Tuổi đã cao, dáng đi chậm chạp, ông mở cửa đón tôi với nụ cười rất mực đôn hậu. Bên chén chè xanh, ông chầm chậm kể về những năm tháng hoạt động cách mạng trong vùng địch, về những ký ức không thể quên và về nguyên mẫu nhân vật cô du kích bị địch sát hại trong bài thơ “Quê hương” nổi tiếng:
- Đó là một câu chuyện khá dài. Tôi viết bài thơ này năm 1960, khi đang hoạt động trên căn cứ Trung ương Cục (tỉnh Tây Ninh). Lúc bấy giờ, vợ tôi tham gia kháng chiến trong vùng địch ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Một buổi chiều cuối năm 1958, sau khi dự giao ban Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục, cơ sở báo tin lên, vợ con tôi đã bị địch bắt. Thông tin khá chi tiết. Bọn địch tra trấn vợ con tôi rất dã man, không từ thủ đoạn nào. Con tôi còn quá nhỏ, chúng không hỏi được gì nên tách hai mẹ con, dùng những lời ngon ngọt về tình mẫu tử hòng khai thác thông tin cơ sở cán bộ nằm vùng nhưng vợ tôi nhất mực không khai. Bọn địch cay cú, thủ tiêu đứa trẻ, bắt vợ tôi đem nhốt tại Nhà tù Phú Lợi (Bình Dương) để hòng tìm cách khai thác tiếp. Nhưng cô ấy vẫn giữ nguyên lời khai là vợ của anh Giải phóng quân, chỉ là du kích trong vùng, ngoài ra không biết gì thêm. Không còn cách nào khác, chúng giả vờ thả vợ tôi. Khi cô ấy vừa ra khỏi cánh cổng nhà tù, chúng xả súng giết hại rồi đem thi thể quăng ở một nơi nào đó để bà con trong vùng không thể đưa em về chôn cất.
    |
 |
Nhà thơ Giang Nam và tác giả bài viết. Ảnh: HOÀNG NAM |
Chiều cuối năm, cơ quan đang chuẩn bị đón Tết chiến khu. Nhận được hung tin, Giang Nam cố tỏ ra trầm tĩnh. Ông vẫn tổ chức, phân công người đi cắt lấy lá dong, chẻ lạt để gói bánh chưng, người thì tỏa các ngả núi kiếm tìm mai vàng, người viết câu đối, người lội xuống suối đơm cá, người trang hoàng bàn thờ Tết. Phân công nhiệm vụ cho từng tổ xong, Giang Nam lánh ra sau, để mặc cho nước mắt cứ thế trào ra, nấc lên đau đớn. Ông thầm thì: “Vợ ơi, con ơi, hãy thứ lỗi cho anh, cho bố khi chưa thể rời chiến khu để về nhà lo hậu sự cho hai mẹ con”.
Trong lòng đau đớn nhưng điều Giang Nam khó nghĩ nhất là có nên thông báo cho đồng đội trong cơ quan biết hay không? Thông báo ngay thì đồng đội mất vui trong ngày Tết, mà giữ trong lòng thì phải giấu nỗi đau quá lớn này, ông e không làm nổi. Sau trấn tĩnh lại, ông thầm nghĩ miền Nam lúc này không khác gì một nhà tù lớn, địch lê máy chém giết hại đồng bào, chiến sĩ, đâu đâu cũng thấy cảnh đồng bào mình bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn và thủ tiêu. Đồng đội mình, rất nhiều đồng chí sa vào tay giặc, hy sinh mà không tìm thấy xác. Và có rất nhiều đồng chí có người thân bị địch sát hại. Nghĩ đến đây, ông quyết định chờ qua mấy ngày Tết rồi mới thông báo và lập bàn thờ vợ con mình. Nỗi đau sâu thẳm trong lòng cứ cào cấu tâm can ông.
Đêm ấy tổ chức đón Giao thừa, Giang Nam vẫn phát biểu, động viên đồng đội rằng kháng chiến còn dài, Tổ quốc phó thác vào mỗi người lính chúng ta, Tổ quốc sống hay chết đều do mỗi người lính, mỗi đồng bào chúng ta bền bỉ chiến đấu cho đến ngày đất nước được độc lập, non sông thu về một mối. Quán triệt, động viên anh em là vậy nhưng trong lòng ông niềm đau chất chứa...
Ba ngày Tết trôi qua trong chậm chạp, cả đêm Mồng Ba, ông nghĩ cách thông báo sao cho mọi người khỏi đột ngột. Nhưng sáng Mồng 4 Tết, cấp trên cho người đến thông báo, qua xác minh lại thông tin thì có sự nhầm lẫn về trường hợp hy sinh của vợ con ông. Vợ con ông bị địch bắt nhưng tổ chức đã tìm thuê được luật sư giỏi ở Sài Gòn bào chữa. Và may mắn thay, trước những lý lẽ của luật sư, chính quyền Mỹ-Diệm buộc phải trả tự do cho vợ con ông. Giang Nam nghe thông báo mà không tin vào tai mình, cảm giác như vừa được sinh ra lần nữa...
