Ông đã chiến đấu tại Mặt trận Trị-Thiên khốc liệt trong mùa hè năm 1972 cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Năm 1976, ông phục viên, trở về trường cũ tiếp tục học tập. Từ năm 1981, ông công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và có thời gian công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Nỗi buồn để sống

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như sáng nay ra ngồi mép sông Hồng

Bãi ngô non vẫn còn nguyên vẹn đó

Ai biết mình vừa mất mát gì không.

 

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như trưa nay bất chợt trận mưa rào

Những giọt mưa không làm tôi ướt áo

Chỉ ướt sũng hồn-chả biết tại vì sao.

 

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như chiều nay thảng thốt gọi một người

Một người bạn đã lâu rồi mới gặp

Đứng bên đường-như kẻ dại nhìn tôi.

 

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như tối nay tìm đến giữa sân trường

Con bướm trắng đã về nơi chín suối

Cỏ chọi gà ngơ ngác một mùi hương.

 

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như đêm nay-mình đọc lại thơ mình

Những câu thơ viết trong thời trận mạc

Thêm một lần-thấm thía nghĩa hy sinh.

 

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn

Một nỗi buồn lẽ ra không nên có

Nhưng nếu không buồn

có lẽ

lại buồn hơn...

 

Những ánh sao khuya

Các con ngủ như nụ hoa thanh khiết

Chuyện chưa vui, cũng đừng nghĩ ngợi gì

Bao giông tố trong đời cha nhận hết

Nhận âm thầm cho tới phút ra đi.

 

Thơ đã nói hộ cha bao ý nghĩ

Chỉ có Thơ là không thể chia lìa

Bài hay nhất, nếu cha chưa làm kịp

Đành gửi vào trong những ánh sao khuya...

 

Thiên đàng có thật

Cám ơn tiếng chim buổi sáng

Gọi ta về với trần gian

Giấc mơ đêm qua đẹp thế

Lang thang tới tận thiên đàng.

 

Và trên thiên đàng ta thấy

Hai người cuốc đất, trồng cây

Một cánh cổng làng rêu phủ

Dòng sông in cánh cò bay

 

Thì ra giản đơn biết mấy

Bên ta từng phút, từng ngày

Có một thiên đàng có thật

Quá gần... nên quá tầm tay!

 

Bài thơ hy vọng

Có những lúc tưởng cứu được cả thế giới
Nhưng cuối cùng cứu được mỗi mình thôi
Cứu khỏi hư danh, bạc vàng, bóng tối
Tìm cho thơ một tia nắng mặt trời...

 

Khoảnh khắc vào xuân

Một khoảnh khắc với rất nhiều biến động

Một cành đào để tiễn một mùa đông

Một con chữ ngỡ chết rồi lại sống

Giọt mực rưng rưng như giọt máu tươi hồng.

 

Một chút tâm tình
Kiểm kê tài sản đêm nay
Một điện thoại, một điếu cày, một xe
Một tôi đi sớm về khuya
Hồn còn vang vọng lời thề quân nhân.


Thơ trở về nguồn

          Bao giờ trở lại Điện Biên

Viết câu lục bát đầu tiên trong đời

          Thắp hương hài cốt anh tôi

Nhìn hoa ban trắng mãi đồi Him Lam

          Trái cam ngày ấy còn vàng

Mẹ đâu rồi giữa vô vàn lá xanh

          Nhớ không em, trưa Mường Thanh

Giọng hò kéo pháo gãy cành hoa mơ

          Đêm nay không lẽ tình cờ

Mà mưa rơi chậm như chờ đợi ai...

 

Bên dòng thời gian

Cho một Người Thơ xa xứ

Lắm khi tiếng Việt bay đi đâu cả

Tôi ngồi uống bia cùng gã ăn mày

“Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”

Tiếng tự ngàn đời sao vẫn đắm say.

 

Ngôn ngữ nồng nàn muối mặn, gừng cay

Con chữ lặng im khi vừa chợt tỉnh

Tôi nhớ những người từng mang áo lính

Con đường khét lẹt, loài hoa gì đây?

 

Đàn chim Việt nào xao xuyến cánh bay

Dòng Suối Mơ nào vẫn mơ màng chảy

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”

Làm sao thân ngựa tự dưng xa bầy.

 

Tiếng mẹ ru ta “... Chồng cày, vợ cấy...”

Mà anh xa em mấy chục năm ròng

May quá Người Thơ ấy đang còn sống

Phiến đá đau thương ngậm sóng vào lòng.

 

Ngậm mãi biệt ly ở giữa đám đông

Đợi một ngày về bình an vô sự

Trong từng khoảnh khắc hồi sinh quá khứ

Hình như có ai vừa mới ra đời.

 

Đã lâu lắm rồi lại khóc mẹ ơi

Ôi mẹ Việt Nam đắng cay, khổ hạnh

Tiếng chim cuối cùng hót sau trận đánh

Đẹp như nước mắt...

bên dòng thời gian...

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Hoàng Nhuận Cầm có khá nhiều bài thơ tình nổi tiếng gắn với học sinh, sinh viên. Ông luôn giữ hồn thơ như “pha lê trong suốt, không có gì ngoài tình yêu Tổ quốc và thơ ca” (nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại). Ông có nhiều bài thơ được các thế hệ bạn đọc yêu thích, như “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Phương ấy”... Ngoài thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim, như: “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”, “Nhà tiên tri”... Trong đó, kịch bản “Mùi cỏ cháy” giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Ông được trao giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ “Xúc xắc mùa thu”; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Thơ của Hoàng Nhuận Cầm đẹp như làn sương bay trên thảm cỏ ban mai”.

 Trước khi mất, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bày tỏ ý định giới thiệu với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần một số bài thơ ông chuẩn bị in sách. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của ông đã làm ý định đó trở nên dang dở. Được sự giúp đỡ của nhà thơ, TS Đỗ Anh Vũ, chúng tôi trân trọng gửi tới bạn đọc một số bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mới sáng tác trong thời gian gần đây.