- Cày một!
Tôi hô to và còng người xuống nhưng mắt vẫn nhìn đám thằng Dũng, thằng Tiến đang đứng phía trước. Chúng nó đáp trả “Xong!”, rồi dạng chân vào tư thế chuẩn bị đón bắt cây khăng. Bỗng có bàn tay ai níu vai tôi.
- Nam!
Tôi dừng tay ngẩng lên nhìn và giật mình há hốc mồm. Đó là một chú bộ đội xấu kinh khủng. Cả khuôn mặt của chú ấy bị lệch đi với nhằng nhịt những vết sẹo, nước da chẳng đen chẳng trắng mà nó xanh nhờn nhợt, kiểu xanh của những người ốm lâu ngày. Chú bộ đội ấy dường như cũng nhận ra thái độ sợ hãi của tôi nên buông tay ra. Chú lùi lại để khỏi chạm vào tôi.
- Có… có phải đây là nhà bà Bắc?-Chú bộ đội này nói giọng khan khê rất khó nghe.
- Chú vào nhà bà Bắc à? U cháu đấy. U cháu đang ở sau vườn.
Dù vẫn còn sờ sợ khuôn mặt kỳ dị nhưng thấy chú bộ đội đó hỏi thăm vào nhà mình nên tôi cũng cố trả lời rành rẽ. Chú bộ đội xốc lại chiếc ba lô đeo sau lưng rồi chìa bàn tay ra như định nắm lấy tay tôi. Lạ thật đấy, trời có lạnh lắm đâu mà hai tay của chú ấy phải đeo găng tay? Tôi thụt người lại giấu tay về phía sau lưng.
- Chúng mày về đi. Nhà tao có khách-Rồi tôi ngoắc đầu-Chú đi theo cháu. U ơi! U ơi! Có chú bộ đội hỏi nhà mình đây này.
Chỉ mới nghe thấy thế, u tôi đã nhanh nhẩu từ vườn bước ra. Bà vừa đi vừa phủi phủi tay vuốt lại vạt áo.
- Đâu nào? Chú bộ đội đâu nào? Mời chú ấy vào nhà đi con, rồi xuống bếp đun cho u ấm nước.
Chú bộ đội đứng lặng ngoài sân, đuôi mắt rân rấn nước làm tôi thấy khó hiểu. U tôi cũng tới bên, bà cất tiếng.
- Chào anh. Anh chắc ở đơn vị em Bắc nhà tôi?
- Dạ. Cháu chào bác. Bác trai có nhà không ạ?
- Ấy. Ông nhà tôi ra ủy ban từ sớm. Gớm, đi suốt ngày ý. Cứ như nhà này chỉ là nơi về ăn với ngủ. Mời anh vào nhà.
Chú bộ đội lại “dạ” một tiếng.
- Ô kìa. U bảo con xuống bếp đun cho u ấm nước kia mà.
Khi tôi xách ấm nước lên đã thấy chú bộ đội đang mở ba lô lấy ra những thứ gì đó. Còn u tôi thì cứ lau đi lau lại mặt bàn. Chừng như u tôi có ý thăm dò chú ấy.
- Thưa bác. Đây là gói thuốc thấp khớp, mùa đông rồi chắc chân bác lại đau, anh Bắc bảo gửi để bác uống. Còn đây là thuốc dạ dày, anh Bắc bảo để bác trai dùng. Cháu nghe nói những thứ thuốc này tốt lắm, thuốc lá rừng của người dân tộc Tây Nguyên.
U tôi mỗi lần chú bộ đội đưa gói quà ra là khẽ giật mình. U cứ nhìn chăm chăm vào đôi găng tay bằng len có màu tím mà chú bộ đội đang xỏ trên tay. U đưa tay nhận nhưng hình như u cố tình chạm lâu lâu vào chiếc găng tay. Những lần như thế đôi tay chú bộ đội lại run run.
- Thằng Bắc nhà tôi đâu sao nó không về. Giải phóng miền Nam đã ba năm rồi mà chẳng thấy nó về. Cả đến dòng thư cũng không có.
- Dạ. Anh Bắc bận công tác nên chưa về được. Anh có nhờ cháu tới thăm hai bác.
- Hay là nó bị làm sao mà không dám về? Con với cái. Đi là đi biền biệt. Bận gì thì bận cũng phải có mấy nhời về cho thày u đỡ mong chứ?
- Dạ. Còn đây là quà của anh Bắc gửi cho em.
Chú bộ đội một tay vẫy tôi lại gần, một tay giở món quà.
- Em tên là Nam đúng không?
- Chú biết tên cháu rồi mà. Lúc ngoài ngõ chú đã gọi tên cháu?
- À. Anh nghe anh Bắc nói tên em là Nam.
Chú bộ đội ướm ướm chiếc áo sơ mi trắng tinh lên người tôi.
- Giờ thì có vẻ hơi rộng nhưng không sao. Em chịu khó ăn nhiều cơm vào là mặc vừa ngay. Còn đây là quần. Quần phăng hẳn hoi nhé. Em mà mặc bộ quần áo này là ra dáng thanh niên ngay.
- Nhưng cháu mới có mười hai tuổi-Tôi nhanh nhảu cãi.
- Ừ. Hồi anh, à hồi các anh đi bộ đội em mới có lên năm tuổi đúng không?
- Vâng ạ.
- Nhanh thật đấy. Chả mấy chốc. À mà hôm nay em không đi học à?
- Có chứ. Cháu...
- Gọi anh là anh và xưng em thôi. Cứ coi anh như anh Bắc ấy.
- Vâng ạ. Em học chiều. Đến chiều em mới đi học.
Chú bộ đội quay sang lục tiếp ba lô. Chú lấy ra một gói quà nhỏ. Gói quà này được bọc cẩn thận bằng những sợi dây dù. Tôi nghĩ thầm “Quà này chắc quý lắm nên mới buộc kỹ thế”.
- Còn gói quà này… gói quà này anh Bắc nói nhờ hai bác đưa cho cô… cô Ngân...
- Để bác nhắn cái Ngân nó sang nhận quà của thằng Bắc cho nó mừng.
- Thôi khỏi cần bác ạ-Chú bộ đội xua xua tay-Khỏi cần bác ạ...
- Khổ thân con bé. Những đứa cùng lứa đã chồng con hết cả rồi. Con bé cứ hai, ba ngày lại sang, hôm nay chưa thấy sang. Chắc lại bận lên lớp?
- Cô ấy dạy ở trường nào hả bác?
- Dạy trường ngay xã đây thôi. Khổ thân nó, nói thế nào cũng không nghe. Hai bác đã bảo nó: Hòa bình đã ba năm rồi. Thằng Bắc không thấy về, có khi nó đã hy sinh. Đợi chờ như thế đủ rồi, đi lấy chồng đi. Nhưng nó không chịu.
- Đúng đấy ạ. Hai bác động viên cô Ngân đi lấy chồng đi.
- Anh cũng nghĩ như chúng tôi?
- Dạ. Cô ấy đi lấy chồng đi. Đợi chờ làm gì. Chỉ tổ khổ thân thôi.
- Nhưng con Ngân nó lại cự lại, nó bảo: Làng mình đi bộ đội những ai còn sống thì đều đã trở về. Những ai hy sinh thì xã đã làm lễ truy điệu. Không thấy xã làm lễ truy điệu cho anh Bắc tức là anh ấy không chết. Anh Bắc chưa về chứ không phải không về. Con mà đi lấy chồng ngộ nhỡ anh ấy về thì con còn mặt mũi nào để nhìn anh ấy nữa.
- Anh Bắc không về đâu bác ạ.
- Sao anh biết thằng Bắc nhà tôi không về?
Chú bộ đội im lặng. Hai bàn tay chú ấy lại run run. Chú ngoảnh mặt nhìn ra sân. Chú quay mặt nhìn lên bàn thờ. Rồi chú ngồi xuống ghế. Chú đỡ chén nước u tôi vừa đưa. Chú thổi phù phù chứ không uống ngay. Chú thổi lâu đến nỗi chén nước nguội lạnh. Tiết trời mùa đông lạnh giá thế này chú ấy chả cần thổi thì nó cũng nguội. Hay là chú ấy còn giấu điều gì? Điều về anh Bắc của tôi ấy. Mà cũng lạ nhỉ? Chính chú ấy vừa nói là “Anh Bắc không về đâu ạ”. Tôi chợt băn khoăn.
- Ở làng mọi sự đều có nền nếp. Con Ngân hai bác đã bỏ cau cho thằng Bắc rồi. Ở làng như thế coi như là đã có nơi có chốn.
