A và B cùng quê, cùng tuổi, cùng là thợ cắt tóc, gội đầu cho một salon khá lớn trên con phố toàn những cửa hiệu sang trọng. A làm nghề này trước rồi về quê đón B xuống làm cùng. Vừa đáp ứng nguyện vọng tuyển người của bà chủ, vừa giảm bớt gánh nặng thuê phòng. Dù đã yên ổn ở đó đến mấy tháng, nhưng hễ cứ có dịp trò chuyện với mấy chị hàng rong là A lại tăm tia dò hỏi xem ở chỗ nào có phòng rẻ hơn, chi phí ít hơn không. Xa cũng được, xấu cũng được, xập xệ cũng được. Hoặc đổi, hoặc thêm người. A luôn đóng đinh trong đầu suy nghĩ ấy. B xinh xắn, trắng trẻo hơn A, rộng rãi, phóng khoáng hơn A. Hai đứa ở chung rất êm ấm. B cũng thông minh, nhanh nhẹn, nên chẳng mấy chốc mà tay nghề khá lên và lương cũng chẳng kém lương của A bao nhiêu. Ở tiệm cắt tóc, bà chủ rất quý A và B, một phần vì hai đứa hiền lành, thật thà, chăm chỉ, một phần vì hai đứa chả bao giờ tị nạnh, chành chọe với nhân viên khác. Chỉ thi thoảng bà chủ thở dài bảo: "Giá con này cho bớt con kia một tí…".

leftcenterrightdel
Minh họa: ANH KHOA

Cái “tí” mà bà chủ nhắc đến ấy là tính cách. B, phải nói là rất hào phóng. Mỗi khi lấy lương xong là nhao ngay ra phố. Và khi về chỉ còn đủ tiền đổi cho mẹ ở quê một bình ga và mua mấy cân thịt lợn. Quần áo, giày dép, mũ nón của nó chất đầy gác xép. Nó sợ người thứ ba về thì những chỗ để đồ của nó sẽ không còn được rộng nữa, chứ lòng nó chẳng hẹp hòi gì. Mỗi lần về quê lại tha về một túi đồ. Được cái, họ nhà nó đông người. Cái tụi chị em họ xấp xỉ tuổi nó đông chi chít. Đông thế mà nó cũng đủ quà để chia cho tụi ấy. Đi làm ở Thủ đô phải khác chứ! Lương năm triệu đồng phải khác cái bọn lương hai triệu đồng phọt phẹt chứ! Chưa kể, tiền típ của khách cũng kha khá, đủ để chi trả tiền phòng và các khoản chi tiêu lặt vặt tại phòng trọ. Mà thực ra, tiền típ của nó, nó đưa hết cho A giữ. Và cũng chả bao giờ nó quan tâm là mỗi tháng được bao nhiêu, có đủ không nữa. Thừa thì thôi, mà thiếu thì A phải tự bỏ thêm vào, đừng hỏi nó mà mệt. Có lần, nó về quê ba hôm, lúc xuống lại chỗ làm, sờ đến quần áo mặc đi làm thì chả còn cái nào, vì phởn chí lên cho hết cả. Thế là lại mặc đồ của A đi làm. Đồ của A dẫu chẳng đẹp, chẳng mốt, nhưng được cái thơm tho, sạch sẽ và chắc chắn. Mẹ B thường xuyên thở dài than với bố B: "Không biết con B nó giống ai. Tôi với ông căn cơ chắt bóp, dành dụm từng xu từng hào mới nuôi nổi ba chị em nó, mới xây được nhà cửa, mới tậu được cặp bò. Vậy mà, nó cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Ai lại, đi làm cả năm, cho mẹ được "những" 600 nghìn lẻ mấy chục. Mà mấy chục lẻ là tôi thấy rơi dưới gầm giường tôi nhặt". Bố B lại nguýt mẹ B: "Bà đẻ ra nó, nó là con ai, chỉ bà mới biết. Sao bà hỏi tôi?".

Đấy! Câu chuyện về B bao giờ cũng kết thúc ở chỗ “sao bà lại hỏi tôi?”. Hỏi B có biết những phân vân của bố mẹ về tương lai mình không, thì B biết tỏng. Nhưng B không sửa được cái nết ấy, mà theo như A thường phát biểu là “cải được mả người chết chứ không cải được nết người sống”. Có hôm, chị bán bò bía len lỏi vào tận ngõ sâu, gần phòng A-B ở mà rao to như thể chị biết cái tính hay quà của B vậy. B đang nằm nghịch điện thoại trên giường thì nhảy xuống đất, lính quýnh tìm tiền. Giũ gối, lật chiếu, sờ túi áo khoác, ngó gầm giường, lục ví, đều không thấy mớ tiền lẻ mà mọi khi kiểu gì cũng được B dúi ở một trong số các chỗ đó. Cuối cùng, sợ chị bò bía sốt ruột, B lại nhăn nhở chìa tay vay A chục nghìn...

Lại nói về A. Trong mắt số đông, A ngược lại hoàn toàn với B. Ấy là gọn gàng, sạch sẽ, tiết kiệm đến mức keo kiệt. A không ăn quà vặt, không mua sắm cái gì nếu chưa thật sự cần thiết. Quần áo đủ mặc, thức ăn đủ bữa, giày dép đủ đi. Đêm nào cũng như đêm nào, trước khi đi ngủ là A giở ví tiền ra đếm. Nếu ai không hiểu, ắt cho là A nghi ngờ ai đó bớt xén tiền trong ví mình. Thực ra không phải. A thích đếm tiền. Cho dù cả mấy ngày cái ví không thêm không bớt. A xót xa khi từng đồng tiền rời khỏi ví. Mà toàn là bất đắc dĩ rời khỏi ví. A hân hoan vui mừng khi từng nghìn lẻ gia nhập ví. A có tới ba cái ví liền. Một cái chuyên đựng tiền ngoại tệ. Đó là cái ví thổ cẩm, trông khá Tây, được A mua ở Mã Mây. Vì khi gội đầu, massage mặt cho khách, khách hay típ lắm. Đủ các loại tiền. A không bao giờ đổi ra để tiêu, cứ tích lại, thi thoảng mở ra ngắm từng tờ tiền với vẻ thích thú. Cái ví thứ hai bằng da, đắt nhất trong ba cái ví, để A đựng những đồng tiền có mệnh giá lớn, từ 50 nghìn đồng trở lên. Trong ví ấy, tiền được xếp ngay ngắn, phẳng phiu, tờ nào cũ quá, A đổi cho B lấy tờ mới hơn để thay vào. Ví này, đa phần là A để tiền lương vài ngày trước khi gửi về quê hoặc nộp vào tài khoản ngân hàng, hoặc để trả tiền thuê phòng cho chủ nhà. Cái ví thứ ba bằng vải rẻ tiền có độc một ngăn, để tiền lẻ tiêu vặt. Dù là tiền lẻ thì A cũng vuốt ve từng tờ và cặp vào cho đủ mười nghìn một kẹp. Và A không bao giờ quên động viên cái ví: "Chịu khó giữ tiền lẻ em ạ. Cứ vơi lại đầy mà, chị chả bao giờ để em túng thiếu cả". Trước khi "xuất kho", nếu là tờ to, A hôn tiễn biệt lên hai mặt đồng tiền kèm theo câu “vĩnh biệt mày”. Nếu là tờ lẻ, thì chỉ cần hôn gió và “bái bai”.

Nhìn cái cách A cưng nựng âu yếm từng tờ tiền và mấy cái ví, B ngứa mắt lắm. Nhưng B không nói gì, vì tính B là thế. Ở cái nhà này, chỉ có A cằn nhằn B, dạy bảo, giáo huấn B, chứ bao giờ có chuyện ngược đời thế. Hôm nào B rửa bát, A bảo: "Thức ăn thừa để vào tủ lạnh, cả nước mắm nữa, để mai tao kho cá". Chỉ một hôm A quên nhắc là B phi tang ra thùng rác luôn, nhưng thường thì A không quên bao giờ. Tính A thế rồi. Ở nhà, A còn cha già, mẹ yếu và các em dại, nên chẳng bao giờ A lãng phí dù một hạt muối. Các bà quà vặt mà lấy được tiền của A thì hơi bị khó đấy! B thường bảo A là bà già khó tính. Mà cả bọn ở tiệm tóc cũng gọi A là bà già khó tính. Mới có 26 tuổi thôi mà bị khoác cái danh ấy, kể cũng hài hước.

Cả tháng nay, A tươi tắn rạng rỡ hẳn lên vì niềm vui ồ ạt kéo đến. Thứ nhất là A vừa tuyển thêm về phòng ở chung một đứa con gái đồng hương tỉnh, là đứa bán bún đậu mắm tôm rong. Thứ hai, mẹ A ở quê chuẩn bị xây ba gian nhà mới, thay cho cái nhà cũ từ năm đẻ A sắp đổ sập vì trận bão vừa rồi. Thứ ba, có ông thầy bói đọc trúng bệnh muộn chồng của A là do có chồng âm theo đuổi, nên phải thuê thầy cao tay cắt duyên âm. Lễ lạt A sẽ tự sắm cho rẻ. Công thầy có một triệu đồng thôi, thế mà chúng nó cứ dọa nhiều lắm. Chứ để bố mẹ giục mãi chuyện chồng con, thương bố mẹ lắm. Có chuyện vui, A hát suốt ngày làm cả tiệm tóc, từ nhân viên, bà chủ đến khách quen đều ngạc nhiên. Nhưng có ai hỏi, A đều không nói, còn đá mắt sang B nhắc nhở B giữ mồm giữ miệng.

