Cây thị được phong danh hiệu Cây di sản Việt Nam càng khiến không gian nhà ngoại giá trị. Năm nào thị cũng dâng hương trong mùa quả. Ngày nào thị cũng dâng tán lá xanh nhân nghĩa. Dưới gốc thị bao giờ cũng được đặt chiếc chõng tre mà ông ngoại tôi dùng để nghỉ uống nước sau những giờ bện thừng, chão hoặc tiếp khách. Nơi gốc cổ thụ, ông đặt mấy chậu nhài. Hoa nhài pha kèm trà thì thơm tuyệt.
Tôi vẫn gọi góc không gian ấy là góc cổ tích. Dưới chõng tre, ông bà ngoại kể cho các cháu nghe truyện cổ tích. Trong nhiều câu chuyện cảm động có truyện Tấm Cám mà tôi và em gái rất thích. Vào mùa đom đóm, ngồi trên chõng tre dõi mắt ra vườn, bờ ao, ngẫm về những chú đom đóm nhỏ bé mang ánh sáng đi soi đêm mà ước ao chuyện học hành, phương trưởng. Bây giờ chõng tre vẫn hiện diện trong gia đình tôi, trong góc cổ tích thời thơ ấu của tôi. Không gian này hẳn vẫn là cổ tích, cũng có thể là thiên đường của ngoại. Bao năm ông giữ gìn không gian ấy như giữ gia phong, nét quê. Chõng tre không phải là vĩnh cửu. Nhiều chiếc dù dẻo dai bền bỉ nhưng cũng đã hỏng và ngoại phải làm lại chiếc khác. Thi thoảng, tôi thấy ông một mình ngồi thưởng trà mà như ngẫm ngợi điều gì.
Chiếc chõng tre ngày xưa là vật dụng không thể thiếu của các gia đình nông thôn. Chõng tre nhỏ hơn chiếc giường nằm. Có chiếc bằng một nửa, hoặc bằng hai phần ba giường ngủ, thường kê ở đầu hè, ngoài sân, dưới tán cây. Chõng tre nhẹ nên có thể di chuyển ra góc vườn, bờ ao, hoặc ra đầu xóm để ngồi uống nước, đánh cờ, nói chuyện thế sự. Chõng tre cũng được các bà hàng nước vối mang ra đầu làng, đầu đình để bà con đi làm đồng về rửa chân ở cầu ao hợp tác xã rồi nán lại uống nước. Chõng tre cùng chiếc quạt mo cau, quạt nan tre thường song hành với nhau, như hình với bóng.
Lại nói về việc làm chõng, tưởng đơn giản nhưng cũng kỳ công. Tre chọn làm chõng phải già, chắc nhưng càng rỗng giữa càng tốt để bảo đảm chõng nhẹ, dễ di chuyển. Những đoạn tre ấy lại phải thẳng, được ngâm dưới ao, bùn vài tháng cho mối mọt không xông. Chõng thường chỉ làm bốn chân. Bốn chiếc chân đó lại phải chọn những đoạn tre cứng nhất, đặc ruột. Mặt chõng được làm bằng các nan tre mỏng dẹt và rải đều.
Bây giờ hiếm chõng tre. Chõng tre trở thành vật trang trí của một số người muốn tạo dựng không gian quê kiểng trong gia đình, cũng có thể trong các bảo tàng tư nhân, hoặc một số ít gia đình còn lưu luyến đồ nhà quê.
Mà lạ lắm, cuộc sống thay đổi, bao nhiêu thứ thiên nhiên đã không còn hiện diện trong cuộc sống này, thậm chí có bàn tay phá đi, thì người ta lại cố gắng tạo dựng những không gian thân thương, mộc mạc, gần gũi để thỏa lòng tưởng nhớ ký ức. Trở về với những điều giản dị, thân thương là nhu cầu có thật. Nhưng đôi khi chúng ta đã tạo dựng ra những thiên nhiên giả, núi giả, thậm chí cây cối giả để huyễn hoặc mình và cho rằng đó là cuộc sống hảo hạng, no ấm, “trên phân” người khác.
Hôm nay, tôi lại về ngồi dưới tán thị cổ thụ, ngồi bên chõng tre một mình và tận hưởng không gian yên bình, có tiếng chim hót, gió đùa; có cả kho tàng ấu thơ của tôi. Ông ngoại sang bên kia sông thăm đồng đội. Tôi thưởng trà một mình. Mấy chậu hoa nhài trắng tinh khôi tỏa thơm. Không gian bình yên này là một khối tài sản, có tiền chắc gì đã mua được.
Tản văn của DIÊN KHÁNH