Thơ về Bác Hồ của Tố Hữu khó ai có thể vượt qua.
Tố Hữu, như chính ông tự bạch, “là nhà cách mạng chuyên nghiệp và ông làm thơ cũng chỉ để làm cách mạng” (Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam). “Tiêu chí” thơ đã định sẵn, thơ ông rất nhất quán và căn bản là thơ về cách mạng. Thơ ông thường gắn với những việc lớn, tình cảm lớn của thời đại ông. Mà đã làm thơ “cũng chỉ để làm cách mạng”, thì không thể không viết nhiều về Bác. Bác là người cầm lái con tàu ấy và cũng là niềm yêu kính nhất trong lòng dân tộc.
Tố Hữu được gần Bác nhiều hơn những nhà thơ khác. Ông lại có nhiều năm giữ cương vị cao trong Đảng, chính quyền và “cầm cương”, “cầm trịch” văn nghệ nước nhà. Vì vậy ông, ngoài khí chất riêng (thạo ca dao, tục ngữ, hò vè như ông tự nhận), còn phải tự chọn cho mình một phong cách thơ bình dị, sao cho đông đảo quần chúng cách mạng dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ (Bác Hồ từng dặn dò, viết xong thì nên đưa cho quần chúng công nông đọc, chỗ nào họ không hiểu thì phải sửa lại). Nếu không, sao có thể tập hợp được đông đảo quần chúng cách mạng còn thất học lúc ấy? Sao có thể đóng góp (lập tức) cho cách mạng-kháng chiến-kiến quốc... những lúc “nước sôi lửa bỏng” được? Tuy là nói vậy (tức là nói thơ Tố Hữu, như tiêu chí ông chọn, trước hết, phải là “phương tiện”, là “vũ khí” tranh đấu), nhưng vì thi tài của ông lớn và vì tình yêu cách mạng thấm đẫm trong tâm hồn, nên thơ ông vẫn rất hay, đặc biệt là khi viết về Bác Hồ, dù bình dị về ngôn ngữ và quen thuộc về thể loại.
|
|
Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu thăm đồng bào Cao Bằng năm 1961. Ảnh tư liệu |
Làm thơ về Bác, như chính Tố Hữu nói, là cả một “quá trình”. Khi chưa được gặp Bác, ông viết “Hồ Chí Minh”: Hồ Chí Minh-Người lính già-Đã quyết chiến hy sinh-Cho Việt Nam độc lập-Cho thế giới hòa bình!-Người đã sống năm mươi năm vũ bão-Vì nhân loại-Người quyết dâng xương máu-Vì giang sơn-Người quyết dứt gia đình!-Hồ Chí Minh-Người đã quyết-Mặc phong ba giá tuyết-Mặc gươm súng xiềng gông-Làm tên quân cảm tử xung phong... Sau này, khi nhắc đến bài thơ, Tố Hữu thích nhất ở chỗ, ông là “kẻ đầu tiên và cuối cùng”, “táo tợn” gọi Bác là “Người lính già” (cả “Tên quân cảm tử xung phong” nữa chứ?). Rồi ông tự nhận định, bài thơ có “một không khí hiệp sĩ... giờ đọc lại hơi buồn cười, anh em nói không khí hơi tuồng” (Tố Hữu trả lời phỏng vấn của Bế Kiến Quốc-Báo Văn nghệ). Đến “Sáng tháng Năm” thì đã rất khác: Bác kêu con đến bên bàn-Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ-Con bồ câu trắng ngây thơ-Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn-Lát rồi chim nhé, chim ăn-Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà-Bàn tay con nắm tay Cha-Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng-Bác ngồi đó, lớn mênh mông-Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non-Bác Hồ, Cha của chúng con-Hồn của muôn hồn-Cho con được ôm hôn má Bác-Cho con hôn mái đầu tóc bạc-Hôn chòm râu mát rượi hòa bình!... Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh-Ôi người Cha đôi mắt mẹ hiền sao!-Giọng của Người không phải sấm trên cao-Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước... Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị-Màu quê hương bền bỉ đậm đà-Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta-Ta bỗng lớn ở bên Người một chút... Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút-Trán mênh mông thanh thản một vùng trời-Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười-Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi... Hồ Chí Minh-Người ở khắp nơi nơi-Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ-Lắng từng câu, từng ý chưa thành-Người là Cha, là Bác, là Anh-Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ-Người ngồi đó, với cây chì đỏ-Vạch đường đi, từng bước, từng giờ... - Bác Hồ rất vĩ đại, nhưng thật thân gần! Ngôn ngữ đã không “tây”, không “sáo-to tát”, không hiệp sĩ, không “tuồng” nữa. “Sáng tháng Năm” là bài thơ về Bác rất thành công.
Trong cái sáng tháng Năm có thật ấy, như Tố Hữu nói, ông “lần đầu” cảm nhận được cốt cách của “Ông Cụ”. Cốt cách ấy thật đẹp và nó góp phần tạo ra phẩm chất riêng của Bác: Không bao giờ Bác tạo ra cho người khác cái cảm giác bị đè xuống dưới cái bóng của lãnh tụ (tài liệu đã dẫn). Tuy vậy, Tố Hữu cũng nói, trong cái “không khí” ngày ấy, ở phần cuối bài, ông phải đưa thêm “anh thợ”, “chị nông dân”, “anh xung kích”, “các em thiếu nhi” và những “mùa vui thắng lợi”... vào! Nếu không thế, chắc bài thơ còn cô súc hơn, hình tượng Bác còn “chặt” hơn.
Ở “Việt Bắc”, đoạn viết về Bác ngắn nhưng vô cùng đẹp: Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời-Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!-Nhớ Người những sớm tinh sương-Ung dung yên ngựa trên đường suối reo-Nhớ chân Người bước lên đèo-Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...
