Nội dung tư tưởng của các công trình, tác phẩm ấy có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân…

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt 5 vừa được tổ chức ngày 20-5-2017 tại Hà Nội đã để lại dư âm tốt đẹp với sự đổi mới mạnh mẽ nhằm tôn vinh sự lao động sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ.

Lần đầu tiên nhiều tác giả được xét duyệt bổ sung

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 về văn học-nghệ thuật đã được trao cho 18 tác giả, trong đó 10 tác giả được xét lần đầu và 8 tác giả được xét bổ sung, còn Giải thưởng Nhà nước được trao cho 95 tác giả, trong đó 67 tác giả xét lần đầu và 28 tác giả được xét bổ sung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xét tặng giải thưởng danh giá này, rất nhiều tác giả tên tuổi đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lần xét duyệt bổ sung như: Nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSND Trần Bảng và nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng.

leftcenterrightdel
Các tác giả chia sẻ niềm vui trong ngày nhận giải thưởng cao quý về văn học-nghệ thuật do Nhà nước trao tặng. Ảnh: CHÂU XUYÊN 

Sở dĩ có việc xét bổ sung như vậy là do quá trình xét giải năm nay có nhiều công trình, tác phẩm có giá trị và ảnh hưởng lớn đối với công chúng trong nhiều năm qua nhưng vì thiếu một vài tiêu chuẩn hoặc một số giấy chứng nhận theo quy định nên đã bị loại trong lần xét đầu tiên. Sau khi nhận được đơn phản hồi từ một số gia đình như: Cố nhà thơ Xuân Quỳnh, cố nhạc sĩ Thuận Yến, cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên… thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng bổ sung cho 8 tác giả về Giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 tác giả về Giải thưởng Nhà nước. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ VH-TT-DL phối hợp với Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng rà soát, xem xét cụ thể thành tích của các tác giả trên cơ sở mức độ cống hiến đối với xã hội, yếu tố lịch sử, bảo đảm sự tôn vinh, công bằng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) cho biết, so với các đợt trước thì đợt này có một số điểm mới trong việc xét giải thưởng, đó là các hội đồng thực hiện xét duyệt theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trước đây làm theo Thông tư số 23/2007 của Bộ VH-TT-DL. Theo quy định mới thì tất cả các tác giả có hồ sơ gửi lên xét duyệt phải thực hiện theo 3 cấp: Hội đồng cơ sở (cấp tỉnh), Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (gồm 9 hội đồng về các lĩnh vực: Văn học, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian) và sau đó trình lên Hội đồng cấp Nhà nước thông qua 3 cấp: Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước. Tất cả các tác phẩm không đạt từ 90% trở lên số phiếu đồng ý của các thành viên trong hội đồng chuyên ngành xét duyệt thì không được trình lên cấp Nhà nước (trước đây chỉ yêu cầu đạt 75% số phiếu).

Theo đánh giá của các hội đồng xét tặng giải thưởng thì các tác phẩm, công trình văn học-nghệ thuật được giải năm nay thể hiện rất sâu sắc và có tính chuyên nghiệp cao về cách mạng, kháng chiến với nhiều góc độ khác nhau. Những tác phẩm được giải đã toát lên chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn của nền văn học-nghệ thuật trong thời đại Hồ Chí Minh, vừa kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc vừa mang được hơi thở, sức vóc của thời đại với nhiều sáng tạo mới mẻ, độc đáo.

Tôn vinh những giá trị đích thực

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật cho rằng: Giải thưởng đợt này được xét theo nghị định mới của Chính phủ, trong đó yêu cầu các tác phẩm đều phải đạt từ 90% trở lên số phiếu của các thành viên hội đồng thì mới được giải. Điều đó cho thấy, tất cả các tác giả được giải đều là những người rất tiêu biểu, rất xứng đáng, là những văn nghệ sĩ có bề dày cống hiến trong suốt hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, với những tác phẩm đặc biệt xuất sắc đã đi vào lòng công chúng mấy chục năm qua. Tôi cho rằng, sự lan tỏa của các tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật đối với xã hội là rất lớn, bởi đó là những tác phẩm đã làm tăng thêm thành tựu cho nền văn học-nghệ thuật Việt Nam và có ảnh hưởng rộng lớn đối với công chúng. Việc tôn vinh các bậc lão thành sẽ khuyến khích, động viên lớp trẻ say mê sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Được biết, trong nhiều năm qua, Liên hiệp Các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) đã cố gắng phát huy hết trách nhiệm, chỉ đạo các hội chuyên ngành có nhiều cách vận dụng nghị định để bảo vệ từng tác phẩm, công trình có giá trị đích thực, nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo của văn nghệ sĩ. “Việc rà soát, xét duyệt tác giả, tác phẩm được tiến hành rất cẩn thận, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, tiêu chí của giải thưởng, có trường hợp hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần, bổ sung, chỉnh sửa, thuyết trình rất công phu... Chưa lần nào làm kỹ như lần này, không chỉ đối với các tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà cả Giải thưởng Nhà nước cũng đều được Liên hiệp bảo vệ đến cùng. Chúng tôi còn tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng làm sao đánh giá đúng những cống hiến của văn nghệ sĩ, có thể vận dụng hài hòa giữa nguyên tắc và tình hình thực tiễn để những tác phẩm, tác giả xứng đáng đều được tôn vinh”-nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì việc xét tặng giải thưởng đợt này, do thực hiện theo nghị định mới, “quy định cứng” tác phẩm phải đạt 90% số phiếu trở lên của các thành viên hội đồng xét giải khá khắt khe so với trước nên rất nhiều người trên các lĩnh vực chỉ thấp hơn khoảng 0,6-0,7% so với tiêu chuẩn mà không được tôn vinh. Cá nhân ông thấy tiếc cho những người tuổi cao, có nhiều cống hiến vẫn chưa được tôn vinh đợt này. Chính vì vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng việc Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định là đúng, được đông đảo văn nghệ sĩ hoan nghênh. Hơn nữa, vấn đề cơ cấu thành phần các hội đồng xét giải, nhất là các hội đồng cấp bộ và cấp nhà nước cần được xem xét, thay đổi để sự đánh giá, thẩm định được chính xác, không để sót các tác phẩm có giá trị.

Ông Phùng Huy Cẩn thì cho rằng, qua quá trình xét duyệt theo nghị định mới cũng cho thấy vẫn còn một số bất cập về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, đó là yêu cầu các tác phẩm phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm cấp quốc gia do Bộ VH-TT-DL tổ chức và các cuộc thi quốc tế. Thực tế có nhiều tác phẩm được các hội đồng đánh giá rất cao và có ảnh hưởng rộng lớn đối với công chúng nhưng lại chưa có giải thưởng mà bị loại. Bởi một số công trình, tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ đất nước có chiến tranh thì hơi khó có giải thưởng do điều kiện không tổ chức được cuộc thi, liên hoan ở quy mô quốc gia hoặc không gửi dự thi được tại các cuộc thi quốc tế… Sau buổi lễ trao tặng này, Vụ Thi đua-Khen thưởng sẽ có báo cáo tổng hợp tình hình xét tặng giải thưởng để sửa đổi nghị định theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó sẽ nghiên cứu để sửa đổi các tiêu chuẩn để xét giải thưởng này làm sao hài hòa giữa hai loại tác phẩm cần phải đủ tiêu chuẩn về giải thưởng qua các cuộc thi và tác phẩm không cần tiêu chuẩn về giải thưởng…

Chúng tôi tin rằng, với những đổi mới đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ càng có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần khích lệ các văn nghệ sĩ say mê lao động, sáng tạo ra nhiều công trình, tác phẩm có giá trị lớn đối với đời sống xã hội và phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

HÀ THANH MINH