Mặc cho bà Hội quát tháo, thằng Lĩnh vẫn cứ nhơn nhơn trêu ghẹo. Ông Đến thì chỉ cười hì hì lành hiền. Cái thằng, bố trẻ con rồi mà cứ nhênh nhang thế. Đùa dai như chão. Năm nào, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thương binh-liệt sĩ là nó lại nhâng nháo: Ông trẻ kiểm tra kỹ chưa, xem có thật là không bị thương chỗ nào không? Hôm nọ, rình ông tắm ao, con thấy mông ông có mấy cái sẹo liền.
Cái thằng, lắm lúc cáu nó mà không mắng được. Bố nó là anh trai ruột của ông Đến. Lúc chiến tranh biên giới, bố nó còn đang học ở Liên Xô, mãi năm tám nhăm về mới cưới mẹ nó, thì nó biết cái mách gì. Thế mà cứ nói như thật. Cũng có lúc nó ăn nói nghiêm chỉnh: Chú thông minh học giỏi hơn bố cháu, khỏe hơn bố cháu, nhưng đời thì thăng trầm kiểu gì ấy. Tính ra, bố cháu sướng nhất nhà ông bà nội.
Ông Đến thường chỉ dám phụ họa ngậm ngùi. Có mà bố mày sướng nhất làng, nhất huyện thì có. Ở nhà thì chỉ biết học, không biết làm việc gì. Chú với ông bà nội hứng hết việc ruộng đồng. Đi học dưới Thủ đô, chú bắt tàu đem gạo, đỗ, lạc, vừng, tôm, cá đi tiếp tế hằng tháng, bố mày có tự về lấy đâu. Quần áo thì năm hai bộ mới. Trong khi ở nhà, vào lớp mười rồi mà chú chưa từng có cái quần mới nào đi học, toàn mặc lại của bố mày, bích kê hết mông lại đầu gối, dày cộp. Đến bữa thì toàn khoai sắn, chuối xanh, chả mấy khi nhìn thấy hạt gạo.
Đi học, mỗi lúc chìa bút sang vay thằng Bổng ngồi cùng bàn mấy giọt mực, nó còn bóp nhẹ ruột, sẻn cho hai giọt vơi, chứ không đầy vì nghĩ mình vay sẽ không trả. Nói thật chứ, vào bộ đội thì mới biết bát cơm không trộn, và được ăn no. Năm tám ba, ra quân, lớn vộc lên, về làng, cụ nội mày ngơ ngác: "Anh hỏi ai?", "Anh ở biên giới về đấy à? Hu hu... thế thằng Đến nhà tôi đâu?".
Lúc ấy chú vội vàng vén gấu quần lên, để lộ ra cái sẹo chó cắn ở bắp chân, cụ nội mày mới tin. Vì lúc ở nhà thì bé tí, trắng xanh, khi trở về nom cao lớn, mỗi tội đen như cái cột cháy dở. Bà nội mày lườm cụ: "Mắt bầm thế nào chứ, con nghe bước chân nó về ngoài ngõ là con đã nhận ra". Cụ nội lại dỗi: "Chị đẻ ra nó thì phải khác chứ. Nhưng chả biết đứa nào u ấp nó nhiều hơn, nhai cơm đút cháo nhiều hơn. Ba đứa con chị, một tay tôi bế bồng, lại còn...".
Đấy, có mỗi việc chú từ biên giới về thôi mà bà và cụ mày còn kình nhau thế. Nhưng ngồi vào mâm cơm thì tranh nhau chọn những con tôm rộng rộng hơn gắp cho. Mà tôm hồi xưa có cắt râu, cắt càng đâu. Cứ một gắp là hết phần tư đĩa. Cho nên, cụ và bà gắp vào, tao lại gắp ra. Thế mà năm tám lăm, bố cháu về nước, cụ khi đó ốm nặng, nằm trong buồng vẫn nói vọng ra: “Thằng Sang về rồi đấy hả? Mày không về con Hội nó đi lấy chồng”.
Thằng Lĩnh nghe đến đó thì mặt bỗng xị xuống, mắt rưng rưng.
Đấy, mới đó mà giờ cháu đã ba bảy tuổi rồi. Chú kể chuyện ngày xưa làm cháu chợt nhớ ra một chuyện lúc cháu trượt đại học...
Thôi, mày để ông trẻ còn ăn. Lắm chuyện! Ăn chóng lên mà còn về đỡ vợ. Lợn đẻ mới có hai ngày mà cứ bỏ bẵng đấy, đi tán phét.
Bà Hội cắt ngang, gạt đi, không cho thằng Lĩnh kể lể nữa. Cứ có tí men vào là hai chú cháu cứ cà kê dê ngỗng hết ngày.
Ông Đến hì hì: Chả mấy khi. Chị xong rồi thì lên bàn uống trà, ăn ổi với nhà em, để chú cháu em nói chuyện tí đã. Ổi năm nay được mùa, không sâu xia gì, ngọt lịm. Đấy là bác Sang không xuống. Có bác, còn vui nữa.
Ối giời, ông anh quý hóa nhà chú giờ đang kêu giời kêu đất vì đau chân kìa. Tổng hợp ngoại hạng các loại bệnh. Tiểu đường này, gút này, gan nhiễm mỡ này, huyết áp cao này, thoát vị đĩa đệm này... giờ coi rượu ngang thuốc độc. Kể cả bia. Thèm lắm cũng phải nhịn. Mà chú thím ở ngoài này, đón gió sông mát ngang bằng quạt hầu, xe cộ nhộn nhịp vui mắt, chứ giữa làng, tiết này đang nóng bằng nung, mấy nữa ngâu thì may đỡ.
Nghe bà chị dâu nói thế, ông Đến lại cười. Biết rằng bà bóng gió nói đến việc đất cát hồi trước, nhưng ông ngẫm việc qua rồi nên gạt đi.
Nhà ông Đến có ba anh em, hai trai, một gái. Ông Sang, chồng bà Hội là cả, ông Đến ở giữa. Dưới ông Đến là cô em gái út. Ngày xưa, đẻ ba con là xếp vào hàng hiếm hoi. Lúc đánh Mỹ thì ông Sang còn nhỏ. Mà khi chiến tranh biên giới thì ông Sang đã học ở Liên Xô. Sau khi ra quân, ông Đến về làng được bổ nhiệm một chân vào hợp tác xã mua bán, làm được nửa năm thì cửa hàng lương thực xảy ra vụ mất cắp rất ly kỳ, ông Đến bị bắt tạm giam và bị điều tra, mãi sau mới tóm được thủ phạm thật. Buồn đời, ông theo người chú ruột đi đốt lò gạch dưới Hương Canh.
Bốn năm làm ròng rã, ông được người chú trả công bằng cách cắt cho một mảnh vườn khá bằng biện già bốn sào đất có mặt đường thôn. Khi đó ông Sang đã về nước, lấy vợ, ở trên phần đất hương hỏa cùng với bố mẹ nên ông Đến dự định sẽ dùng mảnh vườn này để cất nhà vợ chồng ra ở riêng. Tuy nhiên, cô em út khi ấy vừa học y học cổ truyền xong, ao ước mở một quầy thuốc đông y nhỏ để tự kinh doanh. Nhà thì nghèo, đất tiên tổ thì không thể bán, được bố mẹ vận động, ông Đến đã chia cho cô em một nửa thửa đất tức là hai sào, để cô bán đi, lấy vốn làm ăn.
Nhưng ngay sau khi bán đất, cô út không mở hiệu, mà lấy chồng. Chồng cô út là người cùng làng, nhà đông con, tám, chín người cả thảy. Cưới nhau xong, hai vợ chồng ở trong căn buồng chật hẹp cơi nới từ chái nhà. Chúng nó ở đấy sáu năm và đẻ tì tì ba đứa con nên lại càng bí bách. Khi đó ông Đến được bố vợ cho mảnh đất mặt đường đang ở bây giờ, vốn là cái ao sen sâu hoắm phải dùng xe trâu kéo đất cả tháng đổ vào mới đầy. Họ cất tạm ba gian nhà cột tre, mái lá sơ sài để ở. Chồng cọc cạch bơm vá sửa chữa xe máy, xe đạp, vợ vừa làm ruộng, vừa chạy chợ.
Thấy anh trai, chị dâu ra ở riêng thảnh thơi, vợ chồng cô út cám cảnh phận mình và bỗng dưng nhận ra một chân lý ngời ngời là "an cư lạc nghiệp". Tiền bán đất anh cho thì đã tiêu hết, giờ chẳng nhẽ lại xin tiếp. Không xin thì mượn vậy. Nghe vợ chồng em gái hỏi mượn nốt hai sào đất để làm nhà ra ở và bán thuốc thì ông Đến băn khoăn lắm. Vợ chồng bàn nhau rồi đi đến quyết định sẽ bán chịu đất cho em gái làm nhà với giá bốn chỉ vàng, khi trả tính bằng vàng hoặc tiền quy đổi ở thời điểm hiện hành. Để chúng có động lực phấn đấu, chứ mượn thì bao giờ mới trả được.
Em rể ông, khi sống gần nhà vợ, thì được gia đình bên vợ quý mến do khéo ăn nói lại chăm chỉ. Chục năm sau, áng chừng là cô út đã trả xong tiền vay mượn xây nhà và con cái cũng đã lớn, đứa bé nhất cũng lớp sáu rồi, ông Đến bèn hỏi món nợ đất. Vì ông bà chuẩn bị xây nhà cần đến tiền. Lúc ấy cô út mới toáng lên là đã trả xong rồi.
Ông Đến ngạc nhiên. Trả bao giờ? Năm kia. Trả cho ai? Trả cho anh chứ ai, sao anh lại quên được chứ, anh còn tự tay xé giấy vay nợ đi mà. Đúng là bom đạn làm cái đầu anh ra như thế này rồi. Thế cô trả tiền hay trả vàng? Vàng, bốn chỉ mà, tương đương sáu triệu khi ấy. Ông Đến lật đật chạy về, hoảng hốt thật sự. Bà Kim nhìn ông đầy nghi hoặc.
Ông ngơ ngác phân trần. Đời tôi chưa từng cầm chỉ vàng trên tay bao giờ. Sáu triệu bạc chứ có phải vài đồng đâu mà nó trả rồi tôi ém đi ăn quà hay cho ai không nhớ. Tìm giấy ghi nợ cất trong tủ thì không thấy. Cãi nhau thì chả đi đến đâu, kiện cáo thì không đành. Bà Kim uất quá, vì giá đất tăng vù vù, hai sào đất ấy giờ cắt ra được mấy thổ, bỏ rẻ cũng cả vài trăm triệu, giờ nó bày kế cướp không, bà đến tận nhà tế cho một trận rồi tuyên bố từ mặt em chồng. Cô út đáo để biện ngay cái đơn lên hội phụ nữ xã kiện chị dâu tội vu oan giá họa, nhằm hất chị ra khỏi cái ghế chi hội trưởng phụ nữ thôn để mỗi khi họp hành không phải nhìn thấy chị trong tư thế đối diện cả buổi. Và tất nhiên là bà Kim bị kỷ luật khiển trách và tự động xin rút.
Vào ngày ông bà khai móng xây căn nhà này, cô út còn đến làm um lên nhằm cho cả dải mặt đường tường tận cái bộ mặt gian dối tráo trở của hai anh chị. Sau vụ ấy, ông Đến xấu hổ với vợ con và chòm xóm, né hết các cuộc gặp gỡ. Ông còn xin ra khỏi chi hội cựu chiến binh, từ chối các cuộc thăm hỏi nhân ngày thương binh-liệt sĩ. Bố mẹ thì đã già yếu cả. Nhà có ba anh em, nhưng ông anh cả, tức bố thằng Lĩnh không nói gì, mặc kệ các em cắn quẩn nhau vì hai sào đất. Có nhẽ bởi anh yên vị trên đất hương hỏa tổ tiên rộng tới bảy sào. Hơi đâu mà nói ra nói vào rồi lại mang tiếng em yêu em ghét. Đứa nào cũng là em. Ngay cả việc đến nhà chúng ông cũng không đến, lý do kiêng khem là một phần, một phần ông giữ ý. Chỉ có thằng Lĩnh, như con thoi, chạy đi chạy lại giữa nhà chú và nhà cô, quan hệ hai mang, cốt để nghe ngóng và đánh giá tình hình. Chuyện đã mười lăm năm rồi, ông bà nội cũng đã về theo tiên tổ, giờ nghĩ lại, chỉ thấy ngậm ngùi. Bà Hội gạt đi cũng có lý.
Thằng Lĩnh về trước, bà Hội về sau. Bà Kim ngồi trên ghế, vẻ mặt bình thản, đĩa ổi còn nguyên chưa sứt miếng nào. Ông Đến ngồi xuống cạnh vợ, cầm cái điều khiển tắt ti vi đi rồi bảo: Bà ngồi đây cho tôi nói câu chuyện. Bà Kim ngạc nhiên lắm. Ông Đến chưa bao giờ bỏ chương trình thời sự tối cả. Và cũng chưa bao giờ tỏ vẻ nghiêm trọng như thế. Bà Kim cầm miếng ổi đưa cho chồng. Ông ăn đi, ngọt lắm. Bà cứ để đấy, lát tôi ăn. Ông ăn đi đã. Tôi không bảo ông ăn ổi, mà ông hãy ăn cái công tôi trồng cấy, chăm sóc, bứt về đây, gọt sẵn.
Ông Đến hiểu bà vợ định nói đến điều gì. Người đàn bà một đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tần tảo chăm chút cho gia đình và nhận về không ít thiệt thòi, giờ bà đã nói gì, tốt nhất là ông nghe theo. Ông Đến, tay cầm miếng ổi, tay nắm bàn tay vợ, bóp nhẹ. Bà ạ. Chuyện qua lâu rồi, nhưng lúc nãy thằng Lĩnh nhắc, tôi lại nhớ. Hồi ấy, đầu óc tôi có vấn đề thật, đúng là vợ chồng cô út đã trả vàng cho tôi và tôi đã xé cái giấy nợ rồi. Vàng thì tôi đút túi áo rồi để rơi mất. Tôi sai là đã không nói ngay với bà và các con. Nay tôi xin bà bỏ qua cho tôi. Được không bà?
Bà Kim không nói gì. Ăn ở với nhau mấy mươi năm, ông lẫn hay không bà lại không biết ư? Nợ bạn giọt mực ông còn nhớ. Ai cho ông đấu gạo, củ khoai khi ông túng thiếu, ông còn nhớ, còn kể mãi. Thậm chí ông còn nhớ cả việc đi may áo xin thêm cái cúc dự phòng để khi buột chỉ rơi mất có cái mà đơm. Nhưng thôi. Ông đã nói thế thì bà trách làm gì. Hơn nữa, chuyện lâu rồi và bà cũng quên rồi. Ông từng nói với bà rằng, những ai từng ở trong cái lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thì mới hiểu được rằng của cải vật chất không phải là tất cả và cũng chẳng ai đem theo nó sang cõi khác. Vàng quý thật, nhưng có những thứ còn quý hơn vàng, đấy là tình người, là lòng tự trọng và danh dự bản thân. Tôi nghèo tiền bạc, nhưng tôi có lòng tự trọng và danh dự của người lính, tôi không làm gì để anh em ruột thịt và mẹ con bà phải xấu hổ.
Ông Đến cầm điều khiển ti vi lên. Trên màn hình cũng vừa hiện lên dòng chữ "Bắc Bộ đêm nay mưa trên diện rộng". Đúng lúc ấy, thằng Lĩnh nhớn nhác đi vào. Nó ngồi xuống ghế, bên cạnh bà Kim, nắm lấy tay bà khẩn cầu. Thím ơi, là do cháu cả. Hồi trước, lúc thi trượt đại học, buồn chán, cháu trót dính vào lô đề và nợ nần, bị xã hội đen dọa đánh, cháu nhờ cô út trả giúp. Sau đó không có tiền trả, cô ấy bảo cháu làm thế nào đó mở được tủ nhà chú, đem giấy nợ về thì cô xóa nợ cho. Nên cháu làm liều. Mong chú thím bỏ qua cho cháu, cũng đừng nói với vợ cháu. Giờ cháu xin gửi lại chú thím bốn chỉ vàng...
Bà Kim rút tay ra khỏi tay đứa cháu chồng, đứng dậy, bước ra thềm. Một lúc lâu, cũng không nghe thấy chú cháu nói gì với nhau. Chắc ông Đến sốc nặng. Rồi bà nghe thấy tiếng thằng Lĩnh nhai ổi sồn sột. Bà quay vào, kéo hai vạt áo cho ngay ngắn, khẽ ngồi xuống ghế. Đến lượt bà nhặt bàn tay thõng thượt của chồng lên, siết chặt.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN