QĐND - Là người chụp ảnh của Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng Lịch sử Quân sự việt Nam), tôi có nhiều dịp được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần chụp ảnh Đại tướng đều để lại trong tôi những tình cảm sâu sắc. Năm 1993, Đại tướng đến làm việc với bảo tàng cùng đồng chí Trần Đại Nghĩa. Khi đoàn đi tới chân cột cờ, Đại tướng gọi tôi lại bảo: “Cháu chụp cho bác một kiểu dưới chân cột cờ”. Khi được Đại tướng gọi, tôi thoáng giật mình nhưng liền ngay sau đó là niềm hạnh phúc ngập tràn. Khi tôi chụp xong, Đại tướng tươi cười nói: “Các cậu đứng vào tớ chụp cho một kiểu”. Nghe Đại tướng nói vậy, mọi người nhanh nhẹn chạy lại xếp hàng, tôi cũng tìm cho mình một vị trí. Đại tướng chỉnh mọi người xong, quỳ gối xuống nền gạch để chụp. Hiểu tâm lý mọi người ái ngại, Đại tướng vui vẻ: "Phải thấp xuống mới lấy hết được hình ảnh cột cờ”. Cử chỉ gần gũi, thân tình đó của Đại tướng khiến mọi người rất xúc động.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng ảnh cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).
|
Năm 1998, tôi có mở một cuộc triển lãm ảnh “Mẹ và quê hương” tại Bảo tàng Quân đội. Tuy chỉ là một triển lãm ảnh cá nhân nhưng tôi vẫn được Đại tướng quan tâm, tới xem. Đại tướng xem kỹ từng bức ảnh. Có những bức ảnh khi xem Đại tướng dừng lại tươi cười và khẽ gật đầu. Tôi hiểu Đại tướng hài lòng với các bức ảnh đó. Điều đó là sự khích lệ tinh thần lớn lao với tôi. Khi xem hết các bức ảnh, Đại tướng gọi tôi và bảo: “Cháu chụp chân dung các bà mẹ là rất tốt rồi nhưng nên chụp hình ảnh các bà mẹ đang làm việc hoặc gắn với các hoạt động thì tốt hơn”. Khi tới xem các bức ảnh chụp phong cảnh, Đại tướng dừng lại trước bức ảnh chụp về Huế. Chỉ vào bức ảnh Đại tướng nói: “Cháu chụp ảnh phong cảnh, chụp ở nơi nào thì chú ý bối cảnh để người xem dễ hiểu và biết mình chụp ở đâu”. Lời dạy của Đại tướng làm tôi sáng tỏ ra rất nhiều. Kết thúc buổi tham quan, Đại tướng viết vào sổ lưu niệm: “Phòng triển lãm "Mẹ và quê hương" của nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là tinh thần hy sinh vô bờ bến, không tiếc tính mệnh của người chồng, người con, người cháu của mình và tấm lòng nhân hậu đáng kính phục của bà mẹ anh hùng Việt Nam. Triển lãm nhắc nhở chúng ta nên sống xứng đáng với Tổ quốc Việt Nam, với tấm gương đạo đức suốt đời vì nước, vì dân của Bác Hồ vĩ đại. Có những bức ảnh đẹp, những bức tranh gợi nên những lời thơ, những tiếng nhạc thanh cao và hùng tráng”.
Năm 1999, biết tin Đại tướng đến thăm bảo tàng, tôi chuẩn bị hai bức ảnh được chụp với Đại tướng trong lần triển lãm trước xin chữ ký. Hết giờ làm việc tôi đến gặp Đại tướng. Khi đó có rất nhiều người xung quanh. Ký vào bức ảnh thứ hai xong, Đại tướng nói: “Tôi ký vào ảnh rồi, vậy không có bức ảnh nào tặng tôi à”. Rất may là tôi đã chuẩn bị hai bức ảnh từ trước nên nói với Đại tướng: “Cháu đã chuẩn bị hai bức ảnh tặng bác rồi. Bức có chữ ký cháu xin để mang về treo ở nhà”.
Mới đó mà giờ đây, Đại tướng đã đi xa. Nhớ lại những phút giây được ở bên Đại tướng, tôi thấy lòng rưng rưng. Tấm ảnh kỷ niệm có bút tích của Đại tướng trở thành vật vô giá nhắc nhở tôi phải luôn sống tốt, có ích theo tấm gương của “Người Anh Cả quân đội”.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN