Tập Kiều là một cách tập cổ-một thú chơi tao nhã của người xưa, tập hợp các câu thơ có sẵn của người đời trước ghép lại thành bài thơ theo ý mới. Lẩy Kiều là cách lấy ra một câu hoặc cặp câu, thay đổi chút ít để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh mới. Một chính khách Việt Nam lẩy Kiều nhiều, tinh tế mà sâu sắc nhất là Bác Hồ. Có thể viết hẳn một quyển sách về vấn đề này. Ở đây chỉ xin giới thiệu một vài ví dụ Bác sử dụng trong quan hệ đối ngoại.
Ngày 21-6-1959, trên Báo Nhân Dân (số 1923), Bác Hồ có bài viết “Điện Biên Phủ” vừa là kỷ niệm 5 năm ngày chiến thắng, vừa mang tính tổng kết thắng lợi trận đánh vĩ đại này. Bài viết cũng là để cổ vũ, khích lệ nhân dân ta xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất ở miền Nam, đồng thời cảnh báo kẻ thù sẽ có những “Điện Biên mới” nếu chúng dám mở rộng chiến tranh xâm lược. Cuối bài có 4 câu lẩy Kiều: Cũng trong một cuộc Điện Biên,/ Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/ Trăm năm trong cõi người ta,/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua” (1).
Bác đã lẩy Kiều từ các câu Trăm năm trong cõi người ta,/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau (câu 1, 2) và Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm (câu 1855, 1856). Bác mượn vỏ hình thức “Truyện Kiều”, mượn cách triết lý của Nguyễn Du để nói về hoàn cảnh mới: Ta thắng lợi và sẽ thắng lợi vì chính nghĩa, Pháp đã thua và Mỹ sẽ thua vì là tà, phi nghĩa!
Sau bi kịch vì xui Từ Hải ra hàng mà Từ Hải thì bị chết còn Kiều bị quan quân Hồ Tôn Hiến bắt, Kiều đau đớn than trước mặt Hồ công: Xét mình công ít, tội nhiều/ Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi (câu 2559, 2560). Bi kịch của Kiều có gì đấy gần với bi kịch của Tổng thống Eisenhower, Bác Hồ liền lẩy Kiều để giễu Ai: “Hôm nay, trước khi cuốn gói chuồn khỏi dinh tổng thống nước Mỹ, lão Ai ắt phải kiểm điểm lại những “thành tích” của y trong tám năm qua. Và chắc y phải bùi ngùi kết luận rằng: Nghĩ mình công ít tội nhiều...”(2).
    |
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (nay là Tổng thống) dự bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C, ngày 7-7-2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ |
Đang cùng Từ Hải “Nửa năm hương lửa đang nồng” thì Từ Hải phải lên đường, Thúy Kiều ở lại ngóng về Từ: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm (câu 2247, 2248). Hoàn cảnh này, tâm trạng này được Bác Hồ lẩy trong hoàn cảnh tiễn Tổng thống Sukarno tại sân bay Gia Lâm: “Thời gian Tổng thống lưu lại ở Việt Nam chúng tôi lần này quá ngắn ngủi! Nhưng vì Tổng thống đi vắng đã hơn hai tháng, nhân dân Indonesia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ, một ngày dài như ba thu. Thật là: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,/ Trông mòn con mắt, phương trời đăm đăm!”(3). Bác chỉ thay một chữ “đã” trong Kiều bằng từ “trông” để diễn tả tấm lòng mong ngóng, trông ngóng từng giờ của nhân dân Indonesia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ. Thật là một sự ca ngợi kín đáo mà tinh tế!
Thúc Sinh tạm biệt Thúy Kiều, họ nâng ly rượu tiễn đưa: Chén đưa nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau (câu 1517, 1518). Câu Kiều này thật hợp với hoàn cảnh Bác tiễn đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Tiệp Khắc: Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,/ Mối tình đoàn kết, càng ngày càng sâu,/ Xa nhau lòng vẫn gần nhau(4).
Tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu cái ý vị kín đáo, hóm hỉnh của Bác gửi vào câu tiếp sau trong Kiều: “Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”, mong đợi ngày gặp lại! Hầu như ở trường hợp lẩy Kiều nào, Bác cũng bảo đảm toàn diện, thống nhất hai sắc thái: Hoàn cảnh, bối cảnh giống nhau và tâm trạng nhân vật gần gũi nhau!
Ngày 26-6-2006, Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Phát biểu nhậm chức, đồng chí lẩy Kiều: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay! Đây là các câu thứ 411, 412 trong “Truyện Kiều” nói về tâm trạng Kiều lúc mới quen Kim Trọng. Lẩy câu này là mượn ý thơ đầy dự cảm về những khó khăn trước mắt phải vượt qua và tính khiêm tốn biết lượng sức mình của nhân vật (Kiều). Kiều đã sớm ý thức về phận mình, trách nhiệm và bổn phận của người con trong gia đình, của một công dân! Người lẩy đã gửi gắm trọn vẹn tâm trạng mình vào ý thơ ấy, rộng hơn, gửi gắm mong muốn cái hiếu nghĩa của mình được như cô Kiều!
Tháng 7-2011, mừng Chủ tịch Quốc hội khóa mới (Nguyễn Sinh Hùng), đồng chí Nguyễn Phú Trọng lẩy hai câu Kiều: Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày... 5 năm sau. Người ra đi làm nhiệm vụ mới chào người ở lại thay thế mình thật tương hợp với cảnh Thúc Sinh nâng chén rượu tạm biệt Thúy Kiều: Chén đưa nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau (câu 1517, 1518). Câu đầu được lẩy thay chữ “đưa” bằng chữ “vui”, nhấn mạnh không khí hồ hởi, vui vẻ. Câu sau thay chữ “năm” bằng “5 năm sau”, tức một nhiệm kỳ Quốc hội lại sẽ hội ngộ với “chén mừng” thành công mới!
Ngày 23-4-2020, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lẩy Kiều trong lời phát biểu: “Tại sao trong “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du nói một “chữ tâm” thế mới “bằng ba chữ tài”, Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần đúc kết cũng rất hay...”. Đó là những câu ai cũng thuộc nhưng để áp dụng, ứng dụng nó vào đời sống thật không dễ. Vì đó là mối quan hệ đức-tài phải luôn song hành, luôn phải biết đặt chữ đức lên trước. Những câu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lẩy nhiều lần để nhấn mạnh, đó không chỉ là đạo lý mà còn là chân lý, cũng là nguyên lý phổ quát cho mọi thời. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng lẩy là cách học “Truyện Kiều”, học Bác để nhắc nhở cán bộ luôn trau dồi đức-tài, còn là lời nhắc phải biết nhớ và học tập truyền thống, học và làm theo Bác!
“Truyện Kiều” đánh thức phẩm chất nghệ sĩ ở bạn đọc, xuyên thời gian, xuyên không gian. Trong diễn văn đáp từ tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (17-11-2000), Tổng thống Bill Clinton lẩy Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (câu 1795, 1796). Hai câu thơ diễn tả nhịp thời gian một năm Thúy Kiều trải qua nhiều tai họa, mùa xuân đang tới, trong nàng dấy lên những niềm hy vọng dù mong manh. Người lẩy cũng thật ý nhị “ứng” vào mối quan hệ Việt-Mỹ sau những năm băng giá, nay là sự hứa hẹn những hy vọng ấm áp, tốt đẹp!
Trong diễn văn tại buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-7-2015), Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (nay là Tổng thống) đã lẩy Kiều: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời (câu 3121, 3122). Hai câu này miêu tả cảnh Kim-Kiều tái hợp đoàn viên, cũng ý nói đến quan hệ Việt-Mỹ bước qua thời kỳ đắng cay, đen tối, hy vọng một tương lai tốt đẹp.
Trong lời phát biểu dịp thăm Việt Nam (25-5-2016), Tổng thống Mỹ Barack Obama lẩy Kiều: Rằng: Trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi. Đây là câu thứ 355, 356, cảnh Kim Trọng-Thúy Kiều gặp gỡ “được lời như cởi tấm lòng” rồi trao kỷ vật thề nguyền. Hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy diễn tả thay mối quan hệ Việt-Mỹ mở ra một trang mới, có cơ sở để xây dựng lòng tin đối tác toàn diện.
Không phải thời nay văn chương mới làm sứ giả gắn nối các mối bang giao, mà đã có từ ngày xưa. Cả nay và xưa đều có chung một điểm là áng văn chương đó phải mang giá trị phổ quát toàn nhân loại, hay còn được gọi là mang mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Ở Việt Nam ta có thể kể kiệt tác của các đại thụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, nhưng “Truyện Kiều” vẫn là tiêu biểu. “Truyện Kiều” như cái cầu nối đưa văn hóa nước ta ra thế giới. Đón văn hóa thế giới vào cũng qua cái cầu này, vì “Truyện Kiều” xứng đáng là điểm tựa, là mẫu mực để soi chiếu, tuyển chọn những áng văn đích thực có thể hòa nhập với văn hóa Việt!
(1), (3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, tr.38; tr.254
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr.12
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr.18
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