Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho biết:
- Từ lâu tôi ấp ủ một bộ tiểu thuyết dài hơi về không quân. Cơ duyên là khoảng giữa năm 2011, tôi bất ngờ nhận được điện thoại mời đến gặp anh Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải phóng. Thì ra, biết tôi là nhà văn có 30 năm gắn bó với bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ), ông muốn tôi hợp tác viết kịch bản một bộ phim dài tập về đề tài này, hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2017). Thực sự lúc ấy tôi có phần hoang mang vì chưa hình dung được mình sẽ “bơi” cách nào. Sau khi đề cương được chấp nhận, hãng phim mời ký hợp đồng, tôi mới lao vào mày mò “học nghề”. Và bài học khai tâm đầu tiên là tâm sự của một nhà văn đàn anh có thâm niên truyền hình, rằng: Kịch bản phim là câu chuyện bằng hình ảnh, phải viết sao cho hay, nhưng lại phải quay được. Và thế là 50 tập kịch bản phim “Cao hơn bầu trời” với 2.500 trang viết đã ra đời như thế!
- Và bộ phim đã được quay những cảnh chính ở đâu mà người xem lớn tuổi cứ ngỡ như được trở lại khung cảnh của hơn bốn chục năm trước, thưa anh?
- Phim được khởi quay vào đầu tháng 11-2012 tại sân bay Kép ở Bắc Giang. Đây là nơi mà khung cảnh vẫn còn dáng vẻ gần như thời chiến tranh, từ đồi núi, đến hầm chỉ huy sở… Tại thời điểm ấy, chỉ duy nhất Trung đoàn Không quân 927 là còn sử dụng MiG-21. Mà đánh B-52 thì chỉ có MiG-21 chứ không thể loại máy bay nào khác. Bộ phim tái hiện thời khắc quân và dân miền Bắc, nòng cốt là bộ đội PK-KQ đã đập tan cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy cuối tháng 12-1972. Tuy nhiên, để vít cổ được B-52 thì chưa có quân đội nước nào làm được, nên quá trình tìm tòi, nghiên cứu và chuẩn bị của Quân chủng PK-KQ là rất công phu, tỉ mỉ và sáng tạo.
- Bộ phim có một số nhân vật là những tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta mà ai cũng biết, vậy còn những nhân vật khác trong phim thì có thật ngoài đời không?
- Trong số hơn 140 nhân vật phim, ngoại trừ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là người thật việc thật; còn lại, từ các cán bộ quân chủng, binh chủng cho đến các phi công, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ cao xạ và trắc thủ ra-đa, đặc biệt là hàng chục nhân vật nữ… đều được nhào nặn từ nhiều số phận khác nhau. Cùng với việc xây dựng hình tượng những người con của miền Nam chiến đấu trên đất Bắc, bộ phim còn là tình yêu không thể đong đếm và lòng biết ơn của tôi đối với đất và người Hà Nội linh thiêng. Đó là những bà mẹ, những nữ tự vệ nhà máy dệt, và những người con của Hà Nội, từ người bình dân đến các trí thức, tất thảy đều sẵn sàng sống chết vì Thủ đô với đầy đủ hình hài, tính cách và khí phách riêng của họ! Một gia đình người Hà Nội với đầy đủ vóc dáng của sự lịch lãm, hào hoa mà dung dị vô cùng. Ấy là cụ Tứ, mẹ Trung tá Trần Thạnh (Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ), cô giáo Hòa Bình (vợ Trần Thạnh), Kiều Liên (con gái cụ Tứ) em ruột Trần Thạnh v.v.. Trong phim có nhiều mối tình sâu lắng và cảm động, đó là các cặp: Vũ Sáng-Kiều Liên, Trịnh Nhung-cô giáo Vân (hy sinh vì bom Mỹ) v.v.. và có cả chuyện tình của phi công MiG-21 với cô gái Nga (Lê Trọng-Nina)… Vâng, giữa bom rơi, đạn nổ, làm sao con người sống được nếu không có tình yêu?
- Thưa anh, có khán giả nói, đáng lẽ tên phim phải là “Cao như bầu trời” mới đúng. Bởi “Ngoài trời còn có trời”, tức là không có cái gì “Cao hơn bầu trời” được! Tại sao anh chọn tên phim như thế?
- Tên phim được “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh. Tôi cũng biết có người chê tôi đặt tên phạm húy, nào ai dám cao hơn trời? Nhưng tôi có lý riêng của mình: Hay tin vợ có thai, những ngày trực chiến, phi công Hà Vĩnh đều đặn viết cho đứa con tương lai: “Con ơi, ngày mai bố sẽ xuất kích. Phía trước là bầu trời, nhưng “Cao hơn bầu trời” là Tổ quốc Việt Nam...”. Tôi muốn chuyển tải một thông điệp rằng, chúng ta thắng đối phương không chỉ bằng sức mạnh thông thường mà bằng cả tình yêu, trong đó có tình yêu quê hương, xứ sở của những người lính, rộng ra là cả dân tộc.
Điều cốt yếu tôi muốn khán giả sau khi xem phim, ít nhiều sẽ thay đổi quan niệm về chiến tranh, đặc biệt là cách nghĩ về phim chiến tranh nói riêng, phim Việt nói chung. Xuyên suốt 50 tập phim là tình người đậm đà vượt lên đạn bom. Truyện phim bi tráng nhưng chân thực, mất mát đau thương ghê gớm song không hề bi lụy. Cuộc sống chiến trận đan xen với cuộc sống đời thường. Hào hùng và cảm động, cao cả mà gần gũi, tôi gửi gắm sâu xa tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, tôi dụng công chọn lựa ngôn ngữ nhân vật phù hợp với tính cách, lứa tuổi, vùng miền… Nhờ vậy, hầu hết các nhân vật của phim đều có cốt vững, hồn tươi và có diện mạo không lẫn, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả!
- Được biết, tác giả kịch bản cũng đã “bám sát” đoàn làm phim từ khi khởi quay. Vậy, có kỷ niệm nào ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh trong quá trình sản xuất bộ phim này?
- “Kỷ niệm sâu sắc” thì có từ khi viết kịch bản cơ! Đầu tháng 2-2013, khi mới viết được độ nửa kịch bản, tôi bị tai nạn gãy xương bánh chè đầu gối, phải nhập viện mổ, đúng dịp Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa có quyết định đưa bộ phim đang viết của tôi vào sản xuất với hơn 70% kinh phí là ngân sách Nhà nước, dự kiến phát hành quý IV-2013. Bị đặt vào thế “cưỡi lưng hổ”, nên dù chân còn bó que, chống nạng, tôi vẫn phải cắn răng viết cho xong 25 tập còn lại. Cực nhọc không thể tả, nhưng tôi cứ liều ngồi “cày” đến nỗi đầu gối bị cong gập, phải đi tập vật lý trị liệu, kéo mãi mới duỗi ra được.
Còn mấy chuyện này mới “hú vía”: Phim vừa quay xong thì MiG-21 xếp kho vì quá cũ, bây giờ có tiền tấn cũng chả làm nổi phim ấy nữa. Rồi Nhà máy Dệt Nam Định cũng bị đập đi để xây mới. Nếu chỉ chậm vài tháng thì chẳng bao giờ phim có được những cảnh quay trên một hiện trường lý tưởng như vậy. Rồi nghệ sĩ gạo cội Văn Hiệp (vai bảo vệ nhà máy) vừa quay xong mấy tập đầu thì qua đời vì bạo bệnh, lại phải thay diễn viên, chỉnh kịch bản... Quả là một bộ phim đầy “thân phận tình yêu”-tình yêu người và yêu nghề!
- Trân trọng cảm ơn Đại tá, nhà văn vì những câu chuyện thú vị xung quanh bộ phim “Cao hơn bầu trời”!
TUYÊN HÓA (thực hiện)