Thuở xưa, Hóc Môn là một trong những vùng đất lâu đời thuộc phủ Gia Định, nơi cư dân người Việt đặt chân đến từ rất sớm trong hành trình mở cõi về phương Nam của ông cha ta. Cùng với việc đạc điền và lập địa bạ, sự hình thành bộ máy hành chính và chính sách khuyến khích khẩn hoang của các chúa Nguyễn đã thúc đẩy quá trình lập ấp, dựng làng. Từ 6 thôn ban đầu, vùng đất trù phú này phát triển thành 18 thôn, thổ nhưỡng rất hợp với giống trầu và cây cau. Những giàn trầu xanh mượt liền kề với vườn cau óng nuột trong nắng mai làm nên một vẻ đẹp như miền cổ tích của làng quê Việt Nam. Vì vậy, nơi đây có tên chữ là “Thập bát phù viên” (Mười tám thôn Vườn Trầu). Bấy giờ, quanh vùng còn là những dải rừng hoang tít tắp, xứ sở của nhiều cọp, beo cùng các loài thú dữ khác, nên tận hôm nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu “cọp dữ như cọp Vườn Trầu”. Cư dân tụ về ngày một đông, họ đã tưới đẫm mồ hôi và nước mắt, biến nơi này thành chốn sinh cơ lập nghiệp.

leftcenterrightdel
Nữ tự vệ Hóc Môn trong Hội thao quốc phòng lực lượng vũ trang của huyện

Sau khi thành Gia Định thất thủ, đây là căn cứ của “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định dấy binh đánh Tây. Chống xâm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối (“Văn bia đền Bến Dược”). Tiếp bước Nguyễn Ảnh Thủ, các lãnh binh Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá tập hợp được rất đông những người cùng chí hướng, đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn Vườn Trầu (tháng 2-1885). Tuy thất bại, song tấm gương hy sinh oanh liệt của các lãnh tụ nghĩa quân đã khơi dậy tinh thần yêu nước, bất khuất của người dân, hiên ngang chống quân xâm lược. Tên tuổi và sự nghiệp bi tráng của các ông gắn liền với vùng đất oai linh, họ được nhân dân ngợi ca và thành kính phụng thờ. Vì lo sợ, chính quyền thực dân bèn đổi tên vùng đất này thành quận Hóc Môn cho “lành”! Tương truyền, địa danh này bắt nguồn từ tên gọi một vùng đất hóc hiểm có nhiều cây môn nước mọc um tùm.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, vùng đất Hóc Môn-Bà Điểm được chọn làm nơi đứng chân và hoạt động của Trung ương Đảng (1936-1939). Bấy giờ, quận Hóc Môn bao gồm cả phần đất của huyện Củ Chi và quận 12 ngày nay. Nhiều người con ưu tú của Đảng, của dân tộc đã về đây gây dựng phong trào, hoạt động cách mạng. Đầu tháng 11-1939, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại làng Tân Thới Nhứt, Hóc Môn, để bàn việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược.

Ngày 23-9-1940, Xứ ủy họp tại ấp Xuân Thới Đông, làng Tân Thới Trung (Hóc Môn) vạch đường hướng cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Vì chưa nhận được lệnh hoãn của Trung ương nên Ban Thường vụ Xứ ủy vẫn quyết định khởi nghĩa nổ ra lúc nửa đêm 22-11-1940. Tuy nhiên, do có nội phản nên kế hoạch bại lộ trước giờ G, hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị sa vào tay giặc. Mặc dù không liên lạc được với Xứ ủy song Tỉnh ủy Gia Định vẫn tiến hành khởi nghĩa theo đúng kế hoạch. Tại quận Hóc Môn, lực lượng khởi nghĩa chia làm nhiều mũi bao vây dinh quận trưởng, hạ bót, diệt bọn tề làng, phá cầu cống… Tiếng phèng la, trống, mõ nổi lên khắp vùng tạo nên một khí thế cách mạng hừng hực, khiến kẻ thù hoảng sợ. Thực dân Pháp đàn áp dã man, dìm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trong biển máu. Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến… cùng hàng trăm chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước đã bị xử bắn. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã nhuộm thắm vùng đất Hóc Môn-Bà Điểm, làm nên hào khí Mười tám thôn Vườn Trầu lẫm liệt! Những địa danh như Bà Điểm, Ngã ba Giồng, Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhì… gắn liền với truyền thống đấu tranh bất khuất, quật cường của Sài Gòn-Gia Định nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (Lời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn), người dân Hóc Môn anh dũng đứng lên cầm vũ khí chống quân xâm lược. Vùng “địa linh nhân kiệt” này đã sản sinh ra Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa, phát triển thành Chi đội 12 rồi Trung đoàn 312 lừng danh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nói đến Hóc Môn, không thể không nhắc đến hai Anh hùng LLVT nhân dân, hai người con ưu tú không chỉ của vùng đất này mà còn tiêu biểu cho cả “miền Đông gian lao mà anh dũng”, đó là Thiếu tướng Tô Ký và Đại tá Hồ Thị Bi.

Thời trẻ, Thiếu tướng Tô Ký từng được mệnh danh là “Hùm xám” Mười tám thôn Vườn Trầu. Là người chỉ huy đầu tiên của Chi đội 12, ông được trao giữ nhiều trọng trách của LLVT cách mạng, như: Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Chính ủy Quân khu Hữu Ngạn… Đại tá Hồ Thị Bi là một trong những nữ chỉ huy quân sự đầu tiên của Quân đội ta. Với thành tích chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm, khi ra Bắc, bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng biệt danh “Nữ kiệt miền Đông”. Đầu năm 1946, trong số 10 nữ đại biểu trúng cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, toàn xứ Nam Bộ có 3 người thì Hóc Môn có bà Trịnh Thị Miếng.

Bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, vượt qua thời kỳ đen tối, quân dân Hóc Môn kiên trì bám trụ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu và lập được nhiều chiến công, góp phần tô đậm trang sử vẻ vang của Mười tám thôn Vườn Trầu. Một địa phương có tới hơn 70 địa chỉ đỏ, với 328 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.000 liệt sĩ như huyện Hóc Môn đủ minh chứng cho sự cống hiến và hy sinh vô bờ bến của đồng bào, đồng chí và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT nhân dân.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên địa bàn huyện có gần 2,5 vạn binh lính, cảnh sát, viên chức chính quyền cũ và thành viên các đảng phái phản động tan rã tại chỗ. Với một địa phương nghèo như Hóc Môn thì đây là thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền cách mạng. Trong năm hòa bình đầu tiên, những người lính đã tháo gỡ hàng ngàn trái mìn, giải phóng hơn 300ha đất canh tác, giúp dân khai hoang phục hóa, khôi phục sản xuất. Tiểu đoàn bộ binh huyện vừa tham gia truy quét tàn quân địch, thu gom vũ khí đạn dược còn sót lại, vừa làm công tác dân vận, khơi thông dòng chảy kênh Cầu Bông, đào kênh thoát nước Trần Quang Cơ… Với truyền thống cách mạng kiên trung, người dân Hóc Môn luôn sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, tạo dựng cuộc sống ấm no. Tháng 12-1994, nhân dân và LLVT huyện Hóc Môn được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Trên vùng đất bom cày đạn xới năm xưa, hôm nay cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Là một huyện ngoại thành, phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình, Hóc Môn trở thành một vành đai xanh cung cấp thực phẩm vững bền cho TP Hồ Chí Minh. Các khu đô thị mới như Sophia Garden, Xuân Thới Sơn… làm nên một diện mạo mới cho vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu.

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC