Trước đây, mỗi khi nghe câu ca ấy cất lên, tôi biết là mùa nước nổi lại đến, một mùa cá nữa lại về.

Cá linh thuộc họ cá chép nhưng thân nhỏ, dài, màu trắng xanh. Đầu mùa nước nổi, cá linh chỉ bằng cọng chân nhang. Sau đó cá lớn dần, đến khi nước giựt thì cá linh lớn hết cỡ, nhưng kích thước cũng chỉ bằng ngón tay cái là cùng. Dân gian giải thích, sở dĩ có tên gọi “cá linh” là vì xưa kia khi Nguyễn Ánh chạy loạn, định vượt sông Vàm Nao, con sông nối liền giữa sông Tiền và sông Hậu, thì cá này nhảy vào thuyền từng đàn. Linh cảm chuyện chẳng lành, Nguyễn Ánh không vượt sông nữa mà cố thủ. Sau mới biết, nếu vượt sông lần ấy thì đã rơi vào mai phục của quân Tây Sơn. Chính điềm báo của đàn cá đã cứu mạng Nguyễn Ánh. Để tri ân loài cá đã linh thiêng báo điềm xấu nên khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đặt tên loài cá này là “cá linh”. Giả thuyết khác cho rằng tên gọi cá linh phát xuất từ tiếng Khmer là “trêy lênh”, dần dần người Việt đọc trại thành “cá linh” (“trêy” trong tiếng Khmer nghĩa là “cá”).

leftcenterrightdel
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi. Ảnh: HỒNG HIẾU

Dân quê tôi ít quan tâm đến nguồn gốc tên gọi cá linh là đâu, cũng ít ai biết giống cá này “trôi” từ Biển Hồ của Campuchia đến vùng đầu nguồn sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Dân quê chỉ biết đó là loài sản vật nước ngọt dồi dào mà thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy, đầu mùa nước nổi là người ta lại chuẩn bị cho một đợt đánh bắt cá linh. Cách đánh bắt phổ biến nhất là đặt dớn. Dớn là công cụ được may bằng lưới cước, đặt ở các khu vực nước chảy trên đồng. Cá bơi men theo đăng dớn dẫn vào cái bầu có đú dài chừng 5m. Cá lọt vào đú thì không thể ra được. Mấy năm trước, mỗi hộ một ngày đặt dớn có thể thu hoạch được vài giạ cá linh. Cá linh nhiều đến mức người ta không thèm ăn, chỉ dùng để ủ mắm. Người ta cũng không cân cá linh khi bán mà chỉ đong bằng thúng, bằng bao. Câu thành ngữ “rẻ như cá linh” cũng ra đời vì thế. Mùa nước giựt thì người ta đặt đáy ở các vàm sông, vàm kinh. Cá linh từ đồng rút ra sông lớn, lọt hết vào đáy. Chủ đáy mỗi lần cất lên được vài chục ký như chơi. Có lúc cá linh vào đáy nhiều quá, người ta không cất đáy lên nổi, phải xả bầu cho cá đi bớt.

Nhưng đó là chuyện của hơn chục năm trước, chớ vài năm trở lại đây, con cá linh cũng thưa vắng dần trong bữa ăn của dân miền Tây. Bởi lẽ, nước nổi không còn về Đồng bằng sông Cửu Long nữa nên cá linh và hàng loạt sản vật sông nước khác cũng bặt tăm. Năm nay, giữa tháng 8 âm lịch mà nhiều cánh đồng ở thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu vẫn khô queo, mấy hộ dân chuẩn bị sẵn xuồng ghe, lưới dớn cho vụ đánh bắt thủy sản mùa nước nổi đành phải ngậm ngùi xếp lại. Có người dạm chỗ bán lại số ngư cụ để lấy chút vốn lên thành phố làm thuê. Những người kiên nhẫn bám nghề cá thì cuộc sống hết sức bấp bênh. Dân xứ cá miền Tây bây giờ không dám nói câu “rẻ như cá linh” nữa, vì giá cá linh lên tới mấy trăm ngàn đồng một ký, mà bắt được mớ nào là có người chực chờ mua hết mớ đó. Có người bi quan bảo, hông chừng vài năm nữa, con cá linh cũng sẽ “trốn biệt” như con cá nược, cá hô. Biết đâu chừng, rồi đây thế hệ con cháu mình chỉ nghe nhắc đến cá linh trong các huyền thoại của một thời xa xưa miền Tây nước nổi.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG