QĐND - Bỏ qua những “định kiến” về sân khấu kịch xã hội hóa, những ngày vừa qua, nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa từ phương Nam đã đưa đến người làm sân khấu Việt Nam cũng như đông đảo khán giả Thanh Hóa những vở diễn sâu sắc và ít nhiều để lại dấu ấn nghệ thuật trong Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, năm 2015 (diễn ra tại Thanh Hóa từ 21-6 đến 6-7).

Cảnh trong vở diễn “Cổ tích một tình yêu” của Công ty TNHH Nụ Cười Mới.

 

Những thông điệp từ cuộc sống

Trong 19 đoàn nghệ thuật tham gia cuộc thi lần này, có tới 8 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tham gia-con số được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay đối với loại hình nghệ thuật sân khấu kịch nói. Nổi bật trong đó là 7 đơn vị đến từ phía Nam, gồm: Công ty TNHH Nụ Cười Mới, Công ty TNHH nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo, Công ty CP DVTTQC Sài Gòn Phẳng, Công ty CP đầu tư giải trí Phước Sang, Công ty CP Khánh Vương, Công ty TNHH biểu diễn nghệ thuật Ước mơ xanh và Nhà hát Thế giới trẻ (trong số này có đoàn diễn hai vở). Theo đánh giá của Ban tổ chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn), trước khi vào cuộc thi, BTC đã xem các đoàn diễn nhằm “sàng lọc” các vở, hạn chế các vấn đề sốc, sex, sến… trên sân khấu của các đoàn xã hội hóa phía Nam.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, điều bất ngờ của các đoàn xã hội hóa phía Nam đưa vở diễn tham gia cuộc thi này là tư duy đổi mới đối với nghệ thuật sân khấu. Hầu hết các vở diễn có chất lượng nghệ thuật, nội dung phong phú. Từ kịch bản, cách dàn dựng và diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên đã đưa đến cái nhìn mới mẻ, dù vẫn giữ phong cách của đoàn xã hội hóa-diễn vở là để tìm kiếm doanh thu. Vẫn là hài kịch, hay kinh dị… nhưng sau mỗi nụ cười, người xem chiêm nghiệm về nhân tình thế thái qua tài năng diễn xuất của diễn viên. Đặc biệt, lối diễn xuất của các nghệ sĩ phía Nam cũng mang đến sự cảm nhận, rằng họ đang rất nhiệt huyết với nghề, đam mê với sân khấu dù họ là những gương mặt rất quen thuộc trên truyền hình, các gameshow… được đông đảo công chúng biết đến.

Khán giả trong những buổi diễn của các đoàn phía Nam cũng đông hơn hẳn so với các đoàn phía Bắc. Trên sân khấu, sau mỗi cảnh vở “Cổ tích một tình yêu” của Công ty TNHH Nụ Cười Mới là những tràng vỗ tay, tung hô của khán giả. Chỉ chưa đầy 10 nghệ sĩ, nhưng với sự xuất hiện của nghệ sĩ tên tuổi Hoài Linh và Chí Tài cũng khiến “Cổ tích một tình yêu” “hot” từ mấy ngày trước qua tấm pa-nô quảng cáo trước cửa rạp. Chuyện kịch kể về chàng giám đốc con nhà giàu, mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai ở tận bên Mỹ, nên từ bé cậu luôn sống một mình trong tòa nhà rộng lớn. Đầy đủ vật chất, nhưng cậu luôn khát khao một mái ấm gia đình có cha, có mẹ. Trong công ty của cậu có cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, nhà nghèo, quê ở tận Bình Định, nhưng cậu luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc của cô qua những cuộc điện thoại về cho gia đình. Cậu nảy ra ý định hoán đổi chức giám đốc cho cô nhân viên nghèo, khi ngỏ lời bảo cô mời bố mẹ lên Sài Gòn chơi, ở trong ngôi nhà to lớn của cậu… Vào vai bố cô sinh viên, nghệ sĩ Hoài Linh cùng ông bạn “nối khố” Chí Tài từ vùng quê nghèo lên Sài Gòn hoa lệ đã mang bao câu chuyện, cuộc sống của người dân tỉnh lẻ qua những màn tung hứng khiến khán giả cười ra nước mắt… Và “Cổ tích một tình yêu” với kết thúc lãng mạn khi đôi bạn trẻ đến với nhau trong niềm vui của dân làng vùng quê Bình Định.

Nghệ sĩ Vũ Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Nụ Cười Mới chia sẻ, để đưa vở diễn và ê kíp nghệ sĩ (15 người) ra tham dự cuộc thi là cả một sự cố gắng lớn. Bởi vở diễn quy tụ hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi của TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Hoài Linh có lịch làm giám khảo, MC của một số chương trình truyền hình, gameshow…; nghệ sĩ Chí Tài cũng “sô” lớn, “sô” bé. Vậy nhưng khi ngỏ lời đưa vở diễn đi dự thi, các nghệ sĩ đã nhận lời ngay, cũng vì lòng đam mê nghệ thuật sân khấu. “Cuộc sống bây giờ có quá nhiều khó khăn, rắc rối, nên các nghệ sĩ làm sân khấu phía Nam như Long chỉ muốn mang tới khán giả những nụ cười nhẹ nhàng. Sau một ngày làm việc căng thẳng, khán giả đến xem vở diễn, cười một chút, buồn một chút để xả căng thẳng bằng những câu chuyện rất nhẹ nhàng từ cuộc sống được nghệ sĩ chuyển tải lên sân khấu. Nếu cứ gồng mình quá để diễn những điều đao to búa lớn, khán giả sẽ thấy mệt mỏi, bởi phần đông khán giả của sân khấu phía Nam vẫn là những con người lao động bình thường; xa hơn chút là những khán giả vùng nông thôn trong những đợt lưu diễn. Họ cần những câu chuyện, vở kịch đời thường, gắn liền với cuộc sống của họ”-Vũ Văn Long bày tỏ.

Minh Béo phát tờ rơi quảng bá vở diễn “Sông chờ” trước sảnh Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa.

 

Tìm sự đồng hành trong công chúng

Diễn viên Hồng Quang Minh (nghệ danh Minh Béo), Giám đốc Công ty TNHH nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo ngay từ sáng sớm của ngày biểu diễn vở kịch “Sông chờ” (diễn ra 20 giờ ngày 23-6) đã cùng các nghệ sĩ của vở diễn đứng trước sảnh Nhà hát Lam Sơn để phát tờ rơi và vé mời cho khán giả. Minh Béo cho biết, muốn khán giả đến với mình, yêu quý sân khấu của mình thì chẳng ai hơn ngoài mình phải đi tìm công chúng và sự đồng hành của công chúng. Mặt khác, trên cương vị là lãnh đạo công ty, kiêm tác giả, kịch bản, đạo diễn, diễn viên… cho đến chỉnh ánh sáng, phông màn sân khấu, Minh Béo muốn kéo gần khoảng cách của người sáng tạo với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của vở diễn.

Là đơn vị xã hội hóa, nên hầu hết các đoàn phía Nam phải luôn di dời điểm diễn, sân khấu của Minh Béo cũng trong tình trạng như vậy. Thành lập được gần chục năm, nhưng Minh Béo nói sân khấu của mình chẳng khác nào “gánh hát rong”, được vài tháng lại bị đòi địa điểm. Hiện tại, sân khấu của Minh Béo đã tìm được địa chỉ duy trì (trong khoảng 3-4 năm) tại Trung tâm văn hóa quận 11. “Sân khấu nếu ở trung tâm thành phố thì có số lượng khán giả đông, thường xuyên. Nhưng cứ di chuyển nhiều, khán giả của mình lại nghĩ mình giải tán. Vậy là mỗi lần đổi địa điểm, lại phải đi tìm “nguồn” khán giả mới. Sân khấu cũng cần những đối tượng khán giả có học thức thì tay nghề nghệ thuật của anh em nghệ sĩ mới nâng cao, hướng đến các vở diễn có chất lượng được. Đằng này chúng tôi diễn ở các quận, huyện ngoại thành, khán giả hầu như là dân lao động, nên yêu cầu của họ cũng chỉ cần những vở diễn hài hước, nhẹ nhàng. Đó là nguyên do sâu sắc mà những đoàn xã hội hóa chưa thể có những vở diễn thực sự có giá trị nghệ thuật, tạo tiếng vang. Cũng may là sân khấu của Minh Béo vẫn được khán giả thương, vở diễn nào cũng thu hút được đông đảo người xem. Mục đích lớn nhất của Minh Béo khi mở ra sân khấu kịch là để nối dài những chương trình thiện nguyện của chương trình “Lục lạc vàng”, tạo “sân chơi” cho anh em nghệ sĩ, diễn viên, nên khi các vở diễn bù được chi phí đầu tư, Minh lại diễn phục vụ miễn phí các trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ em khó khăn… Do đó mà Minh làm mọi việc từ MC, đóng phim, event… kiếm tiền để “nuôi” sân khấu của mình”-Minh Béo chia sẻ.

Với giá vé dao động từ 80 nghìn đến 120 nghìn đồng/vé, hầu hết các sân khấu xã hội hóa phía Nam đều thu hút đông đảo khán giả, mà theo lời nghệ sĩ Hoài Linh, những “lãnh đạo” của sân khấu xã hội hóa như Minh Béo, Vũ Văn Long hay Ngọc Trinh, Phước Sang đã tạo “đất diễn” cho anh em nghệ sĩ, diễn viên sân khấu. Bản thân nghệ sĩ Hoài Linh cũng làm mọi công việc để kiếm tiền, nhưng luôn dành tình yêu đặc biệt cho sân khấu, dù mỗi vở diễn, thù lao của các “ông chủ” này trả chẳng là bao. Điều đó lý giải cho hiện tượng, những tên tuổi như Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Thành Lộc, Hoài Linh, Chí Tài… dù phải tất tả bươn chải mưu sinh nhưng vẫn đắm đuối trên sân khấu và sẵn sàng nhận lời tham gia các vở diễn. Họ đã tiếp thêm động lực lôi cuốn những gương mặt trẻ đến với nghệ thuật sân khấu kịch nói, cũng như kéo khán giả đến sân khấu ngày một đông hơn.

Còn đạo diễn trẻ (sinh năm 1977) Ngọc Trinh-Giám đốc Công ty TNHH biểu diễn nghệ thuật Ước mơ xanh lại cho rằng, được đến tham dự cuộc thi lần này là niềm vinh hạnh của các đơn vị xã hội hóa phía Nam cũng như Ngọc Trinh, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và đặc biệt là quảng bá sân khấu của mình. Mang vở diễn “49 ngày yêu”, vở diễn từng đoạt giải “Mai vàng” năm 2014, Ngọc Trinh đã có được sự nhìn nhận tôn trọng của giới làm sân khấu phía Bắc và bạn nghề phía Nam. Ngọc Trinh bày tỏ, tuy các đoàn xã hội hóa phải cạnh tranh rất nhiều, nhưng anh em trong nghề rất đoàn kết, chia sẻ cho nhau thông tin, giới thiệu nghệ sĩ, diễn viên… Ngày nay, trình độ của khán giả khá cao, nên đòi hỏi các nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa cũng phải đổi mới tư duy làm nghệ thuật, đầu tư nhiều hơn về nghệ thuật, nội dung vở diễn chứ không thể hời hợt như trước. “Nếu mình không nâng cao học thuật, nâng cao chất lượng vở diễn, mình sẽ tự đào thải mình, khán giả quay lưng với mình…”-Ngọc Trinh chia sẻ.

Bài và ảnh: HÀ ANH