Anh Toàn là con trai của cụ Nguyễn Văn Mỹ (Ba Toản), sư phụ thứ sáu và là người có ảnh hưởng lớn nhất, quyết định thiên hướng cuộc đời của cao thủ...
Và cũng để khỏi mất thì giờ của bạn đọc, tác giả xin giới thiệu ngay, cao thủ võ lâm là ông Phạm Văn Út, sinh năm 1951, thương binh hạng 3/4, hiện sinh sống cùng gia đình tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phàm, người học võ đã luyện thành cao thủ thì thường rất kín tiếng. Ông Út cũng vậy. Sống ở địa phương từ nhỏ nhưng bà con lối xóm không phải ai cũng biết ông là cao thủ võ lâm. Người ta quý mến ông ở tính xởi lởi, rổn rảng, phong cách hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và đặc biệt nể phục ông ở sức khỏe cường tráng. Ngấp nghé “cổ lai hy” rồi nhưng cơ thể ông vẫn rất tráng kiện, cơ bắp chắc nịch, đòn thế uyển chuyển, lẹ làng. Trước khi được anh Nguyễn Ngọc Toàn dẫn đến gặp ông, chúng tôi đã nghe mấy người quen biết ông kể cho nghe nhiều chuyện hấp dẫn, chả khác gì trên phim võ hiệp. Đơn cử như mới đây, có một đoàn du khách, trong đó có một nhóm võ sinh đến Phú Quốc du lịch và giao lưu. Khi biết ông Út là một cao thủ, sư huynh của nhóm đến chào và bắt tay ông. Cái bắt tay tưởng chỉ là động tác xã giao bình thường, nhưng với những người luyện võ, đôi khi nó là thao tác có ý nghĩa thăm dò đối phương. Ông Út hiểu ngay thông điệp ấy qua cái siết tay rắn như gọng kìm của võ sinh cao 1,78 mét, và ông cũng lịch sự siết tay đáp trả. Sau cái bắt tay diễn ra trong tích tắc ấy, chàng trai trẻ ôm chầm lấy ông mà rằng: “Bác ở một đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại của chúng cháu. Sao bác không mở võ đường?”. Ông Út cười khà khà: “Thời của tui, thanh niên luyện võ để chiến đấu, đánh giặc chứ có được học hành kiến thức bài bản để làm thầy đâu. Với lại tui đã già rồi…”.
    |
 |
Ông Út với thú vui điền viên trong cuộc sống hôm nay. Ảnh: LỮ NGÀN |
Chuyện ông Út học võ để đánh giặc và cả giai thoại về những cao thủ võ lâm trong lực lượng Đặc công biệt động Phú Quốc thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được đồng đội của ông nhắc đến nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Toàn nhiều lần tham dự các cuộc họp mặt của thế hệ cha chú, nên đã được nghe các cựu chiến binh nhắc đến danh ông Út, người có kỹ năng võ thuật siêu đẳng trong Phân đội Đặc công biệt động Phú Quốc. Khi đến gặp ông Út, thấy ông dành tình cảm thân tình như đã từng thân quen lâu lắm, chúng tôi hỏi ông:
- Chúng cháu nghe nói, chú luyện võ từ khi còn nhỏ?
- Hổng nhớ chính xác, nhưng đâu chừng mười, mười hai tuổi gì đó, tui bắt đầu học võ. Nhưng phải đến năm mười bốn, mười lăm tuổi mới gặp được sư phụ đích thực. Sư phụ tui tên Sáu. Ổng bị hỏng một mắt, đeo kiếng (kính) nên thường gọi là ông Sáu Kiếng Một. Ổng là truyền nhân nổi tiếng của Thiếu Lâm Tự ở Phú Quốc, mở võ đường ở khu Xóm Cồn. Thời đó, rất nhiều sĩ quan, binh lính chế độ cũ đến bái ổng làm sư phụ nhưng ổng hổng nhận ai hết. Sư phụ chỉ thu nạp những người có đức, có chí hướng, học võ để giúp người, giúp đời chứ hổng được làm điều ác.
Theo thầy Sáu Kiếng Một được gần một năm, luyện được một số tuyệt kỹ võ công, chàng thiếu niên Phạm Văn Út nổi máu nghĩa hiệp. Bữa đó, Út gặp hai tên lính đi nhậu về chọc ghẹo con gái nhà lành. Út lên tiếng can ngăn thì bị bọn này nói chuyện bằng nắm đấm. Út đánh trả khiến hai tên bị thương. Tụi lính sau đó tung quân đi lùng sục kẻ dám “vuốt râu hùm” để tính sổ nhưng không lần ra manh mối. Dù vậy, hành động của Út không qua được mắt sư phụ. Phạm vào điều cấm đối với môn sinh, Út phải chia tay sư phụ Sáu Kiếng Một. Út khăn gói đến gặp sư phụ Sáu Em, cũng là một cao thủ Thiếu Lâm Tự nổi tiếng. Út nhanh chóng trở thành đệ tử xuất sắc, được sư phụ Sáu Em tận tình truyền dạy các tuyệt kỹ Kungfu, cả tay không và binh khí. Sau hơn một năm, sư phụ Sáu Em nói với Út:
- Ta thấy con có tiềm năng, sức mạnh. Muốn phát triển toàn diện kỹ năng, con nên theo học thêm các môn phái khác. Ta sẽ giới thiệu con với họ.
Út chắp tay lạy bái biệt thầy rồi tiếp tục tầm sư luyện võ với 3 sư phụ khác ở các môn phái: Tây Sơn Bình Định, Taekwondo, Karate…
Lúc bấy giờ, đám sĩ quan và binh lính ở Chi khu Cảnh sát Phú Quốc thường bị phục kích, đánh lén bởi nhóm người giỏi võ nghệ. Họ thường đón lõng ở những con đường vắng, sử dụng gậy, côn… tấn công bất ngờ rồi tháo lui rất nhanh. Nhiều binh lính tỏ ra sợ sệt, nhưng lãnh đạo Huyện ủy Phú Quốc thì băn khoăn. Một hôm anh Phạm Văn Lem (anh ruột của Út), là cán bộ của Huyện đội Phú Quốc hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng ở khu Dương Đông, về nhà nói với Út:
- Coi bộ mầy ham hố uýnh nhau ha?
Út chột dạ:
- Anh Năm nói vậy là sao?
Anh Năm Lem nhìn Út, nghiêm giọng:
- Muốn đánh giặc phải có tổ chức. Bộ mầy tưởng học được mấy miếng võ, uýnh lén tụi nó là ngon lắm hả?
Đến lúc này Út mới lờ mờ hiểu công việc của anh Năm. Nghe ảnh nói vầy, Út dạ cái rụp rồi thỏ thẻ:
- Cho em đi theo anh vô căn cứ nha, anh Năm! Em muốn theo cách mạng đi đánh giặc.
Anh Năm Lem thủng thẳng:
- Ừa! Ở nhà phụ ba má mần ăn cho ngon lành, ít nữa tao tính.
Cơn háo hức vừa nhen lên thì mấy bữa sau, người dân trong ấp nháo nhào gọi nhau, ông Năm Lem, cán bộ Việt cộng bị địch bắn chết. Nghe tin anh Năm hy sinh, Út không kìm lòng được nữa. Út tập hợp nhóm bạn thân gồm 7 người bàn tính chuyện lớn:
- Tui phải vô căn cứ theo cách mạng trả thù cho anh Năm. Có ai đi cùng không?
Cả nhóm đồng lòng ra đi. Đêm đó, họ sử dụng một chiếc ghe đánh cá, đi đường biển qua mắt bọn mật thám rồi nhắm thẳng những cánh rừng đen thẫm ở phía tây mà tiến. Đến trưa hôm sau thì gặp được người của Huyện đội Phú Quốc. 7 thanh niên gồm: Út, Thìn, Bình, Liêm, Nở, Thới, Phước được các chú, các anh ở căn cứ tiếp nhận. Vào căn cứ rồi mới biết, người bị địch phục kích bắn là đồng chí Vũ Sơn, cán bộ Huyện đội chứ không phải anh Năm của Út. Bữa đó, anh Năm Lem và đồng chí Vũ Sơn trên đường đi xuống cơ sở cách mạng thì bị tụi mật thám chỉ điểm. Bọn địch sử dụng hơn một tiểu đội phục kích, bắn như vãi đạn. Đồng chí Vũ Sơn bị dính ngay loạt đạn đầu, anh dũng hy sinh. Năm Lem chạy thoát được.
Vào căn cứ, cả nhóm được dẫn đến gặp lãnh đạo Huyện đội Phú Quốc. Út và hai đồng chí Thìn, Bình được tuyển chọn vào lực lượng Đặc công biệt động, 4 thanh niên còn lại do không đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, thể lực nên được phân công về các bộ phận phục vụ chiến đấu. Chỉ huy trưởng Phân đội Đặc công biệt động là đồng chí Nguyễn Văn Mỹ (Ba Toản). Từng nghe danh vị chỉ huy có tài tổ chức đánh giặc xuất quỷ nhập thần, nay mới được gặp mặt, lại được tuyển chọn làm chiến sĩ thuộc quyền, Út sung sướng, hạnh phúc như bắt được vàng. Ba Toản quê Hà Tây, là sĩ quan đặc công được đào tạo bài bản ngoài Bắc. Ông tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, bị địch bắt giam, đày ra “chuồng cọp” Phú Quốc. Tháng 6-1968, Ba Toản được chi bộ đảng trong tù tổ chức cho vượt ngục cùng một số đồng chí khác, ra ngoài xây dựng lực lượng Đặc công biệt động tham gia kháng chiến.
Nhắc đến người thầy thứ sáu của mình, ông Út bày tỏ thái độ kính trọng:
- Anh Ba là người tinh thông võ học và có tài chỉ huy đánh giặc xuất quỷ nhập thần. Ảnh tham gia xây dựng lực lượng Đặc công biệt động từ cuối năm 1968 và trực tiếp tổ chức huấn luyện, chỉ huy các trận đánh diệt ác, phá kềm, chống càn, công đồn… khiến địch bao phen bạt vía kinh hồn. Được anh Ba tiếp nhận và huấn luyện, tui tôn ảnh làm sư phụ. Ảnh là thầy dạy võ cuối cùng nhưng là người thầy quan trọng nhất của đời tui. Ảnh dạy tui cách kết hợp kỹ thuật, tinh hoa các môn phái với cách đánh đặc công, vận dụng kỹ, chiến thuật đặc công để chiến đấu. Tui tiếp thu các nội dung rất nhanh và trở thành chiến sĩ giỏi võ nhất Phân đội Đặc công biệt động.
Khoảng thời gian cuối những năm 60 thế kỷ trước, cảnh sát và ngụy quân ở Phú Quốc thành lập lực lượng Hắc Báo, tập hợp những tên chiêu hồi, chuyên hoạt động thám báo để phá các cơ sở cách mạng của ta. Nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng bị sa vào tay giặc. Sự ra đời và hoạt động mạnh mẽ của lực lượng Đặc công biệt động đã trở thành “khắc tinh” của tổ chức Hắc Báo. Nhắc đến danh Ba Toản, không chỉ bọn ác ôn, thám báo, Việt gian khiếp sợ mà ngay cả lực lượng chính quy trong các đồn, bót cũng kiềng nể. Rất nhiều lần bọn chúng chạm mặt Ba Toản nhưng không dám “xử”, vì sợ.
Nhờ có võ nghệ cao cường và tác phong nhanh nhẹn, Út thường được thủ trưởng Ba Toản giao thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Đơn cử như nhiệm vụ trừ khử tên sĩ quan an ninh khét tiếng tàn ác. Tổ đặc công của Út gồm 5 người, cải trang thành sĩ quan, lính ngụy mai phục tại bến sông ngay trước nhà đối tượng. Tối hôm đó, nhận được tín hiệu mật báo của cơ sở, tên ác ôn này về nhà mở tiệc nhậu. Đợi cho đám sĩ quan, binh lính ra về gần hết, Út ung dung vào nhà hắn bằng cổng chính. Bên ngoài, 4 đồng chí khác chia thành hai mũi cảnh giới, yểm trợ. “Ai dzậy?”-tên ác ôn vừa cất tiếng hỏi, đã bị Út nhảy phắt lên tấm phản, kẹp cổ. Nhưng hắn không phải là tay dễ chơi. Biết gặp phải Việt cộng cải trang, hắn né người, co chân đạp vào bụng Út rồi chộp ngay khẩu súng ngắn kê dưới gối. Tình thế nguy cấp, Út nhanh như cắt rút súng, nhả đạn. Hắn hét lên một tiếng thất thanh, đổ sầm xuống sàn nhà. Út bồi thêm hai phát đạn nữa rồi vọt ra ngoài. Nghe tiếng súng, đám lính từ bót gác dưới sông ào lên. Đội của Út bắn trả, mở đường máu, rút lẹ vào rừng…
Tham gia hàng trăm trận đánh, nhiều lần ở tình thế thập tử nhất sinh, bị trúng đạn địch trọng thương, nhưng ông Út cho rằng, mình vẫn là người may mắn. Rất nhiều đồng đội của ông hy sinh, đến nay chưa tìm được hài cốt. Một trong những niềm hạnh phúc của ông Út là người thủ trưởng, người thầy lớn nhất đời mình đến nay sức khỏe vẫn tốt, trí óc vẫn anh minh và cũng đang sống ở Phú Quốc. “Anh Ba Toản năm nay 84 tuổi, tui cũng ngấp nghé bảy chục rồi nhưng vẫn luôn coi ảnh là người thầy lớn. Mọi vui buồn, vướng mắc trong cuộc sống tui đều hỏi ý kiến thủ trưởng. Sư phụ Ba Toản thường dặn tụi tui, đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước là những thứ ta phải học và tu dưỡng suốt đời. Ngày nào còn sống là còn phải học, phải tự tu dưỡng”, ông Út “chốt hạ” trước khi bắt tay tạm biệt chúng tôi…
Ký của PHAN TÙNG SƠN