Tôi lựa lúc ông lặng đi, hỏi khẽ: “Thưa bác, như vậy thì nhân vật “cô bé nhà bên” trong bài thơ “Quê hương” không phải là bác gái nhà mình, phải không ạ?”. Ông trầm ngâm nói: “Cậu cứ từ từ, tôi kể. Chúng tôi, những người miền Nam đi làm cách mạng, cứ tưởng năm 1956 đất nước sẽ thống nhất theo Hiệp định Geneva. Đâu ngờ Pháp rút thì Mỹ vào, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Chính quyền của Mỹ-Diệm độc ác, dã man gấp vạn lần chính quyền tay sai của Pháp trước đó... Chuyện năm 1958, tôi nhận hung tin về vợ con, sau kiểm tra lại thì thông tin đó sai, nhưng những chuyện tương tự thì có thật và nhiều lắm. Máu của cán bộ, đảng viên, du kích và đồng bào miền Nam đổ rất nhiều vì chính sách tàn bạo tố cộng, diệt cộng của Mỹ-Diệm”.
Cuối tháng 5-1959, từ trong căn cứ, Giang Nam nghe tin về vụ giặc thảm sát hàng trăm người dân vùng Vị Thanh-Hỏa Lựu thuộc tỉnh Hậu Giang. Chúng giết đồng bào bằng nhiều hình thức dã man như moi gan lấy mật, chặt đầu, khoét hậu môn rút ruột rồi xô cho chạy, mổ bụng lấy thai để diệt cộng sản từ trong trứng, xâu tay hàng chục người xô xuống sông... Trái tim người chiến sĩ, thi sĩ trải qua bao đớn đau, căm hận khi đón nhận hung tin về người thân, đồng đội, bị dồn nén cảm xúc bỗng bật lên những câu thơ đầu tiên, rất tự nhiên, mộc mạc: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ “Ai bảo chăn trâu là khổ?”/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao/ Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được.../ Chưa đánh roi nào đã khóc!/ Cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích...
Giang Nam tiết lộ: “Cô bé nhà bên” là hình ảnh vợ tôi. Mỗi lần nghe về một vụ địch giết hại đồng bào, tôi lại nhớ đến vợ con mình. Vợ tôi cũng hoạt động cách mạng, phải lánh xa Nha Trang vào Nam hoạt động khi cơ sở bị lộ. Tôi lấy hình ảnh vợ bị giặc bắt và hình ảnh đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới ách Mỹ-Diệm để viết nên “Quê hương”. Câu chuyện trong đó, phần lớn là của chúng tôi: Cách mạng bùng lên/ Rồi kháng chiến trường kỳ/ Quê tôi đầy bóng giặc/ Từ biệt mẹ tôi đi/ Cô bé nhà bên (có ai ngờ)/ Cũng vào du kích/ Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích/ Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)/ Giữa cuộc hành quân không nói được một lời/ Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại/ Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
Dòng hồi tưởng trong ông lại ngược về năm 1954, sau Hiệp định Geneva, mở ra một thời kỳ hòa bình tạm thời trên đất nước ta: Hòa bình tôi trở về đây/ Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày/ Lại gặp em thẹn thùng nép sau cánh cửa/ Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ/ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi)/ Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi/ Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng, rồi Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh, chết nửa con người/ Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi... Ông bảo “đau lắm bạn ơi, nỗi đau này là nỗi đau riêng và cũng là nỗi đau chung của đồng bào, đồng chí. Những câu thơ tôi viết ra rất đỗi tự nhiên, viết ra từ chính tâm sự mình khi nhận thông tin về vợ con năm 1958”.
Theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Giang Nam tiếp tục ở lại hoạt động tại Trung ương Cục miền Nam. Vừa lãnh đạo, chỉ huy anh em văn nghệ sĩ hoạt động, ông vừa trực tiếp dùng ngòi bút chiến đấu. Trong khoảng thời gian này, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ như: “Tháng tám ngày mai” (1962); “Người anh hùng Đồng Tháp” (trường ca, 1969); “Vầng sáng phía chân trời” (1978); “Hạnh phúc từ nay” (1978); “Thành phố chưa dừng chân” (1985); “Ánh chớp đêm Giao thừa” (trường ca, 1998); “Mầu nhiệm” (1999) và rất nhiều tác phẩm khác. Nhưng ắt hẳn “Quê hương” là bài thơ “đắt” nhất trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
Nhà thơ Giang Nam tâm sự: “Trong mỗi chúng ta ngày hôm nay đều có một phần Tổ quốc. Phải biết gắn bó và san sẻ, phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở thì mới làm nên Tổ quốc muôn đời. Yêu Tổ quốc, yêu quê hương đất nước đâu có gì là khó. Yêu những gì giản dị, cao đẹp của một người công dân chân chính là đã góp phần yêu Tổ quốc. Tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối mạch nguồn cha anh, làm nên Tổ quốc chúng ta mãi trường tồn”.
HOÀNG HẢI LÝ