuộc cả tích trò và lời hát của mỗi vai. Đề tài, chủ đề vở diễn chèo cổ thường lấy tích truyện từ trong truyện nôm khuyết danh như: Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ v.v.. nhằm đề cao đạo lý trung hiếu, nhân nghĩa. Cách bài trí, đạo cụ trang trí trên sân khấu chèo mang đậm phong cảnh làng quê Việt Nam, không chịu ảnh hưởng cách bài trí của sân khấu kinh kịch Trung Quốc. Phục trang của diễn viên cũng giản dị với đời sống thường nhật. Ra khỏi cảnh phông màn, diễn viên chỉ cần xưng tên, xưng danh phận là muốn người xem biết ngay tính cách của nhân vật. Những điệu múa chèo gắn liền với những cảnh sinh hoạt, lao động, như: Dệt vải, quay tơ, chèo đò, khâu áo… được cách điệu hóa để phản ánh phong thái, tâm hồn dân tộc. Chiếc quạt không chỉ là phương tiện của diễn xuất cho múa, mà còn nói lên tâm trạng, tình cảm của nhân vật, khi đóng lại, lúc mở ra, lúc che mặt… Dàn nhạc chèo cổ cũng rất đơn giản: Trống, sênh, thanh la, mõ…

Một cảnh trong vở tuồng cổ “Sơn Hậu” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Anh

Trong quá trình lịch sử phát triển, dàn nhạc nghệ thuật chèo được bổ sung một số nhạc cụ dân tộc, như: Đàn nguyệt, đàn bầu, kèn, nhị, sáo… Ca khúc của chèo là những làn điệu dân tộc với thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, thơ thất ngôn trong thơ Đường Việt Nam nhưng rất hạn chế. Nhạc chèo chủ yếu là nhạc gõ, kèn, nhị với chức năng hỗ trợ cho diễn xuất. Tiếng phách, tiếng mõ, tiếng trống điểm xuyết tạo nên nét dạo tự do của từng nhạc khí, góp phần tạo nên làn điệu mới.

Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở lại đây, nghệ thuật chèo còn có một số vướng mắc trong khâu kịch bản-nhất là những kịch bản về đề tài hiện đại-nhưng nói chung chèo đã vượt ra được mọi ràng buộc của cái bất biến để cách tân, sáng tạo những vở diễn hay với chiều rộng của đề tài hiện đại, cuộc sống và con người hiện đại. Từ những đề tài về Tổ quốc, về người mẹ Việt Nam… cho đến những cảnh sinh hoạt của nông thôn đổi mới, những chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa v.v.. mà vẫn được công chúng đồng cảm, đồng điệu. Những vở chèo nổi tiếng đã được các Hội diễn quốc gia đánh giá cao, được giải thưởng vào nhiều năm trước đây, như: Tình rừng, Sợi tơ vàng, Ni cô Đàm Vân, Sông Trà Khúc, Bài ca giữ nước, Những người nói thật, Câu chuyện làng Nhân, Chiến trường không tiếng súng, Những vần thơ thép v.v.. có thể coi là những mẫu mực của nghệ thuật chèo đi vào đề tài hiện đại.

Nói đến cái bất biến và cái khả biến trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào, chúng ta đều đụng đến vấn đề bảo tồn và cách tân, tức là phạm trù mở, động của bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá trình phát triển, bản sắc dân tộc được tiếp biến, phát triển theo 2 trực lịch đại và đồng đại. Nghệ thuật tuồng, chèo qua hàng nghìn năm phát triển, nhiều yếu tố không phù hợp với thời đại sẽ mất đi; nhiều yếu tố cũ mà mang âm hưởng mới thì sẽ còn lại; nhiều yếu tố mới được dung nạp, tạo nên nhiều vở diễn hay, phù hợp với tâm lý, thị hiếu, đồng cảm, đồng điệu của người xem hôm nay. Trong lịch sử nghệ thuật, đó là lẽ tự nhiên. Nghệ thuật truyền thống phải khắc phục cho được những hạn chế cố hữu, phải mạnh dạn cách tân thông minh là đòi hỏi của cái khả biến.

Phép biện chứng giữa yếu tố truyền thống và nhu cầu cách tân, giữa cái bất biến và cái khả biến là quy luật của tuồng và chèo. Cách tân và sáng tạo thông minh là đều cần có và phải có. Vấn đề còn lại cơ bản nhất của quá trình này là phông văn hóa của tác giả kịch bản, kỹ xảo điêu luyện của đạo diễn và diễn xuất tài ba của đội ngũ diễn viên. Nhưng dù cách tân đến đâu, muốn được người xem đón đợi, muốn được vươn ra và hội nhập với thế giới, tuồng và chèo vẫn có cái gốc bền vững cắm rễ sâu vào mảnh đất nghệ thuật dân tộc. Cách tân là cần thiết, nhưng chớ “gieo vừng ra ngô” như lời Bác Hồ đã căn dặn các nghệ sĩ tuồng, chèo cách nay hơn nửa thế kỷ.

GS HỒ SĨ VỊNH