Đón chiếc điện thoại từ tay con trai, ông Quỳnh gài cặp kính lão, nhướng mắt lên nhìn vào màn hình thấy rõ ảnh cháu nội mỉm cười trong bộ quân phục gọn gàng, đeo ba lô gài cái chiếu cá nhân gấp đôi dưới nắp, đôi quân hàm gắn phù hiệu học viên ngành quân y đỏ chói trên ve áo. Rồi cái ảnh Quang mặc bộ bảo hộ màu xanh hòa bình kín mít thì chỉ nhận ra đôi mắt và biểu tượng chữ V của hai ngón tay giơ lên giống y bố nó ngày chào ông lên đường nhập ngũ. Ông Quỳnh thốt lên:
- Ôi... Cháu tôi chững chạc ra phết! Đúng là con nhà lính, đồng đội với ông và bố nó rồi...
Anh Quảng nhay nháy đôi mắt mỉm cười:
- Đợt này có cả cháu Trang, bạn gái cu cậu, là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Hà Nội cùng đi nhưng được phân công làm ở Bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Dương. Hai đứa cùng viết đơn xung phong vào chống dịch đấy ông ạ!
Xem ảnh cháu, ông Quỳnh bồi hồi nhớ về những kỷ niệm một thời chinh chiến cùng gia tài người lính là chiếc ba lô và khẩu súng AK-47...
Đang học cấp 3 phổ thông, chàng trai thư sinh vùng quê lúa hăm hở cùng các bạn viết đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được bổ sung vào Mặt trận B5 tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, chiến dịch mùa xuân giải phóng tỉnh Quảng Trị, rồi chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong một trận chiến đấu ác liệt bảo vệ chốt ngã ba Long Hưng, cửa ngõ phía đông bắc thị xã Quảng Trị, ông bị thương nặng phải rời trận địa về tuyến sau và điều trị tại hậu cứ sư đoàn ở Cam Lộ. Hơn hai tháng điều trị nhưng không lấy được mảnh đạn pháo nằm trong đầu và bên sườn trái nên ông phải trở ra miền Bắc điều trị tiếp, xuất ngũ về quê với gia tài là chiếc ba lô thủng bên sườn trái đã được cô y tá vá giúp ở trạm phẫu. Vừa vá, cô vừa tủm tỉm: “Anh may đấy. Nếu không có chiếc ba lô hứng mảnh pháo như thế này thì anh sẽ lĩnh trọn là cái chắc". Ông bẽn lẽn gật đầu: “Có lẽ thế, đồng chí y tá ạ". Ổn định vết thương, ông xuất ngũ về quê nhà. Bố mẹ mừng lắm, giục ông xây dựng gia đình để có cháu bế. May mắn gặp được cô gái cùng thôn dịu hiền, đẹp nết kém ông một tuổi, bố mẹ ông rất ưng ý bởi theo các cụ: “Gái hơn hai, giai hơn một" lấy nhau là tốt. Vợ chồng làm nông nghiệp, sớm khuya cấy lúa trồng rau, nuôi gà lợn... rồi hai đứa con lần lượt ra đời. Ông đặt tên con trai là Quảng để nhớ về nơi những năm chiến đấu và cô con gái là Thái, tỉnh Thái Bình quê ông.
Quảng chưa học xong phổ thông trung học thì xảy ra chiến tranh biên giới. Năm 1990, anh tốt nghiệp phổ thông trung học và nằng nặc xin bố mẹ cho phép nhập ngũ. Là đối tượng thuộc diện được tạm hoãn nhưng ông thấy con đầy nhiệt huyết ở độ tuổi như ông ngày nào và rất quyết tâm nên đồng ý. Sau thời gian ngắn huấn luyện, anh được biên chế về đơn vị thuộc Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang với lời thề: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh-một trong 3 anh hùng được UBND tỉnh Hà Giang quyết định đặt tên cho đường phố ở TP Hà Giang. Tuy mặt trận đã tạm ngưng tiếng súng nhưng đơn vị của anh còn rất nhiều việc phải làm, nhất là xác định tọa độ các chốt trên điểm cao, trong hang đá, dưới khe suối sâu... để tìm kiếm những chiến sĩ đã hy sinh còn nằm lại ở đâu đó. Nguy hiểm nữa là còn rất nhiều mìn gài trên đường mòn, trên các cao điểm... mà các chiến sĩ công binh đang dò tìm, tháo gỡ. Đã có một số chiến sĩ thương vong do dính mìn, trong đó có anh Quảng khi cùng tiểu đội lên cao điểm 453 đưa hài cốt các chiến sĩ về nơi quy tập, nhưng rất may, cũng nhờ có ba lô hứng trọn mảnh nổ của quả mìn ở cự ly gần nên anh chỉ bị thương nhẹ ở phần mềm sau lưng...
Hoàn thành nhiệm vụ người lính, anh Quảng thi đỗ vào học Trường Trung cấp Kỹ thuật Cơ khí-Thủy lợi (Thái Bình). Sau mấy năm đèn sách, tốt nghiệp, anh vào làm việc tại sở thủy lợi tỉnh nhà. Quang là con trai lớn của vợ chồng anh Quảng và là cháu đích tôn của ông Quỳnh. Mỗi lần ông mang bộ quân phục và hai cái ba lô có miếng vá ra giặt, phơi, cu cậu lại đến bên phụ giúp và hỏi đi hỏi lại về miếng vá trên ba lô rồi trầm ngâm:
- Ông ơi. Khi nào lớp cháu đi tham quan dã ngoại, ông cho cháu mượn ba lô này nhé!
Ngạc nhiên nhìn cháu rồi ông mỉm cười:
- Nếu cháu thích thì ông sẽ cho mượn.
Nghe ông nói, cu cậu mừng rơn:
- Ông hứa rồi đấy nhé! Lớn lên, cháu cũng sẽ đi bộ đội như ông và bố cháu ạ!
Và cu cậu quyết định đăng ký rồi thi đỗ vào Học viện Quân y. Khi nhập học được phát ba lô, quân trang mới, cu cậu chụp luôn mấy kiểu ảnh gửi về khoe ông bà và cả nhà... Bước vào năm học cuối cùng khi cả nước gồng mình đồng lòng chống dịch Covid-19, Quang xung phong cùng các bạn học viên vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Khi có quyết định chính thức, Quang mới báo cho ông bà, bố mẹ biết và mong mọi người thứ lỗi. Ông rất hài lòng với quyết định của đứa cháu đích tôn và ông hiểu ra rằng, cháu của ông đã thực sự trưởng thành, đã biết sẻ chia gian khổ khó khăn, đồng cam cộng khổ với mọi người khi họ cần đến...
Buổi tối hiếm hoi lúc công việc sau một ngày căng thẳng tạm ổn, Quang tranh thủ gọi điện về hỏi thăm tình hình cả nhà. Nhìn vết hằn của miếng kính chắn giọt bắn, của quai đeo khẩu trang in trên khuôn mặt hơi gầy nhưng nét cười cùng giọng nói rắn rỏi của cháu khiến ông Quỳnh rất tin tưởng, tự hào. Biết tình hình ông bà, bố mẹ và cả nhà ở quê đều bình thường nên Quang rất yên tâm. Cậu giành hết phần để nói về những khó khăn, vất vả của nhân dân, nhất là sự thiệt thòi của các em nhỏ ở khu cách ly, khu điều trị Covid-19 phải tạm xa lớp học khi tiếng trống trường khai giảng năm học mới đã được Chủ tịch UBND thành phố gióng lên một hồi dài. Quang nhắc cả nhà yên tâm, không phải lo cho cậu và hứa khi nào chiến thắng dịch bệnh thì cậu mới hoàn thành nhiệm vụ trở về. Quang háo hức:
- Ngày trước, ông giành chiến thắng giải phóng tỉnh Quảng Trị và chỉ đến khi bị thương mới trở ra Bắc xuất ngũ về quê. Bố cháu giành chiến thắng ở biên giới mới chuyển ngành về đi học. Nay cả nước đồng lòng chung sức “chống dịch như chống giặc" nên khi nào “giặc" tan thì chúng cháu mới trở về trường...
Ông Quỳnh ngắm nhìn hai chiếc ba lô bạc màu với miếng vá gọn ghẽ cùng bộ quân phục cũ xếp trong ngăn tủ và nhận ra rằng: Tài sản của bố con ông-những người lính không chỉ là chiếc ba lô, cây súng mà còn là cả thế hệ các con cháu được nuôi dưỡng chu đáo đang tiếp bước ông cha không nề hà bất cứ việc gì, phấn đấu để “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng...”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho tất cả mọi người. Bất chợt ông khe khẽ ngân nga: Cuộc đời chiến sĩ giản dị thật đáng yêu/ Một chiếc ba lô, một khẩu súng trường, một ngôi sao trên mũ...(*)
Những ngày chống dịch Covid-19, tháng 9-2021
Truyện ký của KHÚC VĂN QUÝ
(*) Lời bài hát “Trái tim chiến sĩ", sáng tác: Trần Viết Được