Ở đời, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật, hình như nỗi buồn tê tái, những nỗi đau thắt nghẹn chính là đáy vực vọt trào lên những tác phẩm để đời. Với Bác Hồ, cả dân tộc Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đều mong ước Người được mạnh khỏe. Đến ngày thống nhất đất nước, Người sẽ đi thăm lại miền Nam như nguyện ước bấy lâu. Nhưng hình như chỉ có Người mới biết mình sẽ sống tới ngày nào. Một lãnh tụ anh minh, lão thực và thông tuệ phương Đông như Người, việc biết trước này cũng là bình thường. Nhưng với cả nước và toàn thế giới, ngày 2-9-1969 vẫn là một ngày đau thương ập đến bất ngờ như ngày Liên Xô vĩnh biệt Lênin. Toàn cõi Việt Nam khóc nấc lên buốt giá, trong đó có nhạc sĩ Chu Minh. Hình như bên ông thời khắc đó, vẫn còn đâu đây hơi ấm tỏa ra từ Người, khi ông ngồi cạnh Người trong lễ “Lục tuần đại khánh” mùa hè năm 1950. Cái hơi ấm ấy đã sưởi vào những nốt nhạc đầu tiên trong sáng tác của chàng nhạc sĩ trẻ Chu Minh lúc bấy giờ. Cái hơi ấm ấy lại âm ỉ sưởi một tiếc xót ngậm ngùi vừa rất riêng với Chu Minh, vừa rất bao trùm với tất cả ở thời khắc ấy. Hãy cố gắng lùi xa hơn một chút để nhìn qua nước mắt, để chưng cất những cảm xúc thật nhất, cô đọng nhất trước Người. Chính sự kiện lớn lao này lại cộng hưởng cực đại với tâm trạng quen suy tư, ngẫm nghĩ và chan chứa rung động của Chu Minh. Và những nốt nhạc đầu tiên đi xuống, đi lên trong thổn thức mạnh nhẹ của nhịp 2/4 đã tràn ra: Đất nước nghiêng mình/ Đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam...
Khi viết hình tượng nhân cách hóa “đất nước nghiêng mình”, Chu Minh cũng phải suy đi nghĩ lại, phải đặt mình vào đúng thời cuộc khắc nghiệt lúc đó. Nhưng khi đã hạ bút thì không thể rút lại. Và không chỉ có đất nước, ở lời hai, Chu Minh vẫn tiếp tục “nghiêng mình” để tôn kính Người đến tột đỉnh: Thế giới nghiêng mình/ Loài người tiếc thương/ Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do.
Dòng nhạc vẫn tuôn trào. Chu Minh đã nhớ đến lời kêu gọi “chống Mỹ, cứu nước” của Người: Lời thề sắt son/ Theo tiếng Bác gọi/ Bốn nghìn năm dồn lại hôm nay/ Người sống trong muôn triệu trái tim. Lời hai mở ra đến vô cùng: Người là ước mơ/ Của các dân tộc/ Tiếng người vang vọng đến mai sau/ Nguyện bước theo con đường Bác đi.
Cả một đoạn đầu âm nhạc dồn nén, vừa trang trọng vừa tha thiết sôi nổi để tạo sự bùng nổ trong vô biên của đoạn sau. Và như nhiều nhạc sĩ khác, Chu Minh đã hát tên “Hồ Chí Minh”-tên gọi bản thân ở đó đã đầy chất nhạc-như sự thốt gọi chứa chan: Hồ Chí Minh/ Bác Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người/ Rạng rỡ núi sông. Lời hai vẫn dành cho thế giới: Hồ Chí Minh/ Bác Hồ Chí Minh ơi, trái tim Người/ Nặng nghĩa bốn phương.
Một cao trào ca khúc được tổ chức đã dẫn dắt các chùm nốt móc đơn bước đến tột cùng cảm xúc qua các bậc cao độ theo lối cổ điển của trường phái lãng mạn mà F.Chopin từng làm, đã diễn ra trong khoảnh khắc xuất thần của sáng tạo Chu Minh: Vì độc lập, tự do đường lên phía trước rực màu cờ sao/ Hồ Chí Minh/ Bác Hồ Chí Minh kính yêu/ Người là niềm tin tất thắng/ Sáng ngời.
Nốt bất thường xuất hiện trong chữ “sáng ngời” khiến ta cảm thấy một nốt nhạc tỏa ánh sáng thực sự. Đấy là ánh sáng của “niềm tin tất thắng” mà Người mang tới vẫn cứ tỏa rạng mãi mãi trong tâm tưởng dân tộc, đưa dân tộc tới mọi thắng lợi, tới mọi thành công.
Tôi còn nhớ ngày ấy, khi nghe qua chiếc máy thu thanh bán dẫn (rất hiếm hoi lúc đó mà người bí thư chi bộ lớp tôi có được) vang lên tiếng hát Bích Liên qua phần đệm piano của nghệ sĩ Hoàng Mãnh bài ca ca ngợi Hồ Chí Minh độc đáo này, tôi đã bật khóc như được giải tỏa niềm tiếc thương cứ dồn tụ mãi trong mình suốt những ngày Bác vừa ra đi. Niềm tiếc thương vô hạn đã hóa thành năng lượng trong tôi đến mức theo sự dẫn dắt của bậc thầy Chu Minh, tôi cũng có thể hát lên bài ca ngợi Hồ Chí Minh của riêng mình: Hồ Chí Minh kính yêu ơi!/ Hồ Chí Minh kính yêu ơi!/ Trong màu áo nâu tươi giản dị, Người cười/ Hiền như màu xanh quê hương/ Lời Người giục giã toàn dân tiến tới/ Lời Người vượt qua đại dương vọng ra thế giới chiếu sáng đất trời...
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA