QĐND - Hơn 60 năm cầm bút, Hồ Phương là một trong số ít nhà văn của QĐND Việt Nam được phong quân hàm Thiếu tướng. Tác giả của “Thư nhà”, “Cỏ non”, “Biển gọi”… năm 2000 được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Tháng 5-2012, ông lại vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tiểu thuyết: “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ”.

Tại căn nhà số 102 khu tập thể Nam Đồng -Hà Nội một buổi sáng sau cơn mưa, ông đã dốc bầu tâm sự bằng câu chuyện của một người lính cầm bút, đặc biệt có một “món nợ” ân tình mà nhà văn vẫn còn đau đáu mỗi lần đối diện với những trang bản thảo còn dang dở…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn Hồ Phương.

Mười bảy tuổi, khi còn là học sinh trường Bưởi, Hồ Phương (tên thật là Nguyễn Thế Xương) đã xung phong vào Tự vệ Thành rồi sau đó gia nhập Trung đoàn Thủ đô tham gia 60 ngày đêm quyết tử. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn. Từ anh lính trẻ măng sau nhiều chiến công, Hồ Phương được đề bạt lên đến chính trị viên đại đội.

Giờ đây Hồ Phương đã ngoài tám mươi tuổi, nhưng cách đây chừng một năm, những người làm văn chương ở Thủ đô vẫn thường bắt gặp hình ảnh nhà văn đi xe máy đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều cơ quan văn chương, báo chí… Người già, người trẻ ai ai cũng trầm trồ thán phục trước tác phong nhanh nhẹn cùng sự thông tuệ của Hồ Phương bộc lộ trong cách đi đứng, chuyện trò. ông bảo: “Có lẽ chính đời sống quân ngũ, môi trường văn chương quân đội ngót nghét sáu mươi năm đã giúp tôi níu giữ được sự minh mẫn trước tuổi già. Nhưng chẳng ai đi ngược quy luật thời gian được, càng ngày tôi càng thấy tuổi già ập đến nhanh hơn, nhất là khi nhà tôi qua đời từ cuối năm ngoái. Bây giờ ăn miếng cơm không biết ngon, con cái không còn tin tưởng để tôi đi xe máy ra đường, đi đâu thì chúng nó chở hoặc đi xe ôm, tắc-xi… nhưng may sao vẫn còn đủ sức cầm bút!”.

Đôi mắt nhà văn trũng sâu, rơm rớm khi nhắc đến người vợ thủy chung bao năm kháng chiến đằng đẵng đã thay chồng nuôi dạy bốn đứa con nên người. Chinh chiến rồi cầm bút bấy nhiêu năm, hầu như mỗi tác phẩm của nhà văn Hồ Phương đều thấp thoáng hình ảnh của gia đình. ông kể lại, mối tình của ông và vợ cũng bắt đầu từ khi truyện ngắn “Thư nhà” được đăng trên Báo Văn nghệ năm 1948, ấy là khi từ Điện Biên về giải phóng Hà Nội vào tháng 10-1954. Tình cờ Hồ Phương gặp lại người thiếu nữ cùng khu phố mà từ thuở nhỏ đến khi nhập ngũ vẫn chưa có dịp trò chuyện. Ngày trở lại Thủ đô, người con gái vừa gần gũi vừa xa lạ ấy bỗng xuất hiện đường đột trước mặt ông với câu hỏi xã giao: “Dạ thưa, ông có phải là nhà văn Hồ Phương?”. Chính ông cũng phải bật cười vì cách xưng hô ấy, bởi lúc đó nhà văn vừa qua tuổi đôi mươi, ông đáp lại: “Vâng, chính là tôi”. Nét mặt người thiếu nữ bỗng rạng ngời rồi chuyển ngay cách gọi: “ôi! Vậy anh đúng là tác giả của Thư nhà!”…

Sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, một mối tình trong sáng đã đơm hoa rồi kết trái. Nhà văn Hồ Phương nhớ lại: “Cuối năm 1955, tôi đang ở tiểu đoàn Phòng không trên Điện Biên Phủ thì nhận được lệnh triệu tập của Tổng cục Chính trị. Tôi lập tức về Hà Nội ngay, trong lòng không khỏi hồi hộp. Đó chính là quyết định điều tôi về hoạt động văn hóa văn nghệ tại Thủ đô. Những năm 1957-1958, về Nhà số 4 còn có nhà văn Vũ Cao, Thanh Tịnh… Chuyển về Văn nghệ Quân đội xong thì tôi làm đám cưới. Dẫu biết sau đám cưới ấy sẽ là một cuộc sống kham khổ như hàng triệu đồng bào ta thời chiến nhưng tôi vẫn quyết định tổ chức ở một nhà hàng hạng sang thời bấy giờ, tôi còn đòi phải nổ pháo, phải bày biện rượu vang. Đây là hai “yêu sách” hết sức khó khăn nhưng trước niềm hứng khởi của tôi mọi người phải chiều lòng. Rất may, sau đám cưới tôi không bị khiển trách gì và hạnh phúc hơn cả là người vợ ấy đã bên tôi cho đến giây phút trút hơi thở cuối cùng”.

Từ câu chuyện về người vợ, nhà văn Hồ Phương cũng bày tỏ nỗi day dứt về hình ảnh người phụ nữ hậu phương. Họ, những người vợ, người mẹ kiên trung suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc đã trở đi, trở lại trong tác phẩm của ông. Chẳng thế mà thời kháng chiến chống Pháp, truyện ngắn “Thư nhà” của Hồ Phương dã thành cẩm nang cho cán bộ địa phương khi giải quyết những tình huống trớ trêu liên quan đến những người phụ nữ hậu phương từng rơi vào tay giặc. Cách đem lòng bao dung ra để hóa giải bi kịch của tác giả “Thư nhà” nhanh chóng được lan truyền khắp các vùng từng bị địch càn quét và chiếm đóng.

