Nét nổi bật của địa lý Nam Bộ là mạng lưới kênh rạch dày đặc. Đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân gắn bó mật thiết với môi trường sông nước. Chính vì thế, nhà văn Sơn Nam đã đưa ra khái niệm “văn minh sông rạch” cho vùng đất này và ca dao Nam Bộ thể hiện rất rõ đặc trưng này mà các vùng ca dao khác không hề có.
Theo thống kê của tác giả Bùi Mạnh Nhị, ca dao Nam Bộ có đến 19 từ chỉ các loại ghe xuồng: Ghe tam bản, ghe giàn, ghe lòng, ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe rổi, ghe tắc ráng, ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe bản lồng, ghe cá vom, ghe chài, ghe cửa, ghe cui, ghe hầu, ghe ngo, ghe vỏ lãi, xuồng ba lá và có tới 24 từ chỉ các loại nước: Nước ròng, nước rong, nước rông, nước lớn, nước kém, nước rặc, nước nhửng, nước ương, nước chửng, nước lửng, nước sình, nước xẹt, nước đứng, nước bò, nước nhảy, nước nằm, nước giựt, nước sụt, nước dềnh, nước lên, nước lui, nước rút, nước sụt, nước trồi. Chỉ riêng chuyện đi ghe xuồng thôi đã thấy người Nam Bộ rất linh hoạt ứng biến trước những địa hình khác nhau trên một con đường: Đường rừng có bốn cái vui/Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo.
Bên cạnh các phương tiện giao thông đường thủy là sự đa dạng của các công cụ đánh bắt cá, tôm. Đánh bắt bằng câu thì có câu thượt, câu nhắp, câu rê, cầu dầm, câu cắm, câu giăng... Công cụ giữ cá bằng hom có lờ, trúm, lộp, đó, rọ, bung, xà di,... Lưới thì gồm các loại xệp, te, đáy, càng chông, vó gặt, vó càng, lưới rùng, lưới chụp... Những công cụ này đều ít nhiều được đi vào ca dao và trở thành những hình ảnh mang hàm nghĩa sâu xa: Con cá tróc vi hiềm vì cá nhảy/Cần câu gãy vì bụi gốc vướng rong; Cá không ăn câu chê rằng con cá dại/Cá mắc câu rồi nói tại cá tham ăn.
Ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa.
Trong đời sống dân gian, ca dao chính là nơi thể hiện tập trung nhất lòng yêu nước của người dân Nam Bộ với những tấm gương anh hùng dân tộc đã đi vào sử sách, như: Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa... Những câu ca dao ra đời đã ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ, tình yêu quê hương, đất nước của con người: Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm. Hay: Bến Tre nước ngọt lắm dừa/Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm; Bình Đại biển cá, sông tôm/Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
Ca dao Nam Bộ tập trung phản ánh tình cảm gia đình, trong đó nổi bật nhất là tình cha, nghĩa mẹ, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa, tình anh em máu mủ ruột rà sâu nặng... Tuy nhiên, điểm khác biệt so với các vùng địa lý khác là những cảnh sinh hoạt gia đình này mang những nét dung dị, đời thường gắn với môi trường sông nước bao la. Ở đó, cuộc sống thật đơn sơ, giản dị nhưng cũng đầm ấm tình người, tình mẹ con, vợ chồng chung lưng đấu cật trong công cuộc mưu sinh: Cha chài, mẹ lưới, con câu/Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò; Chiều chiều ông Lữ đi câu/Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò. Tình cảm gắn bó với gia đình, cha mẹ còn thể hiện qua tình cảm nhớ thương, nỗi lòng xót xa, thấm thía của người con gái xa xứ khi hướng về quê mẹ xa xôi: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Tình yêu nam nữ của vùng đất phương Nam qua ca dao rất mộc mạc, tự nhiên, nhiều khi rất dung dị, ngộ nghĩnh, gây nên những bất ngờ thú vị. Vốn là những con người lao động chân chất, người Nam Bộ nhiều khi bày tỏ tình cảm với nhau bằng một thứ khẩu ngữ thường ngày không cần chưng diện, không cần màu mè, song cái tình trong đó vẫn vô cùng mãnh liệt và sâu sắc: Dao phay kề cổ, máu đổ không màng/Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông; Tôi xa mình hổng chết cũng đau/Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền. Đó có thể là lời tâm sự rất thật thà, chất phác của một anh chàng đêm hôm khuya khoắt lặn lội đi thăm người yêu: Thương em nên mới đi đêm/Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau/May đất mềm nên mới hổng đau/Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này. Hay cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, bộc trực, nhưng hình ảnh thì lại hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm: Con ếch ngồi dựa gốc bưng/Nó kêu cái “quệt”, biểu ưng cho rồi. Sự chân chất, hồn nhiên trên phương diện từ ngữ, cách thể hiện ngộ nghĩnh và thẳng thắn, tình cảm chân thật và dung dị đã tạo nên chất “duyên” thường thấy trong ca dao tình yêu Nam Bộ: Anh thương em/Thương lún thương lụn/Thương lột da óc/Thương tróc da đầu/Ngủ quên thì nhớ/Thức dậy thì thương.
Giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách
Ca dao là những suy tư, cảm xúc, trải nghiệm được đúc kết, chưng cất từ thực tiễn cuộc sống của con người. Do vậy, ca dao chính là túi khôn dân gian chứa đựng những bài học kinh nghiệm thiết thực, bổ ích cho người đời sau. Ca dao Nam Bộ có không ít những câu ca sâu lắng, chứa đựng các triết lý nhân sinh, giáo dục lẽ sống ở đời, như: Làm người phải biết ngũ luân/Nếu mà thiếu một mươi phân thẹn thuồng. Ca dao đúc rút những bài học cô đọng, ngắn gọn, súc tích về đạo lý làm người, về quy luật nhân quả của cuộc sống, về lẽ thịnh suy của đời người: Nước dưới sông hết trong rồi đục/Vận con người hết thịnh rồi suy/Theo chi những thói gian tham/Phôi pha thực giả tìm đường dối nhau; Của phi nghĩa có giàu đâu/Ở cho ngay thật giàu sau mới bền.
Trên phương diện nghệ thuật, ca dao Nam Bộ là những mẫu mực về nghệ thuật ngôn từ mà cha ông để lại. Đó là kho tài liệu phong phú và độc đáo về phong tục, tập quán trong các lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng ở các thời đại khác nhau đã tìm thấy ở ca dao những bài học sáng tạo quý giá để tạo nên những kiệt tác mới.....
Ca dao Nam Bộ chủ yếu sử dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc như lục bát, song thất lục bát, song thất lục bát biến thể, đồng thời cũng sử dụng các thể vãn hay gọi là các thể nói lối, chủ yếu là vãn năm, vãn bốn (mỗi câu gồm bốn, năm âm tiết) và các thể thơ hỗn hợp. Thơ lục bát biểu lộ được những trạng thái tình cảm phong phú, đa dạng và tinh tế của con người, đồng thời về mặt hình thức nghệ thuật, các câu thơ rất dễ nhớ, dễ thuộc nhờ cách gieo vần và ngắt nhịp 6/8: Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Ngoài thể thơ lục bát chuẩn chỉnh “thượng lục hạ bát”, ca dao Nam Bộ còn sử dụng nhiều dạng lục bát biến thể với số âm tiết trong mỗi vế có thể tăng hoặc giảm thoải mái. Chẳng hạn, với bản tính tự do, phóng khoáng, cởi mở cộng với thiên nhiên giàu có, trù phú, người Nam Bộ thậm chí còn tạo ra “hệ đếm” riêng của mình: “Một chục mười tám trái xoài”. Do vậy, trong các câu ca dao Nam Bộ số chữ hoàn toàn tùy thuộc vào cách nói, vào mục đích chuyển tải thông tin, không quá bị gò ép cho đủ 6 hay 8 chữ, hoặc gieo vần chuẩn chỉnh cho đúng niêm luật, mà miễn sao diễn tả cho đủ ý muốn nói và có vần điệu dễ đọc, dễ nhớ. Ngó lên con trăng khuyết lưỡi liềm/Muốn vô giá nghĩa có trọn niềm hay không?
Ngày nay, quá trình phát triển, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã biến những vùng đất sình lầy khi xưa trở thành những con đường cao tốc, khu công nghiệp, khu chế xuất... Thêm nữa, sự tác động mạnh của internet, mạng xã hội... đã khiến cho ca dao Nam Bộ ít được nhắc đến. Thế hệ trẻ luôn bận rộn với những lo toan và công việc nên ít có thời gian thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bằng chứng là, hiện tại các làng, xã ở Nam Bộ, tỷ lệ thanh niên lên Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các khu công nghiệp làm việc rất lớn. Ở địa phương, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em, người già ở tại gia đình là phần đông.
Hằng năm, vào các dịp trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng di dân từ các tỉnh miền Tây về Thành phố Hồ Chí Minh tràn ngập các con đường, những chuyến xe đã cho thấy rõ điều đó. Hiện nay, sự bùng nổ thông tin khiến cho bản sắc văn hóa vùng miền bị xô dạt vào một góc. Giới trẻ Nam Bộ nói riêng và ở các vùng miền khác ưa thích những loại hình nghệ thuật mới hiện đại được cập nhật rất nhanh trên các thiết bị điện tử cá nhân. Cái tốt, cái đẹp và cả những cái xấu như kích thích nhu cầu hưởng thụ vật chất, lối sống cá nhân, ích kỷ... đã tác động mạnh tới nhân cách, hành vi, giao tiếp ứng xử của thanh niên Nam Bộ.
Tuy những nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ vẫn còn đó, nhưng hiện nay việc vận dụng ca dao vào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Nam Bộ thì không còn đậm đặc như trước. Đây chính là một trong những dấu hiệu cho thấy cần phải có chiến lược để bảo tồn, phát triển ca dao Nam Bộ, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng đất miệt vườn đặc trưng.
GS, TS TỪ THỊ LOAN