U tôi bất chợt lên tiếng. U nói thong thả kiểu vừa nói cho rõ vừa kiêm giải thích ấy. U tôi nói nhưng mắt cứ nhìn đi đâu. U ngóng ra sân. Hình như u đợi chị Ngân tới. Hồi anh Bắc đi bộ đội, tôi còn bé tí. Bé tí nên chưa biết chuyện người lớn. Chỉ biết anh Bắc tôi năm đó đang học năm cuối Trường Sư phạm 10+3 ở trên tỉnh. Còn chị Ngân học năm đầu. Nhà tôi ở xóm giữa. Nhà chị Ngân ở ngoài ấp cách làng một thôi ruộng. Hai người ở cùng làng lại học cùng trường nên những hôm được nghỉ là anh Bắc lại đạp xe đèo chị Ngân về làng. Tôi nhớ những lần như thế là anh Bắc thường xăng xái sang giúp nhà chị Ngân. Bên nhà chị ấy neo người lắm, chỉ có ba mẹ con với nhau lại toàn là đàn bà con gái cả nên việc nặng phải nhờ, phải mướn. Anh Bắc tranh thủ sang đó, bữa thì cày ruộng, bữa thì cuốc đất. Bố chị Ngân là bộ đội chống Pháp rồi lân sang chống Mỹ, tôi cũng không biết mặt vì chẳng thấy bác ấy bao giờ. Chị Ngân có lần cho biết: Bố chị đánh Mỹ ở tận sông Vàm Cỏ Đông kia. Xa lắm. Chị Ngân nói thế rồi khe khẽ hát “Ở tận sông Hồng anh có biết/ Quê hương em cũng có dòng sông/ Em mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”. Chị hát khe khẽ nhưng nghe rất hay. Giọng chị thanh thanh. Làng tôi con gái đều có giọng nói thanh thanh. U tôi bảo: Trời ban cho đồng đất làng mình mỡ mầu, ban cho con gái giọng nói thanh thanh.
- Đã coi như là có nơi có chốn rồi nên chẳng đám nào dám màng. Muốn đi lấy chồng thì cũng phải chính danh. Con Ngân nó nói đúng: Không thấy xã tổ chức lễ truy điệu cho thằng Bắc tức là thằng Bắc không chết. Thằng Bắc không chết thì con Ngân làm sao đi lấy chồng được.
- Thì cũng đã hòa bình ba năm rồi. Ba năm rồi không thấy anh Bắc về thì Ngân hoàn toàn đi lấy chồng được chứ ạ.
- Không dễ như thế đâu. Việc gì cũng phải có lề có thói chứ. Ba năm chưa thấy về chứ mười năm cũng thế thôi. Lại còn cái tiếng nữa. Ở làng cái tiếng nó to lắm, cái tiếng nó lớn lắm. Không sợ nào bằng sợ mang tiếng. Cái tiếng nó là thanh danh. Cái tiếng nó là ràng buộc. Đã bỏ cau con gái nhà người ta rồi nên ngay nhà tôi cũng không dám nói hơn. Con mình chưa thấy về mà bảo con gái nhà người ta đi lấy chồng là thất đức. Đấy là chưa kể biết đâu người ta lại xầm xào rằng con mình đi bộ đội rồi lấy vợ ở đâu đó. Thằng Bắc không thấy về. Không thấy một nhời cho ra nhẽ. Chứ tôi với ông nhà tôi cũng cực lắm. Dân làng cũng nói này nói khác. Đâu thì chưa thấy nhưng đã thấy chúng tôi bị mang tiếng là không giữ lời rồi. Con với chả cái.
U tôi nói một thôi dài. Dường như bao nhiêu điều giấu kín trong lòng xưa nay giờ được bung ra. U tôi nói thôi dài như vậy cứ như đang nói với anh Bắc ấy. Những câu nói của u tôi làm chú bộ đội giật mình thon thót. Mồ hôi tứa ra trên trán chú ấy. Kể cũng lạ. Giữa mùa đông rét mướt thế này mà chú ấy cũng vã mồ hôi được nhỉ? Tôi nhíu mày nép sau lưng u tôi.
- Cái Ngân nó bảo: Anh Bắc không thể chết được. Giờ anh ấy trở về cho dù có đui mù mẻ sứt gì con cũng không bận tâm. Còn người là còn tất cả. Mới lại đi đánh Mỹ chứ có phải đi chơi đâu mà đòi sung với sướng. Tôi nói thật nhé, ngộ nhỡ thằng Bắc nhà tôi nó trót ăn ở với người con gái khác thì cũng biết điều về làng. Có muối mặt thì cũng phải sang nhà người ta lạy người ta mấy lạy. Chứ biền biệt như vậy làm khổ thày u, làm khổ cái Ngân, làm khổ nhà người ta. Mà anh có gặp em thì nhờ anh nói với em như thế. Quên mất chưa hỏi thăm. Thế chứ anh quê ở đâu ta?
