- Em mang cà phê cho anh đây.

Họa sĩ Phan Biên khẽ giật mình, không phải vì ông đang ngủ gật mà là vì ông đang dành mọi tập trung vào bức tranh vừa hoàn thành.

- Anh uống cà phê đi!-bà Ngọc Hà nhắc lại bằng một ngữ điệu chu đáo-Mà anh định đặt tên cho bức vẽ này là gì?

Họa sĩ Phan Biên giơ tay đón tách cà phê. Ông ngước lên nhìn vào mắt bà Ngọc Hà và nói giọng biết ơn:

- Cảm ơn em!

- Cà phê em mới mua sáng nay. Đúng loại mà anh đã nhắc tối qua.

- Vợ anh là nhất đấy!-họa sĩ Phan Biên chưa vội uống ngay, ông nâng ly cà phê lên ngang mũi hít hít rồi ngước mắt lên nhìn vợ-Thơm quá, lại còn nóng hổi nữa. Đúng là vợ anh!

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Tuy đã bảy mươi tuổi nhưng họa sĩ Phan Biên luôn dành những lời nói đầy tình cảm cho vợ của mình. Thực ra ông có chiều bà một chút cũng không sao, người đàn bà kém ông đúng một giáp này đáng để ông tôn trọng, đáng để ông cảm phục. Hồi hai người đến với nhau đã có bao dị nghị. Nhất là phía gia đình bà Ngọc Hà, mọi người cho rằng ông hơn bà nhiều tuổi, sợ sau này hai người khó hòa đồng, nhưng cô sinh viên Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương khi đó dứt khoát gạt đi. Cô yêu người đàn ông là thầy giáo của mình. Hồi đó, thầy Phan Biên dạy môn Hội họa được nhiều sinh viên quý mến, trước tiên là bởi thầy từng là một người lính lái xe Trường Sơn dạn dày lửa đạn, thứ nữa là bởi sự tài hoa, lịch thiệp của thầy. Từ ngày hai người chính thức trở thành vợ chồng cho đến giờ cũng đã qua cái mốc ba mươi nhăm năm. Họ đã có với nhau hai cô con gái đoan trang, nết na và vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ.

Nắng chiều chiếu xiên qua ô cửa sổ, họa sĩ Phan Biên đã ngồi thẳng người, tâm trí của ông dường như chưa chịu rời khỏi bức tranh. Một thoáng nhíu lông mày nghĩ ngợi rồi ông lại thả lỏng người, nhấp nốt ngụm cà phê cuối cùng.

- Anh định đặt tên cho bức tranh này là gì?

- Tranh trừu tượng mà em.

- Em có hỏi thể loại đâu. Mà lần này anh vẽ không như mọi khi-bà Ngọc Hà hơi ngạc nhiên. Lúc này bà mới tập trung nhìn bức tranh lâu hơn-Em thấy...-bà ngập ngừng.

- Em hiểu thế nào?

Bà Ngọc Hà thoáng bối rối, im lặng kéo ghế ngồi bên cạnh chồng. Mãi lâu sau bà mới lên tiếng, giọng nói nhẹ thoảng.

- Anh! Anh đang nhớ chị ấy phải không?

Câu hỏi bất ngờ của bà Ngọc Hà làm họa sĩ Phan Biên giật mình. Ông gấp vội mấy trang giấy ố vàng lại và lén cất vào hộc chiếc bàn con bên cạnh. Hành động ấy không qua được ánh mắt của bà Ngọc Hà, bà vờ như không thấy mà với tay kéo chiếc ghế nhựa, ngồi sát bên trái ông. Bà nghiêng hẳn đầu dựa vào vai ông, bàn tay bà lần lần tìm bàn tay ông. Cử chỉ ấy đủ làm họa sĩ Phan Biên thấy cay cay sống mũi. Ông biết là bà không ghen, ông hiểu là bà đang muốn chia sẻ. Ông nắm chặt tay bà. Cả hai cùng im lặng, nhìn chăm chú vào bức tranh. Rất lâu như thế. Vẫn dựa hẳn đầu vào vai họa sĩ Phan Biên, bà Ngọc Hà nói như thì thầm vào tai ông.

- Em thấy hình như đó là một cánh rừng. Một cánh rừng ngập đầy bụi đỏ và một dòng sông lụa chảy ngang qua.

Họa sĩ Phan Biên như choàng tỉnh, ông nhoài người vào sát bức tranh. Tim ông đập rộn rã. “Một cánh rừng ngập đầy bụi đỏ và một dòng sông lụa chảy ngang qua”, họa sĩ Phan Biên thầm nhắc lại câu nói của vợ.

*

*          *

Sau lễ cưới giản dị theo kiểu “đời sống mới” ở hội trường của Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương với nước chè và chút bánh kẹo, cô gái Hà thành Lê Ngọc Hà chính thức làm dâu làng An Trạch. Đêm đầu tiên ngủ ở làng, cô không sao nhắm mắt được. Phần vì lạ nhà và cũng phần vì có những điều khiến cô phải nghĩ. Hồi tối, Phan Biên dẫn vợ mới cưới đi dạo trên đê. Không biết vì lẽ gì mà sông Cầu đoạn chảy đến đầu làng An Trạch thì lượn thành vòng thúng. Dưới ánh trăng thu, dòng sông Cầu hiện lên như một dải lụa vàng óng thắt vòng ngang lưng cánh đồng lúa đang thì trổ bông. Ngọc Hà đứng im ngây ngất, gió từ trong làng thổi qua cánh đồng đưa lại mùi khói cay cay. Cô nhớ có lần Phan Biên đã nói: “Có đi xa mấy anh cũng không quên được mùi khói lò gốm ở quê nhà”. Cô biết chồng mình yêu quê lắm, yêu đến nỗi làm cô thấy dấy lên chút hờn ghen.

Ban sáng, khi Ngọc Hà vừa cùng Phan Biên về tới nhà đã thấy rất đông người đang đợi. Đám cưới của cô diễn ra ở trường nên bây giờ mới là lúc bà con trong làng kéo đến xem mặt cô dâu. Ngọc Hà thoáng ngượng ngập. Cô nghe bà con xầm xì to nhỏ. Chuyện nhận xét cô dâu mới thế này thế khác không lạ, nhưng qua những lời xầm xì đó, Ngọc Hà thầm đoán hình như mọi người đang có ý so sánh. Ban đầu, Ngọc Hà cho rằng vẻ ngoài trắng trẻo của mình làm bà con nghi ngại không biết về làm dâu làng gốm có phù hợp không, nhưng rồi cô đã đoán ra, mọi người đang so sánh cô với ai đó.

Sau này, khi đã có hai mặt con với nhau, Ngọc Hà mới đem điều thắc mắc bao lâu ra hỏi chồng. Họa sĩ Phan Biên lúng túng vài giây rồi anh kể chuyện. Hồi xưa, cha anh là một “anh Hai quan họ” nổi tiếng khắp vùng. Trong “bọn quan họ” ấy, anh Hai quan họ tên Phan Sang người xóm giữa và chị Ba quan họ tên Xoan ở xóm ngoài có tình ý với nhau. Ngặt nỗi quan họ chỉ kết bạn giao duyên chứ tuyệt đối không được kết duyên chồng vợ. Hai người bịn rịn chia tay nhau để đi lập gia đình riêng. Họ đã thầm giao kết với nhau là sau này nếu người này có con trai và người kia có con gái thì đôi bên sẽ làm thông gia. Thế nên Phan Biên-con trai của “anh Hai” Sang đã được “hẹn ước” với cô Đào-con gái của “chị Ba” Xoan. Chuyện có thế thôi.

*

*          *

- Thế... thế hồi đó, hồi ở Trường Sơn ấy, anh có gặp được chị ấy không?

Bà Ngọc Hà cuối cùng cũng không giấu được cảm xúc hờn ghen của mình. Bà hỏi nhưng đầu bà lại dựa chặt vào vai họa sĩ Phan Biên hơn. Một kiểu vừa hỏi cho ra nhẽ lại vừa sợ người được hỏi phật ý. Họa sĩ Phan Biên không trả lời, ông vòng tay quàng qua vai vợ. Hành động ấy làm bà Ngọc Hà chợt thấy mình như vừa làm điều gì đó không phải. Bà vẫn dựa đầu vào vai ông.

- Chị ấy đẹp lắm phải không anh?

Họa sĩ Phan Biên ghì cánh tay, ông kéo cả người bà Ngọc Hà lại sát người mình. Nắng chiều chiếu bóng của hai người như quện chặt với nhau.

Nhưng rồi cái bóng hình hai người in đậm dưới nền nhà chợt lay động. Họa sĩ Phan Biên khẽ nhích người sang bên trái. Ông đưa tay về phía hộc bàn rút tập giấy cũ ố vàng ra. Ông giữ chặt những tờ giấy đó như sợ bay mất.

*

*          *

- Mãi đến tháng 4 năm 1972, anh mới đi qua Khe Ve-họa sĩ Phan Biên chậm rãi nói từng câu-Lần đó, tiểu đoàn xe của anh được lệnh lật cánh từ tuyến đường bên Tây Trường Sơn sang tuyến đường bên Đông Trường Sơn.

Bà Ngọc Hà hơi ngửa đầu hóng mặt lắng nghe. Bà định nói: “Chị ấy chắc là yêu anh lắm, yêu đến nỗi trốn nhà đi thanh niên xung phong để hy vọng gặp được người mình yêu ở ngoài chiến trường” nhưng kịp kìm lại. Họa sĩ Phan Biên khịt khịt mũi mấy lần. Ông đang xúc động. Phải mất mấy phút im lặng như vậy, họa sĩ Phan Biên mới chậm rãi nói tiếp.

- Anh không quên được, đó là ngày 17 tháng 4 năm 1972. Xe của anh đi trước dẫn đầu đội hình, vừa chớm vào tới trọng điểm Khe Ve thì máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện ra. Nó bắn một quả đạn khói xuống mặt đường đánh dấu mục tiêu. Chưa đầy phút sau đã thấy dậy lên chuỗi âm thanh của loạt bom đầu tiên. Chiếc xe của anh khựng lại nhưng đã muộn. Xe đã đi vào khu vực mục tiêu được đánh dấu. Anh định nhấn ga cho xe phóng vụt đi nhằm tách khỏi đội hình nhưng quả bom rơi xuống đầu tiên đã hất tung đất đá, khói bốc lên mù mịt. Một mảnh bom văng vào kính chắn gió. Kính vỡ tan tành. Khói lửa mù mịt nhưng rất may là anh chỉ bị thương ở vai phải. Đấy, đúng chỗ em đang dựa đầu đấy.

- Ôi chết. Em xin lỗi!

Họa sĩ Phan Biên vỗ vỗ nhẹ vào người bà Ngọc Hà, ý chừng như ông muốn bà yên tâm.

- Anh không tài nào cho xe tiếp tục chạy được nữa. Đang lúng túng thì chợt nghe tiếng hét: “Xe nào thế kia? Dừng ở đấy để cho bom nó tiêu à?”, một giọng con gái vang lên quyết liệt. Anh biết vậy nhưng máu chảy nhiều quá khiến tay không sao cử động được. Lại giọng con gái quyết liệt vang lên, lần này thì ngay cửa xe: “Ôi anh bị thương rồi. Anh xuống xe mau lên”. Rồi vẫn giọng ấy gọi với về bên đường: “Chúng mày ơi. Anh ấy bị thương rồi. Lại đây mau lên. Đưa anh ấy vào hầm”. Mấy cô gái thanh niên xung phong ùa tới rất nhanh và cũng rất nhanh, các cô đã mở cửa xe đỡ anh xuống. Khi anh vừa bước khỏi buồng lái thì giọng con gái lúc trước còn rất quyết liệt chợt kêu lên thảng thốt: “Anh Biên? Đúng là anh Biên rồi!”. Nén đau, anh cố mở mắt để nhìn. Qua ánh lửa cháy bập bùng, anh chợt nhận ra: “Cô... cô là... là Đào... Đào phải không? Sao em lại ở đây?”. “Gặp được anh rồi! Em gặp được anh rồi!”. Anh lại hỏi: “Đào, sao em lại ở đây?”. “Gấp lắm rồi. Anh theo các cô ấy vào hầm tránh bom nhanh lên. Chúng mày dìu anh Biên đi luôn đi”. “Nhưng còn em-anh lo lắng gặng hỏi-Em...?”. Đào đã ngồi bên tay lái. Lại một loạt bom nữa trút xuống. “Em định làm gì thế? Đào”. “Gấp lắm rồi. Chốc nữa quay về em sẽ nói chuyện. Giờ em đi nhé”. “Nhưng em có biết lái xe đâu?”. Đào nổ máy xe nói trong hơi thở mạnh: “Các anh bộ đội chỉ cho em rồi. Lát nữa em quay về, anh Biên nhé”.

- Chị ấy... chị ấy lái xe đi đâu?-bà Ngọc Hà nghe đến đấy thì thầm phân vân.

- Đào nhấn ga-họa sĩ Phan Biên chậm rãi nói tiếp-Chiếc xe băng qua trọng điểm. Máy bay Mỹ đã trông thấy, chúng liền bỏ việc cắt bom mà sà thấp xuống đuổi theo chiếc xe. Những loạt đạn súng máy từ trên máy bay bắn chan chát, đạn cày dọc đường hất tung bụi đỏ-giọng Phan Biên thoáng ngập ngừng-Máy bay Mỹ bị chiếc xe của Đào thu hút nên đội hình xe của tiểu đoàn mới thoát hết vào đường tránh an toàn.

Im lặng. Tiếng quạt trần kêu ro ro. Chiều đang buông bên cửa sổ tạo nên khoảng tranh sáng tranh tối. Bà Ngọc Hà mở to mắt. Bà nhìn chăm chú vào bức tranh. Chợt bà kêu mừng rỡ. Bà nắm tay họa sĩ Phan Biên. Nét mặt bà hồ hởi như chính mình mới là người đang chờ đợi.

- Chị ấy đang quay về rồi anh ơi. Chiếc xe của chị ấy như một bó đuốc khổng lồ đang chạy trên dòng sông lụa. Cả cánh rừng đang rực lên màu lửa.

Họa sĩ Phan Biên dụi mắt. Cả hai cùng đứng lên dựa hẳn vào nhau háo hức. Bà Ngọc Hà đưa tay lên vuốt vuốt ngực đỡ tiếng ho của họa sĩ Phan Biên, tay bà vô tình chạm vào những tờ giấy cũ ố vàng mà họa sĩ Phan Biên đang ghì giữ.

- Anh được đưa vào hầm trú ẩn an toàn, mấy cô thanh niên xung phong vừa băng cho anh vừa trêu: “Hóa ra là anh Biên thương yêu của em Đào đây. Cũng đẹp giai phết. Thảo nào cái Đào mê mệt”. Một cô nói giận: “Sao anh đi biền biệt để cái Đào ngóng ngày nào cũng ngóng?”. Rồi các cô ấy cho biết thêm, sáu tháng trước, đơn vị thanh niên xung phong đã tính đến những tình huống có thể xảy ra nên đã lập Tổ xung kích gồm năm người. Đào nằm trong số đó. Các cô được tập huấn điều khiển ô tô và đã vài lần đưa được xe ra khỏi bãi lầy hoặc đưa xe vào khu tránh trú nhưng tình huống như lần này thì là lần đầu-họa sĩ Phan Biên im lặng. Bà Ngọc Hà cũng lặng im. Mãi sau, họa sĩ Phan Biên mới nói tiếp, giọng ông nghèn nghẹn-Đồng đội của Đào đưa anh chiếc ba lô của cô ấy. Anh đã mang về làng cho bố mẹ Đào. Anh xin phép bố mẹ của Đào cho anh được giữ lại những trang giấy này-họa sĩ Phan Biên nói nghèn nghẹn-Những lá thư mà Đào đã viết cho anh nhưng chưa một lần gửi đi...

Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN