Phụ thân thích xuống sông trong trạng thái say lướt khướt, thích chìm đắm trong trạng thái ấy. Còn nữa, lúc phụ thân hai mươi bảy tuổi, mẫu thân tôi đã có thai người con thứ tư rồi. Từ cái bụng tròn tròn lại nhòn nhọn của mẫu thân cũng như hiện tượng ăn chua bạt mạng, niềm hy vọng có một đứa con trai của phụ thân đã được thắp sáng, và niềm hy vọng đó đã quá gần rồi, chỉ còn cách một lớp da bụng của mẫu thân nữa thôi. Thế là phụ thân muốn bắt hai con cá quả để dự phòng cho mẫu thân, vì phụ thân nghe nói cá quả đại bổ. Nhưng cá quả rất khó mò bắt được, vì nó là ông vua của các loài cá.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Hồi đó, phụ thân vui lắm, hằng ngày đi lội sông, bắt được cả nửa vại lươn và hàng rổ cá chép. Một hôm, phụ thân thậm chí còn bắt được con ba ba nặng hơn ba lạng. Nhưng cá quả thì chẳng bắt được con nào. Thực ra mẫu thân đã mãn nguyện lắm rồi, trước đây những gì phụ thân mò bắt được đều bị đổi hết thành rượu. Mẫu thân đã từng mang thai ba đứa trẻ, và chưa có lần nào thấy phụ thân mò bắt được nhiều tôm cá như thế, tất cả những thứ này đều dành cho mẫu thân. Nhưng tiếc thay, cá quả dường như vẫn lẩn tránh phụ thân. Có lẽ, phụ thân ở nơi sáng, còn cá quả lại ở nơi tối, trận chiến này ngày qua ngày, tháng lại qua tháng, không đợi cái bụng của mẫu thân càng ngày càng to ra. Đành chịu vậy, phụ thân chỉ còn cách giơ tay lên đầu hàng cá quả. Thế là, phụ thân bèn mang cá chép và ba ba đến chợ cá, hy vọng đổi những gì mò bắt được lấy cá quả. Cho dù phải đổi hết cá chép và ba ba lấy một con cá quả, phụ thân cũng bằng lòng.

Nhưng, tiếc thay cá quả lại rất hiếm, quý như ông vua của làng Thuận Hà này, không chịu xuất đầu lộ diện.

Phụ thân đành phải chuyển hướng mục tiêu, tìm những thứ có giá trị dinh dưỡng tương đương với cá quả. Thế là phụ thân nhìn thấy hàng bán thịt chó. Thịt chó đắt như vàng, chỉ những nhà có người làm quan hoặc buôn bán phát tài mới đủ tiền để mua. Phụ thân đem hết một rổ cá chép và ba ba quý hiếm mò bắt được đổi lấy một cân thịt chó. Chính là cân thịt chó mà hạng như vợ của trưởng thôn mới được dùng này đã đánh sập hy vọng của phụ thân, nghiền nát thành tro bụi. Nghe người ta nói, ở thôn Thuận Hà, có bà bầu ăn thịt chó sau đó bị hỏng thai. Không cần biết thông tin này thực hư thế nào, và cũng không cần biết cái thai trong bụng mẫu thân có phải do ăn thịt chó mà “hỏng” hay không, chỉ biết rằng ngày hôm sau, khi trời chưa sáng, mẫu thân đã đẻ non. Linh cảm của phụ thân thật chính xác, thai nhi là một đứa con trai, cái mẩu tượng trưng cho nam giới đã thành hình, nhỏ bằng một hạt đậu con con.

Phụ thân bị “liệt” rồi, uống rượu và bắt cá là hai chân của ông, nay chỉ còn uống rượu mà không xuống sông bắt cá nữa, coi như thiếu mất một chân. Nhưng tai họa là do phụ thân tự chuốc lấy, ông muốn nổi giận, lại không biết giận ai, chỉ còn biết tự trách mình và tự giày vò trong men rượu. Càng về sau này, men rượu dường như biến chất, trở nên nhạt thếch. Không còn tiền thì rượu sẽ trở mặt, lộ rõ bản chất của nó, rượu là từ nước lã làm ra. Chỉ cần đầu làng có tiếng “thịch” mở nắp chai, phụ thân liền ngửi thấy mùi rượu. Cho dù ngửi thấy men rượu ở bất cứ nơi đâu, ông đều nhanh chóng tìm đến. Ngày thường, mười lần uống thì chín lần say, phụ thân cứ thế say sướt mướt. Rượu vào lời ra không ai soi mói, trách móc, nhiều lúc say như người điên cũng không ai coi đó là thật, mấy mươi tuổi rồi còn khóc lóc, nhưng không làm ai phải bận tâm, vì coi đó như một trò cười. Phụ thân cứ thế chìm đắm trong cơn say không còn biết trời đất gì cả. Cho dù uống say đến mức nào thì trong thôn cũng không có thói quen giữ khách ở lại. Đây là luật bất thành văn, phụ thân là người từng trải, không thể không biết. Cho nên, dù uống khuya đến mấy, phụ thân cũng phải về nhà, chung giường với mẫu thân. Cứ như vậy, cuộc sống của phụ thân giống như con lắc, lắc qua lắc lại giữa bàn rượu và chiếc giường của mẫu thân.

Đó là một buổi tối trăng sáng vằng vặc, thực ra tôi không muốn ví von như vậy, bởi vì nội dung chính của câu chuyện thường xảy ra lúc trăng mờ gió rít, nhưng sự thực là đêm ấy trăng sáng trong như nước giếng khơi. Hiển nhiên, phụ thân lại say xỉn, chân nam đá chân chiêu. Khi bước đến bãi tha ma nơi cuối thôn, phụ thân loạng choạng không thể bước nổi nữa đành dừng chân ngồi nghỉ bên bờ sông. Ngày thường, phụ thân không bao giờ đi lối này, những đứa trẻ chết non của thôn Thuận Hà, người ta không có thói quen phải đem chôn, mà tiện tay vứt ở nơi bãi tha ma. Có lẽ do uống nhiều quá, phụ thân quên cả điều kiêng kỵ cho bản thân mình. Trong một tích tắc loay hoay, phụ thân nhìn thấy dưới con lạch bọt nước bắn tung lên như hoa, một con cá quả dài chừng hơn một gang tay dường như đang đẻ trứng. Đây là mùa sinh sôi nảy nở của cá quả. Bọt nước do cá quả tạo ra hình thành một quầng sáng, mãn nhãn đẹp vô cùng.

Phụ thân “tùm” một cái nhảy xuống nước, chỉ trong chốc lát đã tóm được con cá quả, dùng tay móc chặt vào mang cá. Ôm chắc trong tay con cá quý như vàng, phụ thân chạy như bay về nhà. Mẫu thân chưa kịp mở then cửa thì phụ thân đã xô cửa xông vào. Phụ thân giương con cá lên trước ánh sáng đèn mập mờ của căn phòng, mẫu thân nhìn thấy mảnh vải hoa, liền “Á!” lên một tiếng trước khi ngất đi bất tỉnh. Hóa ra, phụ thân đã mang xác thai nhi đem về nhà từ bãi tha ma...

Đêm ấy, phụ thân nằm cùng mẫu thân, vừa khóc vừa “giày vò” mẫu thân. Ngày hôm sau, phụ thân tự nhiên biến thành bệnh nhân “bán thân bất toại”, rượu và cá-hai chân của phụ thân không biết đi đâu mất, phụ thân không xuống sông mò bắt cá nữa và cũng cai luôn cả rượu. Thời gian cai rượu thấm thoắt đã hai mươi bảy năm.

Tháng thứ mười sau cái đêm định mệnh ấy, tôi đã được sinh ra. Mẫu thân bảo, khi ấy, tôi không khóc một tiếng nào, đôi má đỏ ửng giống như vẻ mặt một người say rượu. Mỗi lần mẫu thân nhắc đến chuyện này, bà đều ôm mặt khóc rưng rức, mẫu thân nói, chút men rượu này có lẽ làm tôi suốt đời chìm trong men say.

Nhưng khi tôi hai mươi bảy tuổi, tiếng khóc của đứa con trai đầu lòng khi được hạ sinh đã làm cả thôn phải rúng động. Ngày con trai tôi đầy tháng, phụ thân phá lệ, uống rượu đến nửa đêm, rượu vào lời ra, nói một thôi một hồi. Nhưng phụ thân nói gì tôi không hiểu, trong đầu tôi chỉ quẩn quanh những lời ca tụng của dân làng. Mọi người nói: “Năm Ngố, con của cậu thật tuyệt, tướng có phúc”.

Đúng vậy, mọi người gọi tôi là Năm Ngố. Tôi đứng hàng thứ tư trong nhà, nhưng ngay cả những người trong gia đình đều gọi tôi là Năm Ngố.

Truyện ngắn của CỦNG CAO PHONG (Trung Quốc)

PHẠM HUY QUỲNH (dịch)