Làn sương trắng bồng bềnh đang từ ngoài đồng lùa vào trong vườn trùm lên những cây na, cây bưởi như tấm chăn mỏng. Hơi lạnh men theo kẽ lá của những ngày cuối thu làm cho không gian thêm dịu nhẹ. Bà Tí lật đật quay trở vào bếp chuẩn bị bữa sớm. Ba đứa con đều lập nghiệp phương xa, khu vườn rộng, cây cối um tùm của ông bà càng thêm tĩnh lặng. Đôi khi bà Tí cũng thấy buồn, trống trải thèm tiếng nói chuyện để phá tan bầu không khí ấy. Một lúc, ông Luận tất bật luồn từ bờ cây đi vào, đầu ướt sũng sương, cánh tay áo lấm lem đất.

Nhà có đàn vịt đẻ, ông Luận chăm sóc cẩn thận nên mỗi ngày đều đặn nó cho 5 quả trứng. Ông bà chẳng ăn mấy, chủ yếu cất lại, tuần nào con cháu về thì tiếp viện. Nhất là thằng cu Quốc thích ăn trứng vịt từ bé. Bây giờ nó là bác sĩ ở trong tỉnh, nhà cửa vợ con ở trong đó hết. Tuần nào không bận, nó đưa cháu về chơi với ông bà. Bà Tí thường bảo, cây nhà lá vườn, trứng sạch, rau sạch, hoa quả sạch bây giờ kiếm đâu ra. Đến siêu thị cũng chả tin là sạch. Ông bà chăm chỉ trồng rau, chăm cây, nuôi gà nuôi vịt vừa để đỡ buồn, vừa tiếp viện cho chúng nó. Thương ông bà lọ mọ ngoài vườn suốt ngày, Quốc bảo bố mẹ vào ở cùng mình. Nhưng mấy lần nói ra, ông đều không nhất trí: “Trong đó bụi bặm ồn ào, lại không có việc gì làm, đi vào đi ra, các cháu thì đi học, chúng mày thì đi làm, hai ông bà nhìn nhau buồn lắm. Thôi để chúng tao ở đây, có thương thì chúng mày rảnh rỗi chở các cháu về thăm là được rồi”.

Ông Luận đi vào bếp đem theo cả hơi lạnh buổi sớm.

- Trời đang chuyển mùa, ông ra vườn sớm thế khéo ốm đấy!

- Tôi ra xem lại cái chuồng vịt! Hôm qua tôi thấy dấu chân cáo, bà ạ.

- Ăn sáng thôi ông! Hôm nay tôi kho cá suối cho ông đấy!

- Bà kiếm đâu ra của hiếm thế?

- Hôm qua cái Minh hàng xóm, nó đi thăm bà con trên ngược về, thấy người ta bán nên mua hộ đó. Cá tươi lắm, tôi kho luôn từ tối qua ông ạ!

Vừa bưng bát cơm, gắp những con cá suối kho lá nghệ thơm phức, ông Luận lại rưng rưng nhớ kỷ niệm 50 năm về trước...

***

Ngày đó, khi ông vừa tròn 20 tuổi. Cuối năm 1973, tại ngã ba Tuy Đức, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn bộ binh địch. Sau khi địch rút chạy, đơn vị ở lại chốt bảo vệ trận địa. Mùi thuốc súng, mùi tử khí còn phảng phất chưa tan. Không khí đặc quánh với bụi mùa khô Tây Nguyên mù trời làm cho khung cảnh càng thêm ngột ngạt. Điểm cao phòng ngự nằm trên một khu rừng lưa thưa cây, loang lổ hố bom, đạn pháo. Một bức tranh xám ngoét giữa nền trời xanh thẵm.

Mấy ngày tấn công căn cứ địch cũng là mấy ngày ăn gạo rang và lương khô, uống nước lã, bộ đội ai cũng thấy xót ruột, mồm đắng nghét. Sau khi làm chủ trận địa, tận dụng lúc thanh bình, Đại đội phó Thất, pháo thủ Hoa và khẩu đội trưởng Luận rủ nhau ra khúc suối bên cạnh chân đồi tìm “chất tươi” cải thiện. Con suối nhỏ, chảy róc rách men giữa khu rừng thoai thoải.

Thằng Hoa pháo thủ nhanh nhẩu:

- Xê phó Thất hôm nay đích thân xuống suối chắc anh em mình được bữa mẩm đây. Mấy ngày đánh đấm nhai gạo rang trẹo hết cả mồm. Hôm nay làm được mấy con cá tươi, anh em dọn cỗ thì cánh trinh sát chắc thèm nhỏ dãi.

- Thôi đi ông tướng, ở đây suối không biết có cá không mà cứ nói dóc! Với lại nếu có cá thì phải nhường thương binh cho anh em bồi bổ, chứ mấy thằng thanh niên như bọn mình còn xi nhê gì. Hồi xưa vượt Trường Sơn cả tháng ăn lương khô với gạo rang còn qua được nữa là.

Câu chuyện rôm rả trên đường xuống suối. Con suối nhỏ, nước đục ngầu. Những hố đạn pháo chi chít cày nát khúc thượng nguồn. Luận, Thất, Hoa đánh quần đùi xuống suối. Cả tuần không tắm, tranh thủ làm mát cơ thể. Anh Thất, dân sông nước mò mẫm từng kẽ đá, lùm rêu tay nhanh thoăn thoắt. Chỉ ít phút đã được xâu cá suối béo mẫm nhảy tanh tách. Tiếng cười vui vẻ giòn tan trên mặt nước.

Hôm đó về vét bao tượng được một ít gạo, anh em nấu cháo cải thiện. Mùi thơm của gạo, của cá và cả rau rừng quyện vào nhau nức mũi. Đã lâu rồi khứu giác của anh em mới được đánh thức. Sau khi múc cho anh em thương binh, còn lại được mỗi người lưng bát. Luận không ăn, anh lặng lẽ đi ra phía cuối khu rừng. Anh đặt bát cháo lên nấm đất còn mới đắp hôm qua:

- Dậy ăn cháo đi Hồng ơi! Cháo cá suối đó, còn cả lá lốt rừng nữa, thơm nức. Mới hôm kia, trước khi vào trận đánh mày còn bảo tao, xong trận này nhất định phải làm một “bữa tiệc” cháo cá suối cải thiện. Bây giờ đã có rồi nhé!

Luận ngồi bệt xuống bên thềm đất, mắt ngấn nước. Gió từ khu rừng thổi qua xào xạc. Hồng quê ở một huyện miền tây xứ Nghệ. Bố mẹ mất trong những ngày kháng chiến. Nó ở với bà trong một ngôi nhà sàn xiêu vẹo, dột nát rìa làng. Tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc nồi bằng gang bên xó bếp, nhưng ít khi có cơ hội sử dụng. Hồng lớn lên bên bụi lồ ô trước nhà. Năm 17 tuổi, bà theo ông về núi, Hồng cũng xung phong đi bộ đội. Vốn chịu khổ từ bé nên anh chẳng nề hà việc gì, luôn giúp đỡ anh em nhiệt tình. Cảm mến người bạn cùng tiểu đội, Luận luôn bên cạnh, đi đâu cũng có nhau, miếng gì cũng chia sẻ cho nhau. Vậy mà... quả đạn pháo chết tiệt đó nổ ngay sát công sự khẩu đội. Luận may mắn được bình an còn Hồng bị trúng mảnh đạn vào ngực. Trước khi ra đi, anh còn dặn Luận: "Nhớ bình an trở về, sau này hết chiến tranh nhớ đem tao về quê với"...

Đơn vị Luận tích cực củng cố trận địa, địch ráo riết chuẩn bị phản công nhằm lấy lại căn cứ đã mất. Do có sự chuẩn bị chặt chẽ của các đại đội, các khẩu đội pháo binh hạ nòng nhả đạn. Lúc này, khẩu đội của Luận đang bắn trả quyết liệt thì bị một quả pháo của địch nổ ngay trước trận địa. Mảnh pháo văng ra cắt vào tay trái của đại đội phó Thất đang trực tiếp chỉ huy tại đây. Khẩu đội trưởng Luận vẫn bình tĩnh điều chỉnh quân số tiếp tục chiến đấu. Thất bị thương nặng, cánh tay bị chém gần như đứt lìa. Máu ra xối xả.

- Trời ơi anh Thất, anh tỉnh lại đi. Các đồng chí, nhanh băng bó rồi khẩn trương chuyển anh ấy về tuyến sau!-Luận hét vang giữa tiếng ì ùng đạn pháo.

- Báo cáo anh, tay anh Thất...

- Làm sao đồng chí?

- Dạ rất khó băng bó ạ.

Thất thều thào:

- Anh em cứ cắt cánh tay tôi đi cho khỏi vướng...

Một đêm quần nhau với địch, phút yên bình bên chiến hào, vừa củng cố lại trận địa, Luận bồi hồi nghĩ không biết anh Thất chuyển về tuyến sau điều trị thế nào. Chiến tranh ai chả biết mất mát, hy sinh nhưng nhìn đồng đội, anh em lần lượt ra đi, Luận không khỏi đau lòng. Chợt nhớ còn cánh tay của anh Thất, anh vội vã đi tìm. Quờ quạng mãi, giữa đạn pháo mịt mù, cánh tay vẫn nằm yên dưới gầm pháo. Luận mừng rỡ rồi bàn với Hoa xin ít bao ni lông quấn kỹ nhiều lớp. Luận xuống đồi, men theo con suối, xung quanh có nhiều mỏm đá cao, tìm lấy một cái hang khô ráo, cất bọc ni lông vào. Nhìn quanh một lượt địa hình, anh vạch ra trên tờ giấy và cố gắng ghi nhớ lại vị trí thật lâu rồi mới ra về...

