1. Bữa xáng múc mở dòng vào kinh rạch giờ chẳng lo hạn mặn hay thiếu nước. Mấy chiếc sà lan chở nước ngọt chạy vào ào ào. Mầy thấy ven bờ kinh chưa, kìa cái màu vàng đó? Cặp mé đó là thấy cái khu du lịch sinh thái của tao nghen. Người Sài Gòn hay người nước ngoài về xứ này là ghé chỗ tao, họ muốn sống với ruộng đồng sông nước, họ tập tát đìa, họ khoái thổi lửa rơm nướng trui cá lóc. Thái vẫn luyên thuyên từ bến xe đến những đoạn hai bên đường tre mọc xanh rì. Tỷ đi bao lâu rồi? Chừng ngồi phía sau thằng bạn thời miễng vùa ba giá mà bấm ngón tay tính. Dễ chừng chục năm rồi chẳng về cố xứ. Thị thành níu chân biết bao đứa con quê, huống chi cả nhà Tỷ dọn lên hết trên đó rồi, từ ngày ngoại mất, chỉ còn mỗi cậu út là ở lại.
Cậu bám đất này thể như phù sa lắng vào châu thổ. Đôi lần ba má Tỷ điện thoại kêu cậu lên Sài Gòn đi, sống chi mình ên dưới này? Ốm đau bệnh hoạn ai lo? Mỗi lần nghe vậy, cậu út phủi tay cái rột. Tui người châu thổ chín nhánh sông, quen đồng bưng sóng nước, chỗ nhà cao cửa rộng, bê-tông cốt thép không hà, ở hổng quen. Hồi dịch tràn khắp miền Tây, ba má Tỷ lo lắng điện thoại miết cho cậu út. Tiếng cười hề hà cứ vang đều mỗi ngày. Ba má chưng hửng hỏi sao dịch thiên hạ sợ muốn chết giấc mà cậu út cười miết. Tiếng trả lời nhẹ bâng nhờ dịch mà tui thấy mình cũng còn được thương. Cái chữ thương bận đó rớt trên môi cậu út, đậu vạt cà na ven con kinh cũng ngay mùa nước liếm bờ, bông cà na trắng ngần rụng lả tả. Mấy cánh tựa lông vũ mềm mại quét lên mắt cậu út. Xốn xang hay gì mà hình như khóe mắt rớt hột nước mằn mặn ngon ơ.
2. Tỷ theo ba má lên thành phố từ hồi cấp hai. Vài lần đầu về còn nhắc nhớ mùa nước nổi, nhớ bông lục bình, thèm ăn điên điển. Đâu đó hai, ba năm kẹt lịch học thêm học bớt thành ra chẳng về. Lần về gần nhất chắc là hồi ngoại mất. Lần đó Tỷ không quen bùn đĩa, chẳng thích phóng mương, lại càng dị ứng nước sông. Người Tỷ nổi hột nhỏ đo đỏ. Tỷ gặp Thái đến viếng thì mừng tíu tít. Thái hỏi mầy buồn không? Hồi đó ngoại thương mầy nhất trong đám cháu. Mùa cà na nào ngoại cũng lấy vùa hái rồi để dành đem ra chành gởi lên đó cho mầy. Ngoại đập cà na, xốc với muối ớt. Ngoại ngâm cà na chua ngọt. Ngoại gói kỹ trong hai cái keo to. Sáng lật đật ra chợ mua cái giỏ đệm chèn vải vụn chung quanh rồi cột lại thiệt kỹ. Ngoại sợ chành xe chèn hàng bể keo là mầy không có mà ăn.
Thái nhắc chuyện cũ mà cặp mắt đỏ hoe. Tỷ ngồi chưng hửng nhìn bạn. Thái thắp nén nhang rồi xin phép về. Tỷ lót tót theo sau. Con đường quê hôm đó liêu xiêu bóng hai thằng bạn. Lúa bận đó đương thì ngậm bông vàng đồng. Chiều quê chim dáo dác về Tây sau một ngày xoải cánh miên di. Thái nhìn thằng bạn quê nhuốm bụi thời gian thị thành mà bỗng quay quắt nhớ hồi vụng dại. Tuổi trẻ của Thái cũng chênh vênh giữa ngã ba lòng. Đôi khi nghĩ hay mình lên thị thành thử một lần thỏa chí tang bồng. Nhưng, một chiều ngái nồng khói đồng bên bếp cơm má nấu. Thái nhìn đôi tay chai sần của má, nhìn cái hom hem nua già của cha, nhìn đất quê vàng võ giữa cơn khát nước ngọt, giữa thời xẻ đất lên đô thị, những đứa trẻ châu thổ đi hết trơn, vậy thì xứ mình rồi sẽ ra sao? Thái quyết ở lại. Cứ vậy mà năm tháng quẩn quanh bám phù sa chín nhánh sông, neo đời mình với đồng bưng cho yên ổn tấm thân.
Chiều đó giữa những câu chuyện của hai thằng bạn, vẫn ngập ngừng về đứa con gái chung lớp học ngày xưa. Đứa muốn hỏi, đứa định nói, nhưng lời cứ ngắc ngứ. Chiều cứ vậy mà trôi biền biệt.
3. Chái bếp chiều tím lím triền sông, Thái bảo thôi đừng phiền lòng chi. Đời người như sông, có lớn ròng con nước, có trong đục khúc nhôi. Người ta ra rả trên báo đài về tiền ảo. Xứ này nè, cũng năm ba đứa bị dụ, nhưng chưa đến nỗi nào, dân mình dù nghèo dù khổ, ngộ cái tiền bạc ai chẳng ham, nhất là thứ tiền bạc từ trên trời rơi xuống. Mầy cứ về đây ở cho khuây khỏa rồi hẵng trở lên.
Mấy đồng tiền ảo đầy lợi nhuận quyến rũ Tỷ. Gom góp của nả để dành hơn chục năm đầu tư vào. Đồng lời đẩy cao, mua vào bán ra, Tỷ âm thầm cầm giấy tờ căn nhà, quyết một phen làm tỷ phú như cái tên ba má đặt cho mình. Có lúc đúng là Tỷ nắm tiền tỷ trong tay. Nhưng, sự đời đâu ai hay, một đêm Tỷ cứ an giấc thì cách nửa vòng Trái đất, sàn giao dịch bên kia bị sập, đồng tiền ảo chạm đáy, Tỷ thành con nợ. Xoay xở cả tháng trời ém nhẹm chừng chịu không nổi Tỷ đành thú thật. Lãi mẹ đẻ lãi con tròm trèm 5 tỷ đồng. Vợ để lại tờ giấy ly hôn, căn nhà rao bán. Tỷ vùi mình vào căn phòng tối om, nốc hai vỉ thuốc ngủ. May mắn hay linh tính mách bảo, cô vợ gọi điện thoại nhắc nhở đón con buổi chiều đó, điện thoại reo mải miết mà không ai bắt máy. Cô vợ vội vã trở về nhà nên Tỷ được đưa vào viện kịp thời.
Cậu út hay chuyện, điện thoại lên kêu Tỷ về. Giữa những mỏi mòn đời mình, Tỷ chẳng còn biết đi đâu ngoại trừ về quê, dẫu xứ này Tỷ dường như đã quên nó tự khi lao vào cuộc đầu tư ảo. Cậu út nói chắc nịch, bán đất trả nợ. Cậu chui vào buồng. Tỷ lững thững ra chái bếp. Lòng trống rỗng mênh mông. Đất như máu mủ ruột rà chảy trong người châu thổ. Đất còn hơn cả cuộc đời của dân xứ này. Đời người ta còn đen bạc với nhau, chớ đất có bao giờ biết bạc với ai đâu. Người ta bỏ đất mà đi, nhưng dịch tràn thì lại năm đường bảy ngả tìm về trú thân. Cạn cùng cuộc đời người ta cũng tìm về với đất. Đất đẻ ra người châu thổ, rồi cũng chính đất ôm người châu thổ vào lòng khi mãn phần khuất bóng. Cả đời cậu út giữ đất như giữ sinh mạng của mình. Vậy mà...
Tỷ vẫn ngơ ngác nhìn sông. Gió lào xào thổi những cánh hoa cà na rớt xuống trước mặt. Trắng mờ cả triền sông. Trắng cả lòng Tỷ.
4. Thái chở Tỷ ra cái chợ quê một sáng trời mưa lâm râm. Gánh bún điên điển thưa khách. Cô chủ gánh ngập ngừng một đỗi rồi cười buồn. Ngày đó ba đứa thường băng đồng giữa những cơn mưa mùa hạ. Cái tàu lá mo hai thằng con trai kéo nhỏ bạn thân khắp con đường quê. Những mùa cà na cũng trôi qua với cái thú lấy vùa hái trái rồi chấm muối ớt hít hà. Cay xộc vào ruột, bụng sôi lên, cào đau cả dạ mà vẫn cười. Tiếng cười nắc nẻ. Ngày Tỷ đi, nhỏ con gái đứng lừng khừng bên rào nhà. Chẳng ai nói lời nào với ai. Chỉ cát bụi đồng bưng cuốn nỗi nhớ bay lên thinh không.
