Theo tôi, đó là lý do để Hồ Chí Minh đi vào thi ca một cách hồn hậu, tự nhiên và tỏa sáng lâu bền như chúng ta đã biết. Có những bài thơ hay về Hồ Chí Minh của các tác giả trong nước và thế giới. Những thi phẩm đã được thử thách qua thời gian, bất chấp mọi bão dông của thế cuộc để còn lại hình tượng Hồ Chí Minh đầy yêu thương và thuyết phục. Giữa trong đục của dòng chảy thời gian, Hồ Chí Minh vẫn là cánh buồm lộng gió thời đại, đầy sức truyền cảm mạnh mẽ cho dân tộc tiến về phía trước. Không thể nói khác được, đó là sự truyền cảm thi ca bền vững và lắng sâu, không chỉ trong lòng dân Việt Nam mà lan tỏa ra nhân loại bao la.
Tôi nghĩ rất cần thiết phải dẫn dụ ngay một thi phẩm đặc sắc về Hồ Chí Minh của nhà thơ Felix Pita Rodriguez (Cuba) viết về Bác năm 1968. Bài “Hồ Chí Minh-tên Người là cả một niềm thơ”. Một sự ngợi ca chân thành, riết bám vào lịch sử dân tộc và hành trình cách mạng gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh mà không hề diễn luận khô khan hoặc cố ý tô vẽ. Tính sử thi, chính luận và chất trữ tình quyện hòa vào nhau rất tài tình để nhân vật Hồ Chí Minh tỏa sáng từ chiều sâu tâm hồn đến phẩm chất của Người. Cách lựa chọn chi tiết lịch sử, địa dư đưa vào thi phẩm cũng như tầm khái quát của tác giả đáng để cho ta thán phục. Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ/ Có thể ca ngợi Người như ca ngợi biển cả, núi cao/ Như ngợi ca sông Cửu Long, sóng Hồng Hà/ Nói tới Người là nói vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ, chùa Một Cột/ là nói những ruộng đồng đỏ ánh phù sa/ Có thể nói tới Người bằng hết thảy những lời tương tự/ Khi nói tới cây nhãn và cây tre xứ sở/ Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh/ Nhà thơ Hồ Chí Minh/ Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh/ Là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương...
Đúng như thi sĩ người Cuba khẳng định: Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ. Cái niềm thơ ấy được khởi nguồn để hình thành nên lưu vực thi ca bát ngát từ cuộc đời Bác Hồ qua nhiều tác phẩm của người cầm bút trong nước. Cuộc đời Hồ Chí Minh là cuộc đời của một người yêu nước, một anh hùng dân tộc, một lãnh tụ. Cuộc đời của Bác là cuộc đời của một thi nhân, đích thực thi nhân. Không thi nhân sao được khi Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ (Ngắm trăng) và đây nữa: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà (Cảnh khuya)... Tôi nghĩ, chính con người thi nhân Hồ Chí Minh là phần chủ đạo truyền cảm hứng cho các nhà thơ viết về Người. Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết rất đúng và hay về Hồ Chí Minh: Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
    |
 |
Giờ nghỉ trưa, Bác Hồ vẫn thường đọc báo (1951) |
Tuy nhiên, trong các nhà thơ viết về Bác Hồ, theo tôi, Tố Hữu là số một với các tác phẩm “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi!”, “Theo chân Bác”. Định mốc thời gian ta thấy, “Sáng tháng Năm” Tố Hữu viết vào tháng 5-1951; “Bác ơi!” viết vào tháng 9-1969; “Theo chân Bác” (trường ca) viết tháng 1-1970. Hoàn cảnh sáng tác khác nhau, trạng thái cảm xúc cũng không giống, nhưng cái xuyên suốt trong 3 tác phẩm vẫn là hình tượng sáng đẹp của Bác Hồ. Sự vĩ đại của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng không lấn át cái bình dị, nhân hòa, độ lượng của một trái tim Ôm cả non sông, mọi kiếp người. Với tôi, sự lay động mãnh liệt nghiêng về vế sau, trái tim Hồ Chí Minh. Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/ Lát rồi, chim nhé, chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà/ Bàn tay con nắm tay cha/ Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng... (Sáng tháng Năm). Khi Bác mất, những cơn mưa mùa thu nối nhau không dứt, nỗi đau dân tộc khôn cùng, triệu triệu người khóc thương: Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi/ Năm canh bớt nặng nỗi thương đời/ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người/ Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/ Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu/ Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau... (Bác ơi!). Nhân sinh quan mang tên Hồ Chí Minh chính là văn hóa của tương lai; thấu hiểu và làm được như thế xã hội sẽ tươi đẹp vô cùng: Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa (Theo chân Bác). Cho đến hôm nay, lòng tôi vẫn rưng rưng khi đọc những câu thơ này của Tố Hữu: Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn/ Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn/ Thong dong chiếc gậy gác bên bàn/ Còn đôi dép cũ, mòn quai gót/ Bác vẫn thường đi khắp thế gian... (Theo chân Bác).
Cảm hứng Bác Hồ tìm đường cứu nước hay xuất hiện trong thơ ca Việt của một thời. Nhưng theo tôi, hình như chưa ai viết hay hơn Chế Lan Viên qua bài “Người đi tìm hình của nước”. Hình ảnh đất nước lồng quyện trong hình ảnh Bác Hồ, đó chính là cái tứ rất đẹp của thi phẩm. Những câu thơ này diễn đạt rất sâu lắng lòng yêu nước của Bác Hồ: Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương... và: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa... Bác Hồ giác ngộ, đúng hơn là cảm hóa quần chúng bằng chính cuộc đời cách mạng của mình. Tư tưởng yêu nước, thương dân được rọi sáng từ ngay cuộc sống của Người với một tầm vóc cao lớn hơn, đầy đủ hơn. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhưng, độc lập, tự do của đất nước phải gắn liền với hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc của nhân dân là cái đích cuối cùng của cách mạng. Bởi thế, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh là đây, rất giản dị: Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên đã rung động viết: Ôi, giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào?/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu... (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).
Thơ viết về Hồ Chí Minh không ít, nhưng có lẽ giữ được sự truyền cảm lâu bền chắc chẳng phải ở những ca tụng to tát chung chung, sự kể lể dông dài mà phải từ những chi tiết chân thực, tiêu biểu nhất. Nhiều người hẳn chưa quên bài “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ viết trong thời kháng chiến chống Pháp. Đó là câu chuyện cảm động về tình thương chiến sĩ, đồng bào vô bờ bến của Người: Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Rải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn... Tình thương bao la ấy dường như không có giới tuyến, nó đồng nghĩa với khát vọng hòa bình, là lòng nhân đạo cao cả. Càng thấm hơn điều này, với Hồ Chí Minh, chiến đấu bao giờ cũng là sự lựa chọn cuối cùng, khi mọi cơ hội hòa giải, hòa bình không thể trở thành hiện thực. Tôi khâm phục Việt Phương từ năm 1969 đã có những vỉa thơ thăm thẳm về Người: Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”/ Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con/ Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép/ Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương). Còn đây những câu thơ tầm vóc khái quát cao mà vẫn dung dị rất mực khi viết về Bác: Ôi lòng Bác bao la trong Di chúc/ Vẫn hạt lúa củ khoai chân chất bình thường/ Cả dân tộc khóc người thương mình nhất/ Người được thương trên tất cả người thương/ Người suốt đời quên mình cho Tổ quốc/ Khi ra đi chỉ dép lốp chiến trường/ Nguồn ánh sáng đến muôn đời chẳng tắt... (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương).
Hồ Chí Minh gợi những liên tưởng đẹp về thiên nhiên và con người. Dẫu trái tim Bác ngưng đập nhưng sự sống từ Người vẫn dào dạt sinh sôi. Khái niệm sống mãi với thời gian luôn luôn đúng với những bậc vĩ nhân như Hồ Chí Minh. Nhưng có điều này cần lưu ý, dẫu là vĩ nhân thì Hồ Chí Minh vẫn là vĩ nhân bình dị, luôn sống trong nhân dân. Chẳng hề có cách xa nào cả giữa Bác với nhân dân. Dân tộc mang hồi ức về Người như mang vầng sáng trong trẻo, thánh thiện. Trăng lên, kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ôi vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông và thiêng liêng/ Con thấy cõi vô biên/ Không như lòng đã nghĩ/ Khi gặp nét thần tiên/ Trong khuôn vàng dung dị... (Trăng lên) của Phạm Ngọc Cảnh.
Đứng ngắm những dòng người vào Lăng viếng Bác, ta thấy tin hơn con đường Người đã chọn cho dân tộc này. Cũng không mảy may hoài nghi tình cảm dân tộc và cả nhân loại tiến bộ dành cho Hồ Chí Minh. Chỉ buồn... là đất nước đó đây vẫn còn những điều không như Bác mong, những cái làm cho Bác lo khi còn sống. Phải chăng, trong sâu thẳm lòng mình luôn đồng cảm với nhà thơ Viễn Phương khi nghĩ về Bác kính yêu: Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.../ Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim (Viếng Lăng Bác).
Sự truyền cảm thi ca về Hồ Chí Minh mang tính cộng hưởng. Vượt qua thời gian, những bài thơ hay về Bác mang những giá trị nghệ thuật rất đáng ghi nhận. Trong thi ca có ánh xạ của lịch sử, có diện mạo của quá khứ, có tâm hồn dân tộc. Còn có thể nhắc tới những câu thơ, bài thơ, trường ca viết về Bác Hồ của Xuân Diệu, Bảo Định Giang, Thanh Hải, Thu Bồn, Trần Đăng Khoa, Lê Huy Quang... Thơ ca đã góp phần cùng văn học nghệ thuật khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh, một Con Người mang đậm nét tinh hoa truyền thống Việt Nam và văn hóa tương lai mà vô cùng bình dị.
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