Từ sĩ đến... hão

Bệnh sĩ, đó là cách nói tắt của bệnh sĩ diện (sĩ: Người học trò, người có học thức; diện: Mặt; nghĩa đen của “sĩ diện” là “bộ mặt người có học”). Trong cách dùng hiện nay, “sĩ diện” chỉ thái độ của ai đó, cố tình làm ra vẻ mình không thua kém ai để cho người ta coi trọng, hoặc muốn che giấu sự thua kém của mình để người khác khỏi coi thường. Đây trước hết xuất phát từ quan niệm chuộng hình thức, những cái không phải là giá trị thực chất. Quen rái dạ, lạ rái áo (khi quen biết nhau rồi thì tính cách, tấm lòng mới là điều đáng phục, nhưng mới làm quen (còn lạ) thì cái áo, cái quần có khi dễ làm cho người ta phải nể). Câu nói của các cụ xưa quả là chí lí. Vì vậy, không ít người vẫn muốn “lên mặt”, “nắn gân” người khác bằng cái vỏ, hoặc cái uy do mình tự tạo ra. Truyện cười năm xưa cũng kể rằng, hai ông thầy đồ và thầy bói nọ cùng vào một nhà người quen. Gặp bữa ăn, chủ nhà nhiệt tình mời, nhưng vì sĩ diện, cả hai thầy gạt phắt, đồng thanh nói là mình ăn no rồi (kỳ thực là chưa có miếng nào vào bụng). Đến đêm, đói quá, hai thầy lần mò xuống bếp ăn vụng cơm nguội. Bất đồ đụng nhau (cả hai cứ tưởng đụng chủ nhà nên xin lỗi rối rít) và cả nhà được mẻ cười.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ. Ảnh: sankhau.vn

Anh chàng Toàn Nha (chơi chữ, ngụ ý “chỉ toàn là răng”) trong vở Bệnh sĩ mà Lưu Quang Vũ cho ra mắt công chúng cũng xuất phát từ một thói sĩ diện hão. Ấy là anh ta chỉ muốn làm khác người, làm sao cho nổi đình nổi đám, thiên hạ phải lác mắt, hậu quả ra sao thì mặc. Thấy người ta đua nhau làm pháo, anh ta cũng làm pháo. Mà pháo phải thật to, màu sắc sặc sỡ, nổ bạt tai, dân làng phải khiếp mới bõ (!). Nhưng rồi huênh hoang chứ anh có làm được gì đâu. Cái thói hão đó thực chất là một kiểu làm ăn duy ý chí. Vì chẳng chóng thì chầy, cái dở, cái dốt kia cũng đến lúc “lòi” đuôi. Không chỉ chuốc lấy thất bại mà còn mua về tiếng cười mỉa mai của thiên hạ.

Lại còn thứ sĩ muốn khoe những cái mình có trong tưởng tượng, hay là phóng đại cho oai. Câu chuyện về vị Tổng biên tập tờ Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, được giới thiệu với hàng loạt chức danh “kêu như chuông”: “Nhà báo quốc tế”, “tiến sĩ-nhà khoa học thế giới”, “Thạc sĩ Luật học”

Lê Hoàng Anh Tuấn đang ồn ào mà dư luận đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ là một điển hình của “sĩ hão” thời nay. Đáng buồn là, đang lan tỏa một trào lưu “thích thì làm” của một số người. Họ “tự đánh giá” vai trò, năng lực của mình và cố tìm một cách giới thiệu, PR tên tuổi cho mình, bất chấp cộng đồng có thái độ thế nào. Giờ đây, có nhiều nhân vật, mới gặp lần đầu mà ta đã hoa cả mắt vì các chức danh in đầy trên “cạc-vi-dít” (tiếng Pháp, carte de

visite: Tấm danh thiếp): Nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nọ nhà kia, giám đốc trung tâm... trưng ra đủ kiểu. Lại cả chữ tây, chữ ta in mấy màu rất “oách”. Thế rồi, chưa kịp đôi hồi, đương sự đã khoe có bạn bè làm đến chức này chức nọ. Quyền cao chức trọng, tiền của bề bề của họ ắt hẳn làm nên một uy thế cho người giới thiệu. Thật là “cáo mượn oai hùm”. Báo chí cũng đã phanh phui nhiều vụ giả danh ông nọ, bà kia đi rủ rê, ký kết làm ăn với đối tác này nọ. Đến khi vỡ lở mới tá hỏa là mình đang giao dịch với các “công ty... ma”. Thật là những chuyện danh hão “một tấc đến giời”.

Bệnh sĩ và bệnh thành tích

Người ta thường nói “từ bệnh sĩ đến bệnh thành tích chỉ cách nhau chừng một gang tay”. Bệnh thành tích ảo, quả là một hệ quả nhỡn tiền của bệnh sĩ. Người người thi đua, ngành ngành thi đua. Nếu là thi đua tích cực theo đúng nghĩa thì quả là một điều tốt, cần khuyến khích. Thực ra, đôi lúc, ta cũng cảm thấy mình bị đuối, vì thua chị kém em. Chính lòng tự trọng danh dự và tôn trọng thể diện khiến ta hăng hái hơn nhằm vượt qua thử thách để làm nên một công chuyện nào đó cho xứng đáng. Đó lại là một thái độ cần, đáng khuyến khích. Đằng này, để lấy tiếng khen, ai nấy đều muốn mình hơn người, “đi trước thời đại”. Nhà họ vượt chỉ tiêu 100% thì nhà mình phải hơn chút ít, 101% vậy. Người ta có danh hiệu Chiến sĩ thi đua chả lẽ mình lại chịu lép sao. Phải tìm cách “vận động” cho được. Rồi tiền lương, tiền thưởng cũng vào cuộc đua chen. Tết họ thưởng vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, chẳng lẽ mình mang tiếng “lép” hơn sao? Chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” như một hội chứng domino cứ thế lan truyền... Khốn nỗi, thành quả kia có phải do tay mình làm nên đâu!

Rõ rệt nhất là trong ngành giáo dục gần đây. Có thể nói ở mọi bậc, mọi cấp học, đâu đâu căn bệnh thành tích cũng hoành hành “tác oai tác quái”. Nếu ngày xưa, một lớp phổ thông chỉ dăm bảy học sinh tiên tiến đã là quá tốt thì giờ đây, số học sinh xuất sắc và tiên tiến nhiều nơi đã vượt ngưỡng 90%. Bói mãi mới ra vài học sinh trung bình. Rồi thi tốt nghiệp THPT xấp xỉ 100%, nhưng điểm vào đại học thì non nửa thí sinh không vượt quá 5 điểm ba môn. Từ căn bệnh thành tích như vậy, người ta sẵn sàng nâng điểm vô tội vạ, thậm chí sửa điểm, tráo hồ sơ, miễn là “trường mình không thua trường nó, lớp ta không kém lớp bên”. Các bản báo cáo thành tích đâu đâu cũng tràn ngập một âm hưởng ngợi ca dài dằng dặc, đọc nghe mùi mẫn như một áng “thiên cổ hùng văn”. Những vụ tiêu cực để sửa bài nâng điểm thi tốt nghiệp năm học 2018 vừa qua ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... quả là những chuyện rất đau lòng của ngành giáo dục nước nhà.

 Điều đáng buồn là càng ngày, nhiều người càng vô cảm với những thói sĩ diện hão như vậy. Những điều sáo rỗng nghe mãi rồi cũng quen tai, không thấy lạ. Cuộc sống trăm hình nhiều vẻ, có cả bóng tối và ánh sáng, cái hay và cái dở. Ta phải tỉnh táo, dũng cảm để “nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn (mà tôi vừa dẫn ở trên) đã bị “bóc mẽ” thảm hại. Trường Đại học Leeds ở Anh đã ra thông báo phủ nhận việc cấp bằng Tiến sĩ danh dự mà ông khai báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng vừa ra quyết định xóa tên hội viên của “nhà báo quốc tế” này. Còn dư luận thì đồng thanh tỏ thái độ bất bình về những hành vi quá lố của ông ta.

“Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết mình thế nào mà có cách ứng xử thích hợp. Từ sĩ đến hão, từ hão đến thiếu trung thực, quả là một chuyện đáng suy ngẫm về thang giá trị của mỗi cá nhân trong xã hội. Những giá trị ảo như thế, không những chẳng làm cho ta tiến bộ mà còn làm băng hoại những lề thói tốt đẹp mà mỗi người chúng ta phải mất rất nhiều công gây dựng. “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” chính từ những chuyện háo danh vô lối như thế!

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH