Nhà văn H Xíu H Mok (Đắc Lắc): Quan tâm tác giả trẻ ở vùng khó khăn
Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, tuổi thơ tôi là những tháng ngày gắn bó với núi đồi, nương rẫy. Chính vì sinh ta và lớn lên ở buôn làng nên tôi có cơ hội được mắt thấy, tai nghe về những điều thường nhật trong nhịp sống cộng đồng mình. Tôi nhận thấy mình có lợi thế hơn một chút so với các bạn trẻ khác khi viết về đời sống đồng bào mình, đó là lợi thế về ngôn ngữ dân tộc. Công việc và nghề nghiệp có liên quan đến viết lách cũng là một lợi thế nữa với tôi. Thế nhưng, có người nhận xét văn của tôi “hiền như đất”, nghĩa là phần nào đó tôi vẫn còn chưa có nhiều sự bứt phá, mạnh dạn trong viết và sáng tạo văn học. Đây cũng là điểm yếu mà tôi tự nhận thấy mình chưa có nhiều kinh nghiệm và vẫn cần phải trau dồi thêm nhiều nữa.
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc không chỉ là cơ hội giúp tôi được gặp gỡ, giao lưu với các cây viết trẻ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước mà còn được gặp gỡ những nhà văn gạo cội, “cây đa, cây đề” trong nền văn học Việt Nam. Qua đó có cơ hội được học hỏi nhiều hơn từ các thế hệ viết văn đi trước cũng như các bạn viết khác để trau dồi thêm tay viết của bản thân. Cùng với đó, tôi cũng mang theo nhiều kỳ vọng và mong muốn được góp tiếng nói nhằm xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số.
Sau hội nghị này, tôi kỳ vọng sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành cũng như Hội Nhà văn Việt Nam đến các cây viết trẻ ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa như chúng tôi. Một phần nào đó chúng tôi có những khó khăn, thiệt thòi hơn trong việc tiếp cận và lan tỏa tác phẩm của mình đến công chúng, yếu thế hơn trong việc có cơ hội gặp gỡ và nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ, uốn nắn để tác phẩm của mình ngày càng hoàn thiện, tốt hơn. Tôi cũng hy vọng, các trại viết và những hội nghị như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, có tính chất định kỳ để tạo sân chơi bổ ích cho nhiều cây viết trẻ.
Nhà văn Phát Dương (Cần Thơ): Tiếp thêm ngọn lửa đam mê
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức như một sự kiện quan trọng đối với văn đàn nói chung và bộ phận những người viết trẻ nói riêng. Với dòng chảy văn học hiện tại, hội nghị như một dịp thống kê những sự kiện, những điều đang diễn ra, những thành tích mà văn học đã đóng góp cho văn chương nước nhà. Đối với những cây bút trẻ, hội nghị là nơi gặp gỡ những người bạn cùng đam mê, được dịp trò chuyện và cùng chia sẻ những mong muốn, suy nghĩ của họ. Bằng cách đó, những người trẻ gắn kết với nhau hơn, tạo thành một tập hợp tương tác cùng cạnh tranh, cùng hỗ trợ và phát triển. Khoảng cách thế hệ trong văn chương có thể sẽ được rút ngắn, đội ngũ nhà văn đi trước truyền lại những kinh nghiệm đã có và những cây bút mới có cơ hội lắng nghe cũng như phát biểu những điều họ chưa thể hiện. Đây cũng là dịp để phát hiện các tài năng mới, động viên và khuyến khích các cây bút tiếp tục cố gắng, nhìn ra những phần còn chưa hoàn thiện của bản thân, để tiến tới những tác phẩm sáng tạo và giá trị hơn.
Rõ ràng, những điều trên chỉ thật sự diễn ra khi ranh giới hoài nghi, e ngại và thứ bậc tạm thời được xóa nhòa. Những người trẻ cần dám nói và được lắng nghe, cũng như nhà văn, nhà tổ chức có cách nhìn nhận khách quan, cởi mở. Những tranh luận nên xảy ra, để các thế hệ có thể gần nhau hơn, sát lại với nhau như những cái cây trong một khu rừng mang tên văn Việt. Tranh luận cũng là một cách để phát triển, để tất cả cùng tìm ra giải pháp cho những thiếu sót và điểm chưa mạnh của văn học nước ta. Dám nhận xét, dám phê bình, dám đưa ra những nhận định cá nhân; dám thừa nhận cái yếu, dám chấp nhận cái mới, dám tin và hy vọng... Đó là những điều nên có trong hội nghị, nơi mà các cây bút trẻ như những mầm non cần được hướng dẫn đúng phương pháp. Việc kết nối có thể sẽ giúp tất cả chúng ta hiểu được những điều phải làm, nên làm trong tương lai, để dòng chảy văn học mạnh mẽ hơn và đạt nhiều thành tựu hơn nữa.
Kỳ vọng ở hội nghị sẽ tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho các cây bút trẻ tự tin khám phá và khẳng định tài năng bằng những tác phẩm mới mẻ, đa dạng về cả chủ đề lẫn kỹ thuật. Nhận được sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết, tin rằng những tài năng mới, những tác phẩm trẻ sẽ tìm được vị trí, con đường đi phù hợp. Sau hội nghị, tình yêu văn chương có thể sẽ được lan tỏa hơn nữa, nhiều mối quan hệ sẽ được thắt chặt hơn, chúng ta sẽ tìm được kim chỉ nam cho con thuyền văn học Việt vượt ra sóng lớn.
DƯƠNG THU (ghi)