QĐND - Thấm thoắt, vậy mà đã gần mười năm trôi qua…
Ngày ấy, tôi là một cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp trường sư phạm, được về dạy tại một trường THPT cách nhà khoảng 20 cây số. Vì đường quốc lộ đang làm, đi lại rất khó khăn nên thi thoảng tôi mới về thăm nhà. Còn anh cũng thi thoảng được đi tranh thủ hoặc nghỉ phép và thường qua nhà tôi chơi, vì anh là học trò cũ của bố tôi và là bạn của anh rể tôi.
 |
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Rồi một hôm, tôi ngồi tiếp chuyện anh tại nhà mình. Dẫu biết nhau đã lâu, song đây là lần đầu tiên tôi và anh ngồi nói chuyện:
- Em ra trường đã lâu chưa?
- Được một năm rồi anh ạ! Còn anh, có hay được về quê thăm gia đình không?
- Bọn anh ít được về lắm, bộ đội mà… Chắc cuối tuần nào em cũng về thăm nhà chứ?
- Cũng xa, đường 10 đang làm nên em cũng ít về anh ạ. Nhà trường có khu nội trú nên em ở lại...
Câu chuyện xã giao ấy chẳng hiểu sao để lại ấn tượng với cả hai chúng tôi. Từ đó, trong những ngày phép ngắn ngủi của mình, anh lặn lội lên trường thăm tôi hoặc lại lên nhà để gặp tôi vào dịp cuối tuần.
Những ngày phép cuối cùng của anh đã vụt trôi. Anh đi, để lại trong tôi một khoảng trống vu vơ. Đặc biệt, mỗi khi đứng trên tầng cao của ngôi trường, nhìn xuống cánh đồng làng từng sóng lúa dào dạt thổi, nỗi nhớ trong tôi lại cồn cào… Anh ơi, bây giờ anh đang ở đâu? Có còn nhớ tới em, nhớ tới loài hoa đồng nội ở quê nhà?...
Ngày ấy, những lá thư gửi đều đặn qua đường bưu điện là cầu nối gắn kết “hai nửa yêu thương". Những lá thư anh viết tuy ngắn, nhưng chứa đựng bao tình cảm mộc mạc, giản dị của người lính. Chẳng biết tự bao giờ, trong tôi đã thấy những điều giản dị ấy thật đẹp. Tôi đã hiểu thế nào là chờ đợi…
Khá đều đặn, mỗi tháng anh về thăm tôi một lần, còn lại, đều gửi lòng mình qua những cánh thư. Sau một thời gian khá dài nói chuyện gần xa, ở hai đầu nỗi nhớ, chúng tôi đã mơ về nhau. Bố mẹ và các anh chị em tôi đã biết về mối quan hệ của chúng tôi và tỏ ý “vun vào”…
Bỗng một hôm, bố mẹ cho gọi tôi về:
- Hôm nay, bố mẹ thấy bố của anh Nam đến thắp hương khánh thành từ đường nhà ông Định, mà ông Định là cùng họ với nhà ta.
- Bố nói rõ hơn có được không ạ?
- Có nghĩa là anh Nam với con là cùng họ, cùng từ đường, nên không thể yêu và lấy nhau.
- Nhưng liệu đã chắc chắn chưa bố?
- Chắc thế, vì thường chỉ con cháu mới thắp hương ở từ đường!
- Nhưng…
- Không “nhưng” gì hết, bố mẹ nói trước để con chuẩn bị tinh thần. Bố mẹ rất quý và muốn anh Nam trở thành con rể của nhà ta. Nhưng nếu cùng họ thì cấm tuyệt đối!
Đúng là tôi và anh đều cùng họ Vũ. Mà đất Thái Bình quê tôi, đặc biệt là xã tôi có biết bao người là họ Vũ. Có rất nhiều chi, nhiều phái, nhiều ngành... Cùng họ, song, khác thôn xóm nên nhiều khi chẳng biết hết nhau. Mấy đêm liền tôi mất ngủ. Cứ nhắm mắt vào, mở mắt ra, bên tai tôi lại văng vẳng câu nói như đinh đóng cột của bố: “Nếu cùng họ thì cấm tuyệt đối!”. Tôi đã khóc thầm cho tình yêu của mình và đặt ra bao giả thiết. Nếu cứ yêu, mình có trở thành đứa con bất hiếu? Khi biết cùng họ, liệu bố mẹ anh có cho phép không? Biết cùng họ, anh có còn yêu mình không, hay lúc đó chỉ còn coi mình là em gái? Bởi “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà...
Cuối tuần ấy, tôi không dám về nhà. Bởi tôi sợ sự can ngăn, cấm đoán, sợ mọi người nhìn thấy tôi sướt mướt khi lý trí không chiến thắng nổi con tim. Tuần ấy, tôi cũng không hồi âm cho anh. Một phần, tôi muốn anh chưa biết chuyện vì sợ ảnh hưởng đến công tác, phần thì tôi muốn anh về ngay để xem anh chủ động chuyện này như thế nào.
Ông anh rể tôi, bạn cùng học với anh, ngay từ đầu rất muốn anh trở thành anh em đồng hao. Giờ đây nghe phong thanh chuyện “giọt máu đào”, anh đã bổ ngay đến để hỏi bố mẹ anh ấy cho tường tận:
- Nhà bác với nhà ông Định cùng từ đường ạ?
- Không, tôi với ông Định chỉ là bạn bè chơi thân với nhau thôi.
- Vậy sao hôm trước, cháu thấy bác sang thắp hương khánh thành từ đường nhà ông Định, cháu cứ tưởng hai nhà cùng họ.
- Chúng tôi đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, còn hơn cả anh em ruột thịt ấy chứ!
Thì ra, anh với tôi vẫn chỉ là “người dưng nước lã”. Anh thuộc họ Vũ Văn, còn tôi là họ Vũ Tiến. Hiểu rõ ngọn nguồn, trong lòng tôi sung sướng muốn reo lên. Cuối tuần đó, anh về và biết chuyện...
- Tuần qua, nhớ anh lắm phải không?
- Ai thèm nhớ “người dưng nước lã” làm gì?
- Nếu chúng mình cùng họ với nhau thật thì sao?
- Thì mình coi nhau như chung “giọt máu đào”.
- Nếu được chung “giọt máu đào” với em, anh ưu tiên cho con mang họ mẹ, được không?
Tôi véo anh một cái thật đau và từ đó đặt luôn cho anh là “ao nước lã”. “Ao nước lã” thú nhận rằng trước khi có ý định đến với tôi, anh đã nghiên cứu gia phả kỹ lắm rồi…
Bây giờ, tôi đã là vợ của anh được mười năm, đã đích danh gia nhập từ đường họ Vũ Văn và có với anh hai “giọt máu đào” kháu khỉnh. Có lẽ nói thế vẫn chưa đủ. Anh và các con đối với tôi còn hơn cả “giọt máu đào”!
VŨ THỊ OANH