***

Một ngày, cũng vào cuối thu, ông Luận nhận được tin của đại đội phó Thất từ một người bạn: Anh Thất thời gian gần đây sức khỏe yếu đi, do vết thương cũ tái phát, chắc không còn cầm cự được lâu nữa!

Nhận tin đồng đội mà ông Luận đau nhói trong lòng. Đêm thao thức không ngủ được, hai hàng nước mắt cứ chực trào ra. Ông bàn với bà Tí:

- Bà ạ, có lẽ tôi phải vào Nam một chuyến.

- Nhưng sức khỏe ông đang có vấn đề, cái chân ông hay bị đau, sao đi nổi!

- Tôi phải đi bà ạ! Vì có lời hứa tôi chưa làm được!  

Bà Tí quay lưng giấu đi nỗi lo. Bà biết không can ngăn được ông nhưng bà yêu cầu ông phải tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thật tốt trước khi lên đường vào chiến trường cũ.

Trở lại vùng đất nơi biên giới, màu xanh của cà phê, của cao su và những cánh rừng bạt ngàn ngút mắt trôi qua trên con đường nhựa phẳng lỳ. Xe đến trước ngã ba biên giới huyện Tuy Đức, điểm cao chiến đấu cũ hiện lên trên màu xanh đã phủ kín. Con suối nhỏ chảy lượn lờ qua những ngọn núi đá khuất dần sau những tán cây. Những ngày chiến tranh khốc liệt bỗng lại hiện về trong ông. Xăm xăm bước đến nơi ngọn núi đá bên suối, thời gian đã in hằn lên mỗi phiến đá, cảnh vật đã đổi thay.

Ngày đó, ông và đồng đội an táng Hồng vào giữa 3 chụm đá. Quần thảo lâu ông mới xác định được vị trí. Đúng là thời gian tàn nhẫn, nó làm thay đổi cả cảnh vật, nó xóa đi ký ức con người, không chừa một ai. Ông Luận rưng rưng thắp nén nhang:

- Hồng ơi, mày sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho tao đưa mày về quê thuận lợi. Tao xin lỗi mày vì đã lâu quá rồi tao mới có điều kiện quay lại đây được.

Nhờ cán bộ, chiến sĩ và dân quân xã hỗ trợ, việc cất bốc thi hài Hồng diễn ra nhanh lẹ. Còn cánh tay của anh Thất. Đến đoạn suối như đã xác định, tuy cảnh vật có đổi thay nhưng khối đá vẫn nguyên như cũ. Thò tay vào hốc đá run run, ông Luận sung sướng không tin là bọc ni lông vẫn còn. Ông cẩn thận mở ra từng lớp, vỏ bao ni lông xỉn màu rụng rơi theo gió, cuối lớp ni lông chỉ còn những mẩu xương vụn nhỏ. Ông nhẹ nhàng cho vào một lọ sứ.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Trở về quê, lòng phấn khởi mừng thầm, từ nay cởi bỏ được những trăn trở trong ông về lời hứa năm nào. Sau khi ông Luận đưa Hồng về nằm cạnh ông bà và tìm đến nhà ông Thất. Ông Thất nằm miên man trên chiếc giường, người gầy như tàu lá.

- Anh Thất, anh Thất ơi!

Ông Thất từ từ mở mắt.

Em Luận đây, Luận khẩu đội trưởng ở c3 đây, quần nhau với địch ở ngã ba Tuy Đức năm 73 đây, anh còn nhớ không?

Ông Thất gật đầu nhẹ, hai hàng nước mắt rỉ ra.

- Em đưa về cho anh cánh tay, anh để lại ở Tây Nguyên năm đó. Vừa rồi em đưa thằng Hồng về quê rồi anh ạ.

Ông Thất lại gật nhẹ đầu. Khóe miệng giãn ra cố kéo nụ cười cảm ơn người em, người đồng đội... Mấy ngày sau, ông Thất ra đi thanh thản, gửi hồn về trời.

***

- Ông ơi! Không ăn đi mà thần người ra thế!

Tiếng nói của bà Tí kéo ông Luận về thực tại. Ngoài trời nắng mới lên đang reo ấm cả khu vườn.

Truyện ngắn của AN VÕ