Trung úy Thàng đứng thẳng lưng, anh hướng mắt nhìn xa hút về xóm. Qua ánh sáng nhờ nhờ được phản chiếu của ánh đèn pin hắt lên từ mặt nước mênh mông, anh lờ mờ thấy thấp thoáng những mái nhà trôi nổi nhấp nhô trên mặt nước.

- Nước sông Kiến Giang lên nhanh quá. Chậm một chút là không kịp cứu người.

- Vâng-Binh nhất Sơn, chiến sĩ mới được điều về đơn vị hai hôm trước, nói giọng run run vì lạnh-Chưa bao giờ em thấy cảnh nước lũ dâng nhanh đến như vậy.

- Các cậu có đói không?-Trung úy Thàng hỏi.

- Dạ. Dạ, cũng thấy đói ạ.

leftcenterrightdel

Minh họa: MẠNH TIẾN

Lần này là câu trả lời của Thượng sĩ Tấn, người mới được Trung úy Thàng đặt cho biệt danh “Thượng sĩ lái xuồng máy” bởi cậu vốn là nhân viên quân khí, mới được tập huấn lái xuồng nhưng từ sáng tới giờ đã thể hiện là tay lái lụa. Tấn đã lái chiếc xuồng luồn lách qua các ngõ xóm, qua các lùm cây để tới từng ngôi nhà. Người tuy hơi gầy nhưng được cái Tấn cũng dai sức. Cậu vừa nghiêng người cho chiếc xuồng lượn tới sát cổng một ngôi nhà nào đó là cất giọng sang sảng: “Còn ai ở đó không? Mau mau lên thuyền đi sơ tán”.

- Mình cũng đoán vậy. Tấn, cậu là người đói nhất phải không? Từ sáng toàn thấy cậu lái xuồng, gọi người và uống nước thôi chứ có kịp ăn gì đâu.

- Đúng đấy anh Thàng ạ-Binh nhất Sơn chen lời-Em thấy anh Tấn là người đói nhất đấy.

- Cậu ăn phong lương khô này đi-Trung úy Thàng chìa về phía Tấn phong lương khô cuối cùng-Cậu đói nhất nên ưu tiên, mình với Sơn uống nước là đủ rồi.

- Thôi, em vẫn chịu được. Thằng Sơn bé nhất, nhường cho nó là hợp lý nhất-Tấn từ chối.

- Em cũng chưa thấy đói.

Thực ra, khẩu phần lương khô, nước uống của 3 người được cấp phát tăng cường đi chống lũ cũng kha khá. Cậu Thắng quân lương lúc cấp phát còn động viên Thàng: “Cố gắng ăn mà lấy sức cứu dân nhé!”. Thế nhưng mải mê nhiệm vụ, nào ai để ý đến chuyện ăn uống. Đã thế, thấy bà con được cứu ai cũng đói khát, mệt lả nên khi xuồng đã cạn mì gói, Thàng lấy tiếp khẩu phần của tổ chia cho mọi người...

Đùn đẩy mãi cuối cùng phong lương khô lại được Trung úy Thàng cất vào chiếc túi ni lông, anh còn cẩn thận bỏ vào đó mấy chai nước suối.

- Thôi được. Cất đấy thể nào cũng có lúc dùng đến. Giờ ta làm một vòng sục sạo lần cuối trong xóm xem còn sót ai không.

Chỉ nghe đến thế “Thượng sĩ lái xuồng máy” đã giật dây khởi động máy. Tiếng máy giòn tan phả vào bóng tối đang bao trùm những thanh âm rộn rã. Không gian chợt ấm lên, mặt nước xao động, chiếc xuồng lao đi.

- Chạy chậm thôi Tấn. Chạy nhanh dễ làm sập mái nhà của bà con. Vả lại chạy chậm để còn nghe ngóng chứ-Trung úy Thàng nhắc.

Tấn điều khiển chiếc xuồng chạy chậm lại. Một lát sau, giọng cậu lại cất lên sang sảng: “Có ai ở đó không?”.

*

*        *

- Này Tấn, máy còn gọi được không, tớ gọi về tiểu đoàn báo cáo...

- Hết pin rồi anh ạ!

Thàng loay hoay tháo ra lắp vào, thổi phù phù chiếc điện thoại “cục gạch” mà trước lúc đi anh đã cẩn thận sạc pin đầy ặc, cuộn mấy lần túi ni lông, đút túi ngực. Vậy mà sau cả ngày nhảy xuống leo lên xuồng cứu dân, nó đã kịp no nước từ lúc nào...

- Mấy giờ rồi anh Thàng?

Thàng bấm đèn pin xem giờ:

- Gần sang ngày mới rồi! Thôi, các cậu nghỉ một chút đi!

- Nhà em không hiểu mọi người có kịp đi sơ tán không?-Sơn nói nhẹ như cơn gió thoảng nén một tiếng thở dài.

- Cậu ở...

- Nhà em bên Mỹ Thủy. Cách đây không xa lắm...

Cả ba cùng im lặng. Hồi tối, sau khi cho xuồng chạy chầm chậm dọc con đường trong xóm đã bị biến thành sông được chừng chục phút thì tiếng máy bỗng kêu khùng khục. Tấn giật dây khởi động thế nào cũng không được. Sau một hồi loay hoay tháo tháo, lắp lắp dưới ánh đèn pin của Thàng, Tấn ngao ngán quay lại nói, giọng buồn như trấu cắn: “Hỏng máy rồi. Nước này anh em mình phải “sống chung với lũ” ở đây thôi”.

Nghe Tấn nói vậy, Trung úy Thàng thấy bất an. Ở lại cũng không sao, đợi sáng ra rồi tính tiếp nhưng đơn vị sẽ lo lắng. Mọi người đang bận lại thêm rối bận. Neo xuồng vào một cành cây cho khỏi bị trôi dạt, Trung úy Thàng “lệnh” cho Tấn và Sơn chui vào mũi thuyền để nghỉ, chỗ ấy có mái che. Anh còn bảo: “Mình gác trước. Hai cậu tranh thủ nghỉ, ngủ đi là tốt nhất. Khi nào mình gọi ai thì người ấy ra gác”.

Đêm bịt bùng. Bóng đêm bao trùm làm không gian càng thêm ảm đạm. Trung úy Thàng quấn vạt áo mưa cho chặt với thân người, anh co ro ngồi cuối xuồng, thi thoảng bấm đèn pin theo tín hiệu báo nguy hiểm đã thống nhất trước khi lên đường đi cứu trợ. Cơn đói ùa đến. Đã mấy lần anh nhìn vào chiếc túi ni lông treo bên cần lái nhưng rồi anh lại nuốt nước bọt ghìm cơn đói đang hành hạ. Tiếng mưa vẫn kêu dàn dạt, kiểu này chắc mưa còn dài.

- Anh Thàng ơi-chợt Binh nhất Sơn hỏi vọng ra-Mình có bị bỏ quên không? Nước mênh mông như thế này, ai mà nhìn thấy mình được?

- Bỏ rơi là thế nào. Chắc chắn đơn vị không thấy mình về sẽ đi tìm!

- Nhưng em...

- Mình cũng đã có lần có cảm giác giống như Sơn.

- Rồi sau đó là?

- Chỉ là mình có cảm giác thôi chứ thực tế không như vậy.

- Thực tế là thế nào anh Thàng?

- Rồi cậu sẽ thấm thía về tình đồng đội, tình quân dân, đặc biệt là trong chiến đấu cũng như thiên tai, hoạn nạn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ không có ai bị bỏ quên!

Hình như câu nói của Trung úy Thàng có tác dụng. Binh nhất Sơn chui từ khoang mũi xuồng ra.

- Để em gác cho!

- Chú ý nhé! Những khi mưa ngớt gió ngừng như thế này là dấu hiệu cho thấy đất trời chuyển giao, đề phòng các tình huống bất trắc...

- Sao anh biết?

- Kinh nghiệm thôi mà.

- Anh Thàng ơi-tiếng Tấn gọi đủ nghe-Anh có nghe thấy gì không?

- Nghe thấy gì?

- Hình như có tiếng ai đang gọi thì phải.

Trung úy Thàng nghiêng đầu bên trái rồi bên phải. Không gian chỉ dàn dạt tiếng nước mưa cùng tiếng sóng đánh vào lùm cây kêu oàm oạp.

- Rõ ràng em vừa nghe thấy có tiếng người gọi. Tiếng gọi nghe thảng thốt và chới với lắm.

Ở đơn vị mọi người đều bảo cậu Tấn này có đôi tai thính vào loại bậc nhất. Đôi tai của cậu ấy có thể nghe được cả tiếng cá quẫy dưới nước sâu. Nghe tiếng cá quẫy là Tấn nói như đinh đóng cột: “Đó là một con cá chép cái đang tìm chỗ đẻ trứng”.

- Này Tấn, cậu nói là nghe thấy có tiếng người gọi ư?

- Vâng. Giờ thì hết rồi nhưng rõ ràng đã mấy lần em nghe thấy có tiếng người gọi. Hay là mình cho xuồng đi dọc về cuối xóm xem sao.

