Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người “chỉ mặt đặt tên” những kẻ tham nhũng trong chính quyền nhân dân là “giặc nội xâm”. Thậm chí, Người coi tham nhũng là tội nặng hơn cả tội mật thám, phản quốc: “Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền, v.v. là việc trong nhà. Vì vậy, mà có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc hy sinh lợi ích của nước nhà... Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”(1). Còn Giáo sư Sử học, nhà cách mạng lão thành đầy bản lĩnh Trần Văn Giàu có lần đã thốt lên: “Mình đã góp phần đánh bại những thằng đế quốc ngoại xâm sừng sỏ nhất thế giới. Vậy mà bây giờ đến bọn tham nhũng-nội xâm, mình đành bó tay. Tôi mà bắt được thằng tham nhũng, tôi bắn, nó ngã xuống, tôi lại dựng lên, bắn nữa”(2).

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Đọc đến đây, người viết không thể không nhắc đến “người đốt lò vĩ đại”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Danh hiệu đó là nhân dân phong tặng ông-người đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ tuyệt vời cùng tinh thần kiên trì, kiên quyết chống tham nhũng đến cùng. Luận điểm nổi tiếng “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” đang chứng tỏ sức sống trong thực tiễn. Các vụ đại án với những thủ đoạn tham ô, móc ngoặc vô cùng tinh vi được xử lý; những cán bộ cấp cao “tay đã nhúng chàm” ra trước vành móng ngựa; những tội phạm tham nhũng đã trốn ra nước ngoài vẫn không thoát khỏi “lưới” pháp luật; có vụ tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng với những “quan chức” cỡ bự nhưng đã được xử lý từng bước chắc chắn, vừa thu hồi được tài sản tham nhũng, vừa bảo đảm “đánh chuột không để vỡ bình quý”… đã từng bước củng cố, khôi phục niềm tin của người dân.

Vì đâu mà tham nhũng lại hoành hành trong một xã hội mang bản chất tốt đẹp như xã hội chúng ta? Nhà văn Ma Văn Kháng có lần nhìn nhận trên Tạp chí Xây dựng Đảng: “Chúng tôi thuộc lớp đảng viên, cán bộ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vốn không biết tới việc đưa tiền, quà để tranh thủ được giúp đỡ. Vậy mà hoàn cảnh đưa đẩy, rồi cũng quen dần. Thậm chí đã thành nếp. Đi khám bệnh, nằm viện, tôi cũng có phong bì cho bác sĩ, y tá. Cán bộ địa chính đến đo đất để cấp sổ đỏ, tôi cũng có bao thuốc và mấy chục bạc lót tay”(3).

Tâm sự chân thành của nhà văn Ma Văn Kháng nói lên một điều nhức nhối “trên nóng, dưới lạnh” mà dư luận vẫn đặt ra lâu nay. Những vụ đại án tham nhũng đã và đang được xử lý, nhưng tham nhũng vặt còn là đại quốc nạn cần phải tiễu trừ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, tới đây, cả hệ thống chính trị cần “tập trung vào chống tham nhũng vặt, nó như ghẻ ruồi, rất khó chịu. Đến cửa nào cũng phải tiền, không tiền không trôi”. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tham nhũng vặt còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này, việc khác phải đưa phong bì, phong bao”.

Tham nhũng vặt là điều dường như ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng gần đây được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đề cập với tần suất ngày càng dày hơn khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang đạt được những kết quả tốt đẹp. Tham nhũng vặt có thể hiểu là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công, từ đó nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi. Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gọi là tham nhũng vặt nhưng sự nguy hại của nó thì không hề “vặt vãnh” chút nào. Thứ nhất, tham nhũng vặt xảy ra qua hành vi giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân. Vì vậy, mỗi hành vi tham nhũng vặt là một lần gặm nhấm, bào mòn niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Thứ hai, tham nhũng vặt diễn ra khá phổ biến, trong rất nhiều lĩnh vực, lặp đi lặp lại đến mức “đến cửa nào cũng phải tiền”, lâu ngày thành thói quen của cả người dân lẫn cán bộ, công chức. Thứ ba, tham nhũng vặt nuôi dưỡng, dung túng tham nhũng lớn, làm xuất hiện xu hướng, tư tưởng chấp nhận “sống chung với tham nhũng” trong cán bộ, công chức và nhân dân.

Điều nguy hiểm nhất trong xã hội ta ngày nay là ai cũng ghét tham nhũng, ai cũng mong chống tham nhũng, nhưng “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách”. Dường như, cuộc chiến chống tham nhũng thiếu hiệu quả, kéo dài quá lâu, đã và đang khiến cho hầu hết mọi người trong xã hội dần dần… chấp nhận tham nhũng như là “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. Thời kỳ đầu đổi mới, Báo Quân đội nhân dân có bài điều tra về một cán bộ hàm bộ trưởng vi phạm tiêu chuẩn nhà ở mà đã gây rúng động dư luận. Giờ đây, không ít trường hợp cán bộ cấp phòng, cấp sở thuộc tỉnh có những biệt phủ xa hoa, lộng lẫy với giá trị mà đồng lương của cán bộ đó trăm năm gộp lại cũng không xây nổi lại là… “chuyện thường ngày ở huyện”. Đã có rất nhiều biểu hiện chứng minh cho tâm lý coi tham nhũng là “chuyện bình thường như cân đường, hộp sữa”. Có công chức cấp xã sau khi đóng dấu giấy khai sinh, chứng tử, thản nhiên nhận phong bì 200.000 đồng mà không nghĩ là mình tham nhũng. Có một sở lập kế hoạch huy động xe cộ, phương tiện, nhân viên tham gia tổ chức lễ cưới cho con giám đốc sở mà không nghĩ đó là tham nhũng. Có công dân đêm ngày hô hào chống tham nhũng nhưng khi bị cảnh sát giao thông phạt thì chỉ thích biếu “phong bì” để được cho đi...

Tham nhũng đã trở thành cái vòng luẩn quẩn, chi phối hành vi của đông đảo các thành viên trong xã hội. Tính phổ biến, sự ăn sâu bám rễ vào đời sống của nó khiến cho nhiều người nghĩ rằng “tham nhũng không thể chống được”. Có người đã ví tham nhũng như tướng giặc Phạm Nhan có phép biến hình to thành nhỏ, chém đầu này mọc đầu khác, rất khó nắm bắt, khó tiêu diệt. Nhưng cũng như trong truyền thuyết “bắt giặc Phạm Nhan”, nhân dân ta với lòng yêu nước sâu sắc, đã kiên trì tìm ra điểm yếu của Phạm Nhan, dùng chỉ ngũ sắc trói chặt khiến y không thể biến hình, dùng bảo kiếm bôi vôi, phân sáp gà và bồ hóng để chém khiến cho đầu y rơi xuống không mọc lại được. 

Nghị định 59 gồm 11 chương, 89 điều, có hiệu lực từ ngày 15-8-2019 là văn kiện của lòng dân-ý Đảng. Công khai, minh bạch mọi hành vi nhận quà của cán bộ, công chức là điểm nhấn của nghị định này. Nghị định quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Điều 25), và “Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng” (Điều 26)...

Từ lâu, quà tặng đã biến tướng tinh vi để vô hiệu hóa những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng. Với những quy định cụ thể, tỉ mỉ lần này, có thể ví Nghị định 59 như “chỉ ngũ sắc và bảo kiếm bôi vôi” đối với tham nhũng. Mọi công dân Việt Nam đều chờ đợi và hy vọng, Nghị định 59 là “chiếc lồng cơ chế” có thể “nhốt” được những hành vi lạm quyền, lộng quyền; khiến cho những người có chức vụ, quyền hạn “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Nhưng “chỉ ngũ sắc và bảo kiếm bôi vôi” có sắc bén đến đâu thì chúng vẫn chỉ là công cụ, phương tiện; có “chém cụt đầu giặc nội xâm” được hay không, rất cần sự chung tay hành động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

NGUYỄN HỒNG HẢI

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, H.1995, tập 5, tr.305.

(2) Sách “Vinh quang nghề thầy”, Trần Văn Giàu, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.135.

(3) Tạp chí Xây dựng Đảng, số 12, năm 2016.