Nhờ sự đồng điệu giữa hai cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, hình ảnh đất nước và nhân dân Nga hiện lên như một xứ sở quê hương thứ hai của chúng tôi, vừa xa xôi, vừa gần gũi vô cùng.

Một cậu học sinh như tôi ngày ấy, với tình yêu văn học và nghệ thuật như đông đảo bạn bè khác, tôi vùi đầu vào những trang sách văn học, những bộ phim hấp dẫn, những vở kịch ly kỳ và nhất là những bài hát Nga hút hồn bọn trẻ….

Còn nhớ, khi lật những trang sách kể về thời thơ ấu của Macxim Goocki, tôi từng nghe ông kể rằng, lúc bé có khi đọc một cuốn sách hay đến nỗi, cậu bé phải giơ trang sách lên trước ánh mặt trời, để xem xem trong trang giấy có ẩn giấu một phép màu gì không… Chuyện như đùa mà chính tôi cũng phải tin, vì đến lượt tôi khi đọc những trang sách của chính nhà văn vĩ đại này và nhiều nhà văn Nga khác cũng chỉ thiếu chút nữa là làm như thế… Ấy là hình ảnh một chàng Đancô xé toang lồng ngực để giật trái tim mình giơ lên làm ngọn đuốc soi đường cho đoàn người đang đi tìm ánh sáng của tương lai. Đó là hình ảnh trong “Bài ca chim báo bão” đầy ma lực và đặc biệt là trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Xô viết “Người mẹ” của nhà văn hàng đầu trong nền văn học Nga này.

leftcenterrightdel

Mùa thu nước Nga luôn đẹp một cách cổ kính, trầm mặc, bình dị và đầy chất thơ. Ảnh: Wordpress 

Nhưng với những người trẻ Việt Nam-và có thể nhiều nơi trên thế giới-ngày ấy, cuốn sách gối đầu giường của chúng tôi không gì khác mà chính là cuốn tiểu thuyết mà gần như là tự truyện “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn anh hùng Nikolai Ostrovsky. Cho đến giờ này, tức là sau hơn 60 năm, tôi vẫn có đọc thuộc lòng câu nói bất hủ của nhân vật tuyệt vời Paven Corsaghin: “Người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng: “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”... Tôi thiển nghĩ rằng, mọi sự có thể đi qua, lịch sử có thể làm biến dạng tất cả, nhưng một chân lý như câu nói ấy thì vĩnh viễn không thể phủ nhận!

Với những người yêu thơ, thì thay vì các cụ ngày xưa mê mải thơ Đường hay cha anh nghiền ngẫm thơ Pháp, chúng tôi biết đến và say mê những V. Mayakovsky, A. Bloc và S. Yesenin… Những câu thơ của nhà thơ “thép" V. Mayakovsky thật kỳ lạ, vì ngay từ những ngày đầu cách mạng Nga mới thành công, cùng với việc tung hô và kêu gọi công chúng đi theo cách mạng, nhà thơ không khoan nhượng với mọi cái xấu này, đã lên tiếng chỉ trích những thói hư tật xấu đã sớm hình thành chính trong đội ngũ cách mạng. Đó là một điều hết sức kỳ lạ mà chỉ ở những nhà thơ cách mạng đích thực mới có được….

Với sự gần gũi về hoàn cảnh cuộc kháng chiến của chúng ta với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga, một dòng thác những tác phẩm văn học về chiến tranh vệ quốc của các nhà văn Nga cũng ùa vào tâm hồn và suy nghĩ của người Việt. Thật ít ai trong thế hệ chúng tôi mà không thuộc mấy câu về lòng yêu nước trong tùy bút của Ilya Erenbua, những hình ảnh oai hùng trong “Đội cận vệ thanh niên” của A. Phadeev, “Một con người chân chính” của  B. Polevoy hay những thiên truyện của A. Gaida…

Nhưng, như ta thường thấy, chính thơ ca mới là tiếng lòng dễ đi vào lòng người nhất. Hãy nhớ lại, ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp đang hồi gian nan nhất, nhà thơ cách mạng hàng đầu Việt Nam Tố Hữu đã- thông qua tiếng Pháp- chuyển đến nhân dân Việt Nam những bài thơ tuyệt vời của nhà thơ Nga K. Simonov “Aliosa nhớ chăng” và đặc biệt là kiệt tác “Đợi anh về”… Tôi xin cam đoan với các bạn rằng, rất ít người Việt Nam có chút lòng yêu thơ của thế hệ chúng tôi mà lại không thuộc nằm lòng những câu thơ dịch tuyệt vời:

“Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé…

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Thì em ơi cứ đợi…”

Dường như đấy không còn là thơ Nga để nói về tâm hồn Nga, mà chính là thơ Việt để nói về tâm hồn những người Việt đi chiến đấu.

leftcenterrightdel

Từ trái sang: Anh Ngọc, Bằng Việt, hai nhà văn nữ Nga, Phan Hồng Giang tại Moscow tháng 12-1983, nhân dự Hội nghị Những người dịch thuật văn học Nga và Xô viết. 

Nhân nói đến bài thơ này, tôi cũng xin được nói tiếp luôn. Thơ văn khi đã đi vào lòng người, thì không còn ranh giới của không gian và thời gian. Chính thế hệ chúng tôi, khi đến tuổi trưởng thành thì đã đi vào cuộc chiến đấu chống Mỹ vô cùng ác liệt. Và trong đầu, trong tim, đôi lúc cả trong sổ tay, chúng tôi luôn mang theo những câu thơ của một thời trận mạc từ nước Nga ấy. Và cùng với các nhà thơ thời chiến tranh vệ quốc, nước Nga lại gửi tiếp đến nhân dân Việt Nam đang chống Mỹ những bài thơ của thế hệ tiếp theo, những E. Eptusenco, A. Voznesensky và O.Berggoltz… Những câu thơ bốc lửa và tài hoa của các thi sĩ Nga hiện đại này đã kịp đến với các chàng lính vừa bước ra từ các trường trung học và đại học như một thứ hành trang tinh thần giàu có…

Tôi phải dành đôi lời về những bộ phim đầy hấp dẫn từng chiếm lĩnh màn ảnh Việt Nam suốt bao năm, với những hình ảnh Lênin ở điện Xmônưi, những chiến công của các anh lính Hồng quân trong chiến  tranh vệ quốc như “Chiến công anh tình báo”, “Đàn sếu bay qua”, “Bài ca người lính”… hay đến nỗi nhiều khi tôi cứ ước ao màn ảnh nhỏ hôm nay của chúng ta thỉnh thoảng hãy cho khán giả xem lại thì sướng quá…Và dĩ nhiên, cùng với phim ảnh, không thể thiếu những vở kịch được dàn dựng công phu với những diễn viên tài năng trên sân khấu của chúng ta, đó là những vở “Chuông đồng hồ điện Kremlin” và “Câu chuyện Iếccút”… một thời chiếm lĩnh sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội…

Thế đấy, dù chỉ cưỡi ngựa xem hoa, tôi vẫn cầm lòng không đậu, khi không thể không nhớ đến những bài hát Nga một thời đã hút hồn lớp trẻ ngày ấy, đã theo những người lính chúng tôi lên Trường Sơn, vào chiến trường miền Nam ác liệt… Nếu bạn nào đã đọc “Nhật ký ĐặngThùy Trâm” thì ắt còn nhớ, người con gái anh hùng-bác sĩ-liệt sĩ này, trong những ngày có mặt ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi, những năm gian lao, ác liệt nhất, chiều chiều, sau một ngày cật lực chạy chữa cho thương binh, chị lại ra đứng bên rừng, hát những bài hát Nga mà chị yêu thích và hát rất hay.

Vâng, tôi tin nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm đã hoàn toàn chính xác. Bởi vì, chính tôi đây, một người vào chiến trường Quảng Trị sau chị, vào cái năm ác liệt bậc nhất đó, cũng thường làm một việc y như chị Đặng Thùy Trâm. Ấy là, ngày đó tôi là lính thông tin có nhiệm vụ rải và bảo vệ đường dây ra mặt trận, cứ mỗi chiều hôm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về căn lán nhỏ tít trong rừng sâu, tôi lại ra đứng bên khe suối, nhìn về phía hoàng hôn đang xuống, mà hát liên miên hết bài hát này đến bài hát khác…. Và đó phần lớn là những bài hát Nga xuất hiện trong những năm chiến tranh và hậu chiến, hoặc những bài dân ca Nga vô cùng đáng yêu, như : “Cachiusa”, “Chiều hải cảng”, “Giờ này anh về đâu hỡi người chiến sĩ cùng binh đoàn”, “Cây thùy dương”, “Cây liễu”, “Đôi bờ”, “Chiều Matxcơva”….

Ôi, những ngày không thể quên…

Có lẽ với tấm lòng biết ơn những bài ca Nga đã đến và nâng đỡ tâm hồn chúng tôi trong những ngày chiến tranh ác liệt, tôi đã làm bài thơ “Một lần hát ca khúc Nga”, với những câu vô cùng tha thiết:

“Vừa mắc xong chiếc võng giữa rừng già

Bên một bờ suối dốc

Sau kẽ lá trăng thượng tuần mới mọc

Đêm dịu dàng như đêm trong dân ca…

Chợt thấy nhớ một tiếng đàn ghi ta

Đang hát về một bờ sông ẩm ướt

Cô nàng Cachiusa đi gánh nước

Bước lên từng bậc dốc cao cao…

Chúng tôi đã gặp cô ở đâu

Trong bài hát Nga đung đưa bím tóc

Bắp chân trần lấm đầy bùn đất

Đi qua sương sớm những bờ sông…

Đi qua cuộc chiến tranh này

Trong tất cả những gì còn lại

Có tiếng hát về một người con gái

Đã một lần theo chúng tôi tới Trường Sơn”.

Với mấy câu thơ giản dị này, tôi muốn nói rằng, với thế hệ chúng tôi, từ ngày hai nước Nga và Việt Nam chúng ta làm cuộc cách mạng mở sang trang sử mới, nhờ sự hỗ trợ của văn hóa, văn học nghệ thuật, cả một thế giới tâm hồn của nhân dân Nga đã ùa vào trong thế giới tâm hồn của những người Việt chúng ta. Không thể nói khác hơn.

ANH NGỌC