Ông Mười ngồi trên xe lăn, mái tóc bạc như cước phất phơ trong gió chiều, đôi chân teo tóp hở ra sau ống quần lửng. Ngược lại, chiếc áo ba lỗ bên trên lại khoe một vầng ngực tráng kiện, hai cánh tay bắp thịt còn rắn chắc. Chiếc xe lăn đi dọc theo từng hàng cây, chiếc bình xịt nhỏ trên tay ông Mười phun từng đám hơi nước trắng mờ, ướt đẫm như sương từng cành lá nhỏ. Chợt nhớ ra điều gì, ông quay vô nhà gọi:

- Năm ơi! Năm à!

Người phụ nữ trạc 50 tuổi, ốm tong teo, vẻ dân quê chạy ra.

- Dạ! Ông Mười kêu con?

- Chiều nay nấu thêm món giò heo ninh củ mỡ nghen. Có sư trưởng về ăn cơm nhà đó.

- Dạ! Để con làm liền. Ủa! Bữa nay thứ năm mà ông Mười?

- Ừa! Là tao kêu nó về có chút chuyện.

Chị Năm vốn là vợ một liệt sĩ chống Mỹ. Hai đứa con mần ruộng lu bu mà không đủ ăn. Ông Mười nhờ người kêu chị Năm tới, nhờ phụ việc nhà.

Minh họa: KHOA AN.

- Là tao nhờ bây chớ không phải gọi đi mần mướn nghen. Lương hưu tao xài hổng hết, chia một nửa cho con Năm, được hôn?

Chị Năm mừng húm chớ đâu dám từ chối. Ở nhà, mỗi ngày đi bào vỏ mì được 40-50 chục ngàn chớ mấy. Ông Mười có con trai làm tới chức Sư đoàn trưởng, cấp Đại tá, nhưng ông Mười không phiền. Bà Mười mất đã chục năm nay. Vợ sư trưởng-con dâu ông Mười cũng mắc bịnh ung thư mất gần bốn năm rồi. Thằng cháu đích tôn duy nhất năm nay tốt nghiệp sĩ quan lục quân. Vậy là một mình ông già liệt chân ở trong căn nhà hai tầng rộng rinh. Mà nếu có đủ tía con sư trưởng ở nhà, thì cũng chỉ có ba ông đực rựa đi ra đi vô, có biết làm gì. Chị Năm qua ở luôn bên nhà ông Mười, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn và phụ ông Mười chăm “tiểu đoàn” cây kiểng như ông thường nói vui. Ông Mười dạo này không kêu con trai là “thằng Hai” như hồi trước, mà kêu theo chức vụ. “Sư trưởng mới về hả? Năm nay cho bộ đội ăn Tết có xôm không sư trưởng? Có tính cưới vợ nữa không sư trưởng? Mới ngoài 50, ở vậy cực lắm nghen”. Đại để như vậy, ông gọi con trai là sư trưởng, vừa là để nhắc con đang gánh một trọng trách, vừa là muốn nhắc: “Anh đã có tuổi rồi, hổng còn là thanh niên nữa mà cứ “nghĩ chi nói dzậy với ông già này”.

19 giờ sư trưởng mới về tới nhà. Chiếc xe U-oát màu xanh rêu dừng lại một phút trước cổng rồi lao vút đi. Chị Năm lật đật mở cánh cổng sắt gỉ kêu ken két, cúi đầu chào:

- Cậu Hai mới về!

- Chị Năm cho ông ăn cơm chưa?

- Dạ chưa! Ông Mười nói chờ cậu về ăn luôn thể.

Chào cha xong, sư trưởng bước tới thau nước rửa tay, rồi ngồi luôn vô bàn ăn. Tự tay bới cơm cho cha, sư trưởng cầm đũa lên là hỏi ngay:

- Có chuyện chi gấp hông ba?

- Bộ sư trưởng không rảnh hả?

- Dạ! Đơn vị đang chuẩn bị diễn tập chống bạo động. Trời! Món giò heo ninh củ mỡ ngon quá. Ba chỉ chị Năm nấu hả?

Ông Mười gật đầu, chầm chậm nhai cơm. Cái thằng, lúc nào cũng làm như pháo nổ dưới đít vậy. Làm như mình nó mới là sư đoàn trưởng. Hòa bình ba mươi mấy năm rồi, mà hở ra là thấy nói chống bạo động, chống thù địch. Chuyện nhà mình mà không thấy nó nhắc tới.

