“Anh Tuất vẽ chân dung thì thôi rồi...”
Tôi hỏi chuyện một họa sĩ, cũng là thầy dạy vẽ ở Trung tâm Mỹ thuật Bụi về Bùi Văn Tuất thì được nghe câu đó. Anh khẳng định trong các thể loại, vẽ chân dung là khó nhất, thế mà Bùi Văn Tuất toàn vẽ trực họa và vẽ rất nhanh, bằng sơn dầu.
Khi tôi hỏi thêm: “Những họa sĩ vẽ tranh trực họa bằng sơn dầu như thế ở Việt Nam có nhiều không?” thì bị cười “bói đâu ra”.
|
|
Bùi Văn Tuất với bức “Những em bé miền núi”. Ảnh: NGUYỄN QUANG |
Vẽ chân dung khó hơn phong cảnh, tĩnh vật vì người mẫu không chuyên khó mà ngồi yên được cả tiếng đồng hồ. Thêm nữa, vẽ người tỷ lệ sai là biết ngay, còn vẽ tĩnh vật, phong cảnh, nếu có sai tỷ lệ cũng ít ai biết, cả màu sắc cũng không nhất thiết phải phụ thuộc vào mẫu.
Vẽ chân dung khó nhất là phải giống, sau nữa lại phải đẹp, mà giống trong hội họa không phải chỉ giống bề ngoài mà phải giống hơn thế, tức là phải bắt được cái thần của người mẫu mới giỏi. Vẽ chân dung một thợ xây hay bác sĩ, dù họ không mặc áo blouse hay áo thợ mà người xem vẫn nhận ra mới tài.
Vẽ trực họa bằng sơn dầu lại càng khó nữa. Vì vẽ chì sai thì tẩy được, chứ vẽ sơn dầu sai thì phải đợi dăm ngày sau, màu khô mới có thể sửa. Nhưng người mẫu mấy ai đợi được…
Tôi đã xem tranh của Bùi Văn Tuất ở một số triển lãm, kể cả triển lãm cá nhân của anh vào đầu tháng 12-2018 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó treo gần hai chục bức, toàn khổ khá lớn và hầu hết là vẽ phong cảnh, sinh hoạt miền núi như một góc bếp, em bé với ngựa, em bé với chó, mèo hoặc đàn gà, đàn lợn ở quanh.
Phải công nhận là triển lãm đã gây được ấn tượng rất mạnh, không chỉ với tôi mà ngay cả các họa sĩ tên tuổi tới xem tranh cũng phải thốt lên trong cuốn lưu bút: “Một triển lãm đầy ấn tượng, mang dấu ấn đặc biệt của ngày nay… Thật đáng trân trọng!”-họa sĩ Huy Oánh. “Triển lãm đẹp như một giấc mơ, giấc mơ của người làm tạo hình nhưng không phải ai cũng dễ vươn tới”-họa sĩ Đỗ Đức viết. Họa sĩ Ngô Xuân Bính chỉ một câu ngắn gọn: “Rất trân trọng! Rất mừng tài năng trẻ!”. Họa sĩ Chu Anh Phương, Trưởng khoa, thầy dạy của Tuất ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Đẹp, tình cảm và tự nhiên”...
“Tôi thích ngắm nhìn mọi người”
Xưởng họa của Bùi Văn Tuất trên tầng 2 một tòa chung cư ở phố Chùa Láng, Hà Nội, rộng khoảng 80m2. Tranh treo, tranh đặt từ sàn nhà tới tận trần.
Những bức tranh to bày ở triển lãm, các bảo tàng, nhà sưu tầm và người yêu tranh cá nhân của Tuất đã mua gần hết, dù giá khá cao. Ở xưởng chỉ còn vài bức anh mới vẽ, chuẩn bị đưa đi triển lãm ở Hải Phòng và hai chục bức chân dung khổ nhỏ.
“Đây là chân dung ông thợ xây”, Tuất giới thiệu về các bức chân dung của anh; đây là con gái, con trai tôi; đây là một chị công tác ở Bộ Ngoại giao; đây là một thầy giáo; đây là một cặp vợ chồng công tác ở Đại sứ quán Thụy Điển…
Biết tranh của Tuất bán giá không hề rẻ nên tôi khá ngạc nhiên khi có cả chân dung của người bán hàng nước, anh thợ xây, người đạp xích lô. “Ồ không!”-Tuất giải thích-“Những bức tranh này là tôi nhờ họ ngồi để tôi vẽ nghiên cứu thôi”.
“Tôi rất thích ngắm nhìn mọi người”-Tuất tâm sự. Sáng dậy, chàng họa sĩ có thú vui ngồi ở quán đầu ngõ uống cà phê và ngắm nhìn những người qua đường, quan sát nét mặt cũng như tính cách của họ.
Bùi Văn Tuất là người dân tộc Mường, quê ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội nên chuyện học vẽ và trở thành họa sĩ của anh cũng khá gian nan. Từ hồi lớp 11, mỗi tuần hai buổi, Tuất phải đạp xe cả đi cả về 30 cây số đến nhà một thầy dạy vẽ ở thị xã Sơn Tây để học. Hết lớp 12, Tuất đỗ vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tới năm 2003 tốt nghiệp, huyện phân công về dạy vẽ ở một trường THPT nhưng anh lại thi tiếp vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vì thấy mình vẽ vẫn chưa đâu vào đâu.
Tuất bồi hồi nhớ lại lần đi thi vào đại học mỹ thuật, hai mẹ con phải dỡ cả ruộng lạc, bán được 400.000 đồng, mẹ đưa hết cho Tuất xuống Hà Nội thi. Đến khi Tuất báo kết quả thi đỗ, mẹ Tuất thốt lên “lại đỗ à” mà chảy nước mắt. “Khi ấy, mẹ tôi khóc vì vui một phần nhưng lo nhiều hơn. Bố mẹ tôi lo cho tôi học mấy năm ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã mệt rồi. Đỗ thì lại phải lo cho tôi học thêm 4 năm nữa, mà nhà thì khó khăn quá”...
Tuất kể đến đấy, tôi thấy anh cũng rơm rớm nước mắt nên hỏi sang chuyện vẽ chân dung.
Tuất nhớ lại: “Tôi bắt đầu thích nghiên cứu về chân dung có lẽ từ chuyến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi còn đang học. Hôm ấy, đứng trước bức “Em Thúy” của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn mà tôi như bị thôi miên. Tôi cứ đứng ngắm đến nửa tiếng không biết chán, khi mọi người trong lớp gọi về mới biết”...
- Anh vẽ mỗi bức chân dung sơn dầu khoảng bao lâu?
- Cũng tùy-Bùi Văn Tuất đáp. Bức nhỏ mà hứng lên, có khi một tiếng đồng hồ là xong. Có bức vẽ hai, ba tiếng, mà vừa vẽ vừa nói chuyện để hiểu thêm tính cách người mẫu. Như vậy tôi vẽ cũng sẽ có cảm xúc hơn, bút pháp vì thế cũng thay đổi linh hoạt…
Bùi Văn Tuất sinh ngày 11-10-1982, tại làng Đồng Chay, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Vợ anh cũng là người dân tộc Mường, trẻ hơn anh 4 tuổi. Anh đã có hai con, con gái học lớp 7, con trai học lớp 1.
|
NGUYỄN QUANG HÒA