Tiếng lịch kịch phía chuồng trâu sau bếp. Lúc đầu còn thưa thớt, hai ba tiếng một, sau róng riết, liên hồi. Ông Lợi buông chén trà xuống, chửi:

- Cha chúng mày! Uống chén trà mất cả ngon. Phá sớm thế?

Bốn con trâu cùng lúc khua sừng vào song gỗ, nhức đầu nhức óc, ai chịu nổi. Cũng chẳng có gì lạ. Buổi sáng nhà quê thường ồn ào đủ âm thanh hỗn tạp đặc trưng như vậy. Gà gáy, ngỗng kêu, vịt la quang quác ngoài vườn, lợn réo ầm ĩ trong chuồng, mấy con trâu khua sừng hùa theo. Tí nữa cho bó rơm đứng nhai là yên ổn ngay, nhưng bây giờ, ông còn bận ấm nước trà mạn. Tính ông quen rồi, buổi sáng không ăn gì cũng được, nhưng phải có ấm trà thật đậm, rít mấy điếu thuốc lào, xong mới bắt tay làm gì thì làm.

Lẽ ra, bà vợ ông đừng ép ông tậu tới hai con trâu nái hoa.

- Con trâu là đầu cơ nghiệp! Ông cứ mua hẳn hai con trâu cho nó hoành tráng.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Cái bụng đàn bà ông lạ gì. Chẳng qua sĩ diện với hàng xóm mà thôi. Kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, thấy lão Hữu hàng xóm có cặp trâu cà tròn như quả sim chín, nên bà thích chơi trội. Nhà ta tậu hẳn hai con nái hoa, rồi nó đẻ ra hai con nghé nữa cho làng ấm ức chơi. Muốn vậy thì phải đi lùng trâu đẹp, chứ mấy thứ bụng ỏng đít vòi, sừng quặp, mua về thêm ngứa con mắt. Thế nên, ông Lợi mới cùng thằng con cất công vượt sông Lô, qua bên Phan Lương tìm mua trâu. Cậu Lưỡng là dân mê chọi trâu, lại hay rong ruổi bắn chim bắn cò, phát hiện ra nhà nọ có cặp trâu đẹp thì mách lại:

- Bác muốn mua trâu, em đưa sang Phan Lương. Cặp trâu nhà ấy hết chỗ chê!

Hôm ấy cậu Lưỡng nhiệt tình dẫn hai bố con ông sang sông, tới nơi nhìn cặp trâu ông Lợi ưng ý ngay, lại thêm cậu Lưỡng phán như thánh tướng:

- Trâu cái phải lưng dài, vai rộng, mông nở, vú to, đầu cổ thon thả. Hai "chị" này đều đạt tiêu chuẩn, khoang khoáy đều đẹp. Dứt điểm đi bác.

Nhấc lên, đặt xuống mãi, cuối cùng chủ nhà chốt giá ba mươi lăm triệu hai con trâu, "ra thừng" cho ông Lợi hai trăm nghìn, biếu cậu Lưỡng một trăm nghìn dắt mối. Về nhà, cậu Lưỡng được ông đãi bữa cơm rượu lướt khướt, còn biếu hai trăm nghìn.

- Không không! Ai dám lấy tiền hoa hồng của bác. Cho em bữa rượu là tốt lắm rồi.

Nuôi được hai năm thì cả hai con nái đi tơ, rồi sinh ra hai con nghé đẹp mũm mĩm. Ông Lợi cảm thấy mãn nguyện. Buổi sáng, buổi chiều, nước nôi, chè, thuốc tốn nhiều hơn, bởi hàng xóm qua lại ngắm nghía hai cặp trâu, bàn ra tính vào, khen nhà ông Lợi đúng là vớ được đống của. Vãn khách, ngồi ngẫm nghĩ một mình, ông thấy chẳng có gì đáng tự mãn với bốn con trâu nhà mình. Đẹp có làm ra tiền, ra thóc không? Hoàn toàn không! Ngày trước, có cặp trâu này, ông dám nhận cấy năm mẫu ruộng, vừa làm vừa chơi. Bây giờ bọn trâu cứ béo lung lủng ra, đi lại chậm chạp, lạch bạch như trâu cảnh.

Hồi còn là xã viên hợp tác xã nông nghiệp, nhà ông có một con trâu, cà vừa đẹp vừa khỏe, nhập vào hợp tác xã rồi nhưng vẫn được nuôi ăn công điểm. Trâu hợp tác thì phải làm việc hợp tác, tới phiên cày bừa, đội trưởng chỉ ai tới dắt trâu nhà nào thì đến dắt đi làm. Ông Lợi sợ nhất tay Bách, mỗi khi hắn đến dắt trâu đi làm. Tay này, người làng gọi là "thần đồng ma bãi", hùng hục từ sớm đến tối ngoài đồng, trời mưa cũng như nắng gắt, chả bao giờ mũ nón gì, cứ phơi mặt ra bất chấp cả trời đất. Tay Bách tham việc, tuy cùng trong tổ cày bừa nhưng hắn khoái làm khoán hơn. Làm khoán, chịu khó thì được nhiều công điểm. Thế nên, trâu nhà nào tới lượt hắn dắt thì làm sủi bọt mép, đỏ con mắt. Hắn nhận trâu từ mờ đất, bắt trâu kéo cày tới giữa trưa, không nghỉ giải lao, đến nỗi con trâu chệnh choạng bước đi không nổi. Nhiều người nuôi trâu bực mình nhưng mặc kệ, kiểu cha chung không ai khóc. Vì thương trâu nên mấy lần ông ra tận đồng cãi nhau với tay Bách:

- Mười một giờ rồi, trời nắng thế này, mày định làm cho chết trâu à?

Con trâu nghe tiếng chủ, đang lõm bõm kéo cày dưới trời nắng gắt, liền dừng lại, ngước nhìn ông Lợi rồi ọ lên một tiếng mệt mỏi. Tay Bách mồ hôi ròng ròng chảy trên khuôn mặt nâu sạm, không mũ nón gì, sốt ruột quất cho con trâu một roi, giục đi cho mau.

- Tao hỏi, mày điếc à! Cho trâu về ngay! Tham công điểm để chết trâu nhà tao à!

- Trâu hợp tác chứ trâu nào của nhà ông?

Ông Lợi giận quá, bốc bùn đất ném vào tấm lưng đen trũi của thằng thợ cày tham việc. Lúc ấy, không có mấy người đi qua can ngăn thì đánh nhau to. Ông Lợi tới nhà đội trưởng sản xuất, đề nghị không cho tay Bách lấy trâu nhà mình đi làm nữa. Ông đội trưởng cười khì.

- Thằng ấy tham việc em biết rồi! Để nhắc nhở nó đi về cho đúng giờ, chứ trâu hợp tác, cấm thế nào được nó!

Đã không cấm thì ông Lợi đã có cách. Cổng ngõ xưa nay tuềnh toàng. Giờ ông rào lại chặt chiệm, đóng hẳn chiếc cánh cổng tre gai, ngày thì chống lên, đêm hạ xuống chốt lại. Hôm nào biết tới phiên tay Bách cày trâu nhà mình, ông bắt vợ con ở tịt trong bếp, không mở cổng sớm. Năm giờ sáng là tay Bách đã nheo nhéo gọi ngoài cổng, nhưng ông phớt lờ. Gọi đi gọi lại, gần sáu giờ ông mới đủng đỉnh ra mở cổng. Có lần tay ấy kêu toáng lên ngoài cổng, ông Lợi ghét chả thèm ra luôn. Tay Bách con cón đi tới nhà đội trưởng kiện cáo, lại mất công đội phó tới giải quyết.

Thời nay, lũ trâu hết ăn rồi lại nằm, chả được tích sự gì. Cả làng người ta làm máy, có ai dắt con trâu ra ruộng, thấy nó buồn cười, lạc lõng. Ruộng cày bừa chỉ một lần, rồi trang phẳng đi là gieo sạ hay cấy được luôn, chứ cày bừa bằng trâu, từ lúc cày ải cho tới lúc bừa cấy phải chục lần mắc trâu vào, tháo trâu ra, mất thời gian. Bọn trâu trong mắt ông Lợi giờ chỉ là những túi thịt, không hơn không kém. Cánh thợ mổ mấy lần tới nhà, chắp tay sau đít, ngắm cặp trâu, phán con này sáu tạ, con kia nửa tấn, rồi chốt giá:

- Cả cặp bốn chục chai, bán không?

- Các cậu mua về làm gì?

Nghe ông Lợi hỏi, hai thằng kia cười quàng quạc như điên.

- Bác hỏi chán bỏ mẹ! Chẳng lẽ bọn em mua về nuôi! Vào tay bọn em thì nuôi búa, nuôi dao, lên thớt ra chợ hoặc vào nhà hàng! Cặp trâu này được thịt nên em mới dám liều trả thế!

Bố tiên nhân chúng mày! Thật thà cũng thể lái trâu. Trâu nhà ông đẹp như tranh thế kia, thiếu thốn gì mà phải bán. Chửi thầm bọn mổ trâu xong, ông Lợi lại ngậm ngùi thương mấy con trâu, to lớn kềnh càng mà chẳng được làm gì. Phận trâu sinh ra là để kéo cày, mà chúng mày chứ nhởn nhơ, chủ nuôi thêm bực vào mình.

Bỗng nhiên, có nhiều người tìm đến mua trâu. Bọn trâu đủng đỉnh nhai rơm ngoài cây rơm sau bếp, khua sừng lạch cạch để át đi tiếng mặc cả lên xuống. Nói tóm lại là đợt này trâu lên giá bất ngờ, làm ông Lợi phải nghi ngại. Người ta làm gì mà mua bán như ăn cướp. Giá cặp trâu đã vọt lên bảy mươi triệu, gần gấp đôi mấy tháng trước. May mắn thế nào cậu Lưỡng đi tìm cây cảnh tạt vào chơi hút thuốc lào, ông Lợi mới biết được chuyện trâu tăng giá đột ngột.

- Sắp tháng hai, có lễ hội chọi trâu dưới Phù Ninh. Bác không biết à?

- Thì cũng nghe huyện mình mới khôi phục lễ hội chọi trâu, nhưng bọn nó mua trâu nhà tớ làm gì? Hai con kia có mà chọi nồi!

Đúng vậy! Cậu Lưỡng phát tay đánh đét lên đùi.

- Trâu nhà bác chọi nồi thì chuẩn luôn. Bọn nó mua về làm giả thịt trâu chọi đấy!

À ra thế! Cái lễ hội gì ác quá, mấy "ông cầu" chọi nhau, cuối cùng kẻ thua, người thắng đều lên thớt tất. Ác! Ông Lợi phản đối hội chọi trâu này. Đã thế ông không bán trâu nữa, bọn họ có trả lên trăm triệu cũng không bán. Nhưng cậu Lưỡng lại bàn khác:

- Em mà có cặp trâu như bác, nhân cơ hội này bán luôn, rồi đi tìm một con trâu chọi về luyện thật ngon, sang năm mang ra sới. Giải nhất cả trăm triệu đấy bác ạ!

Ông Lợi nghe cái giải nhất cũng thích, nhưng ông lắc đầu:

- Tớ phản đối đem giết cả trâu thắng lẫn trâu thua mà, nên không chơi đâu.

- Bác lạc hậu bỏ mẹ ra! Không mổ thì đem về nuôi, quyền của mình chứ. Nhưng nói thật với bác, thịt ông cầu giải nguyên triệu rưởi một cân, thu về hàng mấy trăm triệu đấy! Mấy ông thua, thịt cũng mấy trăm ngàn một cân rồi.

Ông Lợi rít hơi thuốc lào mà bị sặc. Ghê gớm thế kia à? Thế ra, sự ra đi của mấy ông trâu cũng có một giá trị khá cao, cả về tinh thần và vật chất. Trong đầu ông bắt đầu có sự tính toán. Lại là cái nhà cậu Lưỡng khơi mào cho tia lửa đang nhen nhóm.

- Bác bán ngay cặp trâu nái, giữ lại hai con nghé thôi. Đang được giá thì đừng chần chừ nữa. Rồi em đưa lên xứ Tuyên tìm trâu chọi. Thằng bạn em trên ấy nói có nòi trâu hay lắm.

- Nhưng trâu chọi mua về phải tập luyện, mà tớ biết quái gì về trâu chọi đâu.

- Bác yên tâm, em cũng biết sơ sơ, với lại thằng bạn em đầy kinh nghiệm, em sẽ học nó vài miếng cơ bản. Về em sẽ luyện trâu cho bác, chỉ xin mấy chén rượu uống thôi. Khi nào ông trâu vào giải, đừng quên chú là được.

Chưa bao giờ có cuộc mua bán nhanh như thế. Thường mua trâu bò, kẻ mua người bán kì kèo chán ra, nâng lên hạ xuống, bớt từng đồng từng cắc. Nhưng hôm ấy ông Lợi phát giá tám mươi triệu cặp trâu nái, hai thằng thanh niên chỉ hỏi chiếu lệ:

- Không bớt đồng nào hả ông già?

- Không! Một đồng cũng không!

Ông chạy xe lên nhà cậu Lưỡng, nhờ dẫn đi tìm trâu chọi. Cậu này cũng ngạc nhiên khi ông quyết bán trâu nhanh thế.

- Phải em, nèo thêm mấy triệu nữa chúng nó cũng chịu! Kể cũng tiếc, hai con trâu cái đẹp quá!

- Đẹp cũng chẳng làm gì! Tôi quyết theo nghề trâu chọi rồi. Chú giúp tôi nhá?

- Vâng vâng! Em sẽ sát cánh bên bác. Thật với bác chứ, em xem trâu, luyện trâu được, mỗi tội chả có đồng chết mẹ nào.

Cậu Lưỡng nói, đã mấy lần đứng xem con trâu bên Sơn Dương rồi. Con này không chê vào đâu được. "Lưng tôm bà, sừng cánh cung, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót". Đó là hàng loạt tiêu chuẩn của một ông trâu chiến mà cậu ta đưa ra, nhận xét về con trâu ông định mua. Cũng nhờ cậu Lưỡng chao chát, từng trải, nên cuối cùng ngã giá sáu mươi lăm triệu. Tiền xe chuyên chở, ăn uống, nước nôi dọc đường hết ba triệu nữa, vẫn còn dư được mười hai triệu từ tiền bán cặp trâu nái.

Mùng tám tháng hai, dù trời lắc rắc mưa rét, cậu Lưỡng vẫn rủ rê ông đi xem chọi trâu.

- Đi mà nhìn, mà học tập đội bạn! Biết miếng, biết thế về còn luyện trâu nhà!

Ông Lợi choàng áo mưa, co ro ngồi xem chọi trâu, chỉ thấy chúng hung hăng lao vào nhau như điên, chẳng hiểu miếng nào ra miếng nào. Thằng con trai gọi điện cho ông, giọng bực tức:

- Ông về ngay giải quyết vụ con trâu đi! Nhức cả đầu!

- Trâu nào?

- Con trâu chọi chứ trâu nào! Nó bứt thừng nhảy ra đánh nhau với con trâu cà nhà ông Hữu, ngay trong vườn người ta.

- Có bận gì không?

- Trâu ông Hữu thủng bụng rồi! Ông ấy bắt đền!

Cậu Lưỡng nghe tin, hí hửng ra mặt, liền chở ông Lợi về giải quyết hậu quả. Lão Hữu mặt đỏ phừng phừng, chỉ con trâu nằm thở hi hóp bên bụi chuối.

- Tôi giao con trâu cho ông đấy! Muốn làm thế nào thì làm, trả tôi đủ hai mươi mốt triệu là được!

Ôi giời ơi! Con trâu này lòi ruột rồi, có nước mổ thịt chứ nuôi gì được mà lão đòi mình hai mươi mốt triệu. Nhưng cậu Lưỡng thúc lưng ông, ra hiệu nhận trâu.

- Con này toi rồi, không chữa được đâu! Thôi cũng là không may, tại con trâu chọi hăng cà quá! Bác lấy hai chục triệu thôi, thông cảm cho bác Lợi!

Ông Lợi đưa trước cho lão Hữu mười hai triệu.

- Còn tám triệu mai tôi trả nốt!

Cậu Lưỡng giúp ông xẻ thịt con trâu tại chỗ, rồi thuê xe công nông chở thịt về thẳng sới chọi trâu. Các ông trâu không vào được vòng bán kết đều bị mổ thịt bán ngay tại chỗ. Cậu Lưỡng mồm mép như tép nhảy, lập lờ đánh lận con đen, bán rẻ hơn mọi người mà cũng được bốn trăm rưởi một cân thịt. Ông Lợi giữ túi tiền, mừng quýnh lên khi thấy nó đầy lên mãi. Sau bữa rượu thịt trâu nhúng mẻ, lòng xào khế chua, ông mở túi tiền đếm được sáu mươi tư triệu. Không thể tin nổi. Ông đã chuyển bại thành thắng. Ngày mai trả cho lão Hữu tám triệu, ông còn năm mươi sáu triệu. Đem sáu triệu lẻ biếu cậu Lưỡng, ông suýt xoa:

- May mà có chú giúp đỡ! Thôi thì biếu chú mấy đồng uống rượu. Anh em mình còn về lâu về dài!

- Vâng! Em xin bác! Nói cho nhanh là con trâu của bác, hội sang năm vào giải! Nhất định như thế! Năm nay nó đã thể hiện sức mạnh tài lộc cho bác rồi còn gì!

Ông Lợi vừa mừng vừa lo. Con trâu chọi kia bây giờ mới là đầu cơ nghiệp của ông. Còn đúng một năm nữa mới lại khai hội chọi trâu. Sự chờ đợi thật khó chịu.

Truyện ngắn: PHÙNG PHƯƠNG QUÝ