Cái đứa mới chuyển đến ấy, tạm gọi là C. Con C phân biệt đối xử ngay lập tức. Có gì ngon nó cũng dấm dúi cho B, vì B cho nó màn, cho cả đôi giày B mua 90 nghìn ở cửa hàng một giá mới xỏ có mỗi bận. B cho nó cả hộp kem chống nắng mới dùng một chút. Còn A chả cho nó cái gì cả, ngoài việc A đón nó về đây. Mà về để giảm chi phí cho A chứ cũng không vì A thương tình "đồng hương đồng khói". Chỉ hôm trời mưa hoặc bị đội quy tắc đuổi, ế bún với đậu phụ, nó mới mời A, nhưng cũng ý tứ nhắc nhở về việc ăn ở phải biết người biết ta. C thừa biết, dù nó có chửi thì A cũng chẳng dám đuổi nó đi. Vì chả gì mỗi tháng C cũng góp vào đây gần 800 nghìn đồng. Rồi cả những chuyện “thâm cung bí sử” của hai đứa, không hiểu từ kênh nào mà C đều biết. C biết B yêu hai lần và "đá đít" cả hai thằng người yêu. Trong đó một thằng chở ga thuê lương thấp bằng lương B, chở người yêu đi chơi còn bảo người yêu đưa tiền đổ xăng. Một thằng trình dược viên lương gấp đôi lương B nhưng cuối tháng là chả còn xu nào. C còn biết, ngược lại với B, A bị hai thằng người yêu “bái bai” vì cái tội keo kiệt. Thằng đầu tiên, mối tình đầu ấy, yêu nhau bốn năm nhá, còn chuẩn bị cưới rồi mà hỏi vay có chục triệu đồng để chuộc cái xe máy đem cầm, A chẳng những không cho vay, còn bắc ghế chửi mắng. Thế là nó bùng luôn, bố thằng nào chịu được. Thằng người yêu thứ hai con nhà hiền lành, gia giáo, không lô đề như thằng trước, của quý đấy. Thế mà chỉ có một lần nó bảo A: "Em bỏ cái thói hôn tiền đi, tiền có sạch sẽ gì đâu, trăm nghìn bàn tay sờ lần, giắt dúi đủ chỗ bẩn thỉu, cứ hôn với hít". A cứng cổ: "Tiền ở đâu bẩn em không biết, nhưng cứ vào ví em là sạch. Tiền của em là tiền sạch, tiền thơm". Sau một đêm tranh cãi không có hồi kết về tiền sạch với tiền bẩn, thằng kia ném lại một câu: "Đồ hám tiền!". Rồi mất hút trong biển người không chút tăm tích. Đấy, báu gì mà thằng chồng âm nó ám. Có mà tiền nó ám ấy. Cắt tiền đi, cắt cái thói ham tiền đi thì thiếu gì người yêu. Mà đứa nào lấy phải A cũng khốn khổ. A là chị cả, ba đứa em nheo nhóc ở dưới. Bố mẹ A thì đau ốm suốt ngày...

Hôm ấy, cả hai đứa vừa hết giờ làm việc. Cũng 10 giờ đêm rồi. Đang chuẩn bị về thì điện thoại B đổ chuông. B nghe xong thì tái mặt đưa điện thoại cho A. A nghe xong cũng tái mặt. Hai đứa bèn để xe đạp ở tiệm rồi gọi xe ôm đến bệnh viện cho nhanh. C bị tai nạn trên đường đạp xe đi mua hành tỏi khô gì đó, được người đi đường đưa vào bệnh viện. Chấn thương sọ não, phải mổ. Phải đặt cọc tiền thì bác sĩ mới mổ ngay. B lập cập cầm điện thoại của C, dò tên “bà bô”, gọi thì e í ét. Hai đứa đực mặt nhìn nhau. Lục cái ví của C mà người ta giao cho thì chỉ thấy chưa đầy triệu bạc. B nhìn A như khẩn cầu, chả gì cũng ăn ở với nhau chẵn năm rồi, lại đồng hương, cứu nó đi. A đần mặt một lúc, hai cái lông mày cứ chụm lại rồi giãn ra đến mấy lần. B nín thở chờ đợi. Cuối cùng, A gí vào tay B cái bao tải đựng lủng củng cái gì trong đó A mới mua lúc sáng trên đường đi làm rồi chạy vụt ra đường. Hai chục phút sau, A trở về với nắm tiền trên tay. Chắc A vừa ra cây ATM rút. B thì làm gì có xu nào trong tài khoản mà rút. Lần đầu tiên B thấy A đưa cho bác sĩ ở quầy thu ngân một số tiền lớn thế mà A không hôn tiền. Chắc vội quá? Trên đường đi sang khoa mổ, ông bảo vệ trông thấy hai đứa xách theo cái bao tải nhếch nhác thì nhắc: "Hai cô để cái bao lại!". A vội trình bày: "Không có gì đâu ạ!". Ông bảo vệ vẫn giữ cái bao tải lại...

Đi đến cuối hành lang, như có gì đó xui khiến, B quay đầu lại, thấy ông bảo vệ đang lôi từ trong bao tải ra một cái thằng người bằng giấy rất sặc sỡ. A cũng quay lại, sững lại giây lát rồi ngượng ngùng giục B: "Đi mau lên, mày lạ lắm à!". B gật gật, mắt sáng lên: "Cái thằng chồng âm của mày đấy à? Trông rực rỡ nhỉ!".

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN