* Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng:

Khi dàn dựng chương trình, không chỉ riêng đoàn chúng tôi mà ở các đoàn khác, ban chỉ huy rất vất vả trong việc hợp đồng thêm với nghệ sĩ, diễn viên ngoài biên chế. Đầu ra cho số diễn viên lớn tuổi bị tắc. Bên cạnh đó, một số thay phiên nhau đi học nâng cao trình độ hoặc nghỉ chế độ nên đoàn lúc nào cũng trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Đồng thời cần có cơ chế tài chính cho đối tượng hợp đồng, từ đó tăng cường nguồn nhân lực trẻ cho các đoàn.

Ngoài ra, do đặc thù của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng là biểu diễn dài ngày ở vùng xa xôi, hẻo lánh, đường sá hiểm trở, với địa bàn rộng lớn gồm 44 tỉnh, thành phố biên giới, thời tiết khắc nghiệt nên trang bị kỹ thuật, nhạc cụ, xe cộ xuống cấp rất nhanh. Mong được các cơ quan cấp trên tiếp tục quan tâm.

* Thượng tá Dương Thị Kim Ngân, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 1:

Để các đoàn văn công quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, theo tôi cần có chế độ ưu đãi nghề nghiệp cụ thể cho đội ngũ cán bộ văn nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ xuất sắc để giữ nhân tài cho quân đội, tạo cơ chế luân chuyển đơn vị những người chuyên môn hạn chế, có tuổi, không đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và tổ chức thêm nhiều chương trình tập huấn thường xuyên (cả trong và ngoài nước) cho các đồng chí chỉ đạo nghệ thuật để nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện của các đoàn cần được quan tâm và chú trọng nhiều hơn. Các phòng tập, hội trường cần được xây dựng và tu sửa đúng tiêu chuẩn để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

* Thượng tá Kiều Văn Thịnh, Chính trị viên Đoàn Văn công Hải quân:

Trong quá trình hoạt động, đoàn cần được cấp trên gợi mở thêm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực trẻ. Đồng thời tạo điều kiện chuyển đội ngũ diễn viên, nhạc công nhiều tuổi, hạn chế về chuyên môn làm nhân viên câu lạc bộ các đơn vị. Ngoài ra, đoàn đề nghị được cấp xe 16 chỗ để phục vụ cho các tốp biểu diễn xung kích theo Quyết định số 350/QĐ-TM ngày 5-3-2012 của Bộ Tổng Tham mưu.

* Thượng tá Võ Ngọc Phụng, Chính trị viên Đoàn Văn công Quân khu 9:

Đoàn Văn công Quân khu 9 đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương. Qua hoạt động thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có thời điểm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về xây dựng các vở diễn tầm vóc. Cán bộ, nhân viên Đội Sân khấu cải lương thuộc Đoàn Văn công Quân khu 9 đều có nguyện vọng được đào tạo bài bản, nhất là các khóa đạo diễn bởi đây là loại hình nghệ thuật đặc thù mang tính vùng, miền nên trong quân đội ít có cơ sở đào tạo bài bản, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn.

* Trung tá Phạm Anh Thông, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân:

Các đợt biểu diễn của đoàn thường kéo dài hàng tháng nên thời gian anh chị em nghệ sĩ ở trên xe ô tô rất nhiều. Tuy nhiên, dù xe ô tô của đoàn mới được cấp nhưng có thiết kế ghế ngồi nhỏ, chật khiến anh chị em nghệ sĩ ngồi lâu trên xe rất vất vả, bất tiện, đó là chưa kể một số nhạc cụ phải mang theo bên mình. Vì vậy, với các đoàn nghệ thuật thường xuyên đi biểu diễn xa cần được trang bị phương tiện đi lại phù hợp để bảo đảm sức khỏe của nghệ sĩ.

* Trung tá Lâm Dũng Tiến, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 2:

Cần có quy định cụ thể về việc chuyển đổi vị trí công tác cho lực lượng nghệ sĩ, diễn viên tuổi đời cao không còn phù hợp với hoạt động nghệ thuật, đồng thời có nguồn bổ sung bảo đảm tính kế thừa, đủ biên chế đáp ứng yêu cầu hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh đó cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục-đào tạo ở nhà trường với quá trình công tác ở các đoàn văn công trong quân đội để đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ có chất lượng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, đạo đức, thể chất, phù hợp với đặc thù ở các ngành nghệ thuật...