QĐND:
Đà Lạt
Ta lắng nghe man mác tuổi sương chiều
Ngan ngát tím nỗi bâng khuâng muôn thuở
Tiếng chuông cũ lên rêu sườn tháp cổ
Mây chập chờn thức ngủ trắng hàng thông
Em tìm ai áo tía đến nao lòng
Môi ta chạm màu nắng mòn nhạt thếch
Mối tình hoang xanh rờn hương cổ tích
Mơ hồ giăng trong sắc đắng hoa mua
Giọt mưa buồn gõ xám mái Nhà vua
Yếm Hoàng hậu vắt hờ vào xa thẳm
Khói hồ biếc Xuân Hương nồng nàn mà tĩnh lặng
Dính hồn ta hơn nhựa đất bazan
Tay ta xòe ngang ngọn LangBian
Xinh đẹp hỡi, sao em im tiếng thế
Ta đi…
Trên đỉnh rừng quạnh quẽ
Hồn ta bay như những sợi tơ trời…
Trần Nhuận Minh
Chiều 5-5-1992
Lời bình của PGS, TS Phạm Quang Trung:
Tên bài thơ là Đà Lạt, gợi nhiều suy nghĩ trong tôi. Đã hẳn là nhà thơ muốn phát hiện ra những nét riêng của thành phố nổi tiếng thơ mộng qua cảm nhận của chính mình. Thật không dễ dàng gì! Lại bằng một bài thơ ngắn, chỉ vỏn vẹn bốn khổ, chừng trên một trăm từ. Thách thức phải nói là nghiệt ngã. Chỉ những bản lĩnh thi ca cao cường mới dám chấp nhận. Trần Nhuận Minh đã chấp nhận. Nội việc làm ấy thôi đã nói nhiều về tài năng của anh. Không đúng thế sao! Chẳng phải chỉ qua ý định, người đời cũng có thể xét đoán sức vóc trí lự của một con người.
Nhà thơ đưa ra cảm nhận chung của mình về Đà Lạt ở khổ mở đầu:
Ta lắng nghe man mác tuổi sương chiều
Ngan ngát tím nỗi bâng khuâng muôn thuở
Tiếng chuông cũ lên rêu sườn tháp cổ
Mây chập chờn thức ngủ trắng hàng thông
Ta lắng nghe, tôi thật sự ngỡ ngàng. Đà Lạt nổi tiếng yên tĩnh. Ngay cả chợ búa, nơi giao lưu thường tấp nập, cũng không thấy cảnh náo nhiệt ồn ã như nhiều nơi khác. Vậy thì sao phải lắng nghe. Thì ra nhà thơ của chúng ta không nghe bằng tai mà nghe bằng lòng. Và các đối tượng cảm nhận là những gì mơ hồ: Vẻ man mác của cái tuổi sương chiều; nỗi bâng khuâng thoảng qua mà trở thành muôn thuở; vẻ chập chờn thức ngủ của mây trắng giữa hàng thông… Duy tiếng chuông cũ có thể thu nhận bằng thính giác thì cũng đã mờ đi, đã lắng lại cùng rêu xanh nơi sườn tháp cổ. Đó là chất thơ theo nghĩa thông thường mà tự nhiên thay lại rất hợp với hồn cốt của xứ thơ Đà Lạt.
Gợi nên ấn tượng chung, đạt được hiệu quả thẩm mỹ rồi, ngòi bút của Trần Nhuận Minh sẽ tiếp tục tung tẩy ra sao đây? Nói khác đi, anh phải lựa chọn điều gì để nói. Trước Đà Lạt huyền diệu, Đà Lạt nên thơ, biết bao điều cần nói. Mà dường như điều nào cũng đáng nói. Vậy nên mới khó nói. Nhà thơ đã chọn những điểm dừng, điểm nhấn để nói những điều cần nói nhất. Đây là hồ Than Thở với câu chuyện tình bi thảm kia: Em tìm ai áo tía đến nao lòng/ Môi ta chạm màu nắng mòn nhạt thếch… Dinh Bảo Đại với những chi tiết được thi vị hóa: Giọt mưa buồn gõ xám mái Nhà vua/ Yếm Hoàng hậu vắt hờ vào xa thẳm… Và nhất là hồ Xuân Hương với khói biếc nồng nàn mà tĩnh lặng/ Dính hồn ta hơn nhựa đất bazan… Nhưng những câu thơ thần tình nhất theo tôi nằm trong sự chọn lựa này:
Mối tình hoang xanh rờn hương cổ tích
Mơ hồ giăng trong sắc đắng hoa mua
Mối tình mang màu sắc thành cổ tích, số phận ẩn trong cỏ cây nhờ bàn tay thi sĩ mà trở thành bất tử!
Tôi rất thích khổ kết của bài thơ. Anh dừng lại ở ngọn LangBian cao ngất vốn là khát vọng sống, khát vọng sáng tạo của bao lớp người đã qua và sẽ tới… Tôi bắt gặp dấu ấn của thơ Đường trong việc giải quyết mối quan hệ muôn thưở giữa con người và thiên nhiên. Nói về núi sông là để nói về con người, về thế đứng, thế bay, thế dựng nghiệp, thế lập chí của chính con người. Tôi để ý tới từ ta được nhắc lại ba lần trong khổ thơ: Ta ở đây đồng nghĩa với Người, con người viết hoa. Khác với từ ta xuất hiện một lần chia đều trong ba khổ trước: Ta ở đó đồng nghĩa với tôi.
Ta đi…
Trên đỉnh rừng quạnh quẽ
Hồn ta bay như những sợi tơ trời…
Câu kết là một bức tranh theo trường phái lãng mạn. Tâm tưởng của con người cũng lãng mạn theo… Bài thơ Đà Lạt của Trần Nhuận Minh là một trong những bài thơ hay nhất viết về thành phố đã trở thành thân thương đối với mỗi người Việt Nam chúng ta.