- Thằng Thống Nhứt sắp ra trường rồi. Sư trưởng tính sao đây?

Sư trưởng bới chén cơm thứ ba, nhưng chưa vội ăn.

- Con cũng chưa biết sao nữa. Để cháu nó về rồi tính ba à.

Ông Mười chống tay đẩy chiếc xe lăn ra xa bàn ăn, gõ đũa lên miệng chén.

- Nó học sĩ quan, tốt nghiệp cái là bộ điều về các đơn vị liền. Lúc đó còn tính gì nữa.

Sư trưởng nhăn trán. Việc này mình chưa nghĩ tới. Tính khi nào thằng Thống Nhứt ra trường sẽ gởi nó về đơn vị nào đó gần thành phố. Ai dè ông nội lại lo trước.

- Nếu sư trưởng không lo được thì để tôi. Anh em quen biết trên quân khu còn mấy người. Tôi điện thoại gởi gắm thằng nhỏ về Cục Hậu cần được không?

Sư trưởng buông đũa, nhìn thẳng mắt cha.

- Đừng phiền anh em ba à. Vụ này để con!

- Là tôi nói vậy thôi. Chớ có tía nó là sư đoàn trưởng để làm gì. Cho nó về sư đoàn luôn đi.

Sư trưởng khẽ lắc đầu. Như vậy đâu có được. Anh em cùng trang lứa với nó còn vất vả nơi biên giới, hải đảo kìa. Mình kéo con về sư đoàn, còn mặt mũi nào trước cấp dưới.

- Con sẽ gởi cháu về Trung đoàn X ở biên giới. Cho nó rèn luyện một thời gian đã ba à.

- Không được! Trung đoàn X là trung đoàn chủ lực, trực chiến miết, thằng nhỏ chịu sao thấu. Để tôi nói mấy ông quân khu.

- Để con lo cho nó đi ba! Nó là con của con mà!

- Nhưng tôi là ông nội nó! Họ tộc nhà anh còn có nó thôi đó nghen. Giờ anh chịu cưới vợ, đẻ thêm mấy thằng nữa đi, rồi đưa thằng Thống Nhứt đi đâu thì đi.

Thấy cha to tiếng, mặt đỏ bừng vì giận dữ, sư trưởng vội ngồi im. Sức khỏe ba không tốt, lại bị biến chứng não, giờ để ông nóng lên là nguy hiểm. Sư trưởng xin phép ông Mười đi tắm, ngủ một giấc rồi sáng mai cha con tính tiếp. Ông Mười mím chặt môi, nắm chặt bánh xe. Chiếc xe lăn vút ra ngoài sân, lăn tiếp về phía những hàng cây kiểng đứng nghiêm trang như những người lính. Chị Năm vội chạy theo:

- Coi chừng té xe đó ông Mười. Tối hù còn tưới cây nữa sao ông?

Ông Mười dừng xe trước chậu kiểng có thế nghinh phong, lòng chợt dịu đi. Sương đêm chớm lạnh, lấp lánh từng giọt sáng trên từng chậu cây, như chia sẻ nỗi niềm với ông. Không phải ông Mười lo sợ điều gì xảy với thằng cháu đích tôn. Cả nhà ông, ba đời làm lính, luôn coi sứ mệnh vì Tổ quốc trên hết. Nhưng đời ông cực khổ qua hai cuộc kháng chiến, đời con trai ông cũng trải hết thanh xuân cho cuộc chiến đấu giải phóng, thống nhất đất nước. Giờ phải cho ông có quyền lựa chọn một chút chớ. Đâu phải là công thần, đòi hỏi chế độ đãi ngộ gì. Cháu ông còn trẻ, nó nối nghiệp cha ông là đáng trân trọng. Còn đày ải nó quá thì cũng tội nghiệp. Ông biết tính sư trưởng-con trai mình quá mà. Nó khí khái, trung thực, không muốn lợi dụng chức quyền, nên ép thu xếp cho thằng nhỏ một chỗ ngon lành kể như xúc phạm nó. Thôi việc này để ông lo. Ông cũng là Đại tá, từng là Phó tư lệnh quân đoàn chớ bộ. Bạn đồng ngũ thì không nói chi, vì hy sinh nằm lại chiến trường một phần, phần nghỉ hưu, phần đã mất, nhưng cấp dưới của ông giờ toàn tướng, tá cả rồi, hổng lẽ anh em từ chối giúp ông chuyện nhỏ xíu nầy.

Chị Năm đến sau lưng ông, tay đẩy chiếc xe quay vô nhà.

- Ông Mười đi ngủ thôi! Trời lạnh dễ bị cảm lắm.

Sư trưởng thức dậy lúc 5 giờ 15 phút. Đang chạy thể dục trước sân, anh thấy đèn phòng khách bật sáng. Vậy là ông già cũng thức giấc rồi. Tám mươi hai tuổi mà vẫn chưa quên chế độ trong ngày của quân đội. Khi sư trưởng bước vào phòng khách, đồng hồ chỉ đúng 6 giờ. Anh chào ông già, rồi ngồi xuống trước bình trà nóng hổi chị Năm vừa mang ra.

- Sư trưởng có quyết định chưa?

Nghe cha hỏi phủ đầu, sư trưởng ngập ngừng một lúc mới trả lời:

- Con tính cứ để nhà trường phân công thằng nhỏ về đơn vị mới theo kế hoạch, sau một thời gian sẽ xin ý kiến cấp trên điều nó về bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Vậy được không ba?

Ông Mười dứt khoát gạt tay.

- Không được! Thằng Thống Nhứt không cần ưu tiên. Tôi chỉ cần nói, ông nội và tía nó đã góp công sức cho quân đội nhiều rồi, nay cho nó được nhàn hạ một chút. Tôi đã điện thoại cho quân khu, anh em hứa sẽ nhận thằng nhỏ về Cục Hậu cần. Công việc còn lại là sư trưởng liên hệ với nhà trường, đồng thời gửi hồ sơ của nó về Phòng Cán bộ của Cục Chính trị quân khu. Việc này có quá khó với sư trưởng không?

- Dạ! Việc này để con nghiên cứu rồi báo ba sau.

Ông Mười lại nổi nóng, mặt đỏ bừng.

- Nghiên cứu gì mà nghiên cứu. Anh làm chỉ huy cần phải quyết đoán chớ. Lúc lâm trận mà nghiên cứu lâu quá, chết hết lính còn gì?!

Sư trưởng cố nén sự bực bội trong lòng. Ông già làm khó mình quá. Đúng lúc đó, có tiếng xe dừng bên ngoài, rồi cậu cần vụ chạy vào, đứng nghiêm.

- Báo cáo sư đoàn trưởng, đúng sáu giờ ba mươi rồi ạ!

Sư trưởng vội tiến tới, nắm lấy cánh tay nóng ran của ông Mười.

- Con đi nghen ba! Chiều nay con điện về báo cáo kết quả liền cho ba hay.

Buổi chiều dài lượt thượt. Tiếng chiếc đồng hồ trên tường tích tắc đếm từng giây, sốt ruột. Ông Mười ngồi im trên xe lăn như bức tượng, dễ đến hai, ba tiếng đồng hồ. Chiếc điện thoại kéo dài đặt ngay trước mặt. Chưa thấy sư trưởng điện về. Ông sẽ chờ một tiếng nữa, nếu không điện về, ông sẽ điện lên sư đoàn “kiếm chuyện”. Sư đoàn trưởng mà không giữ lời hứa, còn nói được ai. Chị Năm đang lúi húi quét đám lá rụng dọc sân, nghe tiếng bấm chuông thì bước ra.

- Khỏe không cô Năm? Nội đâu rồi?

Tiếng ai nghe như tiếng thằng nhỏ? Nó đang ở ngoài Bắc mà? Ông Mười mừng quá, bàn tay bắt vô bánh xe trượt đi mấy lần. Chiếc xe mới nhích ra ngoài hiên thì bóng quân phục xanh đã ào đến, phủ lên người ông Mười.

- Nội! Con nhớ nội quá!

- Tía mầy nghen! Về phép mà không báo trước. Làm vầy nội tăng xông chết bất tử thì sao?

Chàng trai trẻ cao lớn, chững chạc với quân hàm Trung úy mới tinh trên ve áo, đối lập với khuôn mặt măng tơ hồng hào. Đó chính là Phan Thống Nhứt, cháu đích tôn của ông Mười. Chàng trung úy mở ba lô, lôi ra một hộp giấy hình chữ nhật.

- Chai sâm này con biếu nội. Vừa trọn tháng lương trung úy đầu tiên đó. Con bắt nội phải sống đến 100 tuổi, còn đi cưới vợ cho con nữa chớ.

Ông Mười không nói được gì, nước mắt đã rơm rớm. Tệ thiệt, đúng là người già như con nít, chưa chi đã khóc. Mà không khóc sao được? Thằng cháu đích tôn của ông đã trưởng thành rồi. Quân đội đã rèn giũa nó thành một anh Bộ đội Cụ Hồ có nghị lực. Sự xuất hiện của chàng trung úy trẻ làm ông Mười vui mừng, quên đi cuộc hẹn với con trai. Ông đề nghị chị Năm ra chợ mua bằng được mấy con tôm càng về rim nước dừa cho cháu nội. Thằng này từ nhỏ tới lớn ghiền có món đó thôi.

Bữa cơm vừa bắt đầu thì có chuông điện thoại, ông Mười hất đầu ra hiệu cho chị Năm. Chị Năm chuyển ống nghe qua:

- Cậu Hai điện về gặp ông Mười ạ.

Ông Mười vừa trả lời điện thoại, vừa cười thành tiếng.

- Vậy hả! Tốt rồi! Cứ tưởng sư trưởng không làm được việc này thì xoàng quá, đành nhọc thân lão già nầy. Báo cho sư trưởng hay, thằng cháu tôi mới về tức thì nè. Lon trung úy ngon lành rồi nghen. Thôi chút nữa gặp, để cho thằng nhỏ ăn ba miếng đã. Vậy nghen!

Ông quay qua vuốt ve bờ vai tới cánh tay cháu nội.

- Tía mầy! Ngó ngon lành hơn cả ông và tía mầy ngày xưa rồi nghen. Ăn nhiều đi con. Nghỉ ngơi ít ngày rồi lên thăm tía mầy. Sư trưởng mới lo đơn vị mới cho con rồi đó. Ráng lên. Phát huy truyền thống gia đình nghen trung úy.

Chàng trai dùng cả hai tay bóc vỏ tôm, nhai ngon lành.

- Con được nghỉ một tuần nội à! Chỉ ở nhà chơi với nội thôi, không đi đâu hết. Cuối tuần nầy chắc tía con ghé nhà. Rồi con sẽ về đơn vị mới nhận nhiệm vụ. Nội ở nhà giữ sức khỏe, ngoài đảo chắc lâu lâu mới được về phép.

Ông Mười ngạc nhiên.

- Con nói đảo nào?

- Con tình nguyện xin ra Trường Sa nội ơi.

 Ông Mười ngồi chết lặng. Mãi rồi mới lập bập kể lại sự việc sư trưởng đã lo cho Thống Nhứt về bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Chàng trai cười tươi, đứng dậy vươn vai.

- Ôi! Tôm ngon quá! Cảm ơn cô Năm!

Rồi chàng trai ôm chặt vai ông nội, rủ rỉ.

- Con biết nội và tía lo cho con, nhưng nội thường dạy con là tuổi trẻ phải có hoài bão, ước mơ mà. Con muốn ra đảo với anh em đồng đội, muốn thử sức và lòng dũng cảm của người lính.

Ông Mười buồn đó, rồi lại vui đó. Thằng cháu đích tôn của ông nói đúng. Tuổi trẻ phải có hoài bão bay cao, bay xa. Cứ để nó núp bóng vinh quang của ông nội và tía, chắc gì đã tốt. Ông mỉm cười nhìn thằng cháu ngoan chạy ra thăm vườn cây kiểng. Ngộ thiệt, nó dừng lại trước chậu kiểng

nghinh phong, giơ tay lên chào: “Chào anh em! Anh em ở nhà ráng giúp ông nội vui và khỏe mạnh. Tôi sẽ ghi công cho mấy anh em đó”.

Có mấy vì sao sáng rực trên trời, lấp lánh như ngôi sao năm cánh trên mũ người chiến sĩ.

18-12-2011

Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