Một ngày đầu xuân đến thăm nhà GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh, ngôi nhà nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Láng Hạ, TP Hà Nội. Nhà vắng người, bởi các con của ông đã trưởng thành, hai ông bà sống cùng nhau trong ngôi nhà chỉ toàn là sách, các đạo cụ, hiện vật liên quan đến loại hình nghệ thuật mà ông gắn bó cả cuộc đời. Nghệ sĩ bảo, những thứ đó là tài sản vô giá của ông, nào chiếc quạt múa của nghệ thuật chèo, nào bộ trang phục múa của thiếu nữ dân tộc Tày, ở một góc khác là chiếc khèn, sáo của đồng bào Mông… Đây đều là những món quà mà người dân đã dành tặng ông trong những chuyến điền dã, nghiên cứu, sưu tầm để rồi dần dần trở thành những hiện vật quý, tư liệu giá trị “bước” vào các công trình, cuốn sách về nghệ thuật múa dân tộc cũng như trở thành những giáo trình căn bản được ông biên soạn, giảng dạy trong các trường đào tạo về nghệ thuật múa của Việt Nam.

Năm nay, NSND Lê Ngọc Canh đã bước sang tuổi 85, nhưng ông còn minh mẫn lắm. Như lời của NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tuy tuổi cao, nhưng khi có các kỳ cuộc về nghệ thuật múa, NSND Lê Ngọc Canh vẫn luôn đồng hành, không chỉ tới dự mà còn đóng góp các ý kiến mở ra đường hướng mới cho sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam. Sự hiện diện của một trong những người “anh cả” biên đạo múa Việt Nam còn tạo động lực, sự vững tâm cho các nhà biên đạo trẻ trong các cuộc thi tài năng biên đạo múa hay giới thiệu các tác phẩm múa mới. NSND Lê Ngọc Canh thì chỉ nói đơn giản, rằng các bạn trẻ dù có phát triển múa hay đưa nghệ thuật múa hội nhập đến đâu, thì căn bản vẫn phải lưu ý đến yếu tố dân tộc. Xa rời điều căn bản đó thì không còn gọi là múa Việt Nam nữa! 85 tuổi, nhưng nghệ sĩ Lê Ngọc Canh đã có tới 72 năm gắn bó với nghệ thuật múa. Do vậy, mong muốn nghệ thuật múa của dân tộc luôn tỏa sáng, hội nhập được với thế giới là điều hiển nhiên.

leftcenterrightdel
GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh. 
Theo nghệ thuật múa thì vất vả lắm, luôn phải rèn luyện và vượt qua cả một chặng đường dài khổ luyện, khó khăn, có khi phải đối mặt với thương tích. Nhưng đã theo rồi thì đam mê lắm, lúc nào cũng nghĩ mình như cánh chim, cứ mải miết bay về hướng mặt trời, cao và xa mãi!-NSND Lê Ngọc Canh đã chia sẻ như vậy khi nhớ về thuở đầu ông "chạm ngõ" nghệ thuật múa. Hồi đó mới 13 tuổi, cậu bé Lê Ngọc Canh tạm biệt mẹ, xa quê hương-làng Đa Sỹ (Hà Đông)-tự nguyện tham gia đội ngũ những chiến sĩ cảm tử Thủ đô, cùng các chú, các anh chiến đấu suốt 60 ngày đêm năm 1946. Người dân Hà thành đã gọi những chú bé đó là “Vệ út” của Trung đoàn Thủ đô. Sau khi cùng trung đoàn rút lên Chiến khu Việt Bắc an toàn, những người lính Thủ đô đã tổ chức các cuộc giao lưu liên hoan văn nghệ. Đàn hát thì sẵn rồi nhưng múa thì còn thiếu. Chả là bộ đội toàn con trai nên múa rất hiếm. Nhưng văn nghệ mà vắng múa thì cũng tẻ. Thế là chiến sĩ tuổi thiếu niên Lê Ngọc Canh được chỉ định làm diễn viên múa. Ban đầu là múa theo kiểu cầm súng đi đi lại lại minh họa cho màn hát chiến sĩ, sau đó là động tác chân, động tác tay theo kiểu uốn uốn lượn lượn như trong mấy vở chèo… dần dà hình thành những bài múa “có hình có dáng”. Nghiệp múa đến với nghệ sĩ Lê Ngọc Canh đơn giản như vậy, rồi tiếp tục theo ông trong quá trình đi học sĩ quan ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Rồi sau này, Lê Ngọc Canh được chọn về công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) để làm diễn viên múa. Múa rồi mày mò làm biên đạo múa. Những bài múa đầu tiên ra đời đã "chuyển" diễn viên múa Lê Ngọc Canh sang cuộc đời người biên đạo múa khi đoàn tổ chức dàn dựng vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.

Thành công vang dội của vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”-một trong những tác phẩm đỉnh cao đầu tiên tiêu biểu cho nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam, trong đó có sự đóng góp công sức của biên đạo múa Lê Ngọc Canh-đã mở ra cánh cửa mới trên con đường nghệ thuật của ông. Ông được chọn sang Nhạc viện Quốc gia Bun-ga-ri học biên đạo. Ở ngôi trường danh tiếng về đào tạo nghệ thuật của thế giới này, các giáo sư đã đưa ra lời khuyên: “Em phải đi bằng hai chân. Một chân là biên đạo múa và một chân là nghiên cứu lý luận về múa. Đất nước Việt Nam của các em còn khó khăn, còn đang phải chiến đấu nhưng đã gửi các em sang đây học chứng tỏ Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến văn học-nghệ thuật không chỉ hiện đại mà còn của dân tộc nữa...”. Nghe các giáo sư nước ngoài khuyên vậy, Lê Ngọc Canh đã mạnh dạn “đi bằng hai chân” và đã chứng minh bằng cả một chặng đường dài nghệ thuật của mình khi đóng góp cho nền nghệ thuật múa Việt Nam hơn 160 điệu múa và vở múa đã được công diễn cùng hơn 20 đầu sách được xuất bản. Điển hình phải kể đến: “Giã gạo dưới trăng”, “Múa sạp”, “Múa Chăm”…; nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận về múa như: “Lịch sử Nghệ thuật múa Việt Nam”, “Nghệ thuật múa Chăm”, “Phương pháp kết cấu kịch bản múa”, “Múa cổ truyền dân gian Hà Nội” và gần đây nhất là 3 công trình nghiên cứu, lý luận qua 3 cuốn sách: “Đại cương nghệ thuật múa”, “Nghệ thuật múa chèo” và “Nghệ thuật múa tộc người Mạ” đều đoạt giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong các năm qua. Đáng chú ý, cuốn sách “Nghệ thuật múa chèo” là công trình nghiên cứu được NSND Lê Ngọc Canh “trích” trong “kho tàng” đồ sộ về nghệ thuật múa của mình ra để bảo vệ thành công học hàm Giáo sư-học hàm cao nhất và duy nhất của nghệ thuật múa Việt Nam cho đến nay. Với sức cống hiến bền bỉ cả cuộc đời cho nghệ thuật múa dân tộc và 3 tác phẩm có giá trị cao này, năm 2016, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, vinh danh NSND Lê Ngọc Canh.

Dù tuổi cao, sức cũng đã yếu, nhưng NSND Lê Ngọc Canh bảo chẳng khi nào ông ngơi nghỉ. Ngay cả lúc đang hàn huyên với chúng tôi cũng có không ít cuộc điện thoại mời ông đi giảng dạy, rồi cả những học trò đến nhà tìm ông để được hướng dẫn liên quan đến giảng dạy múa, biên đạo múa… Với ông, công việc đào tạo đó không chỉ là một phần của đời sống suốt từ năm 1984 đến nay, mà nó là khâu quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa-nghệ thuật cho Tổ quốc. GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh luôn đau đáu một điều, đó là làm thế nào để những cống hiến của thế hệ trước được thế hệ sau đón nhận, tiếp thu và nhân rộng, để vẻ đẹp của nghệ thuật múa dân tộc ngày càng có sức hấp dẫn, lan tỏa.

Bài và ảnh: HÀ MỘC