Bao năm nay, Hồ Phương vẫn một nỗi đau đáu khi đặt bút viết về những người phụ nữ hậu phương, ông chia sẻ: “Không có nỗi thiệt thòi và mất mát nào lớn hơn sự hy sinh cao cả của những người vợ, người mẹ thời chiến. Chiến tranh đã gieo rắc quá nhiều đau thương. Càng đau thương thì hình ảnh người phụ nữ Việt Nam càng bất khuất, kiên cường. Thậm chí, ngay cả những người đàn bà không thể chờ chồng họ vẫn đáng được trân trọng, đáng được vị tha”.

Nhiều người nhận định rằng, Hồ Phương thuộc tuýp nhà văn “gừng càng già càng cay”, càng tuổi cao viết càng khỏe. Chỉ trong 5 năm (2000-2005) ông đã xuất bản ba tiểu thuyết dày dặn: “Yêu tinh”, “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ”. Hai trong số ba tác phẩm này cũng nhận được giải thưởng của ủy ban Toàn quốc các Hội liên hiệp VHNT Việt Nam và Bộ Công an… Sau nhiều tác phẩm nổi tiếng, Hồ Phương đang bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết về phố nhà binh Nam Đồng có tên là “Quân khu xà cừ”. Khu phố này trong thời chiến cũng như khi hòa bình lập lại, hễ nhắc đến tên thì dân Thủ đô lại ái ngại lắc đầu. Nó vốn bị coi là khu “đất dữ”; thời chiến là nơi ngó nghiêng của kẻ thù, thời bình là nơi tụ tập của dân giang hồ chợ búa. Nhà văn Hồ Phương hay nói đùa: Chỉ có người dữ chứ không có đất dữ. Oan cho đất. Mà đúng thật, bây giờ khu đất ấy đã thành khu “đất vàng” trong thời buổi kinh tế thị trường nhộn nhịp bán mua. Bao nhiêu năm, gia đình ông vẫn trụ lại trong căn nhà nhỏ được nâng cấp sửa chữa mỗi năm một chút tùy theo điều kiện. Con cái lập gia đình rồi tỏa đi khắp nơi, ông ở mãi căn nhà ấy mà không có ý định chuyển đi. Bạn bè ông hay trêu đùa: ông ấy không chuyển đi đâu, vì cái số nhà 102 là ký hiệu Trung đoàn Thủ đô của ông ấy”.

ông cho biết: “Khu phố xà cừ” sẽ là tác phẩm kết hợp được cả hiện thực và sự sáng tạo, hư cấu. Những nhân vật chính không ai khác là vợ ông và nhiều người vợ lính khác. Đó là hình ảnh ông ấp ủ từ thời viết “Thư nhà” đến giờ vẫn khôn nguôi ám ảnh. ông ngậm ngùi: “Cuộc sống hậu phương cũng khốc liệt, phức tạp không kém gì cuộc chiến. Vợ tôi, từ người thiếu nữ Hà thành áo dài duyên dáng đến trường, khi làm vợ xa chồng thời chiến đã phải cắt cả áo dài ra may áo cho con. Cả cuộc đời bà lam lũ để chồng được vững vàng cầm súng và cầm bút. Vợ tôi là dược sĩ và có thời gian phải xin vào những phòng thuốc độc hại để có thêm tiền trợ cấp về nuôi con. Ngày ấy, biết độc hại mà vẫn phải liều, để khi về già phải chịu từng cơn đau hành hạ, chịu mang hàng loạt bệnh tật. “Quân khu xà cừ” đang viết dở thì bà ấy mất, phải gác lại. Có lẽ, tôi cần thêm thời gian nữa mới có thể viết tiếp...

Bằng giọng kể trầm ấm đan xen nhiều xúc cảm, nhà văn Hồ Phương đã đưa chúng tôi đến gần hơn với khu tập thể nhà binh Nam Đồng, nơi có thời trẻ con đánh nhau cũng chia thành hai phe, một bên là con sĩ quan cấp tá, một bên là con cấp úy. Rồi những đứa trẻ lớn lên, có đứa ngoan ngoãn, đỗ đạt; có đứa chơi bời phá phách... Những người lính mang theo vết thương thể xác cùng nỗi ám ảnh chiến tranh nhìn lại đồng đội kẻ còn người mất. Vợ lính cũng ngày một già đi; có người chờ chồng; có người ôm con theo người đàn ông khác. Biết bao hạnh phúc và bi kịch ở khu phố này...

Có lẽ Hồ Phương là một trong số rất ít nhà văn thế hệ áo trấn thủ, mũ nan còn lại hiện nay. ông quả quyết: Mình còn vốn sống về chiến tranh thì còn tiếp tục viết, viết đến cùng, viết cho hết. Xã hội bây giờ nhiều điều đáng quan sát, đáng cầm bút, ấy là đất cho lớp trẻ!

Trong căn phòng đơn sơ chỉ toàn sách vở và những bức ảnh kỷ niệm gia đình, nhà văn Hồ Phương điềm đạm, sâu sắc trong từng cử chỉ, lời nói khiến chúng tôi bất chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Xuân Sách "họa" chân dung Hồ Phương: Cỏ non nay đã về già / Buồn tênh lại giở Thư nhà ra xem… Qua những lời tâm sự của ông, càng thấy sau bao tác phẩm được xuất bản, sau những giải thưởng cao quý, nỗi day dứt từ thuở “Thư nhà” đến nay vẫn còn đeo bám ông như một món nợ ân tình chưa trả hết...

Lữ Thị Mai