Quyền lực Thế Lữ
Phong hóa-Ngày nay là hai tờ báo rất nổi bật hồi đầu thế kỷ 20 (1932-1940) ở nước ta. Quá trình hiện đại hóa văn học có đóng góp to lớn của hai tờ báo này. Từ góc độ hiện đại hóa thơ trữ tình, trên diễn đàn này xuất hiện một nhân vật rất uy tín và quyền lực: Thế Lữ, phụ trách mục “Tin thơ”. Từ những năm tháng “tung hoành” của Thế Lữ, những đóng góp quan trọng của ông cho quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ, nghĩ đến nền thơ đương đại, chúng ta có được những bài học hữu ích.
Quyền lực của Thế Lữ thể hiện rõ nhất trong mục “Tin thơ”. Tại đây, Thế Lữ bình chọn, phân tích, diễn giải, sửa chữa thơ của các tác giả gửi về báo. Điều đáng nói chính là dường như không có một tác giả nào không bị người phụ trách mục “Tin thơ” phê phán. Điểm qua mục này có thể thấy Thế Lữ phê bình: Tchya-rỗng nghĩa (Ngày nay số 71, ngày 8-8-1937); Xuân Trâm-lười, chưa dụng công, dùng từ còn rẻ; Anh Sơn-dùng từ mộc mạc, đại khái; Bảo Trúc Sơn-khô khan, buồn cười (Ngày nay số 83, ngày 31-10-1937); Lê Thiếu Tâm-mộc mạc, vụng về, cẩu thả, ngượng ngập (Ngày nay số 84, ngày 7-11-1937); Minh Thu-biếng nhác quá; Tường Đông-rời rạc, ngượng (Ngày nay số 86, ngày 21-11-1937); Nghoai (sic)-dễ dãi quá, viết những điều thậm vô ích, cẩu thả (Ngày nay số 87, ngày 28-11-1937); Mạnh Quang-dễ dãi, hững hờ quá, mộc mạc quá, mất cả ý nhị (Ngày nay số 88, ngày 5-12-1937); Khe Bích (sic)-nhu nhược, không chịu gọt giũa lời thơ, hỗn độn; Tống Minh Cầm-cẩu thả, trễ nải, tối tăm và hỗn độn (Ngày nay số 89, ngày 12-12-1937),… Ta hiểu vì sao sau này Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam lại nói: “Thế Lữ chăm chú dạy nghề thơ cho những ai nuôi giấc mộng một ngày kia trở nên thi sĩ”.
Chỉ riêng chi tiết sửa thơ này đã nói lên quyền lực của Thế Lữ. Phải là người nắm giữ chân lý, nắm giữ địa vị là kẻ sở hữu và ban phát chuẩn mực, Thế Lữ mới dám sửa thơ người khác. Sửa văn-chữ người khác bao giờ cũng là việc hệ trọng. Rõ ràng Thế Lữ có thẩm quyền. Chính Xuân Diệu, sau này khi nghĩ về “Công việc làm thơ”, nhớ lại những ngày đầu đã thừa nhận Thế Lữ chữa thơ rất tài tình.
Thơ có cần biên tập?
Một bài thơ thực sự, nghĩa là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, không cần biên tập. Những tác phẩm như thế không để lại cho người biên tập một cơ hội nào để can thiệp. Tuy nhiên, sự thực là chúng ta rất hiếm gặp, hoặc không thể gặp được tác phẩm nào như thế. Những bài thơ hay đã có, hầu như là sản phẩm của một quá trình biên tập kỹ lưỡng trước khi công bố, xuất bản. Bởi vậy, nói về công việc biên tập là nói về những can thiệp trước khi văn bản thơ rời khỏi ngôi nhà của tác giả, rời khỏi bàn biên tập để đến với độc giả trong hình hài toàn vẹn nhất có thể.
Để làm một biên tập viên văn học nghệ thuật nói chung và biên tập thơ nói riêng, người biên tập trước hết phải có kiến văn. Kiến văn chính là phông nền tri thức, hiểu biết mà biên tập viên cần phải có. Đó là chiếc máy lọc đầu tiên để người biên tập nhận ra đúng-sai cùng các vấn đề thuộc về tri thức trong văn bản mà mình biên tập. Dẫu biết rằng thơ ca là địa hạt của sự mơ hồ, phi lý, bất khả giải, nhưng đó là sự mơ hồ, phi lý, khó giải thích của tâm hồn, trí tưởng, không phải là sự sai lạc do không hiểu biết, thiếu tri thức, kiến văn. Một ví dụ điển hình cho việc thiếu kiến văn trong nhận định thơ chính là giai thoại Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch. Vương An Thạch viết: Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (Minh nguyệt hót đầu núi/ Hoàng khuyển ngủ trong hoa). Tô Đông Pha nhìn thấy sửa thành: Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng ngủ dưới hoa). Tưởng như thế là đắc ý, ngờ đâu một thời gian sau, khi làm quan ở Hải Nam, Tô Đông Pha mới biết rằng có loài chim tên là “Minh nguyệt” và loài sâu “Hoàng khuyển” nằm giữa bông hoa. Tô Đông Pha đã viết thư xin lỗi Vương An Thạch. Như thế, việc biên tập, sửa thơ, nếu không có kiến văn có thể làm hỏng bài thơ như chơi.
