Tôi đã từng bị lỡ một bước nên không kịp gặp Tiến sĩ, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, người gắn liền với sự nghiệp nam học và hiếm muộn ở Việt Nam. Nhưng tôi từng biết đến cái tên Lê Vương Văn Vệ cách đây tầm gần chục năm, cả Hà Nội rộ lên câu chuyện về một người phụ nữ gọi điện, đề nghị ông giúp giữ lại tinh trùng của người chồng vừa qua đời khi băng qua đường tàu. Ông Vệ đã làm được điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử y học Việt Nam, đó là giữ lại được tinh trùng của người đã mất và 4 năm sau cũng chính ông đã giúp vợ của anh ấy mang thai được hai đứa con. Tất cả những người liên quan trong câu chuyện này: Ông tiến sĩ-bác sĩ, người vợ vĩ đại, người chồng đã khuất và hai em bé, có lẽ đã và sẽ là những nhân vật hiếm có trong cuộc đời. Ông Lê Vương Văn Vệ được biết đến là một người luôn có đầy những ước mơ, dự định, kế hoạch xoay quanh việc mang đến hạnh phúc bình thường cho những người không được bình thường về sức khỏe sinh sản. 

leftcenterrightdel
Cây bỏng nở hoa trước cửa nhà vợ chồng Can-Thúy.

Sở dĩ tôi nhớ đến ông Vệ là bởi vì, vừa mới đây, cách đây vài ngày, ngồi lặng đi trong một căn nhà thấp lè tè, mái lợp phibroximăng nóng như hun, mấy tấm gỗ kê làm giường ọp ẹp đến nỗi tí nữa thì sập xuống khi có đến người thứ 3 ngồi lên. Trước mặt tôi là một cặp vợ chồng đặc biệt. Chồng ngồi trên xe lăn, vợ gần như không làm gì được với tay trái, mặc dù có thể đi lại được nhưng chân trái cũng rất yếu. Đặc biệt hơn nữa, người vợ đang mang bầu. Gương mặt cô hơi đẫy với những nét rất đặc trưng của phụ nữ mang thai những tháng cuối, luôn nở nụ cười. Điều đầu tiên tôi nghĩ, họ đã có con với nhau như thế nào khi người chồng kia đang liệt nửa thân dưới nhỉ? Nghĩ thôi, không dám hỏi. Một điều tế nhị như thế thực sự rất khó để người ta có thể cất lời. Hóa ra, họ đã có con nhờ vào phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhờ vào “di sản” mà Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ để lại cho các đồng nghiệp của mình.

Đôi khi gặp những hoàn cảnh cụ thể như thế này, tôi nghĩ, y học thật kỳ diệu. Có thể làm được những điều không bao giờ xảy ra trong tự nhiên. Chính xác là vô hiệu những quy luật của tự nhiên.

Đây là một vùng quê sát biển Hậu Lộc, Thanh Hóa. Trong làng nhiều người đi biển, cũng nhiều người bỏ nghề biển và đi thật xa tìm việc làm. Nắng đầu hè dữ dội. Ngôi nhà bé xíu nằm tụt xuống thấp so với mặt đường, cũng là mặt đê. Trong nhà cái gì cũng cũ kỹ. Cái tủ cũ, kính bị vỡ, chắc ai đó thương tình tặng lại. Trong tủ để mấy chiếc cốc, một cái mũ bảo hiểm và một tấm giấy khen của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Bàn và ghế cũng cũ, mục, chân ghế phải kê. Một cái quạt cũ đặt ở giữa nhà, quay vè vè. Giờ ngồi giữa phố xá mà hình dung về cái sự nghèo của họ trong ngôi nhà ấy vẫn rõ mồn một.

Nhưng, bên ngoài cửa nhà, trái có một gốc hồng quế đang trổ vài bông hoa gầy. Phải có một cây bỏng cũng đang ra hoa màu đỏ. Trên nóc bức tường ngăn với nhà hàng xóm cũng có mấy chậu cây. Tôi giơ máy ảnh lên để chụp mấy bông hoa mà trong lòng nghĩ rằng có lẽ đó là những bông hoa đẹp nhất trên đời. Nó đang nở ra trước cửa ngôi nhà mà trong đó có hai con người nghèo về vật chất mà là đại tỷ phú về tinh thần và lòng nhân ái. Nó thật là biết chọn chỗ để nở. Tôi muốn hình dung rằng, Thúy đã trồng mấy chậu cây ấy, và mong nó nở hoa từng ngày để khiến cho ngôi nhà của họ trở nên rực rỡ hơn vào mỗi bình minh.

Giờ tôi kể câu chuyện của Can và Thúy, tên hai vợ chồng tật nguyền ấy.

Học hết lớp 10 thì Can vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Có lẽ là cậu đã mang theo một niềm hy vọng lớn lao cho một tương lai tươi sáng. Nhưng tai nạn lao động đã xảy ra vào đúng ngày đầu tiên cậu đi làm, một đoạn cống bê tông đã rơi thẳng vào lưng khiến Can bất tỉnh ngay lập tức, thậm chí không kịp cảm thấy đau. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, Can đã bị liệt hoàn toàn thân dưới. Tây y bó tay, chỉ còn hy vọng vào Đông y. Cậu tập luyện như điên cuồng trong vòng một năm trời với niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ đi lại được. Nhưng cậu thất bại. Can trở về quê nhà trên chiếc xe lăn.

Can nói, cậu không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ và các em. Ngày ngày cậu ngồi xe lăn ra chợ bán thẻ cào (có lẽ vì thế mà có tờ giấy khen đang được cất cẩn thận trong tủ). Thương Can, bà con đi chợ cũng tập trung mua giúp. Cuộc sống cũng cứ thế từ từ trôi đi, Can chấp nhận sống chung với tật nguyền vĩnh viễn. Rồi trong một buổi sinh hoạt chung tại câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật, Can gặp Thúy-vợ cậu bây giờ. Có vẻ như Thúy để ý đến Can trước. Thúy nói, em để ý đến anh ấy vì gương mặt anh ấy rất đàn ông. Tôi bật cười. Phụ nữ yêu bằng các giác quan là thế đấy. Họ kết bạn với nhau trên Facebook, và khi trở về nhà thì những cuộc trò chuyện bất tận đã ngày một kéo họ lại gần nhau. Nhưng Can chưa khi nào thôi mặc cảm về bản thân. Cậu thẳng thắn nói với Thúy, anh chỉ có thế này thôi. Anh không có đủ khả năng làm đàn ông. Nếu em thật lòng thương anh thì cứ về nhà anh sống một vài tháng, thấy thoải mái thì sẽ tính tiếp. Ôi, tôi cảm thấy chi tiết này văn học quá đỗi. Một cô gái nông thôn, dù tật nguyền nhưng chắc chắn được giáo dục, dạy dỗ cẩn thận, mà dám phá rào đến nhà người yêu “sống thử”. Sau một tháng, Thúy nói, em thấy mọi thứ đều ổn cả. Còn việc sinh hoạt vợ chồng, em nói thật, em cũng không thấy là quan trọng. Và họ quyết định làm đám cưới.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Can-Thúy. Ảnh: BÍCH THÚY

Cưới nhau rồi, Can tiếp tục đi bán thẻ cào. Thúy không có việc làm, định xin làm thợ may nhưng tay yếu nên cũng không làm được. Họ sống bằng tiền trợ cấp cho người tàn tật, và tiền lãi từ bán thẻ cào của Can. Mỗi tháng, tổng cộng thu nhập của vợ chồng khoảng 2 triệu đồng.

Cuộc đời của đôi bạn trẻ đã sang một trang mới, thật là đầy những ấm áp. Họ dự định sau vài năm sẽ tính đến chuyện xin con nuôi cho ấm áp cửa nhà.

Nhưng hạnh phúc chưa dừng ở đấy. Một người bạn cũng khuyết tật như Can, rủ vợ chồng anh lên Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm. Thực sự đây là điều mà hai người chưa bao giờ nghĩ đến. Họ gom góp tiền bạc được hai bên bố mẹ cho làm vốn, tiền mừng đám cưới, rồi vay thêm của bạn bè, và quyết định “liều một phen”. Tôi không thể hình dung được niềm hạnh phúc đến nghẹt thở của họ khi việc mang thai thành công. Can kể: “Có lẽ vợ chồng em là cặp vợ chồng kỳ lạ nhất ở bệnh viện, vì cả hai đều ngồi trên xe lăn. Và dù được giảm chi phí hết mức có thể, bọn em cũng không có đủ tiền để làm luôn một lần, mà phải chia ra mấy giai đoạn. Lấy tinh trùng của em trước, gửi lại. Về kiếm tiền tiếp. Rồi lấy trứng của vợ, thụ tinh, thành phôi, lại gửi tiếp. Lần thứ ba mới cấy được phôi vào dạ con của vợ em. Cái ngày vợ em đi khám trên Việt Bỉ (Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ), em không làm gì được, cứ nằm một chỗ, cầm chặt cái điện thoại. Em chỉ có thể làm được một việc duy nhất là chờ đợi tin nhắn của vợ”. Và, ông trời đã thương vợ chồng họ. Số phận đã mỉm cười với họ. Ngay từ lần đầu tiên, Thúy đã mang thai thành công. Hai cô con gái. Thúy sẽ sinh con vào tháng 7 năm nay.

Tôi hỏi, rồi thì các em sẽ nuôi con thế nào? Vợ chồng Can lặng đi. Can nói khẽ, bọn em sẽ cố gắng hết sức. Chỉ biết thế thôi. Tôi nghĩ đến số tiền hằng tháng họ có được, khoảng 2 triệu đồng, với bố mẹ tật nguyền và hai em bé sơ sinh. Hạnh phúc thật lớn lao, cũng thật mong manh, chật vật.

Dẫu sao thì câu chuyện như cổ tích này cũng mang đến cho cuộc sống của chúng ta những rung động ấm áp về lòng nhân ái. Làm mẹ, tôi không thích gọi đó là thiên chức, mà nó là một phần hầu như không thể thiếu trong cuộc đời người phụ nữ. Nó mang tới một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Tôi nhìn đôi tay Thúy đang mân mê những món đồ bé xíu mà bạn tôi mang tặng họ, ngắm nụ cười hiền hòa, chất phác của hai vợ chồng, và nghe trong cái oi nồng tháng 5 có hương thơm của mấy bông hoa gầy guộc, thực sự cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống.

Bút ký của ĐỖ BÍCH THÚY