Con Bông có bà dì trên thành phố mai mối cho một thằng chồng. Ngày rẽ sóng nước Cửu Long lên thành phố tưởng là ấm êm nhưng đâu dè vớ phải thằng cờ bạc. Gia cảnh nát tan, bán lần bán mòn cho tới bán luôn trái thận để trả nợ. Chịu không thấu cảnh thằng chồng cờ bạc lại đánh đập mình suốt bốn năm làm vợ, con Bông xin phép ba má chồng rồi cuốn mớ đồ đạc hồi cố hương. Trên mặt vẫn còn vết sẹo một lần thằng chồng đánh để lại. Đời ai cũng có vết sẹo hết trơn đó bây. Nhưng, vết sẹo của con người ta sau bao năm tháng thì mờ đi chứ đâu bao giờ xóa sạch. Chỉ có phù sa xứ mình là xóa được hết những nỗi đau để con người ta còn chốn nương náu mà sống tiếp sau những bôn ba xa xứ.
Thái kể chuyện con nhỏ bạn thân cho Tỷ nghe trên quãng đường về sau bữa ăn sáng. Tỷ hỏi bâng quơ phải hồi đó mầy thương con Bông không? Thái không trả lời. Hồi đó trẻ dại, chừng lớn lên rồi yêu thương đôi khi nó chập chình như đò qua ngã ba sông. Linh đinh bên này, lảo đảo bên kia. Sóng nước đồng bưng vỗ thắt lòng thắt dạ. Yêu thương cũng miên di theo những bước chân rời quê lên phố thị. Đằng đẵng thời gian, chừng ngày biết vọng cố hương cũng là ngày đầu lốm đốm bạc, trên mình đầy rẫy những dấu tích của thị thành.
Thái dừng trước rào nhà, bước xuống xe gỡ cái bản bán đất tỉnh rụi, rồi đi vào trong. Con gom chút tiền để dành cũng được một ít, cộng chung tiền nó bán căn nhà trên đó là đủ trả nợ ngân hàng. Thôi cậu út đừng bán đất. Xứ này chẳng có gì ngoài đất. Bán đất là bán đi cái gốc tích của đời người. Mà làm người thì đâu thể mất gốc. Cậu út ngó Thái, Tỷ ngó Thái. Nhưng Thái lại tiến thẳng đến bàn thờ ngoại, thắp nén nhang rồi cười lớn, con nói vậy ngoại thấy đúng không. Chẳng biết ngoại trên bàn thờ có hiển linh hay không, nhưng Tỷ thấy nụ cười trên tấm di ảnh dường như rạng rỡ.
Đêm đó mé sàn lãng ba đứa bạn thân khề khà bên chai rượu gạo. Mồi chẳng có gì ngoài mấy trái cà na con Bông vừa đem qua. Sớm mai Tỷ lên lại thành phố để giải quyết rốt ráo chuyện nợ rồi sẽ về hẳn Gáo Giồng. Ruộng nhà còn thiếu người tát gàu sòng. Đất quê còn cần người vun xới. Tỷ về chăm nom vườn tược với sớm hôm bên cậu út. Có gì ăn đó mà thảnh thơi lòng dạ. Mà nè tiền đó tao để dành cưới vợ đó nhen mậy. Mầy về đây mần công cho tao chừng trả đủ tiền tao cưới vợ thì mới thôi nghen. Thái nói vậy, trong lúc ngà ngà cơn say. Tỷ cười sặc cả trái cà na văng ra sàn lãng. Con Bông ngó hai thằng bạn thân rồi cũng lắc đầu, hai cha nội già hết trơn mà cứ nhây như hồi trẻ. Bất giác câu nói của con Bông làm cả ba đứa nhìn nhau. Hồi trẻ, tụi nó hay nghe mấy ông bà già xứ này hát: “Hò ơi, gió tháng mười ngọt nước đồng. Thổi người xa xứ vòng về cố hương”. Hình như trong thẫm đêm vẳng câu ca cũ, rượu chưa kịp cạn, mà lòng ba đứa bạn đã say.
Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO