Ông Toán tỉnh giấc từ lâu. Nghe tiếng ông lạch cạch ở góc nhà rồi xách cái chai đựng rượu ngâm táo mèo, đi ra phía hàng phở gà góc phố, bà Lài thở dài cằn nhằn với theo, chắc lại hẹn mấy ông hàng xóm, ăn sáng thế kia thì có mà trưa chả về nổi. Nhẽ thường bà sẽ cằn nhằn nhiều hơn, khó nghe hơn nhưng bữa nay chỉ nói vốn vậy. Mấy hôm nay không khí gia đình cứ nặng trĩu, tâm trạng ông cũng rối bời, động vào có khi lại ầm ĩ thêm ra. Ông vừa đi thì bà cũng ra bếp chuẩn bị đồ ăn sáng cho thằng Quân-con trai bà để nó dậy ăn còn đi làm; nấu cháo, lát cho con bé Dím ăn rồi đưa nó đi nhà trẻ. Con dâu bà thì thôi, đợi nó dậy hỏi xem nay muốn ăn gì đã.

Ông Toán bảo, ở nhà này con dâu là khó chiều nhất. Mà ngẫm lại những chuyện lục đục nhà ông bà cũng nhiều hơn từ hồi có con dâu. Đấy, như cái bộ dạng của ông Toán hôm nay cũng do bố chồng-con dâu lời qua tiếng lại mà thành. Chứ nhà ông bà bao năm nay là mô hình mẫu mực chồng bộ đội, vợ giáo viên, hai con đủ nếp tẻ. Ở cái phố huyện này, ông bà chẳng khá giả nhưng cũng sống đàng hoàng nhà cao cửa rộng, mà tự hào nhất là con cái học hành giỏi giang, không hư hỏng, đua đòi gì. Thế mà có mỗi cô con dâu, sao ông Toán thấy chẳng vừa mắt tý nào. Mình ông thấy thế thì bảo khó tính nhưng họ hàng, làng xóm đã thấy ai khen nó được câu nào bao giờ.

Hồi thằng Quân đưa nó về ra mắt, ông đã thấy có vẻ gì khác biệt với lối nhà mình. Mặt mũi không xinh xắn đã đành, nhưng người con bé gầy như lá lúa, tóc thì để dài xoăn xoăn xõa xuống che hết nửa khuôn mặt lưỡi cày. Đã vậy, nó còn ít nói ít cười trông lại càng khó đăm đăm. Khi hỏi chuyện về phụ huynh thì con bé mặt chẳng chút cảm xúc bảo nó không có bố khiến ông bà nhìn nhau căng thẳng. Không phải bởi ông bà chê bai gì vì hoàn cảnh con bé đã nghe thằng Quân kể rồi. Mẹ con bé là mẹ đơn thân, nó vừa lớn chút thì ở với bác ruột để mẹ đi nước ngoài lao động, ra trường, con bé xin vào công ty thằng Quân đang làm nên quen nhau. Nhưng thái độ nói chuyện của con bé làm ông bà cảm giác nó có vẻ lạnh lùng, ngang bướng. Thôi thì thời nay con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy, bà Lài vẫn bảo vậy.

Nhớ hôm nhà gái đến thăm gia đình ông Toán bà Lài, các cụ trong nhà, cô dì chú bác đại diện có mặt được phen mắt chữ "O" mồm chữ "A" cả. Ông bác đại diện nhà gái lúc đứng lên phát biểu lại gọi nó là cháu Sophia Mai nhà chúng tôi và cháu Thế Quân bên này... Mấy ông bà chúi vào nhau xì xầm: "Thế con dâu lai tây à? Thế gọi là Mai hay Sô phia hay là cả hai?". Ông Toán nóng hết mặt. Mình Việt Nam thì cứ tên Việt mà đọc mà gọi. Mà gọi cho chuẩn chính tả có khi còn chả nên nữa là. Cứ như vợ ông đây vì lẫn lộn chữ "N" với chữ "L" nên mới phải sang bộ phận hành chính, bếp núc ở trường đấy thôi. Đằng này lại còn... Cứ tưởng gọi thế thôi ai ngờ thiệp mời hai đứa cũng in to đùng tên cô dâu Sophia Mai làm ai nhận cũng tò mò, thắc mắc. Bà Lài mỏi miệng giải thích: "Con bé làm ở công ty nước ngoài nên sếp yêu cầu nhân viên có thêm tên tiếng Anh. Viết thế cho đồng nghiệp nó đỡ nhầm. Kệ con trẻ, đám cưới chúng nó cơ mà!".

Từ ngày có con dâu, gia đình ông Toán đảo lộn hết cả thói quen. Con dâu ông bà không ăn hành, tỏi, thế là cả nhà không món nào có hành, tỏi. Con dâu bà chỉ ăn gà rang, thế là giỗ, Tết nhà bà cũng không cúng gà luộc. Ăn uống khó thì chớ, nhiều hôm cơm bố mẹ nấu sẵn ra, nó chỉ khều vài đũa lấy lệ rồi đêm lại bảo chồng đi mua mấy thứ đồ ăn ngoài quán về, vừa tốn tiền lại không bảo đảm vệ sinh. Có hôm, chúng nó còn đưa nhau đi tận thành phố gần ba chục cây số để uống cà phê. Bà Lài vẫn vui vẻ chăm lo, chiều chuộng nhưng ông Toán thì không hài lòng ra mặt. Nó đẻ con, quê xa, mẹ nó lại ở nước ngoài gửi gắm con gái cho nhà chồng, chả một tay ông bà lo thì ai lo. Con bé hơn 2 tuổi, vợ chồng nó lại chuẩn bị đẻ đứa nữa. Bụng nặng nề, chồng nó bắt nghỉ ở nhà vì người yếu, lần bầu trước cũng mấy lần dọa sẩy rồi.

Ngày thường, vợ chồng nó đi làm cả ngày, tối về cơm nước tíu tít con cái tẹo là lên phòng nghỉ, chẳng va chạm nhiều. Nhưng từ hôm con dâu nghỉ ở nhà, cháu đi lớp rồi, bà Lài thì chạy đây chạy đó xem nhà ai có gì ngon, sạch để mua tẩm bổ cho con dâu, thành ra nhà lại lục đục. Nói ra thì bảo là chuyện bố chồng-nàng dâu. Nó cứ ở trên phòng chẳng mấy khi xuống dưới nhà. Ở mãi trong phòng tù túng người ra, phải đi lại cho thoải mái, người mới khỏe được chứ. Đến quần áo cũng không phải giặt nhưng nghỉ làm ở nhà, đi đâu mà ngày thay đến lắm quần áo.

Đến hôm con dâu bức xúc nói lại một tràng, nào là nó mới nghỉ làm ở nhà đã nghĩ nó không kiếm ra tiền nên hoạnh họe, bắt bẻ. Nào là bố khó chịu thế thì vợ chồng nó sẽ ra ở riêng... ông bà nghe mà ù cả tai. Bố mẹ nào có nghĩ thế. Nhà có nhiều nhặn gì, con út vừa thi đỗ viên chức giáo viên cách nhà 20 cây số, cuối tuần mới về, vài năm nữa rồi cũng lấy chồng. Vợ chồng ông bà chẳng ở với chúng nó thì ở với ai. Nuôi con trai từng ấy năm, giờ nó lại đòi ra riêng. Ra riêng như nhà nó thì có mà chả biết có nấu được cơm mà ăn không. Còn con cái nữa. Trăm thứ khó đấy con ạ!

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Từ hôm ấy ông Toán buồn buồn nghĩ ngợi hẳn, chẳng thấy nói năng mấy, đến vợ nói cũng không buồn cãi lại. Cái Thu-cháu bà Lài ở Hà Nội về nhà đẻ chơi chắc nghe phong thanh chuyện nên đưa cả con sang nhà chú dì chơi. Ông Toán là chú rể bên ngoại nhưng kể ra cái Thu là đứa cháu hợp chuyện ông nhất. Chú cháu, dì cháu chuyện trò rôm rả, nó bô bô kể nhớ ngày xưa sang giúp dì bế em, dì hay bảo cứ nhìn đời dì vất vả sau này tránh ra đừng lấy bộ đội, thế mà duyên số thế nào cháu vẫn lấy bộ đội, lại còn con một nên ở với bố mẹ chồng, yêu quý thế nào thì vẫn có những cái vênh nhau... Nghe nó kể chuyện ở nhà chồng mà ông bà cứ xót xa thương cháu gái lấy chồng xa cảnh dâu con. Nó còn nhe nhởn cười chốt lại một câu là: "Nhà nào cũng thế thôi chú dì ạ! Chú dì cứ nghĩ xem, hai gia đình khác nhau, văn hóa, môi trường, nếp sống, suy nghĩ khác nhau, làm sao tránh được. Bố mẹ đẻ, anh em ruột thịt còn có lúc không hợp, đánh mắng cơ mà nhưng xong là thôi, quan trọng nếu xác định là người một nhà thì sẽ bao dung, thương yêu nhau mà bỏ qua hết".

Cái Thu về, còn lại ông bà yên ắng trong phòng khách. Bà Lài ngồi bóc tiếp thúng lạc để ép dầu, nhìn sang ông Toán đang nằm dài trên sofa bấm bấm điều khiển tivi. "Cái Trang nhà mình vụng về thế, ít nữa đi lấy chồng có khi ông lại suốt ngày lo cho con gái ở nhà chồng ra sao ấy chứ. Con gái mình làm dâu nhà người ta, con gái nhà khác lại làm dâu nhà mình. Dâu là con ông ạ. Cảnh làm dâu của tôi ngày xưa ông đâu phải không biết. Ông là bộ đội đi biền biệt, tôi ở nhà lần lượt hai đứa con, rồi mẹ chồng, chị chồng, em chồng đủ thứ phức tạp, ông ở đơn vị biết đấy là đâu. Thỉnh thoảng về phép thì nghe bao chuyện kể tội vợ. Tôi thì không khéo, chẳng được lòng bố mẹ chồng. Sau thầy u chia đất cho các con ở riêng, vợ chồng mình được mảnh rìa đường, xấu nhất. Ai biết sau này đất mặt đường lại có giá. Thế mà vợ chồng mình vẫn vượt qua hết để được như bây giờ... Mà ông còn nhớ hồi tôi đi xem ngày cưới cho chúng nó về kể ông thầy bảo hai đứa hợp nhau, số thằng Quân lấy vợ hơi khó tính khó nết nhưng vợ chồng bảo ban nhau tốt lắm. Chả phải mê tín nhưng mấy năm nay, ông không thấy con trai mình chững chạc, trưởng thành hẳn ra, công việc cũng tốt hơn đấy thôi. Mình vất vả cũng chỉ mong các con cháu sống vui vẻ, hạnh phúc đủ đầy". 

Những điều vợ nói có gì mà ông Toán không hiểu. Bao năm ông cống hiến trong quân ngũ giờ về nghỉ hưu cũng chỉ vì con vì cháu chứ ai. Nhưng nghỉ hưu có thời gian bên gia đình thì con đã lớn hết rồi, đôi lúc ông nhận ra hình như mình không hiểu các con, khó để chia sẻ với chúng. Nhiều cái chẳng biết phải thể hiện ra sao, nói thế nào cho hợp nên vợ ông vẫn bảo ông nói chuyện nghe tức anh ách. Là do ông cứng nhắc quá hay ông chưa làm quen được với cuộc sống đời thường, lối sống của bọn trẻ trong xã hội thời hiện đại này! Ông Toán bật dậy, tụt người ngồi xuống sàn nhà kéo thúng lạc về phía mình. Bà nói đều đúng nhưng tôi cũng là lần đầu làm bố chồng, cái gì cũng phải làm quen dần dần. Bà bảo các con cũng phải bao dung với tôi chứ!

Cô y tá đi ra báo con dâu sinh cháu trai, mẹ tròn con vuông khiến ông Toán thở phào, mừng quýnh giục vợ gọi điện thoại báo ngay cho bà thông gia. Hôm đón con dâu và cháu về nhà, ông làm mâm cơm kính cáo các cụ rồi bảo con trai và con dâu: "Bố mẹ có ít tiền tiết kiệm tính cho các con mua cái xe ô tô để đi lại cho tiện. Vài bữa nữa cháu cứng cáp, con cũng khỏe hơn nếu muốn thì thằng Quân lái xe đưa mấy mẹ con về quê ngoại chơi, ở bao lâu cũng được, bao giờ hết thời gian nghỉ thì về bố mẹ trông cháu cho mà đi làm". Thằng Quân bảo: "Chúng con cảm ơn bố mẹ nhưng mua xe thì chúng con có kế hoạch rồi, tiền bố mẹ cứ giữ đấy!"... Mai tiếp lời chồng: "Chúng con chỉ xin bám lấy bố mẹ ăn vạ cả đời thôi ạ!". Ông Toán nghe con dâu nói mà nhẹ cả lòng:

-Thế thì tới đây đầy tháng cu Sóc để bố làm cỗ thật to mời họ hàng, bố sẽ mời mấy ông bạn ở đơn vị cũ về chơi nhé!

-Việc này thì chúng con xin tuân lệnh bố ạ!

Tiếng cười ấm vang nhà ông Toán!

Truyện ngắn của TUYẾT PHƯỢNG