1

Kết thúc chuyến thực tế sáng tác tại xứ sở sen hồng Đồng Tháp, hành trang trở về của các nhà văn ở Thành phố mang tên Bác không chỉ là những trang bản thảo tươi mới cảm xúc mà còn có những bó hoa sen. Anh chị em văn nghệ sĩ lựa chọn những búp sen tươi non, màu hồng vừa độ chúm chím bên trong lớp vỏ mang màu xanh của lá. Đó là những búp sen xanh được bàn tay khéo léo của thôn nữ Đồng Tháp Mười bó, gói thật đẹp.

Những búp sen đem về Thành phố mang tên Bác, người thì đưa về nhà, người đem đến cơ quan, công sở đặt trước tượng hoặc ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đủ nắng hoa sẽ nở. Búp sen bung nở thành những đóa sen hồng. Lòng tôn kính đối với Bác kính yêu là nguồn cảm hứng dạt dào cho những sáng tác mới, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Chẳng riêng các văn nghệ sĩ, những ngày này, phần đông du khách khi đến xứ sở sen hồng ở Đồng Tháp Mười đều không quên ghé tham quan những đầm sen đương mùa trổ bông. Sắc sen hồng rực dưới nắng vàng mang đến cảm giác phồn vinh, hưng thịnh. Những bông hoa tươi màu từ đầm sen được du khách mang đến viếng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở TP Cao Lãnh. Hồ sen trong khu di tích mang tên thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đang vào kỳ rộ bông. Hương sen tỏa lan ngào ngạt trong nắng gió vùng đồng bằng châu thổ...

Từ lâu, tour du lịch TP Hồ Chí Minh-Đồng Tháp đã được nhiều du khách lựa chọn, nhất là vào dịp hè về, mùa sen đua nở. Họ lựa chọn tour này không chỉ vì yêu sen mà còn có một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là sợi dây gắn kết các giá trị của lịch sử dân tộc. Đồng Tháp-vùng đất nổi tiếng với những đầm sen mênh mông, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Sài Gòn là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã chọn làm điểm xuất phát, rời Tổ quốc bôn ba tìm đường cứu nước vào mùa hè năm 1911. Hành trình về nguồn giữa TP Hồ Chí Minh với quê hương Đồng Tháp diễn ra sôi nổi vào mùa hè, khi học sinh các cấp đã nghỉ học, khi các đầm sen rực rỡ sắc hồng...

2

Chúng tôi mang theo bó hoa sen đến dâng Bác tại ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Địa chỉ này là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ở, trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Thật xúc động, dù đã 113 năm trôi qua, lịch sử chứng kiến nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng ngôi nhà này vẫn vẹn nguyên dáng vẻ xưa cũ với mái ngói âm dương rêu phong cổ kính và những khung cửa gỗ, bậc cầu thang bằng gỗ nhẵn bóng màu thời gian. Những hiện vật lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn đã trở thành di sản vô giá, in dấu hình bóng, lưu giữ hơi ấm linh thiêng của Người. Những búp sen Đồng Tháp-nơi thân phụ Người yên nghỉ-trong không gian đơn sơ, giản dị đã bung nở những cánh hồng, tỏa hương ngan ngát trong ngôi nhà số 5. Nhiều áng văn thơ của những đồng nghiệp chúng tôi đã bật lên từ đấy, thiêng liêng tình phụ tử, ấm áp nghĩa tri ân, rạo rực cảm xúc liên tưởng, kết nối giữa lịch sử với thực tại, giữa quá khứ với tương lai. Bên sắc sen hồng, chúng con như vẫn thấy Bác ở đó, ánh mắt hiền từ, bao dung, tiếng của Người ấm áp, như nguồn năng lượng tích cực truyền đời cho cháu con trong cuộc hành trình cùng đất nước hướng tới phồn vinh, hạnh phúc...

leftcenterrightdel

 Toàn cảnh di tích Bến Nhà Rồng. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa mang tên Người. Đây là mô hình được thành phố xác định là nguồn động lực nội sinh mạnh mẽ, trường tồn để bảo tồn bản sắc văn hóa, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố này hiện hữu từ các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... đến những cơ sở tôn giáo; từ hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử đến những khu du lịch, không gian công cộng.

Tại những nơi có dấu ấn đặc biệt như ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang ý nghĩa đặc thù, thiêng liêng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Từ ngôi nhà số 5, đi đường thủy dọc theo kênh Tàu Hủ ra sông Sài Gòn sẽ đến Bến Nhà Rồng. Đó là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (bí danh Văn Ba) rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước với thân phận người đầu bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville). Đứng từ bờ đối diện ở Công viên bến Bạch Đằng, tòa nhà Bến Nhà Rồng mang lối kiến trúc cổ có sự phối hợp tinh tế giữa kiến trúc châu Âu và châu Á với sắc đỏ-vàng chủ đạo, nổi bật, in hình trên sóng nước. Khúc sông giữa hai bến sông lịch sử này là nơi được TP Hồ Chí Minh lựa chọn làm địa điểm tổ chức lễ hội sông nước thường niên, bắt đầu từ năm 2023. Qua hai mùa đầu diễn ra lễ hội sông nước, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nơi đây trở thành điểm hẹn thu hút sự quan tâm của hàng vạn người dân, du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trên bến sông lịch sử, cùng tụ hội về đây lắng nghe dòng sông kể chuyện, ký ức năm tháng dội về theo từng đợt sóng.

Bến sông xưa, nơi Người đặt chân lên con tàu Latouche Tréville để “đi tìm hình của nước”, vẫn vẹn nguyên dòng chảy và tiếng sóng vỗ rì rào, vẫn những cữ nước lớn nước ròng và mùa hoa sen trong đầm bền bỉ tỏa sắc hương. Trên Bến Nhà Rồng hôm nay, lại nhớ những câu thơ như tiếng sóng dòng sông vỗ vào lòng ta...

... Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa...

                 (“Người đi tìm hình của nước”- Chế Lan Viên)

Thời điểm lịch sử ấy đã ngưng tụ trong không gian, trong chiều dài của dòng thời gian, trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Tình cảm và lòng biết ơn của dân ta đối với Bác đã hóa tượng đài. Bức tượng Nguyễn Tất Thành trong khuôn viên di tích lịch sử Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) tái hiện thời khắc lịch sử ngày 5-6-1911 giúp con cháu hôm nay và mai sau cảm thấu sâu sắc hơn sự vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị của Người.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là những công trình văn hóa được sắp đặt, trưng bày theo chủ đề ở các cơ quan, đơn vị mà còn là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể từ chiều sâu lịch sử, được kết nối, trao truyền qua không gian, thời gian, hình thành nên bản sắc của một đô thị sông nước đặc trưng và phong cách, lối sống của các thế hệ người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Khát vọng dân tộc hùng cường từ nguồn sức mạnh nội sinh của thành phố đầu tàu được khởi nguồn, nuôi dưỡng và phát huy bởi những giá trị căn cốt ấy. Từ thành phố này Người đã ra đi, văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh, lắng đọng của tinh hoa văn hóa dân tộc, đã và đang tiếp tục được chuyển hóa thành tư duy, nếp sống của Đảng bộ, quân và dân ở Thành phố mang tên Người...

3

Những ngày đầu hè, tôi đưa con trai đi tham quan di tích Bến Nhà Rồng. Bên sắc sen hồng linh thiêng, ấm áp, cha con tôi hòa cùng dòng người, chắp tay thành kính trước tượng Bác. Vào quầy hàng lưu niệm dành cho du khách, con tôi chọn mua quyển sách “Búp sen xanh”, tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng, viết về người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, từ thuở ấu thơ đến khi Người rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ra mắt bạn đọc từ năm 1981, qua nhiều lần tái bản, tác phẩm “Búp sen xanh” luôn là một trong những cuốn sách được bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi yêu quý, lựa chọn mỗi dịp hè về...

Hình ảnh Bác và hoa sen đã trở nên thân thuộc với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Mỗi lần có các sự kiện quan trọng, mỗi lần thành kính cúi mình trước tượng Bác hay ảnh chân dung của Người, bên sắc sen hồng, trong lòng ta lại dậy lên cảm xúc lâng lâng, xúc động, tự hào. Mỗi lần như vậy, nguồn năng lượng nội sinh trong ta lại được tiếp thêm động lực. Bác ở bên ta! Bác ở trong ta! Người mở sáng tâm hồn, trí tuệ, gắn kết muôn triệu người dân đất Việt đi theo ánh sáng của Người, hòa chung khát vọng đất nước phồn vinh, dân tộc hùng cường...

THANH KIM TÙNG