Kiến văn giúp người biên tập nhận ra sự hợp lý, đúng-sai của ngôn ngữ - chữ được dùng trong các văn bản thơ. Ngôn ngữ thơ tự lấy nó làm mục đích, có tính thứ nhất. Bởi vậy, dùng đúng, trúng, hay, gợi cảm, giàu nhạc tính… được xem là thao tác căn bản-“lựa chọn” của nhà thơ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp việc lựa chọn này không đắt, không đắc địa, thậm chí là sai. Trên Tạp chí Thơ từng in một bài có khổ thơ như sau: Mẹ sau trăng mỏng sương dày/ trông lên chỉ thấy gió lay đốm đèn/ đốm đèn lửa nạ lửa quen/ nửa trên cõi Phật, nửa bên cõi Người. Ở đây, không biết là tác giả hay người biên tập đã tạo ra sản phẩm buồn cười này? Nếu lỗi ở tác giả thì tức là không có người biên tập. Nếu có người biên tập thì đây là một lỗi hết sức đáng tiếc.
Kiến văn còn là “kính chiếu yêu” để nhận ra văn bản thơ được gửi về có đúng là sản phẩm sáng tạo của tác giả hay là một sản phẩm sao chép, đạo văn người khác. Điều này khó hơn là việc nhận ra đúng-sai. Người biên tập dĩ nhiên phải đọc nhiều để có thể phát hiện ra những lỗi rất nguy hiểm này. Thông thường, với những biên tập viên lão luyện, giàu kinh nghiệm, chỉ cần nghe qua hơi thơ, giọng điệu, đọc ra ý tứ, hình tượng, cảm xúc, ngôn ngữ… có thể nhận ra dáng nét của những tác phẩm, tác giả mà mình quen thuộc. Khi đó, việc trao đổi lại với tác giả văn bản sau là cần thiết để tránh rơi vào các tình huống vi phạm tác quyền hay đạo đức nghề nghiệp. Trường ảnh hưởng của các kiệt tác, cái bóng của các tác gia lớn vẫn luôn tỏa rộng, tuy nhiên, với một thi sĩ có tư chất, tư cách, có khát vọng sáng tạo phải luôn nỗ lực để vượt qua. Đồng thời, ngay với những tác giả thành danh, việc vượt qua chính cái bóng của mình cũng rất quan trọng để có thể tiến xa hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Người biên tập phải nhạy cảm
Nhạy cảm nghệ thuật được hiểu như là khả năng nhận ra giá trị nghệ thuật của văn bản. Phẩm chất này giúp người biên tập lọc giữ được những văn bản-sáng tạo có giá trị, không bỏ sót, rơi lọt các thi phẩm thực sự. Nhạy cảm nghệ thuật là “con mắt xanh” để nhận ra vàng-thau, ngọc-đá. Tại đây, phẩm chất này nghiêng nhiều hơn về phía năng khiếu, bẩm sinh, trực giác. Nhạy cảm nghệ thuật góp phần soi chiếu, bổ sung cho kiến văn, tri thức nhằm hoàn thiện khả năng thẩm định, đánh giá và lựa chọn (cũng như loại bỏ) các văn bản thơ trong quá trình biên tập. Trong bối cảnh hiện nay, thơ đương đại đang có nhiều thể nghiệm, đồng thời không ngừng tương tác với các loại hình nghệ thuật khác nhằm tối ưu hóa khả năng biểu hiện, người biên tập cần phải nhạy cảm để nhận ra những thể nghiệm, những kết hợp có giá trị, bảo lưu và phát huy, đem đến cho độc giả những sản phẩm thơ trọn vẹn nhất về thẩm mỹ, nghệ thuật, tư tưởng… Xuân Diệu thuở ban đầu non nớt, từng gửi thơ đến Báo Ngày nay với những câu như: Sương nương theo trăng ngừng giữa trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. Thế Lữ đã sửa thành: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. Xuân Diệu rất khâm phục và cảm kích Thế Lữ vì những sửa chữa, biên tập đầy chất thơ, đầy nhạy cảm nghệ thuật ấy.
Người biên tập thơ đương nhiên cần phải có hiểu biết về thơ. Không chỉ hiểu biết thế nào là thơ mà còn phải tìm hiểu lịch sử mỹ học thi ca cũng như những hình thái đang vận động của thơ ca đương thời. Trong phẩm chất này, ở Việt Nam, việc hình dung được mỹ học của thơ ca trung đại, mỹ học Thơ mới, mỹ học thơ kháng chiến, mỹ học thơ đương đại… là cơ sở để nhìn nhận và đánh giá các hành động duy trì, kế thừa hay cách tân. Cùng với đó, việc cập nhật các trường phái, khuynh hướng, các thể nghiệm cũng quan trọng nhằm mở rộng phổ quan sát, kiến văn, kinh nghiệm thẩm mỹ. Chẳng hạn, việc hình dung đang tồn tại trong đời sống những dòng mạch của thơ cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, thơ tự do, thơ con âm, ảnh tự, thơ ngoài lời, tân hình thức, hậu hiện đại… giúp cho người biên tập định dạng được các tác phẩm phục vụ cho diễn đàn thơ mà mình phụ trách. Quan sát và hiểu biết này cũng đem đến cho người biên tập khả năng phân loại các dòng phái, khuynh hướng, nhận diện các cách tân thực sự hay chỉ là trò ngụy tạo chữ nghĩa nhằm che giấu sự trống rỗng, giả tạo, hời hợt…
Cần có quan niệm vững chắc về giá trị
Đây có lẽ là phẩm chất quan trọng bậc nhất của người biên tập thơ. Quan niệm về giá trị chính là mực thước, là thang đo, là thử biểu hoạt động ngầm, bên trong của người biên tập. Bản sắc, đẳng cấp của người biên tập thể hiện trong chính quan niệm riêng và vững chắc về giá trị này. Nếu không có quan niệm riêng, người biên tập sẽ bị chơi vơi giữa muôn vàn thực hành sáng tạo, không có căn cứ, cơ sở để lựa chọn. Đồng thời, không có quan niệm giá trị riêng cũng khó có thể nhận ra đâu là giá trị khác, từ đó có thái độ ứng xử một cách thỏa đáng trong quá trình biên tập. Quan niệm riêng không phải là biểu hiện của sự bảo thủ, tự trị, đối với những biên tập viên lớn, quan niệm giá trị riêng có thể đại diện cho cả một thời đại, một trường phái, một khuynh hướng.
Trước khi là thơ, ấy là con người
Đây là câu chuyện rất quan trọng, thể hiện tâm thế, thái độ của người biên tập trước các văn bản. Thơ, trước khi bàn đến hay-dở, đó là câu chuyện của con người.
Dù hay-dở, dù hiện ra với hình thái nào, thơ vẫn là nơi cư ngụ của tâm hồn, sự hiện hữu của con người. Rộng hơn, thơ kiến tạo một không gian sống. Bởi vậy, thái độ khinh miệt hay phỉ báng, rẻ rúng thơ chính là biểu hiện của một xã hội đang thiếu đi những thông hiểu và chia sẻ. Hãy hình dung về thơ như là sự hiện diện của những điều vắng mặt, hay, đó là sự hiện ra của những thế giới siêu hình, trừu tượng. Làm cụ thể hóa các dữ kiện vô hình, thơ như một phương thức tái lập cân bằng, một van xả hay một nguồn trợ lực cho sự sống. Vì những điều không nên định giá là hay-dở đó, ích lợi của thơ luôn là điều đáng nói trong bối cảnh đương đại. Thơ cứu rỗi con người trước những nguy cơ của xã hội, trong nền kinh tế thị trường đầy bất trắc, trong những hiện diện vô cảm. Thơ như thế là một cách tự chữa trị của con người trong đời sống rất dễ tổn thương hiện nay. Sự bất an là điều ai cũng có thể nhận ra trong thế giới mà chúng ta đang sống. Bất an về sức khỏe, về kinh tế, những khả năng hiện sinh đã đẩy con người đến những mưu cầu tôn giáo-tín ngưỡng, cơ hội thị trường, cơ hội giáo dục, nhu cầu chữa bệnh,… tạo lập trạng thái an sinh xã hội. Thơ, trong guồng quay “tìm kiếm an toàn tinh thần” đã phát huy năng lực tự chữa trị cho cá thể, đồng thời hình thành những không gian nhân tính nhằm kháng cự các nguy cơ đến từ xã hội. Người biên tập thơ cần hết sức ý thức điều này để có thái độ phù hợp trong quá trình lựa chọn, loại bỏ, trao đổi cùng tác giả.
TS NGUYỄN THANH TÂM