Ở “Ta đi tới”, Bác hóa thành niềm cố kết dân tộc: Dù ai nói ngả nói nghiêng-Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân-Dù ai rào giậu ngăn sân-Lòng ta vẫn giữ là dân Bác Hồ... Lòng ta không giới tuyến-Lòng ta chung một Cụ Hồ-Lòng ta chung một Thủ đô-Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
“Bác ơi!” là bài thơ Tố Hữu khóc khi Bác mất-khóc cho mình, cùng mọi người, giúp mọi người, bằng thơ: Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm-Quanh mặt hồ in mây trắng bay... Bác ơi, tim Bác mênh mông thế-Ôm cả non sông, mọi kiếp người... và hai câu “đỉnh” của bài thơ là: Mong manh áo vải, hồn muôn trượng-Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Tố Hữu cũng “bật mí”: Cái khổ thơ có hai câu thơ vừa kể, “cũng có ông” không thích! Và, cái câu lúc đầu Tố Hữu viết: Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên, cũng do có “ông mô” nói: “Sao lại thần thánh hóa lãnh tụ như thế?”, mà tác giả phải sửa là: Bác đã lên đường theo tổ tiên. Rồi tác giả còn bị vặn vẹo ở câu: Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn! - “Sao lại tắt ánh đèn? Bác thì phải tỏa sáng chứ?”! (tài liệu đã dẫn).
Đến “Theo chân Bác” thì Tố Hữu đã có “tập đại thành” rồi. Ông tâm sự, về thể thơ, ông chọn thể “thất ngôn tứ tuyệt” (gọi tạm thế, vì trường ca gồm nhiều khổ thơ 4 câu, nên chưa “tứ tuyệt thật” như “luật thi”). Ông phân tích: “Thất ngôn tứ tuyệt có cái lợi là đầm, buộc (người đọc) phải suy nghĩ và 4 câu thì uyển chuyển hơn... Hình thức (thơ) này vừa trầm tĩnh, vừa nghiêm túc, vừa lắng đọng, lại có phong vị Đường thi. Cốt cách của Bác là Đường thi mà” (tài liệu đã dẫn). Chính vì vậy, ta mới lại được đọc những câu thơ làm nổi bật cốt cách của Bác, gắn với thế sự đương thời, mà lại tường minh: Đã tắt lâu rồi, lửa nghĩa quân-Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân-Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám-Đầu dám thay đầu, chân nối chân! Muôn dặm đường xa, biết đến đâu? Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu-Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng-Bạn cùng ai, đất khách dãi dầu?... Bao nẻo người đi, bước trước sau-Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?-Năm châu thăm thẳm, trời im tiếng-Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu. Gandi, quay lại chiếc xa xưa-Dệt tấm lòng nhân đựng gió mưa!-Nghiệp lớn, Tôn Văn vừa dựng đó-Trăm năm tay lái vững vàng chưa? Và: Xóm thợ Paris nghèo cuối ngõ-Tưng bừng gác trọ đón bình minh-Mác-Lênin đến... từng trang đỏ-Chân lý đây rồi, lẽ tử sinh!... Chiều mùa thu ấy... đến Diên An-Có một Hồng quân, tay nóng ran-Đẩy chiếc xe bò lên với bạn-Rồi đi... lần bước xuống phương Nam... Ôi sáng xuân nay, Xuân 41-Trắng rừng biên giới nở hoa mơ-Bác về... Im lặng. Con chim hót-Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ... để 4 năm sau: Người đọc Tuyên ngôn... Rồi chợt hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”-Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi-Rất đơn sơ mà ấm bao lòng! Ta cũng thấy lại Việt Bắc kháng Pháp trong trường ca này: Nơi Bác ở: Sàn mây vách gió-Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà-Đêm trắng, một ngọn đèn khêu nhỏ-Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Rồi nước chia hai nửa! Bác với miền Nam là thế này: Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác-Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm-Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác-Bác thường trăn trở, nhớ miền Nam! Ai nói giùm ta hết tấm lòng-Bác Hồ thương nhớ mỗi dòng sông-Mỗi hòn núi ở miền Nam đó-Như thịt da ta rỏ máu hồng... Còn những ai chưa được một lần-Trong đời, gặp Bác? Hãy nhanh chân-Tiến lên phía trước! Trên cao ấy-Bác vẫn đưa tay đón lại gần...
Phần cuối của trường ca thật dịu dàng, tình cảm. Sự phi thường của Bác được đặt giữa các hình ảnh rất giản dị: Anh dắt em vào cõi Bác xưa-Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa-Có hồ nước lặng sôi tăm cá-Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa. Có rào râm bụt đỏ hoa quê-Như cổng nhà xưa Bác trở về-Có bốn mùa rau tươi tốt lá-Như những ngày cháo bẹ măng tre... Nhà gác đơn sơ, một góc vườn-Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn-Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối-Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn... Thêm một lần, Tố Hữu dựng nên trong thơ mình, hình tượng Bác Hồ vĩ đại và lão thực: Như đỉnh non cao tự giấu hình-Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.
Tựu trung, hình tượng Bác trong thơ Tố Hữu đã chuyển từ “phi thường trong phi thường” thành ra “phi thường trong giản dị”, sau một “quá trình” của riêng ông.
Quả nhiên, Tố Hữu là nhà thơ cách mạng thứ thiệt. Thơ về cách mạng và Bác Hồ của ông ít người sánh được. “Đề cương văn hóa” đòi hỏi xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “Dân tộc-Khoa học-Đại chúng”. Tố Hữu chẳng khi nào sai mà vẫn hay, có sức sống lâu bền, lại được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh.
ĐỖ QUẾ ANH