QĐND - “Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân” của nhà văn Việt kiều yêu nước Gérard Lê Quang được NXB Denoel (Pháp) xuất bản từ năm 1973 nhưng rất ít người Việt Nam được biết đến cuốn sách lịch sử quan trọng này. Năm 2010, trong một lần dịch giả Nguyễn Văn Sự đến Thư viện Quân đội tìm tài liệu, ông vô tình nhìn thấy bản chụp lại của cuốn sách này trên giá sách. Khi đọc xong cuốn sách, dịch giả Nguyễn Văn Sự quyết định dịch ra tiếng Việt.
 |
Bìa cuốn sách “Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân”.
|
Nhận thấy cuốn sách được viết chân thật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với rất nhiều chi tiết chưa từng được nhắc đến trong bất kỳ cuốn sách nào viết về Đại tướng từ trước đến nay, dịch giả Nguyễn Văn Sự đã tìm đến NXB Thế giới và Công ty Sách Thái Hà để cùng hợp tác. Cuối năm 2013, sau khi ký được bản quyền và có được cuốn sách gốc trên tay, NXB Thế giới và Công ty Sách Thái Hà đã ký bản quyền dịch với dịch giả Nguyễn Văn Sự và sau nhiều tháng biên tập, đến giữa năm 2014, cuốn sách đã đến tay bạn đọc Việt Nam.
Mở đầu tác phẩm, tác giả Gérard Lê Quang đã giới thiệu tỉ mỉ con đường trở thành một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy những gì tác giả viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thuở ấu thơ cho đến khi tham gia cách mạng với độc giả Việt Nam đã rất quen thuộc nhưng nên lưu ý cuốn sách viết cho độc giả đọc tiếng Pháp-những người không có điều kiện để hiểu được vì sao một sinh viên trường luật lại trở thành một vị tướng cầm quân đại tài về sau này. Gérard Lê Quang đã cho độc giả nước ngoài biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại. Và là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu; cùng với Người, ông đã thúc đẩy cuộc cách mạng, làm cho tính độc đáo của cuộc cách mạng đó càng thêm sâu sắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mở ra trang sử mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tính cách của ông đa dạng là sự kết hợp của hai thế giới-thế giới phương Tây mà ông đã thừa hưởng trong quá trình đào tạo, dạy học và thế giới châu Á của cuộc cách mạng ông đã chọn lựa, từ đó ông đã tổng hợp nên một nhân cách quyến rũ lòng người.
Phần lớn dung lượng còn lại của cuốn sách, Gérard Lê Quang bằng sự tìm tòi tư liệu kỹ lưỡng, óc phân tích sắc sảo đã làm rõ chiến lược chiến tranh nhân dân mà người Việt Nam thực hiện để đánh bại thực dân Pháp và sau đó làm cho Mỹ phải rút quân và quân đội ngụy quyền thì lung lay (thời điểm cuốn sách xuất bản năm 1973). Gérard Lê Quang nhấn mạnh vai trò kiến tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi kết hợp sức mạnh của ba thứ quân là quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trên chiến trường Việt Nam; ý thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác chính trị trong quân đội và dân vận để tranh thủ sự ủng hộ của người dân; đặc biệt chú trọng công tác hậu cần với đỉnh cao là việc hình thành Đường Hồ Chí Minh như là “xương sống” của chiến tranh nhân dân vĩ đại của người Việt Nam. Và tác giả nhấn mạnh, sẽ không có kẻ thù ngoại xâm nào có thể đánh bại quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nếu như quân đội đó còn được nhân dân ủng hộ và tuyệt đối trung thành vô hạn với nhân dân, lấy chiến lược chiến tranh nhân dân làm nền tảng.
Phần cuối cuốn sách, Gérard Lê Quang khẳng định, con đường trở thành vị tướng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn không phải con đường dễ nhất mà thực ra đầy gian khó nhưng đúng đắn. Và tác giả cho rằng, lịch sử đã chọn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vai trò của người làm nên lịch sử như đoạn văn rất triết lý, chính xác một cách lạnh lùng khi kết thúc cuốn sách: “... Chúng tôi đảm bảo rằng người sinh viên trường luật của Trường Đại học Đông Dương năm nào, sau đó trở thành thầy giáo để kiếm sống, rồi hoạt động cách mạng bí mật, rồi trở thành Đại tướng cầm quân, có lẽ là theo thiên hướng, đã không ngờ, khi tại Chiến khu Việt Bắc, lắng nghe những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính và khâm phục vô hạn, số phận sẽ đưa ông đi mãi trong cuộc đời binh nghiệp, và cuộc Nam tiến sao dài đến thế! Đúng là đối với người Việt Nam, có lẽ đối với những người khác nữa, không ai hiểu nổi con đường đi của số phận. Chính vì vậy ở Việt Nam người ta nói không ai cưỡng lại được số phận”.
NGỌC TRÂM