Quá khứ dội về
“Tôi sống ở nước Nga 11 năm, từ năm 1984 đến 1995. Người ta thường nói, thời sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, quãng đời đẹp nhất của tôi gắn bó với nước Nga. Sự gắn bó ấy tôi coi như là một duyên phận. Tôi vẫn luôn trân trọng và yêu quý nước Nga. Đây là một dân tộc thông minh, dũng cảm và nhân hậu”. PGS, TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời thân thương nhất khi nói về xứ sở bạch dương.
Đã hơn 22 năm xa nước Nga nhưng ký ức về đất nước, con người nơi đây như vẫn vẹn nguyên trong lòng chàng sinh viên Ngữ văn năm nào. Một lần, ông đến nhà người bạn chơi, vừa mới đến cửa thì bỗng nghe những lời ca quen thuộc từ bài hát “Chiều Moscow” vọng ra: “Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến/ Moscow bên chiều vắng thanh bình…”. “Giây phút ấy khiến tôi xúc động đến trào nước mắt. Dường như, cả một thời quá khứ ở nước Nga thân yêu lại hiện về trong tâm trí tôi” - PGS, TS Hoàng Anh bồi hồi kể lại.
PGS, TS Hoàng Anh tại Cung điện Mùa hè, Peterhof-Saint Petersburg trong lần trở lại nước Nga năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp
Khi còn là học sinh lớp tiếng Nga, Trường Chuyên ngữ thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Hoàng Anh đã được học rất nhiều bài hát Nga để trau rèn ngôn ngữ. Cũng như văn học, âm nhạc Nga chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của học sinh, sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ 6X, 7X. Làm sao có thể không xốn xang, không xúc động khi sống trong một không gian vô cùng lãng mạn của những “Triệu bông hồng”, “Chiều Moscow”, “Cây thùy dương” hay “Đôi bờ”… như thế? Thời đó, nhiều du học sinh Việt Nam tại Nga hầu như ai cũng có đĩa hát của ca sĩ Alla Pugacheva, không ít người thuộc làu ca khúc “Triệu bông hồng” do bà thể hiện.
PGS, TS Hoàng Anh nhớ lại: “Những tháng ngày học tập đầy căng thẳng, nhất là dịp ôn thi, có lúc tưởng chừng như kiệt sức, tôi gấp sách lại, bật những bản nhạc Nga. Những giai điệu nồng nàn, da diết của các bài hát thuộc dòng nhạc trữ tình Nga như tiếp thêm sinh lực cho tôi. Tôi thấy lòng mình dịu lại, bao lo toan, vất vả, bao phiền muộn, suy tư chợt tan biến. Có thể nói, âm nhạc Nga, những ca khúc trữ tình Nga là chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi trong những ngày sinh sống và học tập xa Tổ quốc”.
“Cô đơn” và những duyên nợ
Từ nhỏ, Hoàng Anh đã từng làm quen với nhiều tác phẩm văn học Nga nổi tiếng như: “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoy, “Con đường đau khổ” của A.Tolstoi, “Sông Đông êm đềm” của M.Solokhov, “Bông hồng vàng” của K.Paustovsky và nhiều bài thơ của A.S.Pushkin, M.Y.Lermontov... Nhờ kết quả học tập tốt cùng với điểm thi đại học cao, ông đã được tuyển chọn sang học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow. Tại đây, ông có cơ hội tiếp cận những tác phẩm văn học Nga qua chính nguyên bản tiếng Nga, nhờ đó hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị của tác phẩm cũng như về đất nước, con người của xứ sở bạch dương.
Ngôi làng du lịch Mandrogui bên dòng Svir nổi tiếng với những căn nhà gỗ đặc trưng của Nga và “thảm vàng” hoa bồ công anh. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Với khả năng tiếng Nga thành thạo, lại mê thơ ca nên Hoàng Anh tự dịch nhiều bài thơ để vừa học tiếng, vừa có thêm những cảm nhận cho riêng mình. Ông dịch thơ của nhiều tác giả nhưng dường như “cái duyên” lại hợp với nhà thơ Ivan Alekseyevich Bunin, một nhà thơ Nga vĩ đại từng đoạt Giải Nobel Văn học năm 1933. Sự gặp gỡ ấy thật tình cờ: “Một lần đến quầy sách ở trường, tôi thấy một quyển sách xinh xắn, gọn gàng, bìa sách là hình ảnh người đàn ông rất lịch lãm, hào hoa. Đọc tiểu sử thì thấy ngày sinh của nhà thơ đúng với ngày sinh của mình. Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên. Lật thêm mấy trang tiếp theo thì thấy bài “Cô đơn”. Là người con xa xứ nên từ “cô đơn” lúc ấy khiến tôi liên tưởng đến trạng thái và cảm xúc của mình. Như có ma lực, tôi mua cuốn sách đó rồi đi bộ từ tầng 1 đến tầng 9 để tới giảng đường, vừa đi vừa đọc bài thơ. Tôi đọc tiếng Nga đến đâu thì trong đầu tôi hình dung lời Việt đến đó. Ngay chiều hôm ấy, tôi đã hoàn chỉnh bản dịch tiếng Việt bài thơ”.
Kể từ đó, bài thơ “Cô đơn” của I.A.Bunin đã đồng hành với ông qua rất nhiều sự kiện, thậm chí còn xuất hiện trong nhiều kỳ thi. Có lần, ông đọc bài thơ “Cô đơn” bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt trong một cuộc gặp mặt của thầy và trò Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow. Cũng từ đó, điều thú vị luôn đến với ông: “Tại các kỳ thi tiếng Nga, các giáo sư thường yêu cầu tôi đọc bài thơ này khi tôi kết thúc phần trả lời của mình”. Và lần nào tôi cũng được 5 điểm nên bạn bè thường đùa rằng, I.Bunin là vị cứu tinh của tôi”. Có lẽ, I.Bunin là nhà thơ được người Nga đặc biệt yêu thích. Như lời cô giáo tiếng Nga của ông khi giảng về I.A.Bunin đã nói: “Thơ của I.A.Bunin có thể khiến cho những người lạnh lùng, khô khan nhất cũng phải rung động”:
…“Ngày hôm nay những đám mây trăn trở
Cứ nối đuôi nhau bay dọc bầu trời
Dấu chân em trên bậc cửa mưa rơi
Cứ loang ra, chìm dần trong bóng nước
Anh đau đớn khi một mình đơn chiếc
Phải nhìn ra nơi bóng tối nhạt nhòa
Muốn kêu lên khi em đã đi xa:
“Quay lại đi em, ta đã từng thân thiết!”…
(Trích bản dịch bài thơ “Cô đơn” của Hoàng Anh)
Đất nước Nga, văn hóa Nga đã để lại dấu ấn sâu đậm trong PGS, TS Hoàng Anh và nhiều người cùng thế hệ với ông. “Tôi luôn nghĩ về nước Nga với niềm biết ơn. Ở Nga, tôi đã được học tập tại một ngôi trường tuyệt vời, đã được làm việc với những người thầy thực sự là những tấm gương cao đẹp, hết lòng vì học trò, đã được đón nhận những hành trang quý giá cho cuộc sống sau này…”-ông chia sẻ.
HÀ THANH MINH