Trong khuôn khổ hội nghị, rất nhiều vấn đề cấp thiết của văn chương đã được bàn đến, trong đó có mối quan hệ giữa sáng tạo và đời sống.
Thơ: Chưa thể hiện được trách nhiệm của văn nghệ sĩ với đất nước
Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba được khai mạc với chủ đề “Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”. Trước thềm hội nghị, tối 12-11 đã diễn ra buổi giao lưu mang đến không khí tươi vui, hứng khởi cho các đại biểu. Ngoài các cây bút trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội cũng mời nhiều văn nghệ sĩ lão thành có cống hiến đáng kể cho nền văn học tham dự nhằm tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các thế hệ người viết, từ đó nhận diện một cách cơ bản, khách quan về văn học trẻ Thủ đô và đề xuất định hướng bồi dưỡng nguồn lực này.
|
|
Quang cảnh Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba. Ảnh: THÀNH NAM |
Trong lời phát biểu đề dẫn khai mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Công tác Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội khái quát tình hình văn học trẻ những năm gần đây. Sau Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ nhất, đã có đến 22 năm gián đoạn mới đến lần thứ hai và lần thứ ba được tổ chức kịp thời sau 4 năm, thể hiện nỗ lực của Hội Nhà văn Hà Nội với tinh thần quan tâm, khuyến khích hoạt động văn học trẻ. Theo báo cáo, những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có một lực lượng người viết trẻ kịp trưởng thành sau các kỳ hội nghị viết văn. Đội ngũ thuyết phục được độc giả qua tác phẩm ngày thêm chắt lọc, chững chạc, có tinh thần dấn thân vào những mảng đề tài khó như biên giới, hải đảo; thể loại khó như trường ca, tiểu thuyết. Trong số đó có thể kể tên: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Tâm, Lữ Mai, Lý Hữu Lương, Vinh Huỳnh, Nguyễn Văn Học, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện, Đặng Thiên Sơn, Ngô Gia Thiên An, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh... Cùng với đó, một số câu lạc bộ dành cho người viết trẻ như Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội được thành lập góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tác.
Bên cạnh thuận lợi, theo Hội Nhà văn Hà Nội, các cây bút trẻ đang gặp không ít khó khăn, như: Thiếu diễn đàn để phát huy tính tương tác, học hỏi; chưa có môi trường đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; chưa có định hướng giải quyết mối quan hệ giữa văn chương phong trào với văn chương tinh hoa; bị ảnh hưởng những mặt trái từ thế giới ảo… Nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh: “Cái mới sáng tạo đang sốt ruột chờ những cây bút trẻ tài năng, dấn thân, bền bỉ và tâm huyết”.
Có 7 tham luận, hơn 10 ý kiến được trình bày tại hội nghị, tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: Nhận diện văn học trẻ Thủ đô những năm gần đây; vai trò của người viết trẻ trong việc phát huy các giá trị văn học; trách nhiệm người cầm bút với sự phát triển của Thủ đô và đất nước; những thuận lợi, khó khăn mang tính đặc thù đối với từng lĩnh vực văn chương: Văn xuôi, thơ, phê bình, dịch… và cuối cùng là trách nhiệm của Hội Nhà văn Hà Nội nói riêng, Hội Nhà văn Việt Nam nói chung trong việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng viết trẻ.
Qua tham luận về lĩnh vực thơ, nhà thơ Đặng Thiên Sơn nhận định, chỉ cần thông qua số lượng tác phẩm xuất bản hằng năm và qua chính hội nghị này, có thể khẳng định riêng lĩnh vực thơ, số lượng tác giả và tác phẩm đông đảo hơn các lĩnh vực khác. Nhiều tác giả bước đầu đã khẳng định được tài năng, phong cách, được độc giả yêu mến. Tuy nhiên, đại đa số tập thơ hiện nay ra đời chỉ với mục đích phục vụ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, chưa bao hàm được giá trị văn hóa tư tưởng, chưa thể hiện trách nhiệm của văn nghệ sĩ với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, chủ yếu các tác phẩm đều do người viết tự bỏ kinh phí in ấn. Người sáng tác thơ ca nói riêng và văn chương nói chung chưa sống được bằng nghề và đó cũng là lý do nhiều người nản chí, bỏ dở con đường sáng tạo.
Trao đổi về câu chuyện này, nhà văn Đào Trung Hiếu-một cây bút chuyên viết đề tài hình sự cho rằng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cần nghiên cứu để kết hợp giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác nhằm kích thích nhu cầu tìm hiểu, tiếp nhận của công chúng. Ví dụ, bản thân anh đã thử nghiệm kết hợp văn học với điện ảnh và khá thành công. Minh chứng là sau khi một số bộ phim truyền hình gây tiếng vang, khán giả mới tìm đọc tác phẩm văn học được chuyển thể. Đồng tình với quan điểm trên, tác giả trẻ Vũ Đức Anh khẳng định, người sáng tác có thể sống tốt bằng nghề nếu có cách nhận diện, ứng dụng linh hoạt khả năng của bản thân vào cuộc sống. Ngoài điện ảnh, văn chương có thể kết hợp với: Báo chí, truyền hình, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu… Tiếp nối phần thảo luận, tác giả Phạm Thu Hà đề cập đến những xu hướng, thể loại đang được giới trẻ quan tâm như: Tiểu thuyết giả tưởng, văn học dịch, truyện tranh… Vài năm trở lại đây, một số cây bút bước đầu được công nhận về thành quả qua những cuộc thi văn học trong và ngoài nước, có thu nhập đáng kể khi tiếp cận thể loại này.
Theo giới chuyên môn, so với thế hệ văn nghệ sĩ đi trước, lớp trẻ hiện nay có nhiều cơ hội hơn, kể cả việc công bố tác phẩm cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Một số nhà văn dẫn chứng, dù khó khăn, song thế hệ trước có những cây bút vừa làm văn chương, vừa hoạt động sôi nổi ở các lĩnh vực khác và đạt được thành tựu về nhiều mặt. Do vậy, ở giai đoạn nào, việc nắm bắt cơ hội hay tự tạo ra cơ hội cho mình cũng là yêu cầu cấp thiết, nhất là đối với thế hệ trẻ.
“Đường dài mới biết ngựa hay”
Trong khuôn khổ hội nghị, các cây bút trẻ thể hiện sự thẳng thắn trong nhận định, đánh giá về năng lực cũng như hạn chế của thế hệ mình và đề xuất phương hướng khắc phục. Bên cạnh đó, cũng có những tham luận như của tác giả Nhật Phi thể hiện mối băn khoăn, trăn trở về sự cô đơn trên con đường sáng tạo. Theo tác giả này, những người viết văn như một đối tượng “yếu thế”, chưa nhận được sự hỗ trợ tương xứng với năng lực dẫn tới việc họ cô đơn, khó nắm bắt cơ hội. Trao đổi về vấn đề trên, thế hệ văn nghệ sĩ lão thành như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Hoàng Quốc Hải… nhận định, ở thời đại nào, văn học trẻ cũng đồng nghĩa với sự dấn thân, sáng tạo và bản chất của sáng tạo chính là sự cô đơn. Dù vậy, một tác phẩm văn chương lớn luôn cần hội tụ được yếu tố tư tưởng, thẩm mỹ, nhân văn, phản ánh thời cuộc. Bên cạnh nỗ lực đổi mới, khuyến khích cá tính thì người viết trẻ cần tự mình trang bị cho bản thân một nền tảng tri thức vững vàng, tinh thần tự rèn giũa học hỏi mới có thể đi được đường dài với văn chương. Tất cả các vấn đề hiện nay người viết trẻ cho đó là lý do khiến bản thân gặp khó khăn hay cô đơn, như: Không sống được bằng nghề, chưa nhận được sự hỗ trợ… thì thế hệ trước cũng phải đối diện, giải quyết theo những cách thức riêng. Và, cuối cùng, những tài năng văn chương luôn được công nhận thông qua tác phẩm với sự công bằng, khách quan nhất định.
Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học trẻ Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, có thể điểm danh mỗi lĩnh vực là hàng loạt cây bút triển vọng, có đóng góp. Song, để kể ra tác phẩm xuất sắc, mang tầm thời đại, có sức ảnh hưởng và lan tỏa đến toàn xã hội thì lại thiếu vắng. Chủ yếu, các sáng tác vẫn luẩn quẩn, trùng lặp đề tài, thể hiện cá tính và góc nhìn cá nhân hạn hẹp. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác như: Phê bình, dịch thuật… đang bị bỏ ngỏ. Đội ngũ người viết và tác phẩm phát hành còn ít ỏi. Mỗi năm, ở các đơn vị chuyên môn vẫn tổ chức đều đặn các cuộc thi, trại viết, hội thảo, tọa đàm… nhưng điểm danh số lượng người viết trẻ được mời tham gia, có đóng góp cho hoạt động này thì thực sự khiêm tốn. Về khâu tổ chức, các đơn vị chuyên ngành còn hoạt động theo phương thức cũ kỹ, lười đổi mới, chú trọng yếu tố thiết thực nên chưa thu hút, thuyết phục được người viết tham gia có hiệu quả.
Chia sẻ ý kiến về văn học trẻ Thủ đô và đất nước, các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình: Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyên An, Tôn Phương Lan… cùng cho rằng, bằng tài năng và tâm huyết, người viết trẻ phải tự giành lấy cho mình một vị trí của thời đại. Điều đó càng cấp thiết hơn bởi hiện tại, cả thế giới đang bùng nổ công nghệ số, tất cả các lĩnh vực đều đầy ắp thông tin đa chiều, những vấn đề cần sự nhạy bén, nhạy cảm của văn nghệ sĩ để góp phần chia sẻ, đồng cảm và định hướng với công chúng. Nhà thơ Vũ Quần Phương nêu giải pháp: “Tính thiết thực của văn chương là cần thiết”. Minh chứng là các cuốn sách bán chạy trên thế giới thường do tính thiết thực cao, chứa đựng những triết lý, bài học trở ngược lại phục vụ hữu ích trong đời sống tinh thần, trí tuệ của con người. Tại hội nghị, quan niệm có nên coi văn chương như một “cuộc chơi” cũng được bàn luận sôi nổi với hai luồng ý kiến trái ngược: Có và không. Chủ đề này tiếp tục được thảo luận bên lề hội nghị. Các nhà văn lão thành cho biết, “cuộc chơi” chỉ là một cách nói, còn bản chất phụ thuộc vào mỗi cá nhân sáng tạo. Coi văn chương là “thánh đường” cũng được mà “cuộc chơi” cũng chẳng sao, nhưng chắc chắn chỉ giá trị đích thực mới tồn tại.
Nhìn chung, sau 4 năm kể từ Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai, lần này, sự kiện đã góp phần nhận diện tương đối khách quan, đầy đủ về tình hình phát triển của văn học trẻ Thủ đô. Tại đây, nhiều tác giả trẻ có thêm cơ hội giao lưu, mở mang, tiếp nhận những giá trị cần cho sáng tạo. Trong tương lai, ngoài sự nỗ lực từ cá nhân người viết, những cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội hay những ngôi trường đào tạo ngành viết văn chắc chắn cần thêm nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hơn nữa để phát hiện, định hướng và động viên kịp thời lực lượng những người viết trẻ, giúp họ tự tin, sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội khẳng định vị trí bản thân và tác phẩm trong nền văn học đương đại của Thủ đô và đất nước.
LỮ MAI