“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Thuở ấu thơ, khi nghe những người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng quê nhà đọc câu ca dao ấy, trong đầu óc non nớt của mình, tôi chỉ có thể luận ra rằng lúa “phất cờ” là nhờ những cơn mưa rào mát mẻ, mang đến cho đồng đất ăm ắp nước sau bao tháng chờ mưa; hoặc được nghe ông bà, cha mẹ giải thích một cách nôm na: Mưa rào đầu hạ giúp bổ sung đạm cho cây lúa thêm xanh tốt. Sau này, với thông tin tràn ngập trên internet, kiến thức được phổ cập, lan tỏa và câu ca dao ấy được giải thích rõ nghĩa hơn, đó là mưa rào kèm theo sấm sét dẫn đến sự phản ứng giữa một số nguyên tố hóa học, từ đó tạo ra hợp chất có lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển...
Lại nói về những cơn mưa rào mùa cũ. Trong những năm tháng khó khăn của thập niên 1970-1980, ở nhiều vùng quê, nước mưa là món quà trời ban, trở thành nguồn nước ăn chủ yếu trong đời sống của người dân. Khi bể nước mưa đã vơi, mực chum nước mưa đã tụt đi phân nửa, người quê mới bổ sung bằng nước gánh ở giếng làng-thứ nước tuy dồi dào đấy nhưng không thể trong, sạch và ngọt như nước của trời.
Ngày ấy, khi cơn dông đầu hạ kéo mây đen vần vũ phía đồng xa, khi những tiếng sấm nhặt khoan đì đùng vọng lại thì cũng là lúc những máng nước được tạo từ thân cau già đã được mẹ tôi mang ra lau chùi xong và lắp ngay ngắn, thẳng thớm dọc chân mái ngói phía trước hiên nhà. Sau sấm sét là mưa. Mưa đầu mùa xối xả. Mưa gột rửa mái ngói bụi bặm, rêu mốc đã mấy mùa, mang nước lẫn tạp chất chảy theo máng đổ thành dòng xuống phía đầu hồi. Mưa lênh láng khắp sân, thấm đẫm đất vườn, làm dậy lên cái mùi hăng hăng rất đặc trưng. Đến tận bây giờ, đôi khi tôi vẫn bắt gặp cái mùi thân thuộc ấy trong mỗi trận mưa sau những ngày đất đai khô khát. Khi trận mưa đầu mùa ngớt, mẹ tôi mới hì hục nối máng dẫn vào miệng bể chứa, khấp khởi trông chờ những giọt nước mát lành.
Nô đùa dưới cơn mưa, đuổi theo bong bóng nước phập phồng, dập dềnh nổi trôi khắp mặt sân cũng là thú vui của lũ trẻ thôn quê ngày ấy. Mẹ đi làm đồng về, quần áo đẫm nước mưa, bắp chân còn lấm lem bùn đất, lắc đầu lo lắng khi thấy những đứa con mải dầm mưa nhưng vẫn không quên nhắc chúng tôi ngửa cổ lên trời để uống vài ngụm nước. Mẹ bảo, kinh nghiệm dân gian được các cụ truyền lại như vậy, uống một vài ngụm nước mưa sẽ giúp người dính nước mưa không bị ốm.
Giờ đây, những trận mưa lại trở thành nỗi lo của người phố thị, bởi mưa có thể làm đường phố nhiều nơi ngập nước, người dân phải ống thấp ống cao bì bõm lội; ô tô, xe máy la liệt nằm đường; nhiều nhà còn phải cuống cuồng be bờ, tát nước trong nhà ra phố... Mưa mùa hạ mang theo sấm sét vang trời, khiến không ít đứa trẻ lớn lên giữa bốn bức tường nhà phố co rúm người sợ hãi. Bởi thế, với nhiều người ở phố, mưa dường như không còn là niềm mong đợi, dẫu đôi lúc người ta chép miệng rằng “giá có một trận mưa” khi những ngày oi nóng kéo dài.
Ở nhiều vùng thôn quê, bể chứa nước mưa đã bị nhiều gia đình đập bỏ. Một số nhà giữ lại hình như cũng chỉ để làm kỷ niệm, bởi nước máy đã về đến tận đầu nhà, song nỗi “khát mưa” thì vẫn cứ vẹn nguyên. Dường như đó là cái khao khát truyền đời. Khát khao mưa xuống cho lúa “phất cờ”, cho cây trái sinh sôi; mưa về để gột rửa đất trời thêm tinh khôi, trong trẻo. Và giữa những cơn mưa rào mùa hạ, trong lòng người quê lại dậy niềm nhung nhớ một mùa mưa cũ, nôn nao mong chờ người đang phiêu bạt phương xa...
Tản văn của PHẠM HOÀNG HÀ