Trung úy Thàng gật đầu, anh ra hiệu cho Binh nhất Sơn tháo sợi dây đang níu con xuồng với cành cây. “Sơn xuống đây ngồi giữ cần điều khiển để mình với Tấn tìm cách chèo xuồng đi. Nhớ giữ lái, đừng để trôi ra ruộng đấy”.

Nói rồi, Trung úy Thàng cùng Thượng sĩ Tấn mỗi người một bên, dùng cành cây vừa bẻ để làm mái chèo. Chiếc xuồng lừng khừng mấy nhịp rồi chậm rãi xuôi về cuối xóm.

- Còn ai ở đó không?-Thượng sĩ Tấn vừa thở vừa gồng mình lên gọi. Cậu hướng về bên trái rồi hướng về bên phải để gọi.

- Chắc bà con đã kịp sơ tán hết rồi.

- Nhưng em có linh cảm là vẫn còn ai đó.

- Linh cảm?

- Vâng-Thượng sĩ Tấn nói dứt khoát-Bằng chứng là tự nhiên xuồng của chúng ta hỏng máy và phải ở lại.

- Chả liên quan nhưng mà mình thấy cũng có lý.

- Anh cũng nghĩ thế?

- Ừ. Mà mình sắp đi hết xóm rồi.

Bất chợt, Thượng sĩ Tấn nói sau khi cậu vừa cất lên tiếng gọi “Còn ai ở đó không” của mình.

- Đúng rồi. Em nghe thấy có tiếng người đâu đó.

*

*         *

Chiếc xuồng lầm lũi nhích từng chút một. Kia rồi, hình như phía xa xa kia còn một mái nhà! Thàng bất giác reo lên khe khẽ. Tấn, Sơn cũng đồng thanh: Đúng rồi!

Ngôi nhà này tách biệt hẳn với xóm một đoạn chừng mấy trăm mét, khuất sau những rặng tre dày nên có thể mọi người chưa phát hiện ra. Trung úy Thàng mang máng nhớ là hôm qua các anh cho xuồng chạy tới đoạn này thì gặp một xoáy nước. Vòng xoáy nước đã làm con xuồng chao đảo một hồi mới thoát được... Mưa mù mịt nước, rặng tre dày đã làm tầm nhìn của anh bị che khuất.

- Còn ai ở đó không? Có ai trong nhà không?

Thượng sĩ Tấn lại gọi to. Không có tiếng đáp lại nhưng hình như từ phía dưới mái nhà đang lấp ló trong nước có những âm thanh là lạ. Đôi tai thính của Tấn đã cảm nhận được âm thanh đó. Chiếc xuồng gấp gáp bơi nhanh.

Trung úy Thàng và Thượng sĩ Tấn trèo nhanh lên mái nhà. Binh nhất Sơn cố ghìm chiếc xuồng cho nó khỏi trôi dạt. Cậu mở to mắt, dáng vẻ cũng đầy sốt sắng.

Một tấm tôn mái nhà được gỡ, nó làm lộ một khoảng trống có thể gọi nhìn được vào bên trong. Thượng sĩ Tấn cúi xuống gọi: “Có ai trong nhà không?”. Tức thì từ bên trong bật lên tiếng khóc nức nở. Tiếng khóc tui tủi chen lẫn mừng vui.

- Để mình xuống tìm xem. Tấn ở đây có gì thì kéo lên nhé.

Trung úy Thàng chui vào bên trong. Giây lát sau nhô lên một cái đầu phụ nữ. Thượng sĩ Tấn vội đưa cả hai tay ra đỡ. Một người phụ nữ đang bế trên tay một đứa trẻ, họ được đưa lên. Người phụ nữ bỗng nhiên bật khóc, tiếng khóc nghe òa vỡ.

- Em biết thế nào các anh bộ đội cũng tìm thấy mẹ con em-Người phụ nữ nói trong nước mắt-Em biết thể nào các anh cũng tới.

Dẫn hai mẹ con người phụ nữ vào mũi xuồng chỗ có mái che, Trung úy Thàng đưa cho người phụ nữ phong lương khô cùng chai nước mà khi nãy anh “cất đấy thể nào cũng có lúc phải dùng tới”. Rồi an ủi:

- Hai mẹ con ổn rồi. Chị với cháu ăn tạm phong lương khô này cho lại sức.

- Có tiếng máy nổ-Thượng sĩ Tấn reo lên. Lần nữa đôi tai thính của cậu đã mách bảo-Tiếng máy. Đúng rồi tiếng xuồng máy!

Từ rất xa, tiếng máy nổ rõ dần rồi loáng nhoáng ánh đèn pin. Trung úy Thàng giơ đèn pin huơ huơ về phía trước rồi chụm tay làm loa, gọi to:

- Chúng tôi đang ở đây! Chúng tôi đang ở đây!

Truyện ngắn của TỪ ĐỖ