Nhận được thư mời tham dự buổi tọa đàm mang chủ đề “Đất và Con người” trong lòng Khánh hân hoan khó tả. Phải chăng vì anh đang có công trình nghiên cứu về những giải pháp cải tạo đất, đúng với sở trường của bản thân, hay lý do khác là buổi tọa đàm này được tổ chức tại tỉnh nhà.

Trên đường ra sân bay, Khánh trầm ngâm. Hai năm rồi, kể từ ngày rời quê, số lần anh trở lại đếm trên đầu ngón tay.

Năm đó, chẳng ai biết cậu sinh viên trạc hai mươi mấy tuổi đầu, sống mũi cao cao đang nghĩ gì mà lúc nào cũng đăm chiêu ngồi dưới sân trường, mắt cứ nhìn đâu đâu, khiến bao cô gái cùng lớp tò mò về cậu “boy trầm tính”. Anh chàng cứ ngồi lặng lẽ, kế bên mình là chồng sách về thiên nhiên, địa chất. Khánh không để ý đến những gì diễn ra xung quanh, dù chúng ngay sát bên anh. Một bàn tay gõ nhẹ vào vai Khánh, thì thầm:

- Này! Ông đang đọc gì vậy?

Đó thật sự là một giọng nói ngọt ngào, Khánh quay người lại rất nhanh, thoáng chốc hai gương mặt như sát gần nhau chỉ kém chừng vài cen-ti-mét thôi, có lẽ... như hai nam châm cùng cực, cả hai giật mình né xa tưởng bị điện giật. Khánh lúng túng:

 - Nè, bà làm gì mà khó coi quá vậy?

- Ngọc có làm gì đâu. Ai biểu ông quay người lại nhanh quá chi, làm tui cũng hết hồn.

Khi nãy để trêu Khánh, Ngọc dí sát vào tai chàng ta thỏ thẻ, sự phản ứng như tia chớp của Khánh làm Ngọc hơi choáng nhưng nhờ vậy, cô nhìn rõ hơn từng sắc thái của anh, chân mày muốn nhướng lên tới tóc, mắt mở to, miệng thì không thể khép lại được... nhìn tếu táo lắm! Ngọc rất muốn cười nhưng cố nhịn lại, vì sợ làm cho anh chàng bị “quê”. Ít giây ngường ngượng, cô nàng hỏi thêm:

- Sao Khánh không lên thư viện đọc cho yên tĩnh? Ở sân trường ồn lắm!

- Mình thích được ngồi như thế này hơn, thi thoảng được lắng nghe âm thanh xung quanh, không phải thú vị hơn sao? - Khánh không nhìn thẳng Ngọc mà nói.

Anh chàng nói không ngớt miệng, ngưng một chút không nghe thấy trả lời, anh ngước lên nhìn, lần này người làm ra bộ mặt ngạc nhiên là Ngọc. Cô đứng lặng, đôi mắt chớp chớp, một khoảng thinh lặng nữa lại kéo dài. Chút bối rối, Khánh hỏi:

- Chuyện gì mà Ngọc nhìn dữ vậy, mặt tui dính gì hả?

- À không, người ta đồn ông kiệm lời, tự nhiên nay Ngọc biết Khánh không ít nói lắm-Nàng cười lên nắc nẻ.

leftcenterrightdel
Tác giả Huỳnh Chí Thiện. 

Tiếng thông báo máy bay đã hạ cánh, các hành khách lục đục dọn hành lý chuẩn bị xuống phi trường. Khánh lúc này cũng vừa tỉnh giấc sau một giấc mơ, trang giấy còn mở trên tay anh là quyển kỷ yếu của lớp lúc chia tay. Khánh định bụng khi về lại sẽ gặp gỡ bạn cũ và xin chữ ký của mọi người xem như một cái cớ sum họp, nhìn lại một chút, hai dòng thơ anh vẫn luôn suy nghĩ lâu nay: “Người đi xa xứ đến bao năm?/ Kẻ ở bâng khuâng khéo lại chờ”.

Không đề tên người viết, hàng chữ viết tay rất đẹp. Phải chăng? Không đợi nghĩ nhiều vừa bước chân xuống, cái khí nóng hừng hực bốc lên. “Đúng là cảm giác này!”, Khánh tự cảm thán. Ai một lần đi xa, không về thăm quê nhà nhiều tháng, nhiều năm hẳn là sẽ nhớ lắm từng cơn gió, con đường. Riêng với Khánh, làm sao có thể quên được mùi của đất, thứ anh nặng nợ biết bao năm, cũng chính vì mùi đất thân thương nên anh quyết tâm học thật giỏi, phải biết thật nhiều về đất. Nhìn những cánh đồng nhuộm màu bạc phếch, loang lổ trắng xóa từng nơi, anh không nghĩ nó đẹp mắt chút nào. Vốn sinh ra và lớn lên ở miệt đồng bưng, nên từ nhỏ, anh sớm ra phụ giúp ba, mẹ ngoài đồng rẫy. Nhờ thế mà anh nhìn thấy từng giọt mồ hôi rơi trên trán ba sau những bữa trưa đổ lửa và giọt nước mắt âm thầm rơi của mẹ khi đếm từng xấp tiền mỏng tanh sau mùa lúa.

Thế nhưng điều khiến Khánh đau lòng hơn là khi anh nghe tiếng mẹ mình than thở: “Đất năm nay mặn quá!”. Câu nói ấy của mẹ anh đã ăn sâu vào trí nhớ của Khánh. Có lần anh hỏi ba mẹ:

- Con định học đại học bên ngành nào đó về bảo vệ cây trồng hay đất đai, được không ba mẹ?

Người đàn ông đưa đôi mắt màu nâu như mặt đất cằn cỗi nhìn Khánh, ánh mắt ấy không toát ra sự uy nghi mà hiền dịu trả lời:

- Tương lai của con, con còn phải hỏi ba mẹ sao? Học gì cũng được, miễn con làm người lương thiện.

Mẹ anh chỉ mỉm cười và gật gù tỏ vẻ đồng ý.

Khánh quay mặt đi không nói nữa. Sống mũi bỗng cay sè, lúc này không hiểu sao anh như muốn khóc. Từ đó, tủ sách Khánh ngày càng đầy thêm, la liệt từ bàn học đến đầu giường. Niềm mơ ước trở thành nhà nghiên cứu địa chất luôn hiện hữu trong tâm trí anh.

Phút chốc, Khánh làm rơi tập giấy, vung vãi đầy sân trường. May mà đây là nơi ít người qua lại, nếu không anh đã xấu hổ vì mình thả hồn lên mây.

- Đã làm trai thành thị rồi mà vẫn còn hậu đậu vậy sao Khánh?

Trái tim của Khánh như bị xốc lên, giọng nói quá quen thuộc với anh. Người mà có lẽ Khánh không thể quên buổi ở sân trường hôm ấy, cố giấu đi cảm xúc mừng rỡ của mình. Khánh cười:

- Cốt cách của tui vẫn là trai quê mà Ngọc.

Rồi cả hai nhìn nhau, không ai nói với ai điều gì. Để xóa đi không gian có chút ngượng ngùng cũng như đường đột, Khánh chủ động hỏi nửa đùa nửa thật:

- Tui chưa kịp nhắn đã đến nơi sao Ngọc biết, bộ bà rình tui hả?

- Xía! Còn lâu. Đừng tưởng chỉ có mấy người được báo cáo tọa đàm còn tui thì không nhé. - Như chạm trúng điều không phải, Ngọc cong môi lên cãi.

Nhìn vào mắt Khánh, đôi mắt màu nâu sáng ấy, Ngọc biết anh đang rất ngạc nhiên. Câu nói vừa rồi của Ngọc hàm ý trong chương trình tọa đàm mà Khánh được mời về cũng có cô tham dự. Ngày Khánh chia tay bạn bè cùng lớp để chuyển trường ra Hà Nội học tập, lại không biết Ngọc cũng bắt đầu quan tâm đến những vấn đề liên quan đến đất bị ngập mặn. Hai người tuy xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng dường như họ cùng nhau học tập, cùng nhau miệt mài với dự án nghiên cứu.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Bỗng nhiên, Ngọc lấy trong cặp ra một quyển sách đưa cho Khánh xem, nói:

- Khánh nhìn quyển sách này có quen không?

- Hình như nó là quyển sách mà ngày trước tui ngồi đọc dưới sân đúng không? - Khánh ngập ngừng hỏi lại.

- Đúng rồi! Sau hôm đó, tui đặt mua quyển này về đọc thử... thấy cũng hay hay. - Không nhìn vào Khánh mà Ngọc quay mặt đi.

Như có điều chưa hiểu, Khánh hỏi thêm:

- Sao không nói tui, tui cho mượn cũng được?

Ngọc quay lại, lần này Ngọc nhìn thẳng anh, nói dõng dạc:

- Không cần đâu, cái gì mình thích thì phải tự nắm bắt chứ. Phải không Khánh?

Hội trường rộng lớn, những hàng ghế kín chỗ của đại biểu dự và nhiều sinh viên, giảng viên cùng những người quan tâm đến đề tài nghiên cứu đất đai. Màn hình lớn hiển thị bài báo cáo của Khánh, từng slide hiện lên trong sự chăm chú của khán giả. Hội thảo được đánh giá là thành công với những vấn đề, nội dung có giá trị thực tiễn cao. Riêng hai bài báo cáo của Khánh và Ngọc nhận được những tràng vỗ tay, lời khen ngợi không ngớt. Xem ra đây là hai bài báo cáo ấn tượng không chỉ với thầy cô nhà trường mà còn với người đơn thuần có đam mê chủ đề “Đất và Con người” cũng thích thú. Cuối buổi, giữa những lời thăm hỏi của bạn bè, người quen, như có gì thôi thúc anh cố đưa mắt tìm xem Ngọc đang ở đâu, không biết cô ấy có bị kẹt giữa đám đông như mình không hay đã về rồi.

Nhiều lời mời đi ăn uống sau khi kết thúc tọa đàm từ thầy cô, bạn bè nhưng Khánh đều từ chối khéo tất cả, bảo rằng gia đình còn đang đợi về ăn cơm vì mình đã thông báo trước đó rồi. Thực ra, Khánh vẫn còn muốn làm rõ một điều. “Dòng thơ ấy? Phải của em không?”, chàng ta chạy như một mũi tên vừa rời cung. Anh đang tìm gì? Đang nghĩ gì? Không ai biết được. Cứ vòng quanh sân trường, anh chỉ dừng lại khi thấy bóng người dưới cây phượng đang bung nở màu hoa đỏ thắm. Màu áo trắng người con gái ấy đang mặc thật hài hòa với không gian ngay lúc này. Trái tim của Khánh lại một lần xốn xang trong lồng ngực. Thấy Khánh, Ngọc hỏi:

- Tui tưởng Khánh đã đi về lâu rồi chứ?

- Tui cũng tưởng Ngọc về trước tui lâu rồi mới phải? - Khánh tinh nghịch hỏi lại.

Ngọc cúi mặt không nói, vẻ ngượng ngùng. Khánh tính sẽ đùa thêm mấy câu nhưng sợ rằng lâu ngày không gặp lại mà trêu chọc như thế có khi sẽ bị giận. Anh đằng hắng giọng nghiêm túc, lấy trong cặp ra quyển kỷ yếu. Anh lật đúng trang không có người ghi tên đưa ra trước Ngọc, hỏi:

- Dòng thơ này có phải của Ngọc viết không? - Khánh hồi hộp đợi câu trả lời.

-  Nếu tui trả lời không thì sao? - Ngọc hỏi lại khiến Khánh chưng hửng.

- Thật ra tui không nghĩ ai khác ngoài Ngọc vì nét chữ này... không thể sai được, hơn hết nếu loại trừ ra thì chỉ còn Ngọc mà thôi.

- Vậy Khánh muốn biết để làm gì? - Một câu hỏi khác Ngọc đặt ra.

Ấp úng một lúc, anh mới nói:

- Tui có điền tiếp nối hai câu sau cho vẹn ở trang sau và... muốn Ngọc xem.

Khánh chìa quyển kỷ yếu, Ngọc đón nhận bằng sự hồi hộp và hoài nghi. Nàng liếc mắt, rõ ràng chữ viết của anh chàng rất đều, nối tiếp sau hai câu thơ: “Người đi xa xứ đến bao năm?/ Kẻ ở bâng khuâng khéo lại chờ” là “Quê nhà nặng nghĩa sao nỡ bỏ/ Tìm về người cũ thỏa nhớ mong”.

Một phút. Hai phút. Ba phút trôi qua.

Điều khiến Ngọc đứng lặng vì hiểu cảm xúc người làm chứ không hẳn vì lời thơ xuất sắc nhưng cô không thể nói thành tiếng lúc này.

Khánh nắm tay Ngọc, ánh mắt tràn đầy hy vọng.

- Ngọc à, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục nghiên cứu để quê hương này xanh tươi hơn... Em có sẵn lòng cùng anh đi hết quãng đường phía trước không?

 Ngọc lặng người, rồi mỉm cười. Cánh phượng theo gió bay xa, đáp xuống cánh đồng nứt nẻ, nhưng dường như một mùa xanh mới đang chờ phía trước...

Truyện ngắn của HUỲNH CHÍ THIỆN