Đang chìm đắm trong những cảm xúc hân hoan thì bỗng nhiên bên ngoài vọng vào tiếng gõ cửa liên tục. Tiếng động ấy phá tan không gian tĩnh lặng, êm đềm của căn phòng. Trong lòng tôi bỗng thấy bực tức, miệng lẩm bẩm: “Thật là chả ra làm sao! Trên cửa không phải là có chuông sao mà cứ gõ loạn lên thế?”. Tôi rảo bước về phía cửa chính, hít một hơi thở sâu cho đỡ bực, ghé mặt nhìn camera bên ngoài xem ai. Chỉ thấy có một người đàn ông lạ hoắc đứng đó, đầu tóc thì rối tung, trên mặt thì đầy bụi bặm và mồ hôi, lấm tấm bùn đất. Nhìn ông ta có vẻ như rất sốt ruột, lại xen chút khép nép e ngại.

“Ông ta là ai vậy? Tới đây có việc gì không biết?” Hàng loạt câu hỏi lóe lên trong đầu tôi. Tôi cảnh giác mở hé cửa, đồng thời cũng chuẩn bị tư thế đóng sập cửa bất cứ lúc nào. Ghé qua khe cửa, tôi hỏi vọng ra: “Ông cần tìm ai?”

Minh họa: Phạm Hà

Người đàn ông trông dáng vẻ khắc khổ ấy mặt bỗng nhiên đỏ lựng, ngượng ngùng. Tôi mở hẳn cửa, thấy ông run run lấy từ trong túi áo một bao thuốc lá nhăn nhúm, rút một điếu ra đưa ra trước mặt tôi mời tôi, nở nụ cười hiền từ xen lẫn ngại ngùng, mãi mới nói được mấy câu: “Đồng chí à, tôi là thợ xây làm ở ngay khu dân cư gần nhà cậu. Tôi muốn nhờ cậu giúp cho một việc, không biết cậu có thể giúp đỡ cho tôi được không?”.

“Việc gì? Ông nói đi?”, tôi đẩy đẩy điếu thuốc ra, hỏi ông ta nhưng trong lòng vẫn cảnh giác.

Thấy thái độ của tôi không có vẻ gì như muốn đuổi người khác đi cho khuất mắt cả, thế nên người đàn ông tỏ ra xúc động, liền nói luôn một lèo: “Việc là thế này, con trai tôi chuẩn bị nghỉ hè, nó nói muốn từ quê lên thành phố thăm tôi. Nó nói là muốn tận mắt xem được những căn nhà thật đẹp mà cha đã xây ở thành phố và muốn xem người thành phố sống thoải mái ra sao. Tôi đang nghĩ, sau khi con trai lên đây, tôi muốn nhờ cậu để tôi đưa con trai đến căn nhà của cậu, cậu cho phép cha con tôi vào nhà cậu để thăm quan một chút có được không? Nếu như con trai tôi nhìn thấy người thành phố ở trong những căn nhà mà cha nó xây đẹp biết nhường nào thì chắc hẳn trong lòng nó sẽ tự hào và hạnh phúc lắm! Không biết cậu có thể đồng ý giúp tôi được không? Tôi xây nhiều nhà lắm, nhưng tôi cũng chưa từng được thấy người thành phố sống trong những căn nhà ấy như thế nào, thế nên tôi rất khó để mô tả cho con trai biết rõ chi tiết. Nếu không được thì cậu cho tôi đi bên ngoài để cho cháu xem, nhưng tôi cũng nghĩ là cháu cảm thấy tiếc nuối vì không được thỏa mong ước của mình”. Người thợ xây nói một lèo tâm sự của mình, ánh mắt nhìn tôi với vẻ rất hy vọng tôi sẽ đồng ý, ánh mắt lộ rõ vẻ rất sốt ruột và mong muốn tột cùng.

Tôi như chợt bừng tỉnh. Hóa ra người cha thợ xây này đến đây là vì muốn cho người con ở quê được tận mắt nhìn thấy những “kiệt tác” của mình nơi thành phố, thật là một người cha chu đáo. Tôi cũng là một người cha, trong công việc cũng có chút thành tích, cũng đã từng có bài phát biểu trên những trang báo. Chẳng phải những lúc như vậy tôi cũng mong muốn được khoe ngay với con mình sao. Đó là vinh dự và tự hào của người làm cha mà. Nghĩ đến đó, để không phụ tấm lòng của người cha thợ xây ấy, tôi đã không một chút do dự chấp nhận luôn lời thỉnh cầu của ông.

Người cha thấy tôi đồng ý một cách vô cùng thoải mái, ông xúc động quá, miệng không ngớt lời cảm ơn tôi: “Cảm ơn! Cảm ơn! Cậu thật là người tốt, tôi đi hỏi bao nhiêu nhà, người ta vừa nghe tôi nói mang con đi xem nhà họ, có người thì chả nói câu nào đóng sầm cửa lại, có người thì hăm dọa tôi, lại có người bảo tôi não có vấn đề, có người thì theo dõi tôi, nghi ngờ tôi là người xấu, cứ nhìn theo tới lúc tôi đi vào công trường xây dựng mới thôi. Ơn giời, hôm nay tôi được gặp cậu, thật là tốt quá rồi!” . Ánh mắt người cha ngời sáng, khuôn mặt ông hiện rõ một niềm vui đong đầy.

Mấy ngày sau, người cha thợ xây ấy quả nhiên dắt theo đứa con trai tới nhà tôi. Đứa bé khoảng tầm 13, 14 tuổi, da ngăm đen nhưng trông có vẻ khỏe mạnh. Cậu bé có đôi mắt rất sáng và thông minh. Nhìn thấy tôi, cậu như có vẻ ngại ngùng. Tôi lấy tay xoa xoa tóc cậu, ân cần tiếp đón. Thấy thế, cậu bé cũng bớt căng thẳng. Cha cậu bé đứng bên cạnh, khuôn mặt đầy vẻ khiêm tốn, e dè, ông nói với tôi: “Cháu ở quê lên, còn chưa biết gì, có gì mong cậu bỏ qua cho!”

Hai bố con đổi đôi dép trong nhà tôi vừa đưa cho, rón rén bước. Có thể là lần đầu tiên được đi trên nền nhà lát gỗ, họ cứ như sợ làm nền gỗ bị đau vậy, mỗi bước đi đều rất chậm rãi, lại hết sức nhẹ nhàng. Lúc này tôi nhìn thấy họ, một bàn tay lớn nắm chặt một bàn tay bé, cả hai dường như vừa rất cẩn trọng lại xen lẫn đôi chút ngượng ngùng. Người làm cha dường như muốn cố gắng hết sức để tỏ ra mình là lão luyện và thành thục. Tôi thấy ông vừa khom khom lưng vừa giảng giải cho con trai hiểu: “Nhà của chú đang ở đây chính là do công ty xây dựng của bố làm. Ngày đó, khi xây ngôi nhà này, bố phụ trách công việc trát tường. Con đừng có coi thường công việc trát tường này nhé, nó đòi hỏi phải thật cẩn thận, từ tay cho đến mắt, không chấp nhận có bất kỳ sai sót nào đâu. Con xem, hồi đó lúc bố trát bức tường này, trên mặt tường để một khoảng trống thông ra ngoài, mục đích là vận chuyển gạch, xi mặt vôi vữa cho tiện lợi khi xây dựng, đến lúc xây xong cả ngôi nhà thì sẽ trát lại. Bố dám chắc rằng con sẽ không nhận ra phần trát đó ở đâu đâu nhé! Ồ, đúng rồi, bố cũng đã từng thi đỗ lớp thợ trung cấp, hiện nay bố cũng là một thợ xây có văn bằng rồi đấy chứ, phải không con trai?”.

Cha của đứa trẻ, vừa giới thiệu một cách say sưa với cậu bé, vừa như lạc vào thời điểm mà ông đang xây dựng ngôi nhà. Có thể nhìn thấy rõ, ông đang cố gắng hết sức để mô tả chi tiết cho con trai nghe những gì ông đã từng trải qua nơi thành phố, để cho con trai mường tượng được rõ nét công việc tuyệt vời của ông. Người con nghe xong, cậu cứ liếc nhìn người cha liên tục, đôi mắt cậu lộ rõ sự tự hào và ngưỡng mộ. Chỉ thấy cậu, nắm thật chặt bàn tay của cha. Còn người cha, dáng đứng như thẳng hơn, đầy tự hào. Nhìn cảnh ấy, người đứng bên cạnh là tôi cũng không khỏi trào dâng trong lòng một cảm xúc ấm áp và ngọt ngào.

Một lúc sau, cha con họ đã xem xong căn nhà mới của tôi, cả hai cùng cúi đầu chào tôi. Bỗng nhiên, người cha đưa hai tay ra, bắt chặt lấy tay tôi, vô cùng cảm động nói: “Hôm nay, là ngày hạnh phúc nhất của tôi kể từ khi tôi vào thành phố đi làm thuê. Tôi có thể vào thăm nhà một người thành phố và cảm nhận được sự ấm áp của tình người nơi thành phố. Hạnh phúc này cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được!” Tôi nhìn trong mắt người cha, đôi mắt đang ngấn lệ.

Tôi không ngờ rằng, một việc hết sức bình thường và đơn giản đối với tôi là cho cha con họ vào thăm căn nhà mới của mình mà lại có thể làm cho người cha ấy vô cùng xúc động và hạnh phúc như vậy. Chính lúc này, tôi cảm nhận rằng, khoảng cách giữa tôi và người cha ấy như được thu gần lại, cả căn phòng như ấm áp hơn.

Hai cha con dắt tay nhau xuống tầng, chỉ thấy người con nói với người cha rằng: “Bố, bố thật giỏi, bố xây được ngôi nhà đẹp thế, người thành phố cũng thật là dễ chịu, nếu như cha con mình sống trong thành phố mà cũng được ở trong những căn nhà đẹp do bố xây như vậy thì thật tuyệt vời bố ạ!” Trong giọng nói của cậu bé vừa đầy sự hâm mộ xen lẫn niềm hy vọng. Người cha yêu thương vuốt ve mái tóc cậu bé, nói rằng: “Ngốc ạ, điều này sao có được chứ? Con đừng nghĩ xa vời như vậy. Bố nghĩ rằng, chỉ cần con ở nhà học thật giỏi, giúp bố, giúp bà làm được nhiều việc là tốt rồi con trai ạ!”.

Người con trai ngước lên nhìn cha, khuôn mặt ngây thơ, mạnh mẽ nói: “Sao lại không được cơ chứ? Con nhất định sẽ học thật giỏi, sau này có tương lai, con nhất định sẽ để cho bà và bố được ở trong căn nhà đẹp bố xây trong thành phố, sống như những người thành phố bố ạ! Nhất định thế!”

Nghe con trai nói vậy, người cha thợ xây không kìm được lòng đã ôm chầm cậu bé vào lòng. Tôi nhìn thấy lưng người cha đang cố gắng đứng thẳng lên, bỗng chốc, trong tôi hình ảnh ông lớn lao biết nhường nào: Sự kiên cường và vĩ đại của một người cha!

Truyện ngắn của Lý Lương Húc (Trung Quốc), SONG VÂN (dịch)