- Dạ cháu ở… ở Ninh Bình.
- Cũng xa đấy. Các cụ nhà ta có khỏe không?
- Dạ. Bố mẹ cháu vẫn khỏe. Cháu tin là anh Bắc không phải là người như hai bác nghĩ đâu.
- Chúng tôi cũng mong như thế. Chỉ nhờ anh có gặp em nó thì nói giúp chúng tôi mấy lời.
Chú bộ đội im lặng. Hai tay chú ấy hết đan vào nhau lại gỡ ra. Gỡ ra rồi lại đan vào nhau. Hình như chú ấy cũng khó nói. Tôi còn trẻ con nên chưa hiểu hết những điều u tôi vừa nói. Tôi giật giật vạt áo u tôi ý bảo u đừng nói nữa. Chú ấy từ xa đến lại chẳng thân thích gì, u nói thế không sợ người ta thấy ngại à? Chuyện nhà mình thế mà u cứ nói thôi dài, thật chẳng hay ho gì.
- Thôi cháu phải đi rồi. Tiếc là không gặp được bác trai.
- Anh đã đến thăm chúng tôi thì anh cũng ở lại ăn với chúng tôi bữa cơm nhạt. Anh về luôn chúng tôi sao đành.
- Dạ. Cháu cám ơn nhưng đúng là cháu phải đi cho kịp chuyến xe chiều. Từ đây về… về chỗ cháu cũng…
- Anh đòi đi thật ư?
Chú bộ đội đứng dậy. Chú luống cuống buộc dây chiếc ba lô. Những ngón tay run run. Nước da trên khuôn mặt vốn xanh nhờn nhợt giờ bạc phếch hẳn đi. U tôi đưa tay giữ lấy hai bàn tay của chú ấy. Mắt u nhìn chăm chăm vào đôi găng tay.
- Anh có đôi găng tay quen lắm.
Chú bộ đội giật thót người. Chú định như muốn giấu đôi bàn tay đang xỏ đôi gang tay bằng len màu tím. U tôi vẫn không rời ánh mắt.
- Cháu. Cháu xin lỗi. Đôi găng tay này anh Bắc đã… trao cho… trao cho cháu… Cháu nghe anh ấy nói rằng đôi găng tay này được đan từ chiếc áo len cộc tay của bác. Bác đã gỡ áo mình đang mặc để lấy len đan đôi găng tay này.
- Cái Ngân nó đan đấy. Nó thức cả đêm để đan cho kịp đưa thằng Bắc lúc nó lên huyện tập trung. Cái Ngân nó bảo: Để khi gió lạnh anh xỏ vào cho ấm, để anh nhớ hơi mẹ và nhớ em.
- Cháu xin lỗi. Cho cháu được giữ đôi găng tay này ạ. Anh Bắc đã trao cho cháu... trước lúc anh ấy… anh ấy hy… hy sinh.
- Anh bảo sao? Thằng Bắc nhà tôi hy sinh rồi ư? Tôi không tin. Con Ngân cũng không tin. Hy sinh thì xã phải làm lễ truy điệu chứ. Xã không làm lễ truy điệu tức là nó còn sống.
- Anh ấy… hy… sinh rồi. Hai bác động viên cô Ngân đi lấy chồng đi. Cháu đi đây. Cho cháu chào bác trai.
Chú bộ đội khoác ba lô lên lưng. Chú quay người rất nhanh bước ra ngoài sân. Chú đi vội ra đầu cổng. Những bước chân dứt khoát với gót chân nhấc cao. Nhìn bước đi ấy tôi nhớ đã nhiều lần u tôi bảo tôi: Mày là con trai gì mà bước một bước là kéo dép lẹt xẹt. Phải bước đi như anh Bắc mày ấy. Anh mày đi bước nào dứt khoát bước ấy.
- Bắc ơi!
Bất chợt u tôi gào lên rất to. Chú bộ đội đã ra tới cổng. Nghe tiếng u tôi kêu chú bỗng khựng lại. Ngập ngừng mấy giây rồi chú ấy lại bước tiếp những bước chân gót nhấc cao.
- Bắc ơi! Ở nhà đi con. U đẻ ra anh, u biết. Anh có thay hình đổi dạng hay tàn tật như thế nào u vẫn nhận ra. Thằng Nam đâu? Mày chạy nhanh ra ủy ban gọi thày mày. Nhớ qua gọi chị Ngân nữa. Anh Bắc mày đã về. Thằng Bắc đã về rồi ông ơi.
3